Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ năm tuần 13 tn

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
Am 7, 10-17; Mt 9, 1-8
BÀI ĐỌC: Am 7, 10-17
            10 Bấy giờ ông A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết Ên, sai người đến gặp Gia-róp-am, vua Ít-ra-en, và thưa: "A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Ít-ra-en, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa.11 Vì A-mốt nói như thế này: "Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ."12 Bấy giờ A-mát-gia nói với ông A-mốt: "Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!13 Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều."14 Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: "Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.15 Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta."
16 Vậy giờ đây, hãy nghe lời Đức Chúa phán: Ngươi nói:"Ông không được tuyên sấm chống lại Ít-ra-en,cũng không được phát ngôn chống lại nhà I-xa-ác." 17 Vì vậy, Đức Chúa phán thế này:"Vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế,và Ít-ra-en sẽ bị đày xa quê cha đất tổ."
ĐÁP CA: Tv 18B
Đ. Quyết định của Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh. (c 10b).
8 Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
9 Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.
11 Thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
TUNG HÔ TIN MỪNG: 2Cr 5,19
Hall-Hall: Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Hall.
TIN MỪNG: Mt 9, 1-8
            1 Hôm đó, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! "3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng."4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! "7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
MINH CHỨNG SỰ THẬT BẰNG MÁU
            Để công bố một sự thật mà phải đành chấp nhận mất mạng, sự thật đó quan trọng nhất. Con Thiên Chúa bước vào đời chỉ nhằm minh chứng một sự thật Ngài là Thiên Chúa đến cứu dòng giống Adam, Eva khỏi phải chết vì tội lỗi, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót (x. Ep 2,4), và “Ngài không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).
            Người Do Thái xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Đức Giêsu muốn tỏ mình cho nhân loại biết Ngài là Con Một Thiên Chúa,bước xuống trần gian để thực hiện Lời hứa tiền Tin Mừng: “Miêu duệ người nữ đạp nát đầu rắn Satan” (St 3,15). Do đó Ngài đã nói với một người bất toại được người ta khiêng đến: “Hãy vững lòng, tội con đã được tha”. Mặt khác, người Do Thái quan niệm nguyên nhân gây ra bệnh là tội (x. Ga 9,1-2), mà muốn chữa lành bệnh tất yếu phải diệt nguyên nhân, thế nên phải được tha tội. điều ấy làm cho một số Ký lục uất ức trong lòng: “Y nói phạm thượng”. Đức Giêsu đọc được tâm tư của họ, Ngài nói: “Các ông nghĩ những điều ngang trái trong lòng. Vì cái gì dễ hơn nào? Hoặc nói: “Tội lỗi con được tha”, hay là nói: “Hãy chỗi dậy mà đi” (Mt 9, 2-5: Tin Mừng). Thực ra nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì cả hai câu nói trên không thể sinh hiệu quả. Song để cho mọi người biết Ngài là Thiên Chúa có quyền tha tội, bấy giờ Ngài nói với người bất toại: “Hãy chỗi dậy vác lấy giường mà về nhà”, và người ấy đã chỗi dậy mà đi về nhà. Thấy vậy dân chúng kinh hãi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã ban cho người đời một quyền như thế” (Mt 9,6-8: Tin Mừng).
            Mà thực Chúa Cha được tôn vinh khi Đức Giêsu bị giết bởi những kẻ uất ức, vì chúng chứng kiến Đức Giêsu ra lệnh cho kẻ bất toại vác giường về nhà (x. Mt 9,7; Ga 12,27-28). Những kẻ uất ức với Đức Giêsu trong lòng, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã bật thành tiếng la hét: “Tên này nói phạm thượng, nó phải chết” (Mt 26, 65). Xưa kia tên Giêsu đã ra lệnh cho kẻ bất toại vác chõng mà về, thì nay hắn phải vác thập giá lên đồi Sọ để chịu đóng đinh! Chính lúc đó, Đức Giêsu mới thực sự tha tội cho hết thảy mọi người biết sám hối tội mình và tin vào tình thương của Chúa Cha đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3.16-17).
Dù Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà bằng lòng mất mạng cứu loài người khỏi án tử do tội gây ra!
Chân lý này đã được ông Abraham diễn tả: Vợ chồng ông đã gần trăm tuổi, Chúa mới cho sinh một người con trai là Isaac, và Chúa còn hứa cho dòng giống ông đông như sao trời, nhiều như cát biển. Vậy mà Chúa ra lệnh đem con lên núi sát tế dâng cho Ngài! Thế thì có thần nào ác hơn Thiên Chúa không? Và như thế Thiên Chúa có phải là thần lừa đảo không? Nhưng ông Abraham không nghĩ như vậy, ông cứ tin là “của lễ để Chúa liệu”. Ông bảo Isaac vác củi theo cha lên núi, còn ông thì tay cầm gươm, tay cầm lửa. Cha con đang leo lên núi Chúa chỉ định, Isaac ngước mắt hỏi: “Cha ơi, củi đây của lễ đâu?” Câu hỏi ấy chắc chắn đau hơn lưỡi gươm đâm vào tim ông Abraham, vì câu nói thân thương của người con yêu vang lên “cha ơi”, thế mà người cha nhẫn tâm vung dao giết con ư?! Nhưng thực ra sự cố ấy không nghịch lý bằng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Con Một Thiên Chúa toàn năng vác thập giá lên núi, Ngài cũng cất tiếng thưa: “Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này” (Ga 12,27b). Chúa Cha dư quyền năng cứu Con Một mình, nhưng Người yêu thế gian, nên “không tha cho chính Con của Người, mà đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32a). Cuối cùng Con Một Thiên Chúa phải chết, khác xưa con ông Abraham không phải chết, vì Chúa đã liệu cho ông có con cừu, để bắt làm của tế lễ thay cho mạng con ông (x. St 22, 1-19: Bài đọc năm lẻ).
            Chúa Cha muốn rằng chỉ có Con Một của Người mới thực là Của Lễ được Chúa Cha ưng nhận. Thế mà ông Gia-róp-am, vua nước Israel lại bắt dân thờ bò tại Đền Thờ ông ra lệnh xây ở Bết-ên. Chúa sai ông Amos, dù không phải là ngôn sứ, ông “chỉ là người chăn súc vật và châm quả sung”, đến cảnh cáo vua: “Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Israel sẽ bị đày biệt xứ. Nghe thế ông A-mát-gia tư tế đền thờ Bết-ên nói với ông Amos: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết-ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều”. Vì từ vua đến hàng tư tế không nghe Lời Chúa cảnh cáo, nhưng ông Amos nói: “Vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế, và Israel sẽ bị đày xa quê cha đất tổ” (Am 7,10-17: Bài đọc năm chẵn).
Xưa kia Chúa chỉ muốn mọi người phải đến Giêrusalem để thờ phượng Ngài, điều ấy chỉ có giá trị tiên báo vào thời Tân Ước mọi người tôn thờ Thiên Chúa phải gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô và tham dự Phụng Vụ Hội Thánh cử hành. Nơi đây hằng ngày được Chúa Giêsu vừa là Tư Tế, vừa lễ Của Lễ, vừa là Bàn Thờ (x. GLHT số 1410). Vị Tư Tế này hằng ngự bên hữu Chúa Cha trên trời chuyển cầu cho quyền tha tội của Hội Thánh khi cử hành các Bí tích: Thánh Tẩy, Giao Hòa, Xức Đầu, nhất là Bí tích Thánh Thể. Bởi thế, thánh Isaac, Viện Phụ Đan Viện Sao Mai nói: “Có hai việc chỉ thích hợp với một mình Thiên Chúa, đó là vinh dự được nghe thú tội và quyền tha thứ. Chúng ta phải thú tội với Người và trông đợi Người tha thứ cho chúng ta. Nhưng Chúa Ki-tô chỉ muốn tha tội cho chúng ta qua Hội Thánh Ngài thiết lập”. Đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2Cr 5,19:Tung Hô Tin Mừng). Chỉ những ai đã được giao hòa với Thiên Chúa, mới có thể nói: “Tôi sẽ bước đi trước Nhan Thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 115/114,9: ĐC năm lẻ).
Ai không tin nhận quyền tha tội của Hội Thánh mà Chúa đã trao ban, thì tội người ấy muôn đời không được tha, chắc chắn sẽ khốn nạn hơn tất cả những kẻ bệnh tật mà người Do Thái cho là do hậu quả của tội! Và còn khốn nạn hơn lời chúc dữ của Chuá xuống trên vua Giaropam, vợ con ông và dân tộc ông. Vì “quyết định của Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh” (Tv 19/18, 10b: ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại, để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát (Cv 4,12).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH