I.
Giáo Huấn Phúc Âm:
Phêrô tuyên tín “Thầy
là Đức Kitô của Thiên Chúa”.
Thân phận của Đức Kitô
là chịu nhiều đau khổ, bị ghét bỏ, bị giết chết nhưng rồi sẽ phục sinh vinh hiển.
Theo Chúa là làm như Chúa làm: từ bỏ chính mình và vác
thánh giá theo Chúa.
II.
Vấn nạn Phúc Âm
Sự khác biệt giữa các
tường thuật liên quan đến việc Phêrô tuyên tín.
-
Phúc Âm Luca 9, 18-21
hôm nay tường thuật: Hôm ấy Chúa cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó. Chúa đã chất vấn dư luận
dân chúng về mình. Phêrô tuyên tín: Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa.
-
Phúc Âm Marcô 8, 27-30
tường thuật: Trên đường đi về một làng gần thành Cêsarêa Phillipphê , Chúa hỏi
các tông đồ cho biết dư luận bàn tán về Chúa như thế nào. Phêrô tuyên tín, “Thầy
là Đấng Messia”
-
Phúc Âm Matthêô 16,
13-20 tường thuật: Chúa Giêsu đến lãnh thổ gần Cêsarêa Phillipphê và hỏi các
môn đệ mình về dư luận dân chúng nói Chúa là ai. Phêrô tuyên tín “Thầy là Đấng
Messia, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ngay sau đó, Chúa xác nhận là chính Thiên
Chúa Cha đã soi sáng cho Phêrô biết nói như vậy. Chúa đã trao chìa khoá nước trời
và quyền cầm buộc cho Phêrô ngay lúc đó.
Thầy là Đức Kitô của
Thiên Chúa.
Thầy là Đấng Messia.
Thầy là Đấng messia,
Con Thiên Chúa hằng sống.
Cũng từ miệng Phêrô
nhưng ba lời tuyên tín có sự khác biệt.
Tên gọi Kitô, dịch từ
Christos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là Đấng được xức dầu. Trong tiếng Do Thái
từ Kitô được dịch là Masiah, chúng ta quen gọi là Đấng Messia, cũng cùng nghĩa
là “Đấng được xức dầu”
Kitô không phải là tên
họ của Chúa Giêsu mà là tước vị của người mang tên là Giêsu. Nên chúng ta thường
hay gọi Chúa Giêsu Kitô hay Chúa Giêsu Đấng được xức dầu.
Nên khi Phêrô tuyên
tín: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa hay Thầy là Đấng Messia đếu có cùng ý
nghĩa: Thầy là Thiên Chúa. Phúc Âm Matthêô thêm: Thầy là Đấng Messia, Con Thiên
Chúa hằng sống. Matthêô làm trọn vẹn lời
tuyên tín của Phêrô hơn: Giêsu thành Nazaret là Đấng được xức dầu, là Thiên
Chúa và là Con Thiên Chúa hằng sống.
Matthêô viết Phúc Âm
cho người Do Thái chính gốc, nên Ông muốn dùng miệng của Phêrô để tuyên bố công
khai rằng: Người mang tên Giêsu, con Bác Thợ Mộc Giuse và bà Maria làng Nazarét
là Con Thiên Chúa xuống làm người và ở giữa chúng ta. Người Do Thái luôn mong đợi
Đấng Cứu Thế, nhưng không thể chấp nhận anh thanh niên Giêsu nầy là Kitô hay
Messia. Trong phiên toà xử đêm Tối Thứ Năm, Thượng Tế Caipha đã xé áo mình ra
và tuyên bố là: Giêsu đáng chết vì phạm thượng, dám tự nhận mình là Con Thiên
Chúa. Tội nầy là đáng chết rồi, không cần thêm chứng cớ nào khác!
Kết luận: Lời tuyên tín
cùng đến từ miệng Phêrô, cùng một ý nghĩa nhằm tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng được
xức dầu, là Thiên Chúa. Nhưng Matthêô đã nhấn mạnh hơn khi thêm “Con Thiên Chúa
Hằng sống!” nhằm xác định với người Do Thái về việc Thiên Chúa sinh làm người.
Lời tuyên xưng nầy chỉ có thể đến từ Trời cao, từ Thiên Chúa. Chính vì thế, Phêrô
thành người giữ chìa khoá Nước Trời để nhận những ai biết tuyên xưng rằng:
Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa hằng sống như Ông tuyên xưng hôm nay.
Con Người phải chịu
nhiều đau khổ, bị khai trừ, bị giết chết và phục sinh vinh quang.
Những đau khổ cùng cực
của Chúa Giêsu trong 24 giờ cuối đời: Bữa tiệc ly và âm mưu phản Thầy của
Giuđa. Mồ hôi mướt máu trong vườn cây dầu, bị bắt, bị xét xử như tên tội phạm,
bị lăng nhục, bị dân chúng la ó đòi giết chết, bị môn đệ bỏ rơi và chối bỏ, bị
đánh dòn, bị vác thánh giá và bị giết chết trên thánh giá.
Đây là những đau khổ thấy được hay nói khác
hơn nó xảy ra sờ sờ trước mắt người đương thời và còn ghi lại rõ ràng trong các
Phúc Âm và sách sử ngoài đời. Tuy nhiên có nhiều đau khổ mà Chúa phải âm thầm
chịu đựng. Có lần Chúa ngồi buồn nhìn thành thánh tráng lệ và tương lai sẽ bị
phá sập. Chúa đã khóc thương cho Giêrusalem cứng cổ, không để Chúa qui tụ trong
bóng cánh cứu độ của Ngài. Có lần Chúa buồn vì dân chúng bỏ đi sau khi phép lạ
hoá bánh ra nhiều và tuyên bố “Thịt Ta là của ăn và máu Ta là của uồng” Nguời ta rút lui dần, các môn đệ cũng vậy, đến
nỗi Chúa phải hỏi họ: Còn các con, chắc cũng định bỏ đi? Nhưng Phêrô đã nhanh
miệng an ủi: Bỏ Thầy con biết theo ai?
Từ trên Thánh Giá, Chúa
đã nhìn thấy gì? Gươm giáo và bỏ rơi, kẻ thù nhiều vô kể. Bạn bè, môn đệ đôi ba
người. Còn cảnh nào khổ cho bằng cảnh bị bỏ rơi?
Con Người phải chịu nhiều
đau khổ:
NHIỀU có nghĩa là những gì có thể đếm và những gì không
có thể kể ra.
NHIỀU có nghĩa là những gì thấy và cả những gì không thấy.
NHIỀU có nghĩa không chỉ vào cuối đời nhưng là SUỐT ĐỜI.
NHIỀU có nghĩa bị nhiều người khai trừ, ruồng bỏ và nhiều
lần.
NHIỀU có nghĩa là nặng nề, trầm trọng và gây ra cái chết.
Chúng ta thường nói:
Chúa chết trên Thánh Giá để cứu chúng ta. Điều nầy không sai, nhưng chưa đủ: Cứu
chuộc là một chuỗi những hành động cứu độ: Sinh ra làm người – chịu nhiều đau
khổ - Bị giết chết và Phục sinh Vinh quang và lên Trời vinh hiển. Đó là toàn bộ
bức vẽ của ơn cứu độ mà Chúa thực hiện cho con người.
Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
Nói khác đi, Chúa có thể
nói như thế nầy: Ai muốn theo tôi, thì hãy sống như tôi sống, làm những gì tôi
đã làm, nói những gì tôi đã nói, đau khổ như tôi đã đau khổ, chết như tôi chết
và sống lại như tôi đã sống lại.
Chúng ta là những người
theo Chúa. Người ta cũng hay nói chúng ta là những Kitô khác. Tức chúng ta được
kêu gọi thành một bản photo copy của Chúa Kitô. Không ai thấy Chúa cả, nhưng
làm sao để người ta thấy chúng ta và nhận ra Chúa. Tiếng bây giờ gọi là chứng
nhân.
Từ bỏ chính mình và vác thập giá.
Người ta thích cắt
nghĩa dài dòng thế nào là từ bỏ chính mình và vác thập giá. Một cách hết sức
đơn giản: Bỏ cái mình thích và nhận lấy cái mình không thích. Chúng ta có thể
liệt kê hàng trăm thứ mình thích: thích ăn, thích ngủ, thích tiền, thích tình,
thích lè phè vô trách nhiệm…. Xin từ bỏ. Chúng ta có thể liệt kê hàng trăm thứ
mình không thích: không thích làm việc nghiêm túc, không thích vâng lời hay lắng
nghe, không thích bị lăng nhục, chê cười hay chỉ trích…. Xin nhận lấy.
Nhiều người cho rằng:
Phi lý, ai đời lại bỏ cái mình thích và nhận lấy cái mình không thích. Nhưng đó
là luật của Phúc Âm và là luật của Thánh Giá. Phúc Âm tức lời giảng của Chúa nhằm
mang ơn phúc cho con người. Chúa đã giảng: Yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ
ghét các ngươi. Chúa đã giảng: Không ai yêu người khác cho bằng dám chết cho
người mình yêu. Chúa đã giảng rằng: Sắp dâng của lễ mà nhớ có gây bất hoà với
người khác. Hãy bỏ đó, đi làm hoà trước rồi đến dâng của lễ sau. Chúa đã giảng:
Thời giờ đã điểm và Nước Thiên Chúa đã gần. Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm!
Chúa đã giảng về chuyện Ông Phú hộ giàu có ăn uống linh đình thừa mứa, còn
Ladarô nghèo khổ, chực chờ những mẫu bánh vụn rơi từ bàn ăn mà không có… Đó
là Phúc Âm. Phúc Âm là những nghịch thường nhưng là Lời mang ân phúc.
Chúa đã nói: Tớ không
hơn chủ! Trò không qua thầy! Chúa là Chủ và là Thầy mà còn phải từ bỏ chính
mình, chịu nhiều đau khổ, bị thù ghét, lăng nhục và bị giết thì làm sao chúng
ta có thể làm khác hơn qui luật Phúc Âm và qui luật của Thánh Giá nầy?
III.
Thực hành Phúc Âm:
1)
Tuyên tín: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Thầy là Đấng
được xức dầu.
Tuyên tín, tức tuyên
xưng những điều mình tin. Chúng ta phải tin những gì?
Tin những gì Chúa dạy
và Hội Thánh truyền?
Điều Chúa dạy và Giáo Hội
truyền chúng ta tin, gọi là tín điều.
Tất cả tín điều gói gọn
trong Kinh Tin Kính.
Khi nói tín điều, tức
điều mình tin, rất khác biệt với điều mình hiểu. Tín điều là đối tượng của đức
tin chứ không của trí tuệ. Nên hiều rõ hay đã chứng kiến tận mắt thì không cần
tin. “Tôi tin” có nghĩa tôi không hiểu và không thấy.
Trong Kinh Tin Kính của
các tông đồ dạy chúng ta tuyên xưng: Tôi tin Hội Thánh Công Giáo. Hội Thánh Công Giáo là Hội Thánh nào? Thưa là
Hội Thánh do chính Chúa thiết lập trên nền tảng các thánh Tông Đồ và trao quyền
lãnh đạo cũng như cầm giữ cho Phêrô, đại diện cho các tông đồ thời bấy giờ. Từ
đó, Giáo Hội được gọi là Thánh thiện và tông truyền.
Nhưng các tông đồ truyền
tới đâu và ai gọi là thực sự kế vị tông đồ và lãnh trách nhiệm cầm chìa khoá nước
trời và quyền cầm buộc nầy? Tín điều về Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: Giáo
Hoàng kế vị Thánh Phêrô chăm sóc Giáo Hội Công Giáo toàn thế giới. Các Giám Mục
kế vị các Thánh Tông đồ chăm sóc một phần dân Chúa gọi là địa phận.
Mấy tháng nay người
Công Giáo và cả thế giới hướng về Vatican để chiêm ngưỡng một tân Giáo Hoàng, Đức
Thánh Cha Phanxiô thứ I. Người ta ngưỡng mộ Ngài không vì Ngài cao sang trên
ngai Giáo Hoàng hay quyền hành bậc nhất thế giới, nhưng vì Ngài là một con người
như chúng ta: Ngài sống đơn giản và gẫn gũi với mọi người. Ngài thương yêu người
nghèo đặc biệt. Ai cũng thấy Ngài là mẫu gương tuyên tín về Đức Kitô Con Thiên
chúa hằng sống giống như Phêrô. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng là
một thanh niên lớn lên trong thôn làng Nazarét nghèo hèn, Cha Mẹ nghèo, bà con
nghèo, xóm riềng nghèo, sống nghèo “không chỗ gối đầu!” và chết nghèo không quần
áo và không mồ chôn.
Đại đa số dân chúng
trên thế giới nghèo khổ và nhiều cuộc đời rất bất hạnh. Làm sao để tuyên tín về
Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống cho họ, nếu chúng ta không giống như Đức
Giáo Hoàng Phanxicô: sống đơn giản, bình dân và giàu lòng thương xót. Người dân
nông thôn vùng Tắc Sậy Cà Mau phần nhiều không là Công giáo, nhưng họ đến với
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, không vì Cha là một linh mục trí thức hay nổi tiếng
giảng thuyết, nhưng Cha là một người nghèo và có lòng thương người đặc biệt.
Người ta không thấy Chúa như thế nào, nhưng người ta nhận ra Chúa của Cha Diệp
rất giàu lòng thương xót qua lối sống bình dân của Cha.
2)
Luật Thánh Giá: Con Người phải chịu nhiều đau khổ
Trong bàn ăn hôm nay, Đức
Cha biết tôi cũng có ở tù bên Việt Nam. Nên Ngài nói: Có thể Cha cũng
là thánh như Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận lúc còn trong tù. Tất cả những
sách về Đức Hồng Y Thuận, tôi đều có mua tặng Đức Cha. Nên Ngài biết nhiều về Đức
Hồng Y và nhiều lần Ngài nói với tôi: Đức H.Y Thuận là Thánh.
Nghe Đức Cha nói: Cha
cũng là thánh! Tôi chối phăng lập tức: Thưa Đức Cha! Không, không chút nào cả.
Đức Hồng Y Thuận ở tù hơn 13 năm. Ngài không hề than trách một lời hay hận thù
hay chưởi bới kẻ giam cầm mình. Trái lại, Ngài còn được đội cai tù thương. Ngài
còn hoán cải cả người ghét Ngài và bỏ tù Ngài. Còn con, ở tù không có bao lâu
mà con cằn nhằn suốt ngày, chưởi bới và trù ẻo người bắt con bỏ tù. Con hoàn
toàn khác với Đức H.Y Thuận… Con không thể làm thánh được. Đức Cha tôi mỉm cười
bảo: really?
Tôi có đeo thánh giá.
Tôi có hôn thánh giá. Tôi có đi đàng thánh giá. Tôi có gắn thánh giá nhỏ trên
xe. Tôi làm dấu thánh giá nhiều lần trong ngày. Tôi hiểu rõ ý nghĩa Thánh giá
và giải thích khá rành mạch… Tôi hơi bực bội khi thấy ai cầm đũa ăn cơm mà
không làm dấu thánh giá. Thánh giá trong người tôi, trong văn phòng tôi làm việc,
trong phòng tôi ngủ… Nhưng rất nhiều khi tôi quên qui luật thánh giá hay sống
ngược lại đòi hỏi của Thánh Giá. Tôi thích treo hay trưng bày Thánh giá chứ
không thích vác chút nào.
Qui luật của Thánh Giá
là: chịu nhiều đau khổ, bị khước từ, bị giết chết. Tôi quên thể lệ của người môn đệ Chúa là: Hãy
từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày mà theo Ta. Làm linh mục nhưng bất cứ ai
không giữ đúng giờ, không giữ cái gọi là “POLICY” của tôi thì sẽ bị tôi chối giúp đỡ lãnh nhận bí tích. Muốn làm đám cưới
trong nhà thờ, phải gặp linh mục ít nhất là sáu tháng trước. nếu không… You will be in trouble! Muốn rửa tội con cái,
phải lấy mẫu đơn, điền đơn và tham dự khoá dành cho Cha Mẹ có con muốn rửa tội…
Nếu không... con của anh chị em sẽ không được rửa tội.
Sau cùng thì tôi thấy
mình quá yêu mình. Yêu cái “POLICY” do mình đặt ra nhân danh lợi ích thiêng
liêng cho giáo dân. Nhưng thực ra, tôi đã không từ bỏ chính mình chút nào.
Thánh giá vẫn còn trên tường trong nhà thờ hay trong văn phòng làm việc. Tôi chả
bao giờ vác! Thánh giá nhiều khi đối với tôi chỉ là thứ để chiêm ngưỡng, nhìn
ngắm hay suy niệm… chứ không là những gánh nặng hay đau khổ mà tôi cần phải
mang vác để theo Chúa. Không vác thánh
giá theo Chúa thì làm sao được gọi là môn đệ Chúa hay người theo Chúa!
Vấn đề của tôi cũng là
của nhiều người khác. Chúng ta có là môn đệ đích thực của Chúa không? Chúng ta
có vác thánh giá theo Chúa không? Hay chúng ta dùng thánh giá để trang trí hay
mang thánh giá đặt trên vai cho người khác vác. Rồi chúng ta đứng bên lề hô hào
khuyến khích: Rất tốt! Hãy hy sinh thêm! Hãy từ bỏ mình thêm… Nước thiên đàng
đang chờ anh chị em…
Lm. Phêrô Trần thế
Tuyên