CÂY DÙ CỦA NIỀM TIN
Những cánh đồng nứt nẻ vàng úa vì thiếu mưa, mùa này rũ xuống vì thiếu nước. Người ta lo lắng và cáu kỉnh khi nhìn lên bầu trời kiếm tìm một tín hiệu đổi thay. Qua bao tuần lễ khô cằn, trời vẫn chưa mưa.
Chúa nhật sau, các thừa tác viên trong nhà thờ địa phương kêu gọi làm giờ cầu nguyện trên quảng trường thành phố. Họ yêu cầu mỗi người đem theo niềm tin làm nguồn cảm hứng.
Vào giữa trưa một ngày thứ bảy được định trước, những người dân thành thị tập họp thành đám đông đầy quảng trường, với những khuôn mặt lo lắng và con tim tràn trề hy vọng. Các thừa tác viên cảm động nhìn những đối tượng khác nhau xiết chặt tay lại để cầu nguyện. Những cuốn sách thánh, những tượng thánh giá, những cỗ tràng hạt …
Khi giờ cầu nguyện kết thúc, như có một mệnh lệnh thần diệu nào đó, một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi. Những tiếng hoan hô xuất phát từ đám đông trong khi họ giơ lên cao những vật quý giá của họ, để biểu lộ niềm vui sướng và tạ ơn Thiên Chúa vì kỳ công Ngài đã làm. Từ giữa đám đông, một biểu tượng đức tin dường như che khuất tất cả những cái khác: Một đứa bé chín tuổi đã đem theo một cây dù!
Laverne W.Hall
Chúa Giêsu sau khi sống lại, Người hiện ra với các Tông Đồ lần thứ hai trong đó có Tôma, Người đã nói với Tôma “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin, phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29). Niềm tin của người Kitô giáo dựa trên nền tảng của mầu nhiệm đức tin. Hằng ngày khi tham dự thánh lễ, trên bàn thờ khi linh mục đọc lời truyền phép, hình bánh và hình rượu sẽ trở thành Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, tuy đôi mắt bình thường chúng ta thấy vẫn chỉ là hình bánh miến là chén rượu nho, nhưng trong mầu nhiệm đức tin người Kitô hữu tin nhận đấy chính là Mình Máu Thánh Chúa. Vì thế sau lời truyền phép, linh mục đọc lời tuyên xưng “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Đây chính là phép lạ tôi được chứng kiến hằng ngày trên bàn thờ mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Phép lạ đòi hỏi tôi phải có một đức tin tuyệt đối. Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” Nhưng đức tin của người Công Giáo phải được thể hiện cụ thể bằng chính hành động, chứ không phải trên lý thuyết sách vở. Qua sách Tin Mừng tôi thấy được việc cộng tác và hành động của mỗi sự việc để làm nên phép lạ:
- Những gia nhân đã tin và vâng theo lời Chúa nói: ‘Hãy kín nước đổ đầy vào vò”. Sự cộng tác của họ đã làm thành phép lạ đầu tiên trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa. (Ga 2,1-11)
- Anh chàng thanh niên mù từ thuở mới sinh đã phải đến hồ Silôác để rửa thì đôi mắt anh mới được sáng. (Ga 9,11b)
- Các Tông đồ sau một đêm mệt mỏi ở ngoài khơi mà chẳng bắt được con cá nào, sau đó Chúa Giêsu đã nói hãy thả lưới bên hữu thuyền, trong niềm tin các ông đã hành động làm theo lời của Thầy, kết quả là một mẻ lưới lạ, thuyền đầy ắp những cá, nhiều đến nỗi lưới của của các ông sắp rách. (Ga 21,4-6)
- Trong niềm tin và hành động của vị sĩ quan La-mã, ông không ngại đến với Chúa vì mình là người ngoại giáo, ông đã mạnh dạn thưa với Chúa chỉ cần Người phán một lời, thì người hầu bệnh tật của ông đang ở nhà sẽ được lành mạnh. (Lc 7, 1-10)
- Niềm tin và hành động của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết, bà nghĩ chỉ cần chạm vào gấu áo của Chúa thôi, bà tin bệnh của bà sẽ được lành. (Mc 5,25-34)
Nói chung khi Chúa làm một phép lạ nào, Người đều muốn người đó phải thực sự có niềm tin và cộng tác cùng với Người.
Trời nắng hanh khô cằn mang theo dù là một điều hiển nhiên, vì cây dù là công cụ giúp tôi che cả nắng lẫn mưa. Câu chuyện ở trên, mục đích em bé đem theo cây dù là để che nắng hay che mưa? Vì thời tiết của giờ cầu nguyện là giữa trưa nắng, nhưng ở đây đã phản ánh lên được niềm tin của em, vì em tin rằng lời cầu nguyện của cả một tập thể sẽ được Chúa nhận lời. Tôi nghĩ rằng em đem theo cây dù chính là một hành động để khẳng định niềm tin vững mạnh của em. Từ đây tôi rút ra một bài học: Một khi muốn lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận, hãy cầu nguyện bằng chính hành động của mình.
Trong cuộc sống đã biết bao những ơn lành Chúa đã ban cho tôi, đó chính là những phép lạ Chúa đã làm cho tôi, cảm nghiệm được từ trong cuộc sống: qua những việc làm hằng ngày, từ việc lao động để tìm kế sinh nhai hay trong việc phục vụ tông đồ, nếu không có Chúa đồng hành thì tôi chẳng làm được gì cả, tôi tin Chúa đang cùng bước bên tôi như trong ý tưởng của câu chuyện Footprint đã được tác giả Thông Vi Vu phổ nhạc “bao nhiêu dấu chân qua bấy nhiêu niềm cảm tạ, đôi khi có những bước phôi pha mà hình bên bóng chẳng rời xa. Hôm nao thấy dấu chân đôi đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi, là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết trân trọng những điều Chúa đã làm cho cuộc đời con; con xin cám ơn Chúa qua những hồng ân và của cải vật chất Chúa đã ban cho con; cùng nguyện xin Chúa cho con biết sử dụng những gì Chúa đã ban cho con, để con biết chia sẻ cho những người nghèo khổ, biết nhiệt thành trong việc đem Lời Chúa đến với mọi người, sẽ là một công cụ hữu hiệu để làm chứng nhân cho Chúa giữa đời thường này. Amen!
Pet. PBH