Thiên
Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng
Raoul Follereau, một nhà văn công giáo nổi
tiếng, đã cùng với vợ mình đi khắp nơi để chăm sóc, phục vụ những người phong
cùi. Một hôm tại một trại cùi, Raoul Follereau đến trước một cô gái phong cùi
đáng thương và đưa tay ra bắt tay cô gái, nhưng ông bất ngờ thấy cô
gái đứng yên, không có phản ứng gì. Trong khi ông còn đang ngỡ ngàng thì giám đốc
trại cùi đến giải thích cho ông biết rằng nội qui trại cùi không cho phép bệnh
nhân bắt tay khách. Ông quay sang hỏi ông giám đốc: “Cấm bắt tay nhưng có cấm hôn không?”, và trong lúc ông giám đốc trại
cùi còn đang lúng túng vì nội qui của trại không hề nghĩ đến một tình huống như
thế thì ông Follereau ôm lấy cô gái cùi mà hôn. Cả trại cùi sững sờ, mọi người
bệnh phong đổ xô đến quanh ông, và một người nghẹn ngào nói: “Hôm nay tôi mới thấy được mình cũng là một
con người”
Một trại phong sững sờ khi thấy ông
Follereau ôm hôn một người cùi, còn cả vũ trụ phải rung động trước tình yêu lớn
lao của Chúa khi Ngài làm người để cứu họ, “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể,
đã đến thật gần con người: chẳng những mang lấy bản tính con người, mà còn ôm lấy
nơi mình tất cả thân phận tội lỗi của con người để chịu đau khổ và chịu chết
thay cho họ.
Là Đấng Cứu thế, Ngôi Lời nhập thể, xuống
thế làm người không phải là từ bỏ thiên tính hay sống xa lìa Chúa Cha: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không
thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều
gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19), mà là để đưa
con người vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: “còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người
cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Cũng thế, Ngài không về trời để lìa bỏ
nhân loại: “Chúa phán: Các con hãy đi giảng
dạy muôn dân; thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28,19-20), mà là để cho mọi người thấy bản tính con người đã được thần hoá, được
tôn vinh nơi Ngài: “xin cho mắt tâm hồn
anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi,
thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh” (Ep 1,18).
Do đó, trong khi bất kỳ sự chia tay nào
cũng thường làm cho lòng người se thắt lại thì sự về trời của Đức Kitô lại là một
cuộc khải hoàn của tình yêu cứu thế, làm nức lòng người: “Thiên Chúa ngự lên giữa
tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang”. Đức Kitô về trời, ngự bên
hữu Chúa Cha, với bản tính con người đã phục sinh. Chiến thắng của Đức Kitô là
chiến thắng của ơn cứu độ con người, vinh quang vô biên của Đức Kitô cũng là
nguồn cho mọi hạnh phúc của con người: Từ đây, vì không hề có một biên giới nào
cho sự kết hiệp với Đức Kitô thì cũng sẽ không hề có một biên giới nào cho hạnh
phúc đời đời của con người.
Đây thực sự là Tin Mừng cho con người: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân
ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành
tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a” (Tv 117). Niềm vui đó cũng
chính là cái hạnh phúc tuyệt vời làm nên mấy câu kết thúc của Phúc âm thánh
Luca: sau khi Đức Kitô về trời, “các ông
… trở về Giê-ru-sa-lem lòng đầy vui mừng; các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà
chúc tụng Thiên Chúa. Amen” (Lc 24,52-53).
Cách đây hơn một thế kỷ, có một du khách
từ Mỹ ghé thăm Hafets Haim, một vị rabbi nổi tiếng người Ba lan. Người du
khách ngạc nhiên nhận thấy nhà của vị rabbi quá đơn giản: một căn phòng với một
số sách vở. Đồ đạc trong nhà không có gì khác ngoại trừ một cái bàn và một cái
ghế dài. Ông hỏi vì ngạc nhiên:
“Thưa thầy,
đồ đạc thầy ở đâu cả rồi?”
“Còn đồ đạc của ông đâu cả rồi?” Hofetz hỏi lại.
“Đồ đạc của tôi ư? Tôi chỉ là một du khách ghé
thăm đây, một người qua đường thôi mà.”
Lúc đó vị rabbi vui vẻ giải thích: “Tôi cũng vậy!”
Thánh Augustinô, trong khảo luận về Phúc
âm Gioan, đã viết: “Hội thánh được biết
là có hai cuộc sống Thiên Chúa đã mạc khải và trao ban: cuộc sống trong đức tin
và cuộc sống trong trực kiến (vision); cuộc sống thời lữ hành và cuộc sống nơi
cư ngụ vĩnh viễn; cuộc sống lầm than vất vả và cuộc sống nghỉ ngơi an nhàn.”
Cuộc đời chóng qua không thể làm mất đi
niềm vui của người đặt trọn niềm tin nơi hạnh phúc đời đời đã được Đức Kitô dọn
sẵn cho những ai theo Ngài: “chúng ta sẽ
được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau”
(1Tx 4,17-18)
Lm. HK