Yêu
thương
Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một
ngôi mộ đã lâu đời, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Tôi thương người, nhưng rất
sợ lòng người”. Đây là câu nói của Hy Thanh, người nằm trong mộ. Tại sao lại khắc
dòng chữ đó trên mộ của anh ta? Câu chuyện như sau: thời bấy giờ, Hy Thanh chịu
khó đi học nghề tìm mạch nước. Bạn bè khinh chê: “Dưới đất lúc nào chẳng có nước,
học chi cái nghề vô dụng ấy”, gia đình cũng rủa chàng: “Học cái nghề vô ích ấy
làm gì, đi đâu thì đi”
Hy Thanh ra đi, ngày kiếm ăn, đêm tìm đến
chùa ngủ, cắn răng chịu đựng và vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề ấy. Hai mươi
năm trôi qua, gặp thời đại hạn, giếng khô cạn, nhiều người chết vì khát. Lúc bấy
giờ người ta chợt nhớ đến chàng, chạy tới cầu cứu. Hy Thanh tìm ra mạch nước,
nước chảy lênh láng khắp nơi. Dân chúng từ bốn phương hay tin đến uống, họ vui
mừng ca ngợi chàng. Tuy nhiên, có kẻ vì khát lâu ngày, nay uống quá độ nên ngã
lăn ra chết. Người ta quay lại mạt sát chàng, đám người có thân nhân bị chết
xông vào đánh đập chàng cho đến chết. Trước khi chết, chàng nói: “Tôi thương
người, nhưng rất sợ lòng người”.
Đó là câu chuyện ngày xưa, sau đây là
chuyện ngày nay: Trên báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật số 18 năm 1989 có một câu chuyện tựa
đề là “Máu Cá”, tức là máu lạnh, trích trong tập “Ngồi buồn viết mà chơi” của
nhà văn Nguyễn Minh Châu như sau: Tại sân ga Hàng Cỏ vào lúc tờ mờ sáng, khách
đứng xếp hàng chuẩn bị lên tàu, khách ngồi chờ đợi rất đông, cùng với số lượng
hàng hóa chất cao từng đống. Giữa cảnh đông đúc chen chúc như vậy, có một người
đàn bà còn trẻ, y như một người mất trí, cứ hét vang cả sân: “Các ông các bà, có
ai thương tôi, cứu tôi với”. Chị ta kêu đến khản cả giọng mà chung quanh chẳng
ai đoái hoài. Người ta chỉ quay nhìn chị một cách thờ ơ. Có chuyện gì xảy ra vậy?
Thì ra thế này: chị ta xuống tàu trong đêm với hai đứa con: đứa ba tuổi, đứa nửa
tuổi, ngồi chờ sáng. Lúc trời gần sáng, chị bảo đứa con lớn ngồi trông em để đi
giặt đồ. Giặt xong, quay trở lại thì mẹ mìn đã dụ dỗ đem đứa lớn đi, chỉ còn đứa
nhỏ nằm ngửa giữa sân ga một mình.
Nghe xong câu chuyện, tôi (tác giả Nguyễn
Minh Châu) chạy đến gặp một đồng chí công an đề nghị: “Các đồng chí nói loa đi,
yêu cầu hành khách thấy ai khả nghi thì giữ lại, đứa dụ dỗ đứa trẻ, thế nào
cũng có vẻ khả nghi, biết đâu nó còn quanh quẩn đâu đây, yêu cầu mọi người giúp
chị ta”. Đồng chí công an chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời tôi lấy một lời,
còn hàng ngàn con người thì vẫn dửng dưng. Người đàn bà đau khổ vẫn kêu gào giữa
hàng ngàn hành khách sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc.
Kể lại hai câu chuyện trên tôi muốn nói
lên nhân tình thế thái, nói lên lòng người đối với nhau, như là gợi ý để mọi
người suy nghĩ một chút về lệnh truyền và cũng là lời trăn trối, lời di chúc của
Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi từ biệt các ông để đi chịu nạn chịu chết
trong bài Tin Mừng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương anh em… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
Yêu thương là một trạng thái tình cảm
xưa như trái đất, tức là ngay từ khi có con người trên mặt đất đã có vấn đề yêu
thương. Dân tộc nào cũng dậy yêu thương, tôn giáo nào cũng dậy yêu thương.
Trong Cựu Ước, lề luật Do Thái cũng đã có luật yêu thương, chẳng hạn luật Môsê
dạy: “Phải yêu thương tha nhân như chính mình”. Tới khi Chúa Giêsu xuống thế,
Ngài đã giảng dạy yêu thương, thực hiện yêu thương trọn vẹn tuyệt vời. Điều đặc
biệt mới mẻ trong luật yêu thương Chúa dạy là Ngài nâng luật yêu người lên
ngang hàng với luật mến Chúa, đồng thời coi những hành động yêu thương như dấu
chỉ để mọi người nhận ra môn đệ Ngài và là tiêu chuẩn Ngài căn cứ vào đó để
khen thưởng sau này.
Như vậy, luật yêu thương nhau không những
là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền, một sứ mệnh của người Kitô hữu. Vậy
chúng ta phải thực hành luật này thế nào? Nói khác đi, chúng ta phải yêu thương
nhau thế nào? Xin đề nghị ba điều:
Thứ nhất, yêu thương là đối xử nhân hậu với nhau. Nhân hậu là biết chịu đựng và nhường nhịn:
chín bỏ làm mười, một nhịn chín lành; nhân hậu là biết đón nhận những chướng
tai gai mắt, những quê mùa nông cạn của người khác, không tranh chấp cãi cọ,
tránh lời thóa mạ, cộc cằn, mỉa mai. Chúng ta hãy nhớ: khi chúng ta sống khó
tính, nóng nảy, trịch thượng, bất mãn, bất đồng, thì bị mọi người xa lánh và
mình làm khổ mình. Trái lại, nhân hậu là bùa mê, là nam châm thu hút lòng người.
Thứ hai, yêu thương là không nổi giận. Tức giận là một tình cảm thông thường của con
người. Nói theo Á Đông, tức giận là một trong thất tình của con người. Con người
có vui, có buồn, có ham muốn, có giận dữ. Vì vậy, vấn đề không phải là có giận
hay không, nhưng là tại sao giận, giận ai, giận gì việc gì… Dù lý do nào đi nữa,
chúng ta cũng hãy nhớ: người giận mất khôn, giận dữ chẳng được ích gì, nóng giận
làm tan vỡ tất cả.
Thứ ba, yêu thương là không nói hành nói xấu. Người ta thường đổ tội nói hành nói xấu cho
cái lưỡi để nói lên sự nguy hại của nó: lưỡi không xương nhiều đường lắt léo,
tay đã dài mà lưỡi còn dài hơn, không nọc độc nào nguy hại bằng cái lưỡi. Lời
nói hành nói xấu được ví như một mũi tên tẩm thuốc độc, bắn một phát giết chết
ít nhất ba người; giết kẻ bị nói xấu, giết kẻ nghe nói xấu và giết chính kẻ nói
xấu. Chúng ta hãy nhớ lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, xin đừng để con rơi vào số
phận của kẻ nói xấu nói hành, mà phần phạt của họ là ở trong hồ lửa diêm sinh
cháy bừng bừng”.
Tóm lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương nhau, và chúng
ta cũng đã biết có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu thương đối với nhau, hôm
nay chúng ta hãy nhớ ba điều: hãy đối xử nhân hậu với nhau, đừng nóng nảy tức
giận nhau, và đừng bao giờ nói hành nói xấu nhau.