THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Dt 5, 1-10; Mc
2,18-22
BÀI ĐỌC: Dt 5, 1-10
1 Quả vậy, thượng tế nào
cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho
loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như
tế vật đền tội.2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội
và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối;3 mà vì
yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ
đền tội cho chính mình như vậy.4 Không ai tự gán cho mình vinh dự
ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.5
Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã
nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,6
như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm
trật Men-ki-xê-đê.7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng
cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8
Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế
nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người
trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10
vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
ĐÁP CA: Tv 109
Đ. Muôn thuở, Con là
Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê. (c 4b)
1 Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa
Thượng tôi: "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ
đặt làm bệ dưới chân con."
2 Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA sẽ mở rộng quyền
vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
3 Đức Chúa phán bảo rằng: "Ngày
đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.Ngay trước
lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con."
4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ
chẳng rút lời, rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật
Men-ki-xê-đê."
TUNG HÔ
TIN MỪNG: Dt 4,12
Hall-Hall: Lời Thiên Chúa
là Lời sống động và hữu hiệu, Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của
lòng người. Hall.
TIN MỪNG: Mc 2,18-22
18 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn
chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các
môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19
Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi
chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay
được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn
chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy,
miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22
Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế
là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! "
ĂN CHAY LÀ TÌM LẠI SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÂN
LANG GIÊSU
Muốn đón nhận được giáo lý mới của Chúa
Giêsu, phải nhớ rằng: Đừng đồng hóa điều vẫn có với điều hoàn hảo, hoàn hảo chỉ
có vào ngày cánh chung, nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt (x. Ga 16,12-14), nhất là
phải tin Con Thiên Chúa vào đời để làm hoàn hảo Lề Luật (x. Mt 5,17). Chỉ có
những vấn đề thuộc lãnh vực Đức Tin mới bất di bất dịch, còn việc ăn chay chỉ
là nghi thức tôn giáo tỏ dấu sám hối tội đã phạm để được Chúa xót thương, nên
có thể thay đổi để việc đạo đức này dẫn ta đến kết hợp với Chúa Giêsu, đó mới
chính là mục đích việc ăn chay Chúa Giêsu muốn.
Thực ra, tôn giáo nào cũng dạy tín
đồ của mình bày tỏ lòng đạo đức bằng cách ăn chay, nhưng đối với Công Giáo thì
việc ăn chay khác hẳn về cả hình thức lẫn mục đích. Thí dụ:
-
Phật Giáo dạy ăn chay, hình thức là không ăn thịt các động vật, mục đích là
tránh xâm phạm đến hồn những người đã qua đời nhập vào kiếp sinh vật.
-
Ăn chay theo Do Thái giáo thì lại phức tạp hơn, họ ăn chay là sống đời kham khổ:
mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro với gương mặt ủ rũ buồn sầu, nhằm mục đích:
thương nhớ người quá cố (x. 1Sm 31,13); than khóc vì cảnh góa bụa (x. Gd 8,5-6);
cầu cho đất nước khỏi thiên tai xảy đến (x. 2V 25,1-4); xin Chúa trợ lực để có
sức mạnh đi giao chiến (x. 1Sm 14,24); hoặc để thi hành sứ mệnh đã được giao
phó (x. Is 58,2-3; Lv 16,29; Ds 29,7). Chính Đức Giêsu cũng ăn chay 40 đêm ngày
trước khi thi hành sứ mệnh công khai (x. Mt 4,1-11). Nhưng rất tiếc nhiều người
Do Thái đã lạm dụng ăn chay để lo thủ lợi, áp bức kẻ làm công, có kẻ viện cớ ăn
chay mà cãi cọ ẩu đả nhau (x. Is 58,3-4). Đúng ra mục đích ăn chay theo Do Thái
giáo là thi hành Lời Chúa dạy, như ngôn sứ Isaia nói: “Sống nhân ái, sống thánh thiện, hiền từ, đối với mọi người, như mở
xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập
tan mọi gông cùm, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, rước vào nhà những
người nghèo khó không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo mặc che thân”
(Is 58,6-7).
Như vậy, những điểm tích cực trong cách ăn chay của người
Do Thái mà Sách Thánh đã quy định vẫn còn giới hạn trong lãnh vực nhân bản: Tạo
tương quan tốt giữa người với người, nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đến để làm
hoàn hảo Luật (x. Mt 5,17), cụ thể
như việc ăn chay không phải chỉ đạt sống đúng nhân bản, mà còn vươn đến Đức Tin
hoàn hảo là nhu cầu sự sống của linh hồn. Muốn được thế, phải tìm lại sự hiện
diện của Tân Lang Giêsu. Thế mà có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ của ông Gioan Bt và các
môn đệ của người Biệt phái ăn chay, mà môn đệ của ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn
chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn
chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay
trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá
vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới
vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu
cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2,18-22: Tin Mừng).
Như thế mục đích Luật ăn chay mới Đức Giêsu dạy là tìm lại
sự hiện diện của Tân Lang Giêsu đã bị cất đi. Tân Lang Giêsu bị cất đi chính là
lúc ta phạm tội, hoặc khi ta khước từ nhu cầu của người anh em, thì chỉ có cách
giới hạn nhu cầu thân xác là ăn chay để có điều kiện đi xưng tội, cũng như có
khả năng chia sẻ. Bởi vì để tội nặng trong tâm hồn thì không được rước Lễ, và
trước khi rước Lễ Hội Thánh đòi buộc phải giữ chay ít là một giờ trừ nước lã và
thuốc chữa bệnh (đối với người bệnh tật và già yếu thì không phải giữ chay).
Quả thật có rước Lễ Tân Lang Giêsu mới trở lại tâm hồn ta.
Khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy ta được trở nên Hiền Thê của
Chúa Kitô (x. 2Cr 11,2). Theo Luật Hôn Nhân, hai người nam nữ chỉ thực sự là vợ
chồng đúng nghĩa và trọn vẹn khi họ trao thân xác cho nhau. Do đó khi ta hiệp
dâng Thánh Lễ, Tân Lang Giêsu và ta trao thân cho nhau “để trở nên một thân xác không bao giờ phân ly” (x. Mt 19,5). Và như
thế có rước Lễ ta mới được cùng với Chúa Giêsu là Tư Tế, và là Của Lễ dâng Chúa
Cha. Vì vậy, tác giả thư Do Thái viết: “Thượng
tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại
diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm
cũng như tế vật đền tội.Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và
những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu
đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền
tội cho chính mình như vậy. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải
được Thiên Chúa gọi. Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình
làm Thượng Tế, Ngài là Thượng Tế theo
phẩm trật Melkisêdek.
(thân thế của Melkisêdek chỉ được nhắc
đến trong St 14,17t: Ông đón Abram, vừa đánh bại các vua ở Sôđôm trở về. Ông
Melkisêdek, Vua thành Salem
(Vua bình an) mang bánh rượu ra. Ông là Tư Tế của Thiên Chúa Tối Cao (đây là
điều lạ, vì trong xã hội Do Thái, ai đã làm vua thì không phải là tư tế), ông
chúc phúc cho ông Abram, rồi Abram biếu cho Melkisêdek 1/10 tất cả chiến lợi
phẩm. Như thế ông Melkisêdek là người cao cả nhất trong loài người. Do đó Tv
110/109 gọi ông là tiền thân Chúa Kitô).
Cũng vì vậy mà tác giả thư Do Thái viết tiếp: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã
lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền
năng cứu Người khỏi chết. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều
đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã
tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai
tùng phục Người” (Dt 5,1-9: Bài đọc năm lẻ). Bởi đó vua thánh David nói về
chức tư tế này: “Muôn thuở, Con là Thượng
Tế theo phẩm trật Melkisêdek” (Tv 110/109,4b: ĐC năm lẻ).
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta như cành nho dại được
tháp vào cây nho thật sinh trái ngọt lịm (x. Ga 15), thì mỗi khi ta hiệp dâng
Thánh Lễ với Hội Thánh, là lúc Tân Lang Giêsu và Hiền Thê của Ngài cùng đồng
tế. Tư tế cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện thân Chúa Giêsu Phục Sinh, nên Giáo
Luật dạy: “Nếu không có lý do chính đáng
và hợp lý, tư tế không được cử hành Lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài
giáo dân tham dự” (GL số 906). Và như vậy ta được trở nên một Của Lễ
nhờ,với, trong Chúa Giêsu vì Ngài đã thi hành trọn ý Chúa Cha: diệt sự ác (tội
lỗi) để bảo vệ loài người, Ngài không chiếm đoạt gì của ai làm của lễ dâng Chúa
Cha. Như vậy Của Lễ Chúa Giêsu dâng khác hẳn và trổi vượt hơn lễ vật của vua
Saolê là chiến lợi phẩm cướp được của bọn Amalek để dâng lên Thiên Chúa. Bởi
thế Chúa đã sai ngôn sứ Samuel đến trách: “Dù
ngài có tự coi mình là nhỏ bé, ngài chẳng phải là đầu của các chi tộc Israel sao?
Chúa đã xức dầu phong ngài làm vua cai trị Israel. Chúa đã sai ngài lên đường
và phán: Hãy đi, ngươi phải tru hiến quân tội lỗi là Amalek và giao chiến với
chúng cho đến khi tận diệt chúng. Tại sao ngài đã không nghe tiếng Chúa? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm
và làm điều dữ trái mắt Chúa là lấy của báu bọn Amalek về dâng cho Chúa!
Chúa ưa thích sự vâng lời, vì lắng nghe và vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ.
Bởi vì ngài đã gạt bỏ Lời Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài không cho làm vua nữa!”
(x. 1Sm 15,16-23: Bài đọc năm chẵn).
Vậy chỉ những ai sống ai theo Lời Chúa dạy, mới được Chúa
xác nhận: “Ai sống đời trọn hảo, Ta cho
hưởng ơn cứu độ Chúa Trời” (Tv 50/49,23b: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có
Chúa Giêsu là chết!
(1Ga 5,12)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH