BIẾT
RỒI, VẪN PHẢI NÓI
“Anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
(Ga 15,12)
Hai từ “yêu thương” đã quá quen thuộc với
con người, cách riêng với Kitô hữu. Tình yêu là một đề tài vừa phong phú, vừa hấp
dẫn của văn chưong, nghệ thuật, phim ảnh… và luôn mang tính thời sự. Tình của mỗi
thời dường như mỗi vẻ và cách kiểu yêu của mỗi giới, mỗi người, thì mang mỗi sắc
mầu, nhưng bản chất tình yêu thì trước sau như một. Biết rằng chúng ta phải yêu
thương nhau nếu muốn sống như con người, thế nhưng thử hỏi thế nào là yêu
thương thì quả thật không dễ trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Ngay
cả những việc to lớn như “đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân
xác để chịu thiêu đốt” thì cũng chưa hẳn là đã yêu thương (x.1Cor 13,3).
Có thể nói tình yêu là huyền nhiệm vì
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tuy nhiên thánh Gioan Tông đồ lại cho chúng
ta một cái nhìn về tình yêu: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã
yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của
Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Như thế chúng ta có thể
nói yêu thương là thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu trong
sự tự nguyện đi bước trước và có trả giá cách nào đó.
1. Thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu:
Yêu thương là không chỉ muốn điều tốt cho người mình yêu mà còn thể hiện ước muốn
ấy bằng hành vi cụ thể, thực tế. Trong tình yêu đích thực không có sự nửa vời
hay giới hạn. Đã yêu là yêu đến cùng. Chính vì thế tình yêu đòi hỏi ta thực thi
điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Cứu sống nhân loại, giải thoát nhân lại khỏi
ách nô lệ thần dữ, đưa nhân loại vào hàng con cái, được thừa hưởng gia nghiệp
trên trời, chính là việc Thiên Chúa đã thực hiện để bày tỏ tình Người yêu
thương nhân loại chúng ta.
“Sông sâu còn có người dò…”, nhưng để đo
mức độ của ước muốn thì như không thể. Làm sao để minh chứng rằng ước muốn của
tôi không triệt để? Làm sao để khẳng định rằng tôi chỉ muốn điều tốt loại hai,
loại ba cho người tôi yêu mà không phải là điều tốt nhất? Quả thật, khi đã ước
muốn thì người ta khó biết mức độ ít nhiều, có giới hạn hay đến cùng. Tuy nhiên
qua hành động, thì ta có thể kiểm chứng mức độ một cách nào đó khả dĩ được nhiều
người chấp nhận. Thực tế có đó chuyện ta nghĩ rằng mình có muốn điều tốt nhất
cho người mình yêu, nhưng chỉ thực hiện điều tốt nhì, tốt ba, tốt thứ tư, điều
tốt có hạn chế mà thôi. Khi đã có cái giới hạn thì hình như đã có sự tính toán.
Đã có tính toán, có so đo hơn thiệt, thì chưa thực sự là yêu thương. Sự thường:
“ăn thì cho và buôn thì so”. Biên giới của tình yêu là tình yêu không biên giới.
2. Đi bước trước: Đã yêu thì không đợi “con khóc mẹ mới cho
bú”. Thánh Kinh trình bày Thiên Chúa là Đấng luôn đi bước trước trong việc thể
hiện tình yêu với con người. Ngay khi nguyên tổ sa ngã, thì Thiên Chúa đã hứa
ban Đấng cứu độ. Người đã đi bước trước trong việc chọn gọi Abraham để thành lập
một dân được tuyển lựa hầu chuẩn bị cho Ngôi Lời vào đời thực hiện công trình cứu
độ. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng Đức Kiô đã chết vì chúng ta, cho
chúng ta, ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người.
Trong động thái đi bước trước, phía người
yêu thương thì thể hiện qua việc có sáng kiến, và phía người được yêu thương
thì biểu lộ sự kinh ngạc, sững sờ. Kinh Thánh cho ta thấy điều này: Mỗi khi
Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào một biến cố lịch sử nào đó thì dân chúng nói
chung và những người được tuyển chọn nói riêng đều bàng hoàng, kinh sợ. Các
trang Tin mừng cũng tường thuật hiện tượng này rất nhiều lần. Sau mỗi kỳ công
mà Chúa Giêsu thực hiện để thi ân giáng phúc, thì dân chúng đều kinh hãi và ca
ngợi Thiên Chúa. Có thể nói đây là một tình trạng sững sờ khi chứng kiến một điều
kỳ diệu hay được yêu thương bằng một tình yêu vượt quá tầm luận lý thường tình.
Đêm Tiệc ly, Phêrô và các bạn đã sững sờ khi Thầy Chí thánh cúi xuống rửa chân
cho mình, đến nỗi ông đã vội phản ứng: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào
con chịu đâu!” (Ga 13,8).
Sống yêu thương thì không thể ngồi chờ.
Vẫn có đó những lý lẽ để bào chữa rằng chưa đủ tài, chưa đủ lực hay chưa đến
lúc đến thời…cho những người chưa biết hay không biết yêu thương. Dù chưa đến
thời viên mãn thì Thiên Chúa cũng đã tự tỏ bày chương trình yêu thương của Người
qua các tổ phụ, các ngôn sứ (x. Dt 1,1). Đã yêu thương thì luôn có đó những việc
phải thực hiện, ngay hôm nay và chúng sẽ không ở ngoài tầm tay của chúng ta.
3. Để sống yêu thương thì phải vác thập giá: Tiền nào của nấy (you
get what you pay), câu ngạn ngữ của nền kinh tế thị trường một cách nào đó có
thể áp dụng cho tình yêu. Tình yêu thì vô giá. Và hoa trái của tình yêu là kết
quả của nhiều nỗ lực hy sinh, quên mình. Yêu thương cách đích thực thì sẵn sàng
hiến dâng cả mạng sống (x.Ga 15,13). Của rẻ là của ôi. Đã ngại khó, sợ khổ,
tránh né hy sinh, thì sẽ chẳng bao giờ có được bảo vật đáng trân trọng là tấm
lòng biết yêu thương.
Vì yêu thương nhân loại Chúa Kitô đã tự
nguyện hy sinh vinh quang và danh dự của một vị Thiên Chúa, để mặc lấy thân phận
tôi đòi như chúng ta. Vì yêu thương nhân loại đến cùng, Người đã hy sinh cả phẩm
giá của một con người bình thường để rồi chịu chết bằng án hình thập giá nhục
nhã, như một tội nhân (x.Phil 2,6-8). Vì yêu thương, Người đã tự nguyện ở lại với
chúng ta trong hình bánh rượu. Yêu thương nhân loại, Chúa Kitô không chỉ trao
ban những gì Người có bằng quyền năng của Người mà Người còn trao ban chính cái
Người là, tức chính bản thân, danh dự, phẩm vị, sự sống của Người.
Nhiều người nói rằng mình yêu thương khi
sẵn sàng cho đi tiền bạc và cả thời giờ, nhưng lại không chịu được khi bị mất một
chút danh dự hay uy quyền, chưa kể là chính mạng sống. Cho đi chút của tiền, quả
là không dễ, vì đồng tiền dính liền khúc ruột, nhưng vẫn có thể cho đi cách này
cách khác, lúc này lúc kia, và nhất là khi khúc ruột ấy là “khúc ruột thừa”.
Cho đi ít thời giờ, cũng không mấy dễ, vì thời giờ là vàng bạc, nhưng vẫn có thể
cho đi, nhất là những lúc rảnh rỗi, không biết làm gì. Còn cho đi cái phẩm vị,
cái danh dự của mình, thì dường như là quá khó, vì đó chính là bản thân tôi. Thế
nhưng, nếu không vượt qua cái khó này thì đừng nói chuyện yêu thương.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em”. Dù nhiều người đã biết những cũng cần phải nói: Đây là lệnh
truyền, là giới răn mới và cũng là một lời trối trăng của Thầy Chí Thánh. Để thực
sự là môn đệ của Người, chúng ta không thể xao lãng hay tránh né nó (x.Ga
13,35). Xin đừng yêu nhau bằng môi miệng nhưng hãy can đảm vác thập giá hằng
ngày để có sáng kiến, đi bước trước trong việc thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp
nhất cho người mình yêu thương và cho cả những người không yêu thương mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột