BỆNH CỦA ĐỘNG MẠCH VÀNH
Động mạch vành (Coronary Artery) là những
mạch máu chạy quanh trái tim để nuôi cơ quan này.
Sau mỗi nhịp tim đập thì máu được đưa đi
nuôi khắp cơ thể qua động mạch chủ. Riêng máu nuôi tim thì được chuyển trực tiếp
vào động mạch vành. Các động mạch này gồm hai nhánh bao chung quanh trái tim
như một cái vương miện. Nếu một trong những phân nhánh bị nghẹt thì tế bào tim ở
vùng đó thiếu dinh dưỡng, thiếu dưỡng khí (oxy). Đó là sự thiếu máu cục bộ cơ
tim (myocardial ischemia) và người bệnh sẽ có những cơn đau thắt tim (angina
pectoris).
Nếu động mạch bị nghẽn vĩnh viễn thì cơn
suy tim sẽ xẩy ra vì Nhồi máu cơ tim (myocardial infarction) và tế bào tim bị
tiêu hủy.
Nguyên
nhân
Có nhiều nguyên nhân đưa tới sự tắc nghẽn
động mạch vành.
Trong đa số các trường hợp, có những mảng
chất béo dần dần đóng lên thành động mạch. Lòng mạch máu ngày một thu hẹp khiến
cho máu lưu thông giảm đi, rồi sau một thời gian sẽ gián đoạn hẳn. Đó là hiện
tượng vữa xơ động mạch (atherosclerosis).
Vữa xơ không phải xẩy ra bất thình lình
mà từ từ diễn tiến cả chục năm. Đôi khi, sự tắc nghẽn bắt đầu ngay từ khi còn
trẻ, nhưng chưa đủ trầm trọng để đưa tới bệnh tim ở tuổi trung niên.
Vữa xơ là nguyên nhân chính của cơn suy
tim, tai biến động mạch não, hoại thư (gangrene) đầu ngón chân, ngón tay. Các mạch
máu dễ bị vữa xơ nhất là động mạch chủ nơi bụng (abdominal aorta), động mạch
vành và động mạch não.
Nguyên nhân của Vữa Xơ Động Mạch chưa được
xác định rõ, nhưng theo kết quả nhiều
nghiên cứu thì chất béo trong máu và các yếu tố sau đây là những nguy cơ có khả
năng gây bệnh:
a- Tuổi
tác.
Hơn 50% trường hợp bệnh động mạch vành xẩy
ra ở người trên 65 tuổi, cho nên nguy cơ bệnh tim tăng theo tuổi tác.
b- Giới
tính.
Theo thống kê thì nam giới trên 45 tuổi
thường bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, nhưng sau tuổi mãn kinh của nữ giới
thì tỷ lệ mắc bệnh gần như nhau.
Nam giới thường có lượng
cholesterol LDL cao hơn và HDL thấp hơn, một phần do tác dụng của kích thích tố
nam Testosterone. Còn nữ giới thì một phần được sự bảo vệ của kích thích tố nữ
estrogen, làm giảm cholesterol LDL. Khi mãn kinh, người phụ nữ không còn kích
thích tố nữ thì cholesterol LDL nhích lên cao.
c- Di
truyền.
Vữa xơ động mạch đôi khi thấy ở nhiều
người trong gia đình, nhất là khi bố mẹ hoặc anh chị em bị bệnh.
d- Chủng
tộc.
Người châu Á ít bị vữa xơ động mạch và cơn suy tim hơn người
Âu Mỹ; người Mỹ gốc châu Phi lại hay bị bệnh tim vì họ bị cao huyết áp nhiều
hơn.
e- Thuốc
lá.
Nicotine trong thuốc là làm tăng huyết
áp và nhịp tim, làm máu dễ đóng cục, làm giảm HDL, tăng LDL, tất cả đều có thể
đưa tới bệnh tim mạch. Nicotine là một trong nhiều yếu tố khởi sự làm hư hao tế
bào động mạch, đưa đến vữa xơ mạch máu này. Hít thở khói thuốc lá do người khác
thải cũng có hại. Bỏ hút thuốc lá sẽ làm
giảm nguy cơ bệnh tim mạch một cách đáng kể.
g- Béo
phì.
Thống kê cho hay người béo phì hay bị
cao huyết áp, bệnh tim, cao cholesterol và do đó thường bị suy tim.
h- Cao
huyết áp.
Huyết áp càng cao thì nguy cơ suy tim và
vữa xơ động mạch càng tăng, nhất là khi kèm theo nghiện thuốc lá và béo phì. Áp
suất lên cao làm yếu thành mạch máu, đưa tới hư hao, đóng bựa chất béo và các chất khác lên thành động mạch.
i- Bệnh
tiểu đường.
Người bị bệnh tiểu đường thường có nhiều
nguy cơ bị các bệnh tim mạch như cơn suy tim, cao huyết áp, chất béo HDL thấp
và triglyceride cao.
k- Ít vận
động cơ thể-
Người ít vận động cơ thể có nguy cơ bị bệnh
Động Mạch Vành nhiều gấp đôi người năng vận động. Sự vận động làm giảm sự hóa vữa
xơ, tăng máu lưu thông tới tim, tăng HDL, giảm béo phì, giảm cao huyết áp.
l- Cao
cholesterol.
Vai trò của cholesterol trong bệnh tim mạch
đã được nghiên cứu sâu rộng trong những thập niên qua với nhiều dẫn chứng khoa
học về vấn đề này.
Mức cholesterol trong máu lên tới
240mg/dl là nguy cơ lớn đưa tới vữa xơ động mạch rồi cơn suy tim và tai biến động
mạch não. Nguy cơ càng cao khi cholesterol càng nhiều trong máu.
Ngoài tổng lượng cholesterol, các thành
phần của chất béo này cũng quan trọng. Đó là các dạng cholesterol LDL (low
density lipoprotein), HDL (hight density lipoprotein), Triglyceride.
Protein là chất vận chuyển lipid và hỗn hợp đó có tên là lipoprotein. Tỷ trọng (density) là tỷ lệ
protein/lipid. Khi nhiều protein (high density) thì là HDL, ít protein (low
density) thì là LDL.
Trong tổng lượng cholesterol thì từ
60-70% là LDL, 20-30% là HDL, 10-15% là VLDL.
Cholesterol ở mức độ dưới 200mg/dl là lý
tưởng; 200-239 còn tạm chấp nhận được, chứ lên trên 240 thì là rất cao và có
nguy cơ gây bệnh.
LDL thường được coi như không tốt vì nó là thành phần gây nhiều rắc rối cho hệ
tim mạch. Cholesterol này đưa chất béo trong thực phẩm vào các tế bào. Khi tế
bào hết chỗ chứa thì chất béo đóng vào lòng động mạch, lâu dần đưa tới vữa xơ,
tắc nghẽn.
Mức độ lý tưởng của LDL trong máu là dưới
130mg/dl; 130-159 mg/dl là bắt đầu có vấn đề; và lên cao hơn 160mg/dl là nguy
hiểm.
HDL vận chuyển chất béo vào dự trữ trong
gan để cho lượng chất béo trong máu chỉ
đủ dùng, không có dư để đóng vào thành động mạch. Lượng HDL trong máu mà bằng hoặc cao hơn 35mg/dl là
tốt, nếu HDL có thể cao hơn 60mg/dl thì thật lý tưởng và an toàn.
Bình thường, cơ thể sản xuất đủ số
cholesterol mà ta cần. Cholesterol đo trong máu có tới 85% là do cơ thể tự tạo;
còn lại 15% là do thực phẩm cung cấp.
Vì thế,
cholesterol trong máu có thể lên cao nếu ta tiêu thụ nhiều cholesterol
và các chất béo bão hòa. Hậu quả là sự
đóng mảng trong lòng động mạch. Khi nghẹt động mạch vành, ta bị cơn suy
tim (Heart attack). Khi một mảng chất béo ở động mạch nào đó chạy lên não thì
gây ra tai biến động mạch não (Stroke ).
Kết luận
Cao cholesterol là rủi ro chính yếu đưa
tới bệnh tim mạch.
Kiểm soát cholesterol là việc làm lâu
dài, cần kiên nhẫn với các phương pháp được nhiều nhà chuyên môn dinh dưỡng
công nhận.
Nên dè dặt với những giới thiệu, quảng
cáo chữa khỏi hoàn toàn mà không cần thuốc hoặc một chế độ ăn uống nhiều chất
này, bỏ chất kia.
Dinh dưỡng trong bệnh tật cũng như trong
sức khỏe cần sự đa dạng, vừa phải, phối hợp của nhiều thực phẩm khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas- Hoa Kỳ www.bsnguyenyduc.com