"một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng
thể nào cầm quyền được. Họ có thể cầm trong tay kỷ luật, họ có thể chi phối an
ninh trật tự, nhưng họ không thể quản trị."
Đức Thánh Cha
Phanxicô đã lấy cảm hứng từ thư của Thánh Phaolô gửi Timôthê để nói về trách
nhiệm của nhà cầm quyền lãnh đạo và lời mời gọi tín hữu cầu nguyện cho họ.
Đài phát thanh
Vatican dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Những nhà cầm quyền "phải
yêu thương người dân của họ" bởi vì "một lãnh đạo mà không yêu thương
dân thì chẳng thể nào cầm quyền được. Họ có thể cầm trong tay kỷ luật, họ có thể
chi phối an ninh trật tự, nhưng họ không thể quản trị."
Ví dụ như vua
David, "ông rất yêu thương dân của mình", mặc dù ông lỗi phạm rất nhiều
nhưng ông vẫn cầu xin Chúa đừng trừng phạt người dân mà hãy trừng phạt ông. Vì
thế, hai nhân đức của một nhà lãnh đạo là biết yêu thương người dân và có sự
khiêm nhường.
"Bạn không
thể cầm quyền mà không yêu thương người dân và không có sự khiêm nhường. Mỗi
người lãnh đạo phải tự hỏi chính mình hai câu hỏi: "Tôi có yêu thương người
dân để tôi phục vụ họ tốt hơn không? Tôi có khiêm nhường và lắng nghe tất cả ý
những kiến khác nhau của mọi người để chọn ra phương cách tốt nhất không? Nếu bạn
không đặt ra được những câu hỏi như vậy, việc lãnh đạo của bạn sẽ không được tốt
đẹp hơn là những ai biết yêu thương người dân của họ".
Từ một góc độ
khác, Thánh Phaolô cũng khuyên người dân cần có những lời cầu nguyện dành cho
nhà lãnh đạo, để họ có thể có một cuộc sống yên tĩnh và thanh bình. Người dân
không thể không quan tâm đến chính trị. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng
"Tôi không có gì để làm trong lĩnh vực này, họ đã quản lý hết rồi..."
Trái lại, "tôi phải có trách nhiệm trong việc quản trị của họ, và tôi phải
làm những điều tốt nhất để họ quản trị cho thật tốt nhất. Tôi phải làm hết sức
mình bằng cách tham gia vào chính trị bằng khả năng của tôi." Theo Học
thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo thì chính trị là một trong những hình thức
cao nhất của bác ái, vì nó phục vụ lợi ích chung. "Tôi làm sao có thể vô
trách nhiệm phải không nào? Tất cả chúng ta phải chung tay đóng góp một cái gì
đó!"
Thật sai lầm khi
nghĩ rằng: "Người Công Giáo tốt là người không can thiệp vào chính trị".
Đó không phải là một hướng đi tốt. Một người Công Giáo tốt là người biết tham
gia vào chính trị, đóng góp những điều tốt nhất của mình cho việc quản trị của
nhà lãnh đạo. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện thế nào cho nhà lãnh đạo? Hãy làm
theo những gì Thánh Phaolô nói: "Hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, và
cho vương quyền và cho tất cả những ai cầm quyền".
"Nhưng thưa
cha, những người đó là kẻ xấu xa, đáng phải xuống hỏa ngục..." - "Vậy
hãy cầu nguyện cho họ để họ có thể cầm quyền tốt, họ có thể yêu thương người
dân, họ có thể phục vụ người dân và họ có thể khiêm tốn hơn. Một Kitô hữu không
cầu nguyện cho nhà lãnh đạo thì không phải là một Kitô hữu tốt!"
"Nhưng thưa
cha, làm sao con cầu nguyện cho những người đó, những người không tốt được..."
- "Hãy cầu nguyện để những người đó có thể hối cải!"
Đức Thánh Cha kết
luận, "chúng ta đóng góp ý tưởng, kiến nghị là điều rất tốt, nhưng trên tất
cả là lời cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta
để họ có thể quản trị tốt, để họ có thể dẫn đưa quê hương của chúng ta, đất nước
của chúng ta và thậm chí là cả thế giới của chúng ta tiến về phía trước, vì lợi
ích của hòa bình và công ích". (Theo AsiaNews)
Tiền Hô