Nghiên cứu _ hành trình vô thần của Marx (4)


Hành-trình vô-thần của Karl Marx

khi còn thanh-niên qua những sách 
đọc tham-khảo về tôn-giáo (tt)


Marx đọc các triết gia thời cận đại
Đạo Thiên-Chúa từ Tiểu-Á truyền vào đế-quốc Rôma vào lúc mà các triết-gia trong mấy thế-kỷ đã phê-bình và phi-bác tôn-giáo của quần-chúng, và cũng vào lúc mà hoàng-đế Rôma cho mình là thần-linh Ạ. Như đã nói trên đây, Marx đã tìm thấy trong sách vở các triết-gia đó nhiều chứng-lý biện-hộ cho lập-trường vô-thần, phủ nhận các thần-linh của hệ-thống đa thần.
Nhưng vấn-đề là đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa cũng chống lại tôn-giáo cổ-truyền ở mấy điểm quan-trọng: trước hết, các sự-vật và các mãnh-lực trong thiên-nhiên đều không phải là thần-thiêng, sau đó thì các vua chúa cũng không phải là thần-linh, không phải là thiên-tử, và sau cùng thì các sinh-lực phồn-thực cũng không phải là thần-linh. Cho nên quan-niệm về Đức Chúa của hai tôn-giáo đó khác hẳn quan-niệm thông-thường về thần-linh.
Marx đã thâu lượm được một ít tài-liệu tiêu-cực về tôn-giáo, ghi trong Những cặp vở viết tại Berlin, 1840-1841 (MEGA IV/1/1, tr 155-288 và IV/1/2, tr 733-818, và Những cặp vở viết tại Bonn, 1842 (MEGA IV/1/1, tr 289-376 và IV/1/2, 825-863). Nhưng rồi bỏ đấy, không khai thác nữa, và cũng không tìm tòi thêm nữa. Vì sao thế? Chắc là vì phải viết cho xong luận-văn tiến-sĩ và sau đó lại phải vội đi tìm nghề làm ăn. Dù sao, tôi dám chắc rằng lý-do chính, là vì đang lúc ông còn chưa rõ lập-trường, thì Feuerbach đã cho xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841), với một lập-luận và một kết-luận thật là rõ-ràng và lý-sự, đáp-ứng lại quá mức ước-vọng của Marx. Cho nên nói rằng chủ-trương vô-thần của Marx là do Feuerbach mà ra, thì cũng đúng một phần lớn.
Muốn hiểu lộ-trình của Marx về tôn-giáo, cần phải xem ông đã ghi chú những gì trong những cặp vở viết tại Berlin và Bonn.
Những đoạn văn ghi chú trong Những cặp vở viết tại Berlin là những tài-liệu thâu-lượm trước khi Marx biết có sách của Feuerbach. Nội-dung là những đoạn văn chép của các triết-gia thời Cận-đại chung quanh vấn-đề đức-tin và lý-trí. Đó là vấn-đề mà hai đạo Do-thái và Thiên-Chúa đã chú tâm giải-quyết ngay từ khi tiếp-xúc với tư-tưởng duy-lý của người Hi-lạp, nghĩa là từ ba thế-kỷ trước Tây-lịch kỷ-nguyên, chứ không phảì là mãi đến thời Cận-đại mới làm. Còn Những cặp vở viết tại Bonn, thì viết sau khi Feuerbach xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa, và thường là chép lại từ các sách viết về lịnh-sử nghệ-thuật và lịnh-sử các tôn-giáo, và đây là những điểm mà Feuerbach không để ý đến.
Có thể nói là Marx đọc sách thời Cận-đại theo hai lối đề-cập vấn-đề tôn-giáo: lối triết-học và lối dân-tộc-học Ạ.
2.1 - Đề-cập vấn-đề tôn-giáo theo phương-pháp triết-học: Đức tin và lý-trí, Vấn-đề Thiên-Chúa
Đề-cập tôn-giáo theo lối triết-học, đó là đặc-điểm của Những cặp vở viết tại Berlin (1840-1841). Ta sẽ xem qua nội-dung những cặp vở này, rồi sau đó sẽ trình bày tỉ-mỉ về các tác-giả mà Marx tham-khảo.
2.1.1 - Nội-dung những cặp vở viết tại Berlin
Có tất cả tám cặp vở viết tại Berlin. Vở 1 và 2 là những đoạn văn ghi chép từ năm 1840 cho đến đầu năm 1841, trích ra từ sách De anima (Peri psychês, Luận về hồn) của Aristotêlês (384-322 trước TLKN). Vở 3, 4, 5, viết năm 1841, thì dành hẳn cho tác-phẩm Tractatus theologico-politicus (Luận-văn về thần-học và chính-trị) và một số thư từ của triết-gia người Hòa-lan là Spinoza (1632-1677). Vở 6 (1841) chép sách của triết-gia người Đức là Leibniz (1646-1716). Vở 7 (1841) chép nhiều đoạn văn trong sách Treatise on human nature (Luận-văn về bản-tính con người) của triết-gia người Anh, miền Scottland, là Hume (1711-1775). Sau cùng thì vở 8 (1841) được dành cho cuốn sách Lịch-sử triết-học của Kant mà Karl Rosenkranz vừa xuất bản năm 1840.    
Chúng ta có thể bỏ không xét đến những ghi-chú về Aristotêlês và Rosenkranz, vì không thuộc về loại sách vở mà Marx đọc về tôn-giáo. Như thế còn lại 5 cặp vở để ghi-chú về Spinoza, Leibniz và Hume. Về Spinoza thì Marx chép tới 3 cặp vở. Còn về Leibniz và Hume thì Marx trích ra từ 14 tác-phẩm khác nhau, nhưng không có tác-phẩm nào quan-trọng, lại chỉ chép lại những đoạn văn đi theo một hướng như Spinoza. Riêng về sách của Hume thì Marx chỉ lấy mấy đoạn văn từ phần III và IV mà thôi.
Ngần ấy cũng đủ biết là Marx đã tự giới-hạn số sách ông định tham-khảo, một là vì không thể có thì-giờ đọc tất cả các triết-gia thời Cận-đại, hai là vì ông chỉ chọn những tư-tưởng chống tôn-giáo mà thôi. Cho nên ta không thấy trích-dẫn từ tác-phẩm của chính Spinoza những ý-kiến tích-cực về đạo Thiên-Chúa, càng không thấy chép lại đoạn văn nào của những triết-gia duy-lý nhưng biết nhận rằng cái lý của con người ta có giới-hạn, như Descartes, Pascal, Kant, v.v.
Cho nên ta thấy rõ là đối với Marx, Spinoza mới thực là nhà tư-tưởng quan-trọng. Marx đã đọc thật kỹ Luận-văn về thần-học và chính-trị, sách chia ra làm 20 đoạn, thì đoạn nào cũng được Marx trích-dẫn, lại thêm vào đó nhiều đoạn văn lấy từ các thư-từ của tác-giả. Marx để ý đến Leibniz và Hume và trích ra những đoạn văn về vấn-đề kiến-thức của người ta về Thiên-Chúa.
2.1.2 - Marx đọc sách của Spinoza
2.1.2.1 - ‘’Luận-văn về thần-học và chính-trị
Có điều làm cho người ta ngạc-nhiên, là Marx không chép đoạn văn nào từ tác-phẩm chính về siêu-hình-học mang cái tên hơi lạ tai, là Ethica (Đạo-đức-học), trong đó Spinoza trình-bày tất cả hệ-thống tư-tưởng của ông. Chắc cũng không phải là không có lý-do, vì Marx không muốn để ý đến tất cả hệ-thống, nhưng chỉ chú tâm vào vấn-đề liên-quan giữa thần-học và triết-học, giữa đức tin và lý-trí. Điểm quan-trọng ở đây đối với Marx, là trong cuốn Luận-văn nói trên, Spinoza đã muốn dùng lý-trí để phê-bình Thánh-kinh, là sách căn-bản của đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa. Nên nhắc lại là Spinoza chính gốc là người Do-thái, gia-đình đã bị trục-xuất từ Y-pha-nho tới Hòa-lan lập nghiệp. Cho nên vì cuốn sách đó mà ông bị người Do-thái công-kích kịch-liệt: họ gọi đó là sách ‘’do một người Do-thái bội-phản, cộng-tác với quỉ-sứ dưới địa ngục mà làm nên’’, và sau cùng thì họ trục-xuất Spinoza ra khỏi cộng-đoàn Do-thái. Đối với một người như Marx, đã tìm tài-liệu để thanh-toán vấn-đề các thần-linh của người thời thượng-cổ, mà nay muốn thanh-toán nốt vấn-đề Thiên-Chúa của đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa, thì không có sách nào hay hơn Luận-văn của Spinoza, vì đây là cuốn sách đầu tiên dám đem Thánh-kinh ra phê-bình.
Đầu đề sách Luận-văn về thần-học và chính-trị còn có thêm một câu sau đây: ‘’gồm mấy bài luận để minh-chứng rằng có thể để cho người ta tự-do triết-lý, mà không có hại gì đến đạo-đức và hòa-bình trong nước, và hơn nữa nếu tiêu-diệt cái tự-do đó, thì cũng là tiêu-diệt đạo-đức và hòa-bình trong nước’’. Như thế có nghĩa là Spinoza đòi rằng phải có tự-do tư-tưởng trong một nước biết trọng tự-do và không bị quyền-lực của tôn-giáo chi-phối. Đứng vào lập-trường đó tức là Spinoza đã nhận-định rằng nếu không được pháp-luật và nhà nước Hòa-lan thời đó bảo-vệ thì, với tư-tưởng tự-do như thế, chắc ông không sao thoát khỏi những cái rầy-rà, nếu không hại đến tính-mệnh thì có sống cũng không yên.
Marx đã đọc luận-văn đó bằng tiếng la-tinh, trong tập I của tác-phẩm Spinoza in tại Jena năm 1802. Những đoạn văn mà ông chép lại - dĩ nhiên là bằng tiếng la-tinh - không theo như thứ-tự các phần đoạn trong cuốn sách. Có lẽ Marx đã xếp các đoạn sách lại với nhau theo thứ-tự các đề-tàì quan trọng như sau: a) Vấn-đề phép lạ (đoạn thứ 6); b) Đức tin và lý-tri (đoạn 14 và 15); c) Liên quan giữa nhà nước và tôn-giáo (đoạn 20, 19, 18, 17 và 16); d) Phê-bình Thánh-kinh (đoạn 7, 8, 9 và 10); đ) Thiên-Chúa mặc-khải cho người ta những gì?
Sau đây là nội-dung các đề-tài Ạ, theo như thứ-tự của Marx:
a)   Vấn-đề phép lạ Ạ.
Thường thường dân chúng căn cứ vào các phép lạ để làm điểm tựa cho lòng sùng bái của mình: vị nào càng thiêng thì càng phải thờ.
Spinoza nhận-xét ngay ở đầu đoạn 6:’’Môn học nào vượt quá tầm hiểu biết của người ta thì được gọi là thần-thiêng; cũng thế, những công-trình mà người bình-dân không biết được nguyên-nhân, thì người ta cũng quen gọi là công-trình của thần-linh, của Thiên-Chúa’’ Ạ. Trong đoạn đó thì Marx đã chép lại câu này: ‘’(người bình-dân) cho rằng không có chứng-lý nào rõ-rệt hơn để minh-chứng có Thiên-Chúa cho bằng khi thấy như có cái gì xảy ra không theo thứ-tự trong trời đất. Nói thế khác, người ta cho rằng bao lâu thiên-nhiên vận-chuyển theo như thứ-tự đã quen, thì Thiên-Chúa không hoạt-động; và ngược lại, khi các mãnh-lực và các nguyên-nhân tự-nhiên không có hiệu-quả, thì khi đó Thiên-Chúa mới hoạt-động. (...) Người bình-dân gọi những cái lạ-lùng trong thiên-nhiên là phép lạ, là việc của Thiên-Chúa làm’’ Ạ.
Lập-luận của Spinoza là như sau:
Một là: không có gì xảy ra bên ngoài cái thứ-tự muôn đời bất-biến của thiên-nhiên. Vì lẽ rằng: Thiên-Chúa quan-niệm như thế nào thì muốn làm đúng như thế. Đàng khác, các định-luật tổng-quát trong thiên-nhiên đều chỉ là những sắc-lệnh của Thiên-Chúa, do bản-tính tất-yếu và hoàn-hảo của Thiên-Chúa mà ra. Cho nên tất cả những gì xảy ra, đều là do ý-định muôn đời của Thiên-Chúa.
Hai là: không phải là vì có phép lạ, nhưng là vì thiên-nhiên vận-chuyển theo thứ-tự bất-biến, mà người ta nhận biết là có Thiên-Chúa, biết bản-tính của ngài và biết ngài săn-sóc cho tạo-vật. Thực thế, nếu có gì đi trái ngược lại thiên-nhiên, thì thật là vô-lý: cái gọi là phép lạ, đi ngược lại trật-tự thiên-nhiên, có chăng chỉ làm cho người ta hoài-nghi, không dám chắc là có Thiên-Chúa. Thế nghĩa là chỉ có những công-trình thiên-nhiên mới làm cho ta có được một kiến-thức cao-siêu về Thiên-Chúa. Còn cái mà Thánh-kinh gọi là phép lạ, thì chỉ là những công-trình thiên-nhiên vượt quá mức hiểu-biết của ta. Và sau cùng ta còn có một phản-chứng sau đây: Thánh-kinh cho biết là cả những ngôn-sứ giả hiệu cũng làm được phép lạ! Cho nên phép lạ không làm cho ta biết đích-xác về Thiên-Chúa.
Ba là: những sắc-lệnh, những điều Thiên-Chúa truyền-dạy, thực ra chỉ là cái thứ-tự trong thiên-nhiên mà thôi. Vì, theo như quan-niệm của Spinoza, thì Thánh-kinh không có mục-đích là để làm cho ta biết các sự-vật theo như các nguyên-nhân tự-nhiên, nhưng chỉ là để cho ta biết những điều có thể đánh mạnh vào trí tưởng-tượng, với mục-đích là gợi ra lòng thán-phục và kích-động lòng sùng bái trong tâm-hồn của người bình-dân. Spinoza viết tiếp:’’Nếu ta minh-chứng được rằng có sự-kiện nào (trong Thánh-kinh) đi ngược lại các định-luật thiên-nhiên, hay là không do thiên-nhiên mà ra, thì ta phải tin chắc rằng đó là điều mà những người phạm thượng đã viết thêm vào các sách thánh. Thực thế, những cái gì đi ngược lại Thiên-nhiên, thì cũng đi ngược lại Lý-trí; và cái đi ngược lại Lý-trí cũng là cái vô-lý, cho nên phải vứt bỏ đi’’ (tr 128). Cái lập-trường này của Spinoza thì Marx không chép lại, nhưng ông đã đọc được rõ-ràng.
Bốn là phải kết-luận rằng: phép lạ mà không được giải-thích hẳn-hoi thì có thể làm cho người ta lầm tưởng rằng có đôi điều trong Thánh-kinh có thể đi ngược lại ánh sáng tự-nhiên của lý-trí, nghĩa là chỉ vì còn thiếu kiến-thức mà người ta coi phép lạ là một cái gì mới lạ, và Thánh-kinh, tuy xem ra có vẻ là nói đến phép lạ, nhưng thực ra chỉ nói đến những cái hết sức là tự-nhiên (xem tr 128-133).
b)   Đức tin và Lý-trí
Đức tin và Lý-trí, Thần-học và Triết-học, đó là những vấn-đề mà từ bao nhiêu thế-kỷ những người có văn-hóa duy-lý, triết-lý hay khoa-học, đều đặt ra mỗi khi họ đụng chạm tới tôn-giáo được mặc-khải. Spinoza dành ra cho vấn-đề đó hai đoạn 14 và 15 trong sách của ông. Đối với ông thì cần phải phân-biệt đức tin và triết-học, để ai nấy có thể tư-tưởng một cách tự-do về vấn-đề đức tin.
Về đức tin: theo như ông nghĩ thì đức tin không thuộc về phạm-vi tri-thức, nhưng thuộc về phạm-vi hành-động, nó không đòi lý-trí phải nhận những tín-điều mình cho là đúng, nhưng nó đòi phải nhận những nguyên-tắc làm cho người ta có lòng sùng-bái và biết vâng theo lời Đức Chúa hay là Thiên Chúa dạy. Nói thế khác, tin có nghĩa là tín-cẩn, chứ không phải là nhận biết chân-lý nọ hay chân-lý kia (xem trang 241-243). Quan-niệm đó của Spinoza thì Marx đã ghi lấy trong cặp vở của ông (MEGA IV/1/1, tr 235). Vì thế, Thánh-kinh chỉ có một mục-đích là làm cho người ta biết vâng lời Đức Chúa, biết thi-hành điều ngài truyền dạy, là thương yêu người ta. Thi-hành được công-bình và bác-ái, tức là sùng-bái và vâng lời Đức Chúa.
Marx đã đọc đoạn văn khá dài của Spinoza, và ông ghi lại câu tóm tắt sau đây:’’Còn về vấn-đề tìm biết bản-tính của Thiên-Chúa là gì, có phải là mẫu-mực đích-thực cho đời sống, có phải là lửa, là tinh-thần, là ánh sánh, là tư-ttưởng v.v. hay không, những điều đó không liên-quan gì đến đức tin cả’’ (tr 245).
Về vị-trí của triết-học thì Marx ghi lại câu kết-luận hết sức rõ-ràng của Spinoza:’’Bây giờ còn phải minh-chứng rằng giữa đức tin hay thần-học và triết-học thì không có liên-quan dây mơ rễ má gì cả; đó là điều ai cũng biết, một khi đã nhận ra rằng mục-đích và nền-tảng của hai khoa đó hoàn-toàn khác nhau. Mục-đích của triết-học chỉ là chân-lý mà thôi, còn mục-đích của đức tin thì chỉ là lòng sùng-đạo và thái-độ vâng lời, như ta đã nói trên đây nhiều lần. Nền-tảng của triết-học là những khái-niệm tổng-quát mà ta lấy ra từ thế-giới tự-nhiên, còn nền-tảng của đức tin thì là lịch-sử và ngôn-ngữ-học, và ta phải lấy ra từ Thánh-kinh do Thiên Chúa mặc-khải mà thôi’’ (tr 246).
Liên-quan giữa lý-trí và thần-học thì Spinoza đã xét lại và trình-bày trong đoạn thứ 15. Ông viết:’’Thần-học không phải là đầy tớ của lý-trí, mà lý-trí cũng không phải là đầy tớ của thần-học’’ (tr 249). Như thế có nghĩa là nếu ta không chịu tách rời triết-học ra khỏi thần-học, thì ta chỉ làm hỏng cả lý-trí lẫn thần-học. Về điểm này lập-trường của Spinoza rất là thận-trọng:’’Ta phải bỏ hẳn cái ý-kiến rằng tôn-giáo và lòng sùng đạo muốn dùng lý-trí làm đầy tớ của mình, hay ngược lại, rằng lý-trí muốn hạ giá tôn-giáo xuống phận tôi đòi đó; ta đừng nghĩ rằng hai bên không thể hòa-hảo với nhau và hoạt động trong phạm-vi riêng của mình’’ ( tr 251-252). Có điều thật đáng chú ý, là đoạn văn đó thì Marx không chép, nhưng lại chép đoạn văn khác đề cao lý-trí:’’ Khi họ cố gắng dùng chứng lý toán-học để biện-minh cho chân-lý và uy-tín của thần-học, và làm cho ánh sáng tự-nhiên của lý-trí mất uy-tín đi, thì rõ-ràng là họ buộc thần-học phải nhận chủ-quyền của lý-trí, chứ có làm gì khác đâu?’’ (tr 257)
c)   Liên-quan giữa nhà nước và tôn giáo.
Mấy đoạn 20,19,18,17 và 16, thì ta không cần đi vào chi-tiết, vì ít liên-quan đến tôn-giáo. Spinoza chỉ có ý nói là trong một nhà nước tự-do thì ai nấy có tự-do tư-tưởng những điều mình muốn và nói ra những điều mình tư-tưởng; người lãnh-đạo nhà nước thì có quyền dàn xếp việc hành-đạo, sao cho trong nước được hòa-bình, nhưng không có quyền tuyệt-đối. Còn nhà nước lấy thần-quyền làm nền tảng thì Spinoza căn-cứ và lịch-sử Do-thái để minh-chứng vì sao nó không đứng vững được. Riêng trong đoạn 16, thì Spinoza bàn về nền-tảng của nhà nước.
d)   Phê-bình Thánh-kinh
Spinoza dành ra bốn đoạn (từ 7 đến 10) để phê-bình Thánh-kinh. Thêm vào đó ông còn để ra tám đoạn khác để bàn về nội-dung của những điều Thiên-Chúa mặc-khải. Đủ biết đối với ông đó là vấn-đề rất quan-trọng. Cho nên khi muốn phê-bình đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa, thì Marx đã chọn đúng ngay vào Spinoza để tham khảo,
Về vấn-đề giải nghĩa Thánh-kinh (đoạn 7).
Người tín-hữu thường nói rằng những điều Thiên-Chúa mặc-khải đã được ghi lại trong Thánh-kinh. Nhưng ngày nay không phải cứ đọc là tức khắc hiểu ngay được đúng ý-nghĩa, vì trong bộ Thánh-kinh có tới sáu bảy chục cuốn sách, viết rải rắc trong gần một nghìn năm, cho những độc-giả ở trong những hoàn-cảnh lịch-sử, văn-hóa, chính-trị khác nhau, hơn nữa lại có nhiều người giải-nghĩa khác nhau, cho nên khó biết đâu là đúng, đâu là sai. Spinoza dùng lối chơi chữ của người Hòa-lan: geen ketter zonder letter (tr 239), để nói lên rằng: không có ai làm bè phái (rối đạo), mà lại không tựa vào văn-tự. Ông lại nhận-xét thêm rằng ‘’hầu hết người ta thường đem những điều chính mình khám phá ra để đặt thay vào lời của Thiên-Chúa, rồi cố ý dùng uy-tín tôn-giáo để bắt buộc người khác phải tư-tưởng như mình’’ (tr 137). Vì thế cho nên cần phải có một phương-pháp thuyên-thích để làm ‘’con đường vững chãi duy nhất đưa tới ý-nghĩa chính xác của Thánh-kinh’’ (tr 146).
Nói như thế, Spinoza cũng đã thừa hiểu là có một số người vẫn đinh-ninh rằng mình biết ‘’cách giải-thích chính-xác, ví-dụ như người thuộc phái Pha-ri-siêu, hay là những người công-giáo theo tông-phái Rôma huênh-hoang cho rằng mình có một vị giáo-tông không thể sai lầm khi giải-thích Thánh-kinh’’ (tr 146). Nên chú-ý rằng Spinoza viết ra câu này hai thế-kỷ trước khi công-đồng Vaticanô thứ nhất (năm 1870) công bố rằng vị giáo-tông không thể sai lầm khi giảng-dạy về tín-lý. Ông viết tiếp:’’Chúng ta không thể căn-cứ vào đó được, vì không thể biết chắc-chắn về truyền-thống cũng như về uy-tín của vị giáo-tông, vì lẽ rằng cái uy-tín đó thì những người đầu tiên theo đạo Giê-su đã phủ-nhận, còn cái truyền-thống đó thì những giáo-phái Do-thái cũ nhất cũng không chấp-nhận’’ (tr 146), Như thế đã rõ là đối với Spinoza ‘’con đường vững chãi duy nhất’’ đó phải đặt nền tảng vào ánh sáng tự-nhiên, tức là lý-trí: đó là phương-pháp phê-bình và lịch-sử.
Phương-pháp thuyên-thích của Spinoza, ngày nay ta cho là lẽ đương-nhiên, nhưng đối với người đương thời với ông thì nó thật là một khám phá mới mẻ. Ông nhận-định rằng nếu trong Thánh-kinh có những đoạn văn không rõ ý, hay là hàm-hồ, thì có thể vì nhiều lý-do: hoặc là vì người ta đọc hay viết lẫn những chữ giống nhau (như ta nói: chữ tác đánh chữ tộ), hoặc là vì có những ngôn-từ có nhiều nghĩa, hay là vì các động-từ không ghi rõ thời-gian; thêm vào đó lại còn vì người Do-thái chỉ viết phụ-âm mà không viết chính-âm, và thường không chia rõ phần đoạn trong khi viết (tr 148-149). Một điều khó khăn nữa, là người ta không biết rõ những bản văn đó đã do những ai viết ra và viết ra trong những hoàn-cảnh nào (tr 150). Nói tắt một câu:’’Nếu có nhiều cái khó khăn trong việc giải-thích Thánh-kinh, thì đó không phải là vì ánh sáng tự-nhiên (tức là lý-trí) yếu ớt, nhưng chỉ là vì người ta hờ-hững (nếu không phải là ranh mãnh), tuy có thể làm được, nhưng vẫn không chịu thiết-lập một tri-thức có tính-cách lịch-sử và phê-bình’’ (tr 153-154).
Như thế cũng đủ rõ về những nguyên-tắc thuyên-thích: trước hết phải am-tường ngôn-ngữ dùng trong Thánh-kinh; rồi khi muốn tìm hiểu ý-nghĩa của đoạn văn nào thì phải đặt nó vào trong hoàn-cảnh và môi-trường của nó, lại phải xét xem người ta nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng (tr 141). Thêm vào đó lại còn phải theo phương pháp lịch-sử để tìm biết về ‘’tiểu-sử và nếp sống của tác-giả, xem tác-giả đã viết ra vì mục-đích nào, nhân dịp nào, vào lúc nào, viết cho ai đọc và dùng ngôn-ngữ nào’’ (tr 142). ‘’Khi tìm hiểu như thế lại còn phải xem mỗi cuốn sách đã được tiếp nhận trong buổi đầu như thế nào, những ai đã được cầm cuốn sách trong tay, và khi sao chép thì bản văn đã được thêm bớt ra sao; sau cùng phải xem ai đã quyết-định coi sách đó là sách thánh, và các sách được coi là sách thánh đã được thu cả vào một bộ Thánh-kinh như thế nào’’ (cũng tr 142).
Nên chú ý là phương-pháp thuyên-thích này sẽ được áp-dụng vào Thánh-kinh của đạo Do-thái và đạo Giê-su Cứu-thế, rồi sau đó còn được áp-dụng trong các trường đại-học văn-khoa vào các bản văn thời xưa để lại, bất luận là có tính cách tôn-giáo hay là thế tục. Tuy vậy vẫn còn có những tôn-giáo không muốn đi theo con đường phê-bình như thế, cứ nhất-định là thần dạy thánh phán như thế, cổ-nhân hay giáo-tổ định như thế, thì phải tin theo y như thế.
Sau đó Spinoza đặt thêm mấy nguyên-tắc về nội-dung của Thánh-kinh:’’Trước hết phải tìm xem cái gì có tính-cách phổ-biến nhất, cái gì là nền tảng của Thánh-kinh, cái gì đã được các ngôn-sứ coi như là giáo-lý muôn đời có ích lợi cho tất cả mọi người. Ví dụ: phải thờ phượng một Thiên-Chúa duy-nhất, toàn-năng, luôn luôn săn sóc và thương yêu mọi người, nhất là những người biết thờ kính Chúa và thương yêu người khác như mình vậy (...) Còn về bản-tính của Thiên-Chúa và về cách-thức ngài coi sóc và săn sóc cho vạn vật, và về những điều tương-tự như thế, thì Thánh-kinh không dạy một giáo-lý nào có tính-cách bất-biến muôn đời; mà trái lại, như tôi đã trình-bày, chính các ngôn-sứ cũng không đồng ý về những điểm đó. Vì thế về những điều đó, không nên coi cái gì là giáo-lý do Thánh-thần của Thiên-Chúa dạy cho ta, cho dù ánh sáng tự-nhiên có thể bàn luận về những điều đó một cách hết sức rõ ràng (...) Về những điểm đó, tất cả những gì tối tăm và hàm hồ trong sách thánh thì đều phải được giải-thích và xác-định theo như giáo-lý chung cho tất cả bộ Thánh-kinh’’ (tr 143).
Bây giờ ta xem Spinoza áp-dụng phương-pháp đó vào một vài chi-tiết cũng không phải là vô ích. Ví-dụ: để kết-luận đoạn 7, ông viết:’’Vì ai nấy đều có quyền tối cao để giải nghĩa Thánh-kinh, cho nên chỉ có một qui-tắc để giải-nghĩa, đó là Ánh sáng tự-nhiên, của chung của mọi người: không có ánh sáng nào cao hơn bản-tính tự-nhiên, không có uy-tín nào ngoại lai cả’’ (tr 158).  Sau đó chừng một thế-kỷ, tức là vào thế-kỷ khai-minh (Siècle des Lumières) chính vào lúc phong-trào duy-lý phát-triển mạnh ở Âu-châu, triết-gia người Đức là Kant cũng lấy lại ý-kiến như thế trong bài Thế nào là khai-minh (Aufklaerung/Lumières)?
Riêng về phần Marx, thì khi đọc xong đoạn 7, ông chỉ chép lại có hai câu, và đây là câu quan-trọng hơn:’’Qui-tắc chung cần phải giữ trong khi giải-thích Thánh-kinh, là sau khi nghiên-cứu lịch-sử, có thấy Thánh-kinh dạy rõ-ràng thế nào, thì mới được nóí là dạy thế ấy, chứ không được thêm cái gì khác’’ (tr 140).
Tính-cách đích-xác (authenticité) của những cuốn sách trong bộ Thánh-kinh.
Trong các đoạn 8, 9, 10, thì Spinoza khảo-sát về tính-cách đích-xác của một số sách trong bộ Thánh-kinh, như bộ ‘’ngũ-kinh‘’ (Pentateuque), sách Esdras, sách Sử biên niên (Chroniques), sách Thánh-vịnh (Psaumes), sách Châm-ngôn (Proverbes, sách Job, sách Đaniel, sách Esther và sách Nơ-khê-mi-a (Néhémie). Phương-pháp khảo-sát phê-bình như thế thì ngày nay trong giáo-hội đạo Giê-su ai cũng coi là lẽ đương-nhiên, nhưng vào thời Spinoza lá người đi tiên-phong, vào thời Marx, và mãi cho đến đầu thế-kỷ XX, người ta sợ-sệt coi nó là phương-pháp phá-hoại, phá-đạo, Trên đây đã nói là ngày nay vẫn còn khá nhiều người chưa có thái-độ phê-bình như thế đối với kinh-điển của các tôn-giáo.
Marx có chép lại một số chi-tiết trong lập-luận của Spinoza. Sau đây chỉ xin trưng-dẫn ra hai câu biểu-lộ cái dự-định của Marx có ý muốn tìm ra cái gì trong khi tham-khảo.
Câu thứ nhất:’’ (...) tôi phải nhận-định rằng khi người Do-thái giải-thích Thánh-kinh, thì chẳng có thể lập-luận gì được, lại cũng chẳng thấy họ theo qui-tắc nào cả, và muốn uốn nắn ra sao cũng được’’ (đoạn 9, tr 181). Thế nghĩa là gì? Phải chăng là sau này Voltaire và Feuerbach đã lấy lại ý-kiến đó khi chủ-trương rằng con người ta đã tác tạo ra Thiên-Chúa theo như hình ảnh của mình?
Câu thứ hai nhằm vào cái lối giải-thích Thánh-kinh của người Do-thái, chủ-trương rằng cả những chi-tiết rất nhỏ trong bản văn cũng đều có ý-nghĩa cả. Spinoza viết:’’Điều mà tôi biết là thế này: tôi chưa hề thấy trong các sách thánh của họ có cái gì là mầu-nhiệm cả; tôi chỉ thấy trong đó rặt những truyện rắc-rối, trẻ con’’ (tr 182).
Ngần ấy thôi cũng đủ thấy là phê-bình như thế xong thì uy-tín của Thánh-kinh cũng bớt đi nhiều, và rồi ta chỉ còn có lý-trí để soi sáng cho người ta mà thôi.
đ)  Những điều Thiên-Chúa mặc-khải
Marx còn chép một số đoạn văn trích ra từ những đoạn sách 11, 12, 13 và 1, 2, 3, 4, 5. Tôi có ý góp tất cả những đoạn sách đó Ạvào một mối, nhan đề là: những điều Thiên-Chúa mặc-khải. Ở đây lại chia ra làm hai phần: một phần là những điều dạy qua các ngôn-sứ, gồm những đoạn 1, 2, 3, 11, còn phần kia là những lề-luậr Chúa dạy phải giữ, gồm những đoạn 12, 13, 4, 5. Hai phần đó bổ-túc cho nhau: phần trước nói về cách-thức Chúa mặc-khải, còn phần sau thì nói về nội-dung.
e)   Cách-thức Thiên-Chúa mặc-khải
Câu đầu tiên của đoạn thứ nhất đã tóm-tắt được lập-trường của Spinoza, Marx đã chép lại như sau:’’Một lời của ngôn-sứ Ạ  hay một lời mặc-khải là lời Đức Chúa mở cho người ta biết chắc chắn về một sự việc nào đó. Còn người làm ngôn-sứ, đó là người đem những điều Đức Chúa cho biết, để giải thích lại cho những người tự mình không có khả năng hiểu biết chắc chắn, mà chỉ lĩnh-hội được bằng đức tin mà thôi’’ (tr 131). Marx còn chép thêm nhiều đoạn khác trích ra từ hai đoạn 1 và 2. Đại ý nói lên lập-trường duy-lý của Spinoza.
Trước hết, Spinoza đề cao cái tri-thức tự-nhiên, mà mọi người đều có, và ông phàn-nàn là có nhiều người có tính hiếu-kỳ, chỉ ưa những cái gì lạ-lùng hiếm có, cho nên coi thường cái tri-thức tự-nhiên. Tri thức đó là do lý-trí, là ánh sáng tự-nhiên Đức Chúa soi sáng cho ta biết về ngài. Vì thế ông nghĩ rằng cũng có thể gọi lý-trí là một thứ ngôn-sứ. Marx chép lại ý-kiến đó như sau:’’Tri-thức tự-nhiên là do Thiên-Chúa mà ra, cho nên cũng chắc chắn không kém gì tri-thức do các ngôn-sứ dạy cho ta’’ (tr 32).
Đã thế, tri-thức tự-nhiên còn có phần vững chắc hơn là tri-thức của ngôn-sứ. Vì lẽ rằng các ngôn-sứ được Thiên-Chúa cho biết qua những lời nói, những hình-ảnh hay những dấu hiệu tưởng-tượng (tr 33), lại thường thường cho biết ý-định của ngài trong giấc mộng, nghĩa là trong lúc mà trí tưởng-tượng hoạt-động mạnh. Marx chép lại lập-luận của Spinoza như sau:’’Để làm việc của ngôn-sứ thì không cần phải có óc tư-tưởng hoàn-hảo hơn, nhưng cần phải có trí tưởng-tượng sắc bén hơn’’ (tr 38). Và ông chép tiếp:’’Vì lẽ các ngôn sứ đã nhờ vào trí tưởng-tượng mà thấy được những điều Thiên-Chúa cho biết, cho nên ta chắc được rằng họ thấy được nhiều cái ở ngoài phạm-vi của lý-trí’’ (tr 44).
Lập-luận của Spinoza trong vấn-đề này cũng khá dài. Đại-khái có ý nói là dùng lý-trí để nhận-thức thì bao giờ cũng chắc-chắn hơn là dùng trí tưởng-tượng. vì thế cái sở tri của các vị ngôn-sứ thì vừa không vững chắc, vừa hữu hạn, lại nhiều khi trái ngược nhau. Cho nên không sao sánh được với cái hiểu biết căn cứ vào lý-trí của triết-gia.
g)   Lề-luật của Thiên-Chúa
Trên đây đã nói về các ngôn-sứ là cách thức và là môi-giới Thiên-Chúa dùng để giáo-huấn. Nay bàn tiếp về phần nội-dung, tức là lề-luật của Thiên-Chúa. Đó là đề-tài trong các đoạn 12, 13, 4 và 5 trong sách Spinoza. Tiên vàn, Spinoza đưa ra giải-thích sau đây: ‘’Cái gì dành riêng vào việc tôn-sùng và vào việc tôn-giáo, thì cái đó đáng được gọi là thần-thiêng, và tính-cách thần thiêng đó vẫn còn gắn liền với sự vật đó, bao lâu người ta còn dùng đến nó trong tôn-giáo’’ (đoạn 12, tr 219). Câu định-nghĩa trông-trống ấy chưa nói lên lập-trường của Marx. Sau đó ông chép thêm một đoạn văn của Spinoza về Thánh-Kinh, mà người ta cho là lời của Thiên-Chúa: ‘’ Thánh-Kinh được gọi là lời của Thiên-Chúa, vì ba lý-do sau đây: một là vì nó dạy cho người ta biết tôn-giáo đích-thực, mà Thiên-Chúa là tác-giả; hai là, dưới hình-thức kể truyện, nó báo trước cái tương lai mà Thiên-Chúa đã quyết-định; ba là vì chính những người thực sự đã soạn ra Thánh-Kinh, thường dạy rằng họ viết ra những điều đó, không phải là vì họ được ánh-sáng tự-nhiên, nhưng mà được một thứ ánh sáng đặc-biệt khai-quang cho họ, và họ cho rằng đó là lời của Thiên-Chúa’’ (tr 221-222).
Còn về đối-tượng hay là đề-tài của Thánh-Kinh, thì Spinoza định giới hạn cho nó một cách rất cẩn-thận, để tránh mâu-thuẫn với lý-trí. Ông viết :’’Đối-tượng của Thánh-Kinh không phải là để dạy khoa-học, và như thế ta có thể kết-luận rằng Thánh-Kinh chỉ đòi người ta   phải nghe theo, chỉ lên án người bất phục, chứ không lên án người thiếu hiểu biết.’’ (đoạn 13, tr 230). Nói thế khác, Thánh-Kinh thuộc về phạm-vi thực-hành, chứ không phải thuộc về phạm-vi lý-thuyết, vì: ‘’ Tất cả lề-luật của Thiên-Chúa đều tóm lại vào một giới-điều: yêu mến Thiên-Chúa như là chí-thiện vậy’’ (đoạn 4, tr 88). Nhưng nói như thế, người ta còn muốn ám chỉ rằng tôn-giáo đi đôi với dốt-nát. Marx đã ghi lấy cái ẩn-ý ấy.
Trong đoạn 4, Spinoza đã dành ra vài trang (tr 92-94) để bàn-luận về Chúa Cứu Thế (Christologie). Theo như ông quan-niệm, thì Thiên-Chúa đã cho người ta biết một vài điều, qua môi-giới của linh-hồn Chúa Cứu-Thế. Những điều đó được trực-tiếp chuyển vào tư-tưởng Chúa Cứu Thế, dưới hình-thức ý-niệm, chứ không qua lời nói hay là qua hình ảnh nào cả, nghĩa là cũng như trong trường-hợp các vị ngôn-sứ. Vì vậy, nếu Chúa Cứu Thế dạy những điều đó như là luật phải giữ, thì là vì dân-chúng còn dốt nát hay là còn cố chấp. Thực ra ngài có ý dạy chân-lý vĩnh-viễn, ‘’giải-phóng cho người ta không còn phải nô-lệ lề-luật nữa’’ (tr 92).
Marx đã chép lại câu nói dứt khoát: ‘’Xét bề ngoài thì Chúa Cứu Thế đã nhân danh Thiên-Chúa mà viết ra các lề-luật, nhưng trái lại, ta phải nghĩ rằng ngài đã thực-sự trực-giác được các điều đó, và đã hoàn-toàn hiểu biết được cả; lý do là vì Chúa Cứu Thế không phải là ngôn-sứ, nhưng là miệng lưỡi của Thiên-Chúa (tr 92).  
Không hiểu quan-niệm như thế về Chúa Cứu Thế có làm cho Spinoza thay đổi tư-tưởng chung của ông hay là không, vì xem ra vấn-đề Giêsu quê ở Nazareth có thực sự hay là không đã không làm cho ông quan-tâm là bao nhiêu. Điều làm cho ông quan tâm hơn cả, đó là chỗ đứng của lý-trí. Về điểm này, Spinoza lý-luận tựa theo các sách dạy khôn-ngoan trong bộ Thánh-Kinh. Ông viết như sau: ’’(...) tôi nghĩ đến vua Salomon: trong Thánh-Kinh không có ca-tụng nhà vua là người đạo-đức, cũng không cho rằng nhà vua là ngôn-sứ của Đức Chúa, mà chỉ nói nhà vua là người khôn ngoan mà thôi (...). Nhà vua cho thấy rõ rằng: một là sự khôn ngoan, hay là lý-trí, mới dạy ta biết phải kính sợ Đức Chúa cho phải phép khôn ngoan, nghĩa là phải tôn-sùng Ngài sao cho thật hợp với tôn-giáo; hai là sự khôn ngoan và sự hiểu biết đều bắt nguồn từ Đức Chúa, và đó là những khả năng Ngài cho chúng ta’’ (đoạn 4, tr 94 + 96).
Như thế có nghĩa là: thay vì công-kích tôn-giáo cổ-truyền và các chân-lý đã được Đức Chúa mặc-khải cho ta biết, thì Spinoza thiết-lập một tôn-giáo mới, căn cứ vào lý-trí, thích hợp hơn cho những ai biết tự mình tư-tưởng lấy cho mình Đi xa hơn, nhưng không phế bỏ tôn-giáo cũ, đó là con đường mà Hegel sẽ đi, khi ông dùng triết-học để vượt xa hơn tôn-giáo.
2.1.2.2 - Trong thư-tín của Spinoza
Marx đã đọc các thư-từ của Spinoza trao đổi với các học-giả đương-thời, theo như bản in của ông von Paulus, in năm 1802, chứ không theo bản in của Carl Gebhard, phổ-thông hơn. Trong số 84 cái thư thì Marx trưng-dẫn 26 cái, trong số đó thì những thư quan-trọng nhất là những thư viết cho Henri Oldenburg. Đây không phải là những bài trình-diễn có hệ-thống, nhưng là những chi-tiết để góp thêm vào những đề-tài mà Spinoza đã quảng-diễn ở chỗ khác. Marx đã chép lại những đoạn dài - có khi chép lại cả lá thư -, về những đề-tài rất khác nhau, về siêu-hình-học cũng như về vật-lý-học, về những ý-niệm như bản-thể, thuộc-tính, hiện-hữu, bản-tính, thiên-nhiên, bản-tính và ý-chí của Thiên-Chúa, linh-hồn, vân vân, và cả về phương-pháp mài dũa mục-kính (và đây là nghề thủ-công mà triết-gia Spinoza đã làm để mưu sinh).
Sau đây tôi chỉ trưng-dẫn một vài đoạn để giải-thích và bổ-sung cho những điều đã bàn trong cuốn sách vừa nói trên đây. Và khi trưng-dẫn thì tôi dùng bản dịch Pháp-văn của Charles Appuhn, ‘’SPINOZA, Oeuvres (tác-phẩm)’’, tập 4, Nhà xuất-bản Garnier-Flammarion.
a)   Về Thiên-Chúa
 ‘’Tôi tin rằng Thiên-Chúa, đối với vạn vật, thì là nguyên-nhân nội-tại, như người ta thường nói, chứ không phải là nguyên-nhân ngoại-tại. Tôi đồng ý với ông Bảo-Lộc Ạ, và có lẽ với tất cả các triết-gia thời xưa, mà quả-quyết rằng vạn vật đều ở trong Thiên-Chúa và vận-chuyển trong Thiên-Chúa, tuy rằng tôi nói kiểu khác (...) . Tuy vậy, có một số người nghĩ rằng cuốn Luận-văn về thần-học và chính-trị được xây trên nguyên-tắc rằng Thiên-Chúa và Thiên-nhiên (hiểu theo nghĩa là một khối vật-chất), cũng chỉ là một: nghĩ như thế là lầm to’’ (Thư số 73, gửi cho Henri Oldenburg, trang 335). ‘’Tôi không nghĩ rằng Thiên-Chúa phải theo một định-mệnh nào cả, nhưng tôi quan-niệm rằng vạn vật đều phải theo bản-tính của Thiên-Chúa một cách tất-nhiên (...) . Tính-cách tất-nhiên của vạn vật đó không làm tổn hại gì đến lề-luật của Thiên-Chúa và pháp-luật của loài người ta’’ (Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 338).
b)   Về các phép lạ
 ‘’Về các phép lạ thì tôi tin chắc rằng có thể minh-chứng những điều Thiên-Chúa mặc-khải là chắc-chắn, vì nội-dung của nó có tính-cách khôn-ngoan, chứ không phải vì nó căn-cứ vào những phép lạ, nghĩa là căn-cứ vào sự thiếu hiểu biết, và đây là chủ-trương mà tôi đã quảng-diễn trong đoạn thứ 6. Tôi còn muốn nói thêm ở đây rằng để so-sánh tôn-giáo với mê-tín, thì tôi quan-niệm rằng mê-tín thì tựa vào sự dốt nát, còn tôn-giáo thì tựa vào sự khôn ngoan (...). Cũng như tất cả các người khác, thì những người đó (tín-hữu đạo Thiên-Chúa) đưa phép lạ ra để chọi lại với đối phương, nghĩa là tựa vào cái thiếu hiểu biết, là nguồn gốc những điều không hay, và như thế là làm cho tín-ngưỡng chân chính của mình biến thành mê-tín’’ (Thư số 73, gửi cho H. Oldenburg, tr 335). Thêm vào đó, ‘’ Tôi chủ trương rằng phép lạ và mê-tín cũng như nhau, vì những ai lấy phép lạ làm nền tảng để minh-chứng có Thiên-Chúa và minh-chứng tôn-giáo, thì tức là họ lấy cái tối tăm hơn để minh-chứng cái tối tăm mà thôi, và như thế tức là họ đưa ra một lối suy-luận mới: thay vì đưa đối phương đến chỗ bế-tắc không thể chấp nhận được, như ta thường nói, thì lại lấy cái dốt nát ra làm tiêu-chuẩn‘’ ( Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 339).
c)   Luận về vị Cứu Thế (Christologie)
Marx chép đoạn sau đây: ‘’Tôi nghĩ rằng để được cứu-độ thì việc biết rõ nhân-tính của vị Cứu Thế, là hoàn-toàn không cần-thiết gì cả. Nhưng trái lại, về việc vị đó vĩnh-viễn là quí-tử của Thiên-Chúa, là sự khôn ngoan muôn đời của Ngài được biểu-lộ trong vạn vật, và nhất là trong linh-hồn con người ta, và đặc-biệt nhất là trong linh-hồn của Đức Giêsu Cứu Thế, thì vấn-đề lại khác hẳn (...). Còn về những điểm mà một vài giáo-hội thêm vào đó, ví dụ như nói rằng: Thiên-Chúa đã nhận lấy bản-tính loài người ta, thì tôi đã nói trước một cách phân minh là tôi không hiểu nói như thế có nghĩa là gì, mà hơn nữa, thành-thực mà nói, thì tôi nghĩ kiểu nói như thế cũng không kém phần phi-lý như khi ta bảo rằng cái hình tròn đã nhận lấy hình-hài của một hình vuông’’ (Thư số 73, gửi cho H. Oldenburg, tr 336).
Ông lại chép thêm lập-trường của Spinoza về thân-thế của vị Cứu Thế (Christ): ’’Khi nói rằng vị Cứu Thế đã chịu khổ-nạn, đã chết và được mai-táng, thì tôi hiểu theo nghĩa đen, nhưng khi nói rằng vị đó đã sống lại, thì tôi hiểu theo nghĩa bóng. Tôi đồng ý rằng khi kể truyện sống lại, thì các tác-giả sách Phúc-âm đã nói lên những trường-hợp làm cho ta không thể nghi-ngờ, mà còn đoán chắc được rằng chính các tác-giả đó đã tin rằng thân xác của vị Cứu Thế đã từ cõi chết vùng lên, rồi lên trời và ngự bên hữu Thiên-Chúa, và sự-kiện đó cả những người không phải là tín-hữu cũng có thể trông thấy được, nếu họ có mặt ở những nơi mà vị Cứu Thế đã hiện hình ra trước mặt các môn-đồ Ạ. Tuy vậy những người viết sách Phúc-âm cũng rất có thể là đã lầm, như một số các ngôn-sứ khác trước đây, và những cái lầm đó vẫn không làm tổn hại gì đến lời dạy trong Phúc-âm (Tin mừng). Trái lại, ông Bảo-lộc là người được xem vị Cứu Thế hiện ra sau các người khác, thì tự hào rằng mình được biết vị Cứu Thế không phải là về mặt thể xác, nhưng là về mặt tinh-thần’’ (Thư số 75, gửi cho H. Oldenburg, tr 340).
d)   Về giáo-hội công-giáo
Về giáo-hội công-giáo thì Marx chép lại tất cả lá thư số 76, mà Spinoza viết cho Albert Burgh. Ông này là người đã cải-giáo để theo công-giáo và, trong tinh-thần hăng-hái của người mới cải-giáo, ông đã kịch-liệt công-kích Spinoza trong lá thư số 67, viết tại Firenze (Florence) bên nước Ý, ngày 11-11-1675 (tr 317-328). Ông tựa vào bảy chứng-lý sau đây: 1) Chân-lý của đạo Giêsu Cứu Thế được đặt nền tảng trên sự đồng ý của muôn vàn người có kiến-thức và hạnh-kiểm vượt trên Spinoza; 2) Từ thủa có trời đất thì giáo-hội vẫn bền vững luôn; 3) Vị Cứu Thế đã vượt lên trên Cựu-Ước để đi tới đường lối tôn-sùng mới của Tân-Ước, và giáo-hội được truyền-bá vì đã thắng được các nhà hiền-triết và cả hoàng-đế Roma nữa; 4) Các đặc-điểm của giáo-hội của vị Cứu Thế là: đã có từ lâu, không thay đổi được, không sai lầm được, không phải sửa sai, thống nhất, được truyền-bá rất rộng, sẽ tồn-tại cho đến tận thế, và không có linh-hồn nào tách rời được ra khỏi giáo-hội; 5) Giáo-hội được quản-trị và hướng dẫn một cách thật là có qui củ; 6) có vô số người công-giáo có một đời sống lành thánh đáng thán phục và họ đã nhân danh quyền lực của Thiên-Chúa mà làm được nhiều phép lạ; và, sau cùng thì 7) Có nhiều người rối đạo đã tuyên-xưng đạo công-giáo. Tác-giả bức thư dài 10 trang này có ý thuyết-phục Spinoza bỏ thái-độ kiêu-căng và nhìn nhận chân-lý đạo công-giáo.
Spinoza không trả lời dài dòng (tr 341-345), nhưng trả lời một cách thật là đanh thép. Ông không muốn tranh-luận một cách hạ-cấp, ví-dụ vạch ra cho ông Burgh biết những tật xấu của hàng giáo-sĩ và của nhiều vị giáo-tông (giáo-hoàng), như những người chống đối giáo-hội đã làm. Ông nhìn nhận rằng trong giáo-hội công-giáo Roma đã có những người có văn hóa cao và hạnh-kiểm thật là tốt, có thể là hơn cả các giáo-hội khác (tr 342). Nhưng ông chủ-trương rằng không phải chỉ riêng giáo-hội công-giáo mới có những người sống thánh-thiện mà thôi, vì các giáo-hội khác cũng có nhiều người có phong-thể, kính Chúa yêu người, công-bình bác-ái (tr 341). Trái lại, cái đặc-điểm của giáo-hội công-giáo thì hoàn-toàn là dư thừa, vì, theo như ý-kiến của ông, nó chỉ căn cứ vào mê-tín mà thôi. Và ông đưa ra mấy quan-niệm người đương-thời ra làm ví-dụ (tr 342).
Spinoza không dám tự hào là mình đã tìm ra một triết-học hay nhất, nhưng ông cho rằng ông biết thứ triết-học nào là đúng. Và ông hỏi Burgh đã biết tất cả các tôn-giáo chưa, mà dám chắc rằng mình đã tìm ra tôn-giáo tốt nhất (tr 343)? Hơn nữa không phải hễ có nhiều người đồng ý thì tự-nhiên là đúng (tr 343-344).
Về việc quản-trị giáo-hội thì Spinoza viết: ‘’Tôi biết là cái kỷ-luật của giáo-hội Roma, mà ông ca-tụng, thì rất có ích-lợi về mặt chính-trị, và có nhiều người còn tìm ra ích-lợi vật-chất nữa. Cái kỷ-luật đó có lẽ là hay nhất, có thể dùng để đánh lừa ngu dân và thống-trị tâm-hồn người ta, nhưng cái kỷ-luật của giáo-hội đạo Hồi-hồi (Islam) lại còn hay hơn nhiều, vì từ đầu cho đến nay, cái mê-tín đó vẫn còn thống-nhất không có ly-khai’’ (tr 344). Và còn thêm rằng: nếu có những người vừa dốt nát, vừa không có địa-vị, mà đã thuyết-phục được cho thiên hạ theo đạo của mình, thì đó là công-lao của những người tuyên-xưng danh-hiệu của vị Cứu Thế, chứ không phải là công-lao của giáo-hội Roma. Rồi Spinoza kết-luận lá thư: ‘’ Nếu ông chịu khó đọc cho kỹ (những chứng-lý của tôi trong cuốn Luận-văn về thần-học và chính-trị) và xem xét lại lịch-sử giáo-hội - về điểm này thì ông có vẻ thật là không am-tường - để thấy rằng trong sách vở của các vị giáo-tông đã có nhiều điều trái với sự thực, và để xem vị giáo-tông ở Roma, sáu trăm năm sau khi vị Cứu Thế ra đời, đã chiếm được quyền cai-trị giáo-hội, nhờ hồng-vận và nhờ những mánh-khóe như thế nào, nếu ông làm như thế thì tôi chắc rằng ông sẽ nhận ra cái lầm của ông. Tôi thực tâm mong muốn như thế. Thôi xin từ biệt ông’’ (tr 345).
Marx đã đọc của Spinoza nhiều, nhiều hơn các triết-gia khác trong thời Cận-đại, và đọc rất cẩn-thận. Đủ biết tư-tưởng của Spinoza rất quan-trọng trong hành-trình tôn-giáo của ông, vì lập-trường duy-lý và nghi-ngờ đã sẵn có của ông đối với mọi thứ tôn-giáo nay lại được tăng cường lên. Lập-trường chống công-giáo của ông cũng từ đó mà ra, chứ không phải là do ảnh-hưởng của các triết-gia nước Pháp thế-kỷ XVIII, vì lẽ rằng trong những cặp vở ghi-chú của Marx, thì hầu như ta không thấy dấu vết gì của các triết-gia đó cả.  
2.1.3 - Marx đọc sách của Leibniz và của Hume
Những đoạn văn mà Marx chép lại của Leibniz (1646-1716), triết-gia Đức, và của Hume (1711-1776), triết gia gốc Scottland (Anh), đều ở cả trong những cặp vở 6 và 7, và được in ra trong bộ MEGA IV/1, trong những trang 184-311 và 213-232. Hầu hết các đoạn văn đó có liên-quan đến triết-học tổng-quát, chứ không liên-quan nhiều đến vấn-đề tôn-giáo. Không phải là vì hai triết-gia đó không nói gì về tôn-giáo, nhưng có lẽ là vì sau khi đã tìm được trong Spinoza những điều hợp với ý-định của mình, thì Marx thấy không cần phải tìm thêm ở đâu nữa.
2.1.3.1 - Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716)
Về vấn-đề phép lạ thì Marx có chép lại hai câu văn bằng tiếng Pháp trong bài Cuộc tranh-luận giữa Leibniz và Clarke (Controverse entre Leibniz et Clarke). Câu thứ nhất: ‘’Phải tựa vào phép lạ để giải-thích những hiện-tượng tự-nhiên, như thế có nghĩa là đưa giả-thuyết vào ngõ bí (ad absurdum). Vì cái gì cũng đưa phép lạ ra mà giải-thích, thì có gì là khó ‘’ (MEGA IV/1, tr 194). Câu thứ hai: ‘’Nếu phép lạ chỉ khác cái tự-nhiên ở vẻ bề ngoài và theo quan-điểm của chúng ta, nghĩa là chúng ta chỉ gọi là phép lạ những cái gì họa-hiếm lắm mới quan sát được, như thế thì giữa phép lạ và cái tự-nhiên thực ra không có điểm dị-biệt nội-tại nào cả; và xét cho cùng thì các hiện-tượng đều tự-nhiên như nhau, hay đều là phép lạ như nhau cả’’ (MEGA IV/1, tr 197).
Cả hai câu đều nằm trong khuôn-khổ tư-tưởng duy-lý của người đương-thời. Còn tác-phẩm căn-bản của Leibniz là Théodicée (Luận về Thiên-Chúa), thì Marx không nhắc gì đến cả.
2.1.3.2  - David Hume (1711-1776)
Marx đã đọc cuốn sách Luận-văn về bản-tính con người (Treatise on human nature, 1736), theo bản dịch sang tiếng Đức của L. H. Jakob Ạ, và ông đã chép một ít đoạn văn trong tập I (Về trí hiểu, Verstand), phần thứ ba và phần thứ tư. Thực ra trong sách đó Hume muốn thử áp-dụng phương-pháp thực-nghiệm vào vấn-đề luân-lý, đạo-đức, chứ không có ý bàn-luận về tôn-giáo. Đàng khác, Hume có viết một số sách vở về vấn-đề tôn-giáo, ví-dụ như: Khảo-luận về mê-tín (superstition) và linh-hứng (enthousiasm), 1741, Đối-thoại về tôn-giáo tự-nhiên (Dialogues concerning Natural Religion, 1751), Lịch-sử tôn-giáo theo quan-điểm tự-nhiên (The Natural History of Religion, 1757), v.v., nhưng Marx lại bỏ qua không nhắc tới. Như vừa nói trên đây, chắc là sau khi đọc Spinoza, Marx thấy quan-niệm của mình được một triết-gia đại-tài làm nền-tảng, cho nên ông dừng lại đây và không muốn tìm thêm ở đâu khác nữa. Vì lý-do đó, những đoạn văn mà Marx chép lại từ sách kể trên đã không đưa thêm ra được quan-niệm căn-bản nào mới; tuy vậy cũng có một vài chi-tiết khả quan.
Ví-dụ trong đoạn thứ 8 của phần thứ 3, nhan-đề là ‘’bản-tính của ý-tưởng hay là tin-tưởng’’, Marx chép đoạn văn sau đây: ‘’Khi ta quả quyết là có Thiên-Chúa, thì ta chỉ làm có một việc, là tạo nên ý-tưởng về một vật theo như hình ảnh người ta trình bày cho ta: còn sự hiện-hữu của vật đó thì không phải là một ý-tưởng riêng biệt khác mà ta có thể tùy tiện thêm vào hay là tách ra khỏi ý tưởng kia. Đi xa hơn tí nữa, theo như chủ-trương của tôi, khi ta quan-niệm rằng một vật nào đó có thực, thì ta không thêm cho ý-tưởng sự-vật đó một đặc-điểm nào cả, mà hơn nữa, khi ta tin rằng có sự vật nào đó, thì ý-tưởng sự vật đó cũng không được phong-phú hơn. Vì thế khi tôi suy tưởng đến Thiên-Chúa, khi tôi tưởng rằng có Thiên-Chúa, thì quan-niệm của tôi về Thiên Chúa cũng không thêm không bớt đi một nội-dung nào cả’’ (MEGA IV/1, tr 217).
Nếu hữu-thể không phải là một nội-dung làm thành-phần cho ý-niệm về một sự-vật, thì ta phông thể căn-cứ vào ý-niệm đó mà kết-luận rằng có sự-vật đó. Đó là luận-điệu để phi-bác chứng-lý vật-thể-học (argument ontologique) mà thời Trung-cổ thánh Anselme (1033-1109), tổng-giám-mục thành Canterbury (nước Anh) đã dùng, trong chương thứ 2 của sách Proslogion, để minh-chứng có Thiên-Chúa. Đại khái chứng-lý đó như sau: 1) Thiên-Chúa được định-nghĩa như là vật-thể vĩ-đại nhất, không ai có thể tưởng-tượng ra cái gì khác vĩ-đại hơn; 2) Theo như định-nghĩa đó, thì Thiên-Chúa là một ý-niệm, cho nên có Thiên-Chúa ở trong tư-tưởng người ta; 3) nhưng nếu Thiên-Chúa chỉ có ở trong tư-tưởng người ta mà thôi, thì sẽ không vĩ-đại bằng vật nào vừa có ở trong tư-tưởng người ta, lại vừa có trong thực-tại ; vì thế cho nên, theo đúng định-nghĩa, thì Thiên-Chúa vừa phải có ở trong tư-tưởng người ta, vừa phải có trong thực-tại.
Đoạn văn mà Marx chép ra đây cũng cùng một chủ-trương như chứng-lý ông viết ra trong phần Phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ, mà ta đã xem trên đây (MEGA IV/1/1, tr 90-91).
Ông lại chép thêm câu này nữa: ‘’Căn-cứ vào lý-trí, chúng ta không thể chắc được rằng hễ có một vật nào đó, thì tất-nhiên phải có một vật khác; vì thế khi thấy có một vật, mà chúng ta nghĩ đến một vật khác, thì đó không phải là vì lý-trí bắt buộc như thế, nhưng là vì ta đã có thói quen, theo như nguyên-lý hội-ý (principe d’association), mà Hume đã trình-bày, để phi-bác nguyên-lý nhân-quả Ạ. Đại-khái như sau: nếu đã nhiều lần ta thấy xuất-hiện hai vật A và B đi đôi với nhau, thì về sau hễ ta thấy xuật-hiện một vật mà thôi, thì tự-nhiên ta nghĩ đến vật kia thường đi đôi với nó.
Cũng trong phần thứ 3 này, Marx chép lại mấy đoạn văn khuyến-khích người ta nên tìm đến cái gì là tri-thức chắc chắn, và phải hoài-nghi tất cả những tình-cảm, tin-tưởng và tưởng-tượng. Sau đó ông chép lại đoạn văn trong đó Hume nêu lên cái mâu-thuẫn giữa lòng sùng đạo của người công-giáo và cuộc tàn sát tín-đồ Tin-lành trong ngày lễ thánh Barthémémy (ngày 24 tháng 8 năm  ).
Trong phần thứ 4 của cuốn sách bàn về các hệ-thống triết-học, thì có đoạn thứ 5 nói về vấn-đề ‘’linh-hồn bất-tử’’. Marx trích ra từ đó một đoạn khá dài, đại ý nói là: nếu ta đặt giả-thuyết rằng Thiên-Chúa là nguyên-lý vĩ-đại và hữu-hiệu có thể thay thế cho tất cả các nguyên-nhân trong vũ-trụ, thì ta đi đến chỗ vô-đạo, mâu-thuẫn và thô-tục.; vì như thế tất nhiên ta phải nhận rằng Thiên-Chúa thực sự là nguyên-nhân của tất cả các hành-động của ta, của hành-động tốt cũng như của hành-động xấu (MEGA IV/ 1, tr 225). Lập-luận mà Hume nêu ra đây là có ý nhắc lại lập-luận do Nicolas Malebranche (1638-1715) theo phái triết-học của Descartes đã đưa ra trước đây. Ngoài ra, Hume có nhắc tới ‘’người vô-thần thời-danh’’ là Spinoza, nhưng Marx không chép lại đoạn văn đó.
Đọc lại những đoạn văn mà Marx chép lại của Hume, ta thấy là những đoạn văn đó đã tăng cường cho lập-trường duy-lý của Marx: lấy cái duy-lý có tính-cách thực-nghiệm của Hume chập lại với cái duy-lý có tính-cách triết-học của Spinoza. Như đã nói trên đây, Marx không có ý tìm hiểu thêm về quan-niệm của Hume về tôn-giáo đã trình-bày trong một số sách khác. Vì nếu thực sự có ý như thế, âu là Marx đã có thể nói lên quan-niệm của Hume về tôn-giáo tự-nhiên, về điểm dị-biệt giữa nó với mê-tín, với linh-hứng (enthousiasme), với chủ-trương đa-thần hay nhất-thần, với các tôn-giáo có giáo-chủ sáng-lập, đồng thời nhận ra rằng tôn-giáo tự-nhiên phát sinh ra không phải là vì nhu-cầu suy-luận lý-thuyết, nhưng là vì nhu-cầu thực-tiễn của đời sống.
Nếu Marx không để ý đến những điểm đó, thì chắc là vì ông muốn đề cập đến vấn-đề tôn-giáo theo phương-pháp thực-nghiệm hơn, theo như đường lối thực-nghiệm của giới khoa-học thời đó, và đó cũng là đường lối triết-học của Hegel. Thực vậy, theo phương-pháp Hegel, muốn đề-cập vấn-đề tôn-giáo cho đầy đủ, thì phải theo thứ-tự sau đây: thứ nhất là suy luận về ý-niệm tôn-giáo, thứ hai là xem xét các hình-thức cụ-thể của tôn-giáo, và sau cùng mới biết được tôn-giáo hoàn-toàn được thực-hiện như thế nào. Sau đây ta sẽ xem Marx tìm hiểu tôn-giáo theo phương pháp thực-nghiệm của dân-tộc-học.

Gs. Trần Văn Toàn (Định Hướng)