Chầu Thánh Thể cntn 25c _ sự khôn ngoan nước trời


SỰ KHÔN NGOAN NƯỚC TRỜI
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Đứng trước thực tế phải gặp nhiều gian nan vất vả trong đời, nhiều người nói “đời là bể khổ”, và tìm mọi cách để bớt khổ, và tìm hạnh phúc. Trong lúc người ta còn lúng túng, chẳng biết đi lối nào cho thoát mọi khốn cực thì Chúa Giêsu xuất hiện và loan báo: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." (Ga 8,12)
Đây đúng là tin mừng mà ai cũng mong ước, tin mừng về ơn cứu độ, về hạnh phúc thật! Thế nhưng điều kiện Chúa ra cho ai muốn theo Chúa lại làm mọi người ngỡ ngàng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 8,23-24).
Chọn điều này phải bỏ điều kia là chuyện thường gặp, cái khó là biết được đâu là điều để chọn, đâu là điều phải bỏ.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 16,1-13)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: 'Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!' Người quản gia liền nghĩ bụng: 'Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!'
"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: 'Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu ô-liu.' Anh ta bảo: 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.' Rồi anh ta hỏi người khác: 'Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?' Người ấy đáp: 'Một ngàn giạ lúa.' Anh ta bảo: 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.'
"Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
"Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
"Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Ông chủ trong câu chuyện ngụ ngôn trên đã “khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.” Tại sao vậy?
Tất nhiên Chúa Giêsu không đưa anh quản gia đó ra để biện minh cho bất cứ một hành vi bất lương nào, hay để làm kiểu mẫu dạy chúng ta biết cách lừa gạt người khác. Lời khen của ông chủ được Chúa đưa ra chỉ nhằm cho thấy sự khôn khéo của người thế làm mọi cách để tìm điều tốt hơn, qua đó Chúa muốn chúng ta biết tìm điều tốt hơn cho chính mình với bao ân sủng Chúa ban mà chúng ta đang quản lý.
Vâng, với hình ảnh người quản lý, điều Chúa muốn nhấn mạnh trước hết là mọi ân sủng Chúa ban và ngay cả sự hiện diện của chúng ta đều chẳng phải là của chúng ta. Tất cả vẫn tùy thuộc vào Chúa. Chúa mới là ông chủ tuyệt đối, chúng ta chỉ là người quản lý. Dù có rất nhiều điều chúng ta tưởng là của mình, chúng vẫn là ơn Chúa ban, như thời gian, sức khỏe, trí khôn,... nhất là trong chuyện tiền của. Ta rất dễ bị cám dỗ coi tiền của là của mình, phải là cỉa mình, vì để có được như vậy ta đã phải nhiều vất vả, nhiều tính toán, nhiều dè sẻn....
Đúng là tay mình làm ra tiền của, nhưng tiền của tay mình làm ra lại có thể trở nên điều gây nguy hiểm cho đời sống tâm linh. Trước hết vì nó quyến rũ chúng ta quên đi sự sống đời đời, không muốn nhắc đến đời sau lúc mà tất cả những gì chúng ta đang có đây sẽ không còn nữa; sau là người có nhiều tài sản thích đồng hóa sở hữu với hiện hữu, vô tình làm cho cuộc sống mình không còn ý nghĩa, giá trị nào khác ngoài những gì mình có; và điều làm cho tiền của trở nên nguy hiểm nhiều nhất là vì bà con rất gần của nó là tính kiêu ngạo. Cha ông chúng ta đã nói, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là vì thế.
Chúa không bảo tiền của là xấu, nhưng Chúa lại dạy đời sống khó nghèo đi đôi với khiêm nhường mới là con đường dẫn vào hạnh phúc thật và sự sống đời đời.
Đây thực là một điều khó hiểu và khó chấp nhận với suy nghĩ thế tục, nhưng ai tin và sống như thế thì sẽ hiểu: Chúa Giêsu “hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10,21)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Ngày xưa, khi có người xin theo Chúa, Chúa đã giới thiệu đời sống nghèo khó là con đường Chúa đi: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Lc 9,58)
Hôm nay, ở đây, trong phép Thánh Thể, Chúa đến gần và ở với chúng con trong cung cách của một người nghèo.
Vâng, chính Chúa là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8,9)
Sự hiện diện nghèo khó và khiêm hạ của Chúa trong phép Thánh Thể cho chúng con thấy một cách rõ ràng và hoàn hảo về sự giàu có của Nước Trời, sự giàu có Chúa đưa ra để giới thiệu cho những ai muốn theo Chúa, sự giàu có của những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa là Đấng làm chủ cả trời đất này, mà họ gọi là Cha, và sống hết mình với mọi người mà họ gọi là anh em. Đó là con đường mang lại sự giàu sang của Nước Trời, con đường khôn ngoan đưa chúng con đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa, khi tìm kiếm cho mình một chỗ dựa nơi tiền của, chúng con quên đi tính bất tất của loài thụ tạo, quên rắng “kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16)
Quên đi tính bất tất của loài thụ tạo, chúng con dễ bị lôi cuốn vào lối sống bất công và coi thường đồng loại, coi những thủ đoạn gian xảo là khôn ngoan, thích “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;... làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ... lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán." (Am 8, 5-6)
Chúa điều khiển đất trời theo lẽ công minh: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,7) Thế nhưng khi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, chúng con dễ quên mất chúng con là thụ tạo hèn mọn, quên mất lời cảnh báo vì yêu thương của Chúa, quên rằng chúng con phải cậy dựa vào tình yêu của Chúa để có được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.  
Lạy Chúa, xin soi sáng lòng trí để chúng con nhận biết sự giàu có thực sự chúng con phải tìm kiếm là sự giàu có của người đặt hết niềm tin vào Chúa, sống tình bác ái, thương giúp mọi người, “tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.”
“Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” (Tv 103, 13). Xin cho chúng con nhớ bản chất hèn mọn của mình mà đặt trọn niềm tin vào Chúa để được hân hoan vui mừng hưởng trọn vẹn tình yêu Chúa: “kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.” (Tv 112,7-8)
Sống như thế, khi ngày đã qua, khi đời đã hết, chúng con không phải đau đớn thấy sự quay mặt lạnh lùng của tiền của mà chúng con vất vả tìm kiếm, mà hân hoan thấy những người chúng con đã tận tình giúp đỡ hôm xưa trên dương thế, nay “khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước chúng con vào nơi ở vĩnh cửu,” và cùng với mọi người, chúng con được ở gần Chúa, “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.”
Hát: “Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài…”

Lm. HK