Gia đình _ từ chết đến bị thương

TỪ CHẾT ĐẾN BỊ THƯƠNG
“Cặp vợ chồng lý tưởng”, đó là tựa đề của một chương trình truyền hình thật hấp dẫn và ăn khách. Năm cặp vợ chồng bước vào phòng thu hình. Người điều khiển sẽ tách riêng mỗi cặp, chồng đứng một nơi, vợ ngồi một nẻo và hỏi từng người một. Rồi sau đó, cặp vợ chồng nào mà cả hai đều trả lời hoàn toàn giống nhau cho tất cả những vấn đề được đặt ra, mới được chọn làm cặp vợ chồng lý tưởng.

Chẳng hạn người điều khiển hỏi:
-         Bạn thích ăn cơm nhão hay ăn cơm khô?
Nếu người vợ trả lời là cơm nhão và người chồng cũng phải trả lời là cơm nhão, thì mới được điểm.
Chẳng hạn người điều khiển hỏi:
-         Khi ra riêng, bạn sẽ vay tiền để mua sắm đồ đạc hay cứ chịu khó tiết kiệm để rồi mua sắm sau?
Nếu người vợ trả lời rằng tiết kiệm trước, mua sắm sau, và khi được hỏi, người chồng cũng phải trả lời y chang như vậy, thì mới được điểm.
Từ đó, cặp vợ chồng lý tưởng sẽ phải là cặp vợ chồng hoàn toàn hoà hợp, cả hai cùng nhất trí, cùng đồng ý với nhau trong tư tưởng, trong lời nói, cũng như trong hành động: Mình với ta tuy hai mà một. Họ chỉ còn là một tâm hồn và một ước mơ, một trái tim và một việc làm.
Tuy nhiên, tìm được một người chồng hoàn hảo, hay một người vợ tuyệt vời đã là một chuyện rất khó, còn khó hơn cả việc mò kim dưới đáy biển, đơn giản chỉ vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm của mình, cho nên người chồng hoàn hảo hay người vợ tuyệt vời chỉ là điều không tưởng, chẳng hề có trong cuộc đời này.
Tìm kiếm một cặp vợ chồng lý tưởng, hoàn toàn ăn ý với nhau, còn khó hơn thế nữa. Dù gã có đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày, thì cũng chẳng hề thấy, bởi vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Ấy là gã chưa nói đến mỗi người còn là một mầu nhiệm, một thế giới biệt lập với những khoảng trời riêng tư. Và kinh nghiệm cũng cho hay: Trong cuộc sống chung, vợ chồng sẽ không thể nào tránh khỏi những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Thậm chí đối với một số cặp vợ chồng, những bất đồng, cãi vã và xô xát vốn chỉ là những chuyện rất bình thường, xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, nếu bình tĩnh ngồi phân tích, gã nhận thấy giận vợ hay làm cho vợ giận, trong cả hai trường hợp, phe ta chỉ toàn thua là thua, từ chết đến bị thường mà thôi.
Trước hết là trường hợp vợ giận
Bản tính của đờn bà con gái vốn dịu hiền, vì thế đứng trước những tức tối, phản ứng của các chị vợ thường âm ỉ và dai dẳng, khiến cho anh chồng phải một phen ngậm đắng nuốt cay, xất bất xang bang, giống như hiện tượng cháy ngầm trong hoá học, tuy âm thầm nhưng vẫn có thể cưa đứt cả sắt thép.
Bình thường, chị vợ vốn hay nói dài, nói dẻo, nói giai, nhưng khi đã giận rồi, thì bỗng trở thành… ”tắt tiếng”. Và một khi chị vợ đã quyết tâm, thì trời có đánh, thánh có vật cũng không can nổi. Từ một người nói nhiều như đài phát thanh, chị có thể câm nín, nhịn nói cả tuần lễ. Bộ mặt lầm lỳ như công an hình sự. Có cậy miệng cũng chẳng thèm phát ngôn lấy được một lời, làm cho anh chồng càng ngày càng bị căng thẳng và khổ sở, bởi vì mỗi khi bước chân vào nhà, đều phải đối mặt với một “pho tượng đá”, để rồi cuối cùng anh chồng đành phải xuống nước, năn nỉ ỉ ôi, chị vợ mới mở lượng khoan hồng mà tha cho. Sau cơn giận nín lặng thuộc vào hàng cao thủ võ lâm của chị vợ, nhiều anh chồng mới sáng mắt và ngộ ra rằng: vợ nói nhiều còn dễ chịu hơn là vợ lầm lì, tắt tiếng.
Thái độ thứ hai là ca tới ca lui cái điệp khúc “trở về mái nhà xưa”. Thực vậy, cứ mỗi lần cãi nhau và khi yêu cầu không được giải quyết một cách thoả đáng, nhiều chị vợ bèn chẳng nói chẳng rằng, tự động gấp quần áo, xếp đồ đạc, khăn gói quả mướp lên đường về với… bu! Để rồi anh chồng phải lí nhí bẩm báo với mẹ vợ:
-         Mẹ ơi, con có chuyện muốn thưa với mẹ. Thực ra con và vợ con đều không có lỗi chi cả, chỉ hiểu lầm nhau mà thôi. Mong mẹ khuyên nhủ nhà con giùm.
Thế nhưng, sự đời đâu có đơn giản. Mặc dù được mẹ can gián, nhưng chị vợ vẫn cứ tiếp tục làm reo,  ở thêm ba bốn ngày cho hả giận. Và lần nào cũng vậy, anh chồng phải đích thân sang nhà ngoại, đóng vai “bị can”, xuống nước van xin lượng từ bi hì xả, mới được ân xá và rước chị vợ trở về. Có thể nói được rằng, đối với người đàn ông, không có việc gì khổ sở hơn là việc đó.
Về với bu là còn may phúc bảy mươi đời, vì dù sao anh chồng cũng đã biết được địa chỉ nơi đến, một địa chỉ an toàn tuyệt đối, nên yên chí phần nào. Trong khi đó, có những chị vợ đùng đùng nổi giận đã anh dũng bỏ nhà ra đi cái một, không hề tiếc xót, không hề nhung nhớ và cũng chẳng hề hé môi cho biết là mình đi đâu, làm cho anh chồng một phen băn khoăn lo nghĩ toát cả mồ hôi hột: Bà con họ hàng thì không có, thuê phòng khách sạn thì không đủ tiền, hỏi han bạn bè thì chẳng ai biết, gọi điện thoại thì không trả lời, thậm chí còn tắt cả nguồn, hay chỉ nghe tổng đài léo nhéo tạm thời không liên lạc được, vì ngoài vòng phủ sóng.
Trong khi đó con cái thì nheo nhóc, nhà cửa thì bừa bãi, khiến anh chồng bèn phải xuống thang, rót từng lời mật ngọt để dỗ dành, nhắn tin vào máy chị vợ. Cuối cùng, sau ba ngày thấm đòn, khi bố con hốc hác, bơ phờ vì ngôi nhà không có đờn bà, chị vợ mới chịu trở về với vẻ mặt kênh kiệu của người chiến thắng, kèm theo một thông điệp:
-         Tôi về là vì các con mà thôi, không êm thì tôi sẽ đi tiếp cho mà biết. (Phỏng theo Phụ nữ Thứ tư, số 67 ra ngày 28.7.2010).
Như vậy, hẳn mọi anh chồng đều nghiệm ra rằng: Đừng dại dột mà làm cho vợ giận, bởi vì cuối cùng đều phải xuống nước mà năn nỉ đến gãy cả lưỡi, cũng lại từ chết đến bị thương mà thôi.
Tiếp đến là trường hợp giận vợ
Kinh nghiệm cho hay tính hiếu thắng dường như là một cái gì đã được Tạo Hoá cài đặt sẵn trong máu huyết của phe đờn ông con giai. Vì thế, trong những cuộc “nội chiến”, anh chồng thường phấn đấu dành phần thắng cho bằng được, thậm chí đôi lúc không ngần ngại dùng đến chiến thuật cả vú lấp miệng em, mình sai mà vẫn cứ cãi chày cãi cối.
Hơn thế nữa, bản tính của đờn ông con giai vốn nóng nảy và thẳng thừng, vì thế đứng trước những bực bội, phản ứng của các anh chồng thường bộc phát một cách mãnh liệt bằng những lời chửi bới và bằng những hành động mang tính cách bạo lực, như thương cẳng chân hạ cẳng tay và để lại những đổ vỡ tan hoang, giống như hiện tượng cháy bùng trong hoá học, nổ tung làm tan xác pháo.
Bình thường, anh chồng vốn ít nói, nhưng khi đã điên tiết vì cơn giận bốc lên đầu và bị tẩu hoả nhập ma, thì lại hay nói to và nói tục với những lời lẽ cộc cằn và thô lỗ, để rồi khi hạ nhiệt và cơn giận tan đi, lại phải một phen uốn lưỡi xin lỗi chị vợ.
Ngoài ra, cũng không ít anh chồng còn xử lý bằng bạo lực, như đập vỡ nồi niêu xoong chảo, đánh đập đấm đá chị vợ. Rốt cuộc thì cũng lại từ chết đến bị thương, từ thua đến thua mà thôi.
Suy gẫm về thái độ “vũ phu chi cục mịch” này, gã thấy làm như vậy quả là vô cùng dại dột. Bởi vì khi tỉnh cơn mê, lại phải bỏ tiền ra mua sắm những nồi niêu xoong chảo đã bị đập bể. Nếu chị vợ bị đánh phun máu đầu, lại phải bỏ tiền bạc và thời giờ ra chạy chữa. Còn nếu chẳng may chị vợ…bị đi tàu suốt sang thế giới bên kia, thì chắc chắn ông chồng sẽ được luật pháp sờ vào gáy, cho ngồi nhà đá mà đếm lịch. Rồi tương lai gia đình và con cái sẽ như thế nào? Nheo nhóc và tan hoang là cái chắc.
Chính vì thế, một anh chồng đã thề quyết với bè bạn:
-         Tớ hứa từ nay sẽ không bao giờ đánh vợ nữa. Tốn kém lắm!
Mọi người đều ngạc nhiên:
-         Sao lại tốn kém?
Anh chồng buồn sầu trả lời:
-         Vợ tớ thích làm đẹp, tớ hoàn toàn đồng ý. Nhưng càng ngày cô ấy càng quá đáng. Hôm trước cô ấy hỏi ý kiến để đi xâm môi, tớ không đồng ý, vì từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ môi vợ tớ đã thật dễ thương rồi. Mua son gì tớ cũng chịu, chứ đi xăm nó hâm hâm tái tái, như miếng thịt trâu ôi, nhìn thấy mà ghê. Tớ cương quyết: Em mà xâm môi, anh nhất định sẽ không bao giờ hôn em nữa. Đồ thật còn chẳng ăn, ai lại ăn đồ giả. Yên lặng được một thời gian, lần này cô ấy chẳng thèm hỏi han gì, qua mặt tớ cái vù. Các cậu thấy đấy, cái mũi của vợ tớ trước giờ vốn hênh hếch nhìn có duyên đáo để. Thế mà hôm nay cô ấy đem về trình diện tớ một cái mũi dọc dừa thẳng tưng, chóp mũi còn cao hơn cả cái trán. Tớ mở tủ xem ngân quĩ thì thấy thiếu mất mấy triệu đồng. Khổ quá! Đang dành tiền tính đổi cái xe đạp cà tàng cổ lỗ sắp thành sắt phế thải rồi. Cũng phải lên đời, chuyển hệ thành xe máy chứ. Tức quá, tớ gọi cô ấy lại, xáng cho nguyên một bạt tai. Của đáng tội, tớ đánh nhẹ thôi chứ đâu có mạnh tay. Lần đầu tiên kể từ khi cưới nhau, tớ đánh vợ tớ. Các cậu biết chuyện gì xảy ra không? Cái mũi “mỹ viện” của cô ấy lệch sang một bên, nhìn giống như một cục thịt thừa. Cô ấy soi vào gương mà cứ khóc thút thít khiến tớ ân hận quá chừng. Nắn mãi cũng không làm sao cho mũi ngay ngắn lại được. Đành phải chở vợ tớ tới mỹ viện, tốn thêm mấy triệu đồng nữa để họ chỉnh cái mũi lại như cũ. Tớ chỉ đánh vợ một lần duy nhất mà thôi, tởn tới già. Giận quá mất khôn. Tốn một lần chưa đủ hay sao mà lại muốn tốn thêm một lần nữa.
Kinh nghiệm sống sượng trên đây đáng cho mọi anh chồng vũ phu suy gẫm trong cung cách cư xử với chị vợ của mình. Làm thân đờn ông đã khó, còn làm anh “chồng giỏi chồng ngoan” lại càng khó hơn. Vì vậy, một anh chồng thấm thía sự thua lỗ mỗi khi đôi co với vợ, đã ví von bằng ngôn ngữ bóng đá như sau:
-         Các anh chồng nên xác tín rằng cãi nhau với vợ chỉ là “đá giao hữu”, chứ không phải là đá ăn thua, một mất một còn. Phải biết thua trong danh dự mới là cao thủ, và sau đó chỉ sợ không đử sức nhận…”bồi thường chiến tranh” mà thôi.
Một anh chồng khác cũng đã rút tỉa, từ những lần “va chạm, cọ quẹt” với chị vợ, một kinh nghiệm để đời:
-         Trong những cuộc “nội chiến” với vợ, không gì dại bằng giành phần thắng về cho mình, bởi lẽ ngay sau đó chắc chắn sẽ bị trừng phạt, sẽ bị trả đũa, sẽ bị dạy cho một bài học để biết thế nào là lễ độ. Cũng giống như dân An Nam ta ngày xưa, dù có anh dũng đánh thắng Trung Quốc, thì khi hoà bình trở lại, vẫn cứ phải triều cống và lệ thuộc, thì mới được yên thân!
Anh chồng này còn bật mí thêm hai điều thật quí giá:
-         Một là vợ bao giờ cũng đúng. Hai là nếu vợ sai, thì phải nhẩm đi nhẩm lại cho tới lúc hoàn toàn xác tín vào điều một.
Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã từng bảo:
-         Lệnh ông không bằng cồng bà. Vợ muốn là trời muốn.
Thậm chí còn xếp ông trời đứng sau lưng chị vợ:
-         Nhất vợ, nhì trời.
Sở dĩ như vậy cũng dễ hiểu, bởi vì vợ lúc nào cũng có lý, cho dù là cái lý ngang như cua bò!
Trong một bài viết trên báo Phụ nữ Thứ sáu, số ra ngày 06.8.2010, tác giả Trần Trung Hoà cho biết: Trong một cuộc khảo sát 50 nữ sinh viên sắp ra trường với câu hỏi: Đức tính nào của người chồng mà phụ nữ thích hơn cả? Có đến 87% trả lời là thích tính hài hước. Vì vậy, khi tranh cãi với chị vợ,  các anh chồng không nên dùng lý lẽ sắc bén hay những câu nói gây tổn thương, mà chỉ nên tranh luận bằng thứ ngôn ngữ có tính hài hước. Đôi khi cũng phải miệng lưỡi chút xíu, vì đặc điểm của phụ nữ là ưa nịnh. Người phương Tây đánh giá cao những anh đờn ông giỏi “nịnh đầm”. Nhiều khi chỉ một câu nói pha trò là có thể tránh được cả một cuộc chiến đau đầu. Chẳng hạn khi chị vợ bảo nhất thiết phải có hành ngon để nấu ăn, tại sao anh chồng lại không mở miệng ra mà nói:
-         Vợ anh nấu ăn, thì không cần hành vẫn cứ ngon ngất trời!
Hay:
-         Anh đã cố đi tìm những năm cái chợ mà vẫn không tìm ra thứ hành ngon nhất. Chỉ toàn hành héo, anh sợ đem về, em lại mắng, nên không dám mua.
Chị vợ biết tỏng anh chồng nói ngoa, nhưng nghe đến câu “anh sợ đem về, em lại mắng”, thì làm sao mà còn giận, còn hờn được nữa. Lắm khi lại anh chồng lại còn được khoẻ re, bởi vì dẻo miệng lưỡi, khoẻ tay chân, vì khéo nói, nên chẳng phải làm chi cả.
Một anh bạn từ bên Mỹ vừa mới gửi về một bài thơ, để gã dùng làm tài liệu…ngâm kiú. Bài thơ mang tựa đề là “Sợ vợ” như sau:
Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,
Nhất vợ nhì trời... là chuyện tự nhiên.
Đàn ông sợ vợ thì sang,
Đàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.
Đàn ông không biết thờ bà
Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.
Đàn ông sợ vợ ai khi,
Vợ mình, mình sợ xá gì thế gian!!!
Đàn ông khí phách ngang tàng,
Nghe lời vợ dạy là hàng trượng phu.
Đàn ông đánh vợ là ngu,
Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.
Lấy nàng từ thuở mười nhăm,
Đến khi mười chín tôi đà năm con.
Nàng thì trông hãy còn son,
Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.
Nắng mưa là chuyện của trời,
Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.
Suốt ngày cày cấy như trâu,
Chiều về rửa chén cũng ngầu như ai.
Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,
Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.
Lau nhà, lau cửa chẳng màng,
Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.
Nhiều khi muốn hộc xì dầu,
Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.
Nàng đòi thi đấu võ đài,
Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.
Nhớ xưa mình mới quen nhau,
Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.
Cho nên tôi mới bị lường,
Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.
Than ôi thực tế phũ phàng,
Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.
Một lòng thờ vợ sắt son,
Còn non còn nước thì tôi còn...thờ
Để kết thúc, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ “Tuy gần mà xa”, giúp cho bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm, hầu bắc được một nhịp cầu cảm thông và tạo được một bàu khí đầm ấm trong gia đình của mình.
Có một nhà hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
-         Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử đã trả lời:
-         Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!
Nhà hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
-         Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời, nhưng không câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:
-         Khi hai người đang giận nhau, thì trái tim của họ không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm, họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe, thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
-         Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào?  Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao?  Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau.  Khoảng cách giữa họ rất nhỏ.
Rồi ngài lại tiếp tục:
-         Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà, thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Và qua ánh mắt đó, họ đã biết đối phương nghĩ gì và muốn gì?
Và nhà hiền triết kết luận:
-         Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, hãy giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau. Nếu không, thì sẽ có một ngày, khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng lúc càng xa và các con sẽ không còn tìm được đường quay trở lại với nhau.
Thật là trên cả tuyệt vời!!!
Gã Siêu   gasieu@gmail.com