NGƯỜI ĐI
LÊN GIÊRUSALEM
Đức Kitô
cương quyết đi lên Giêrusalem, con đường duy nhất của ơn cứu độ. Tôi có một cuộc
đời duy nhất. Không được đi lạc!
Năm
312, hoàng đế trẻ tuổi Constantinus dẫn quân sĩ tiến qua dãy Alpes về La mã,
dành quyền cai trị thủ đô đế quốc từ tay Maxentius, con trai của Maximian, một
bạo chúa trong tứ đầu chế La mã.
Khi
quân của Constantinus đến cầu Milvian, sông Tiber, có rất đông quân lính của
Maxentius đổ ra chặn lại. Theo lời kể của sử gia Eusebius, trước trận chiến ‘cầu
Milvian’ nổi tiếng, trong một thị kiến Constantinus trông thấy “một thập giá rực
sáng trên bầu trời” với dòng chữ “in hoc signo vinces” (với dấu hiệu này ngươi
sẽ thắng). Thoạt thiên, ông chẳng hiểu gì, nhưng trong giấc mơ đêm đó Đức Kitô
đã giải thích cho ông biết phải dùng dấu hiệu đó để chiến thắng địch thù.
Trước
khi lâm trận sáng hôm sau, Constantinus ra lệnh cho quân sĩ sơn dấu hiệu thập
giá và hai chữ XP (hai mẫu tự đầu của chữ Kitô theo tiếng Hy lạp) lên quân kỳ,
mũ chiến và võ khí của quân đội.
Hai
bên lâm trận và Constantinus đã chiến thắng, thống nhất đế quốc La mã và chấm dứt
các cuộc bắt đạo đối với người Kitô hữu.
Thật
là đáng ngạc nhiên và đầy nghịch lý khi thập giá, dấu hiệu của mức hình phạt
cao nhất trong hình pháp La mã, lại trở nên dấu hiệu của quân đội, sức mạnh và
niềm tự hào của dân La mã.
Còn
trong đời thường, dấu hiệu thập giá của Đức Kitô luôn đặt các Kitô hữu trước những
đòi hỏi đầy nghịch lý Đức Kitô đặt ra cho những ai tin theo Ngài: Với các tín hữu,
Chúa là cứu cánh sau hết, là hạnh phúc họ kiếm tìm, là sức mạnh của họ: “Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của
tôi, chính Ngài nắm giữ vận mạng của tôi.” (Tv 16, 5)
Thế
nhưng chính điều họ tìm kiếm và cách thức kiếm tìm lại luôn hàm chứa nhiều điều
không thể hiểu, hoặc không thể chấp nhận được với sự hiểu biết của người trần
gian:
Trong
Phúc âm Luca, “hành trình lên Giêrusalem”
mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó trình bày sứ vụ đầy thử thách của Đức Kitô như việc
lập lại và đưa các chọn lựa ban đầu trong sa mạc đến đỉnh cao, kết thúc bằng việc
chịu đau khổ, chịu chết và sống lại, như chọn lựa sinh hoa trái ban sự sống
trong mầu nhiệm cứu độ: “vì gần tới thời
gian Chúa phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”
(Lc 9, 51)
Chọn
lựa của Đức Kitô không phải là chọn lựa được mọi người ưa thích, vì cái tôi
luôn có thể len lỏi vào những việc thờ phượng tinh ròng nhất: “người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi
lên Giêru-salem.” Cái tôi trong việc thờ tự của người Samaria cho thấy ngay
cả các môn đệ của Chúa cũng không khỏi bị cám dỗ tôn thờ “Chúa-của-mình”: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi
trời xuống thiêu hủy chúng không?” Bởi đó, không phải cứ “lạy Chúa” mà đã
đi đúng đường cả đâu, như Chúa Giêsu đã cảnh báo các tông đồ: “Các con không biết thần trí nào xúi giục
các con.” (Lc 9, 53-55)
Cái
tôi ‘trần tục’ là chướng ngại vật đầu tiên và lớn nhất mà ai muốn ‘lên
Giêrusalem’ với Chúa Giêsu đều phải vượt qua. Không có chuyện đưa các điều thiện
hảo trần gian ra để trả giá hay so đo tính toán. Với người đầu tiên xin đi
theo, Chúa đã trả lời: “Con chồn có hang,
chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu.”
Chúa
là tình yêu, yêu thương là sự sống của Chúa. Do đó, với người được Chúa gọi,
tình yêu Chúa lôi kéo người đó ra khỏi các ràng buộc thông thường để chia sẻ
tình yêu Chúa và sống một đức mến trọn hảo: “Hãy
để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa.” Lời dạy
thật độc tài! Nhưng phân định và chọn lựa sự sống không phải là việc ‘sao cũng
được’: “Vì gặp được Ta là gặp sự sống, và
hưởng ân lộc Đức Chúa ban cho. Còn ai phạm đến Ta là làm hại chính mình, mọi kẻ
ghét Ta là yêu cái chết.” (Cn 8,35-36)
Cũng
như chính sự sống, tin theo Đức Kitô là một chọn lựa quyết liệt. Êlisê đang cày
ruộng mà đã quyết định theo Chúa thì bắt bò làm thịt và bổ cày làm củi nấu. Đức
Kitô dạy: “Ai đã tra tay vào cày mà còn
ngoái lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”
Năm
1965, ông Salomon Vides từ giã làng quê tại El Salvador để đi tìm việc làm.
Ngày nọ, trên đường đi, ông bị kẹt giữa hai lằn đạn giao tranh giữa quân đội El
Salvador và Honduras. Bị người Honduras đuổi giết, ông phải trốn giữa rừng sâu
và hoàn toàn lạc đường.
Tháng
9.2001, đã 72 tuổi, ông cố lần ra ngoài dù vẫn nghĩ là còn chiến tranh: “Tôi không muốn chết ở đó mà không gặp một
linh mục trước, tôi không muốn sống những ngày cuối cùng một mình.”
Đức
Kitô cương quyết đi lên Giêrusalem, con đường duy nhất của ơn cứu độ. Tôi có một
cuộc đời duy nhất. Không được đi lạc!
Lm.
HK