CÓ NHỮNG
TRANG MẠNG MỞ LỐI VÀO ĐỨC TIN
Chúa về trời vì chính Người đã từ trời
xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại
trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói
với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp
họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.
Vào đời Vua Hùng Vương Thứ Sáu có nạn giặc Ân bên Tàu. Chúng cậy thế mạnh
nên hay sang quấy nhiễu nước ta. Vua truyền hịch đi khắp nơi để tìm người tài
giỏi giúp nước diệt giặc.
Bấy giờ ở làng Phù Đổng có một cậu bé đã 3 tuổi mà chỉ nằm ngửa không
nói được một lời nào. Nghe sứ giả nhà vua rao hịch tìm người tài diệt giặc, cậu
liền nhờ sứ giả xin với Vua, đúc cho cậu một cây roi sắt và cấp cho cậu một con
ngựa bằng sắt, để cậu đi đánh đuổi ngoại xâm. Nghe lời người hiền tài nhắn gởi,
Vua thuận ý. Cậu bé liền vươn vai thành người to lớn, khỏe mạnh. Cậu đứng dậy,
cầm roi sắt, nhảy lên yên ngựa, oai phong đi đánh giặc Ân. Dẹp xong giặc, cậu
phóng ngựa lên núi Sóc Sơn rồi về trời. Vua nghĩ là thiên thần của trời cao xuống
trần cứu giúp nên liền xây một đền thờ gọi là đền Phù Đổng Thiên Vương để tạ ơn
và tưởng nhớ.
Câu chuyện huyền sử nói lên khát vọng của một dân tộc nhỏ bé luôn bị ngoại
bang quấy nhiễu. Một tiểu quốc hiền hòa trước một đại hán bá quyền bành trướng.
Vì thế mà ước mơ có được sứ thần từ trời cao đến cứu giúp. Một khát vọng ngàn đời,
được tự do và độc lập, được công lý và dân chủ.
Con người mọi thời đại luôn khát khao bay lên trời. Đi dưới đất, ngược
xuôi trên biển trên sông, con người luôn ước vọng, phải làm sao lên được trời
cao.Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers,
bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày
12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển
của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm
1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng.
Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi những phi hành gia bay vào vũ trụ. Và
chuyến bay nào rồi cũng phải trở về trái đất.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Người trở về nhà Cha, sau
khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Người hồi
hương trong vinh quang phục sinh và “được
đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).
Chúa Giêsu lên trời, một cảnh tượng thật huyền diệu. Thân xác Người nhẹ
bay lên cao. Tay Người ban phúc lành cho các tín hữu. Dáng Người nhỏ dần và hòa
biến vào không gian vô tận.
Trên trời cao, các thiên thần và triều thần thiên quốc đang tụ họp tổ chức
nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng
và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ: “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên.
Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy
tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa
oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu
hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai? Chính là
Thiên Chúa hùng dũng uy linh”.
Đoàn tùy tùng theo Chúa về trời đông vô kể, các thánh thời Cựu Ước, các
tổ phụ, các tiên tri, các người công chính… đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa.
Đặc biệt có thánh cả Giuse, thánh Gioan Tiền hô, Tổ phụ Abraham, Giacop, Môisê,
thánh Giop, vua Đavid, các tiên tri, hân hoan cung nghinh Đấng Phục Sinh khải
hoàn về thiên quốc.
Trên núi Cây Dầu cả cộng đoàn môn đệ đang ngây ngất chiêm ngưỡng, tâm
trí như mất hút vào không gian vô tận, lòng rộn rã hân hoan: “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi
cao kèn sáo, đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân,
ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv 47, 2-3, 6-9).
Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống”
(Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho
con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng
như quan niệm về con người.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp
lại nhau trong một tương quan mới. Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta
một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc
nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận
thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú
vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố
không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm
và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa
Kitô.
Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người,
trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.
Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây
phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Xuân Diệu đã diễn tả chân lý
ấy cách sâu sắc: Hai người tình ngồi sát bên nhau, ôm lấy nhau mà vẫn còn thấy
rất xa xôi . Những người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể
xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một
ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Chúa Giêsu
một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần,
Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha
Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23). Để
chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì
không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thiền sư Suzuki rất tâm
đắc với huyền nhiệm này khi viết: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở
trong Thiên Chúa. Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn
là người. Quả thật,đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất
của triết học.
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc
truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài
thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.
Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”.
Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có
Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời
các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các
Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với
chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế”.
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người.
Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng
lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh
hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay
cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống,dẫn
đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày
lễ Thăng Thiên gắn liền với mệnh lệnh: “Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh
em” (Mt 28,19). Vì thế, Ngày Thế Giới Truyền Thông gắn liền với sứ mệnh
loan báo Tin Mừng. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái
mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ
loan báo Tin mừng.
Trong Sứ điệp truyền thông 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyến
khích những ai làm công tác truyền thông hãy xây dựng những trang web và mạng
xã hội: “Có thể giúp con người ngày nay
tìm được thời giờ suy tư và tìm hiểu những vấn đề thiết yếu, cũng như tạo khoảng
trống cho thinh lặng và cơ hội cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa”.
Giáo Hội tìm cách hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào trong “nền văn hoá mới này” do
những những phương tiện truyền thông xã hội tạo nên với những ngôn ngữ mới, những
kỹ thuật mới và với những cách cư xử mới.
Tiếp nối định hướng đó, Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 năm nay,
ĐGH Bênêđictô viết sứ điệp truyền thông với chủ đề “Mạng lưới xã hội: Chân lý và Đức Tin; không gian mới cho việc Truyền
bá Tin Mừng”. Lời mở đầu, ngài viết: “Tôi
muốn xem xét việc phát triển các mạng xã hội kỹ thuật số đang góp phần rõ ràng
tạo nên một “agora” (quảng trường) mới,
một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý
kiến, và cũng là nơi phát sinh những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới”.
Đức Thánh Cha nhận định tính tích cực của các trang mạng xã hội: “Các mạng xã hội, ngoài việc là một phương
tiện loan báo Tin Mừng, còn có thể là một yếu tố phát triển con người. Chẳng hạn,
trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các
mạng xã hội có thể giúp họ cảm thấy vẫn hiệp nhất thực sự với cộng đoàn Kitô hữu
khắp thế giới. Những trang mạng tạo thuận lợi cho việc chia sẻ các nguồn tài liệu
đạo đức và phụng vụ, giúp con người có thể cầu nguyện với cảm giác thấy mình gần
gũi với những người cùng một niềm Tin”.
Có nhiều trang mạng dẫn lối vào Đức Tin: “Trong thế giới kỹ thuật số, có những trang mạng xã hội mang lại cho
con người ngày nay những dịp để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Những
trang mạng này cũng có thể mở những cánh cửa dẫn vào những chiều kích khác của
đức Tin. Quả thật, nhờ gặp gỡ trước trên mạng, nhiều người đã khám phá tầm quan
trọng của việc gặp gỡ trực tiếp, những kinh nghiệm của cộng đoàn, và cả việc
hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức Tin. Bằng
cách cố gắng đưa Phúc âm hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể
mời gọi mọi người cùng cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi chốn cụ
thể như nhà thờ, nhà nguyện. Trong bất cứ hiện thực nào của cuộc sống mà chúng
ta được mời gọi tham dự, dù đó là không gian vật lý hữu hình hay trong thế giới
kỹ thuật số, không được thiếu đi sự gắn bó và hiệp nhất khi diễn tả đức Tin và
làm chứng cho Tin Mừng. Khi gặp gỡ tha nhân, chúng ta đều được kêu gọi bằng mọi
cách phải làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhận biết đến tận cùng trái đất”.
Ðứng trước một lục địa mênh mông như Châu Á, làm sao có đủ nhân lực và
phương tiện để đưa Tin Mừng đến từng nhà? Ðây là câu trả lời đích xác: “Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận
dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục
vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp
xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa
các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á”.
(x.Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48).
Cho dù phương tiện truyền thông hiện đại tới mấy, nhân lực vẫn là yếu tố
quan trọng. Sức mạnh của truyền thông cũng phải phát xuất từ đức tin, chứ không
từ những kỹ thuật. Đức tin mạnh mẽ là nhờ chiêm niệm: “Trong thinh lặng, tư tưởng phát sinh và có được chiều sâu. Trong thinh
lặng, chúng ta hiểu rõ hơn điều mình muốn nói và muốn người khác đón nhận.
Trong thinh lặng, chúng ta tìm cách diễn tả chính mình tốt hơn”. (Sứ điệp
Truyền Thông 2012).Giữa những ồn ào của truyền thông hôm nay, lời rao giảng Tin
Mừng qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet muốn đạt mục đích và kết
quả như mong muốn cần có tĩnh lặng: “Trong
thinh lặng của chiêm niệm, Lời hằng hữu hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết,
và chúng ta khám phá ra kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch
sử bằng lời nói cũng như hành động” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Mỗi người
Kitô hữu, nhờ thinh lặng, lắng nghe được tiếng Chúa và đi vào cuộc giao tiếp với
Chúa, chúng ta mới có thể truyền thông Lời Chúa cho người khác. Chỉ có những
người tin thực sự và mãnh liệt mới có thể làm cho Tin Mừng đến với mọi người.
Mỗi Kitô hữu là chi thể của Giáo Hội,thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Mỗi
người chúng ta cũng là những cánh tay mở rộng của Chúa Kitô, nhờ đó Người không
ngừng trao ban tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người. Chúa về trời,
chúng ta vào đời làm chứng nhân của Tin mừng cứu độ và loan báo tin vui, mai
này chúng ta cũng sẽ về nhà Cha trên trời.