Bài 14. CHỚ KHINH THƯỜNG DANH CHÚA
ĐIỀU RĂN THỨ HAI
Các hai thứ tội nghịch với điều răn thứ hai là khinh thường Danh Chúa và kêu Danh Chúa cách gian dối.
Khinh thường Danh Chúa có các tội: nguyền rủa hay phỉ báng Danh Chúa, kêu cầu Danh Chúa cách bất kính, thề vô cớ, và thề nhân danh ma quỉ; kêu Danh Chúa cách gian dối là thề gian, bội thề.
98. Tội nguyền rủa là gì?
Nguyền rủa là mong ước điều xấu cho chính mình hay cho người khác bằng những lời nói như “cầu quỉ bắt mày, cầu cho mày bị sét đánh chết đi cho rồi, giá mà Chúa đừng sinh ra tôi” v. v...
Nếu là hành động có suy nghĩ và thực lòng muốn điều nguyền rủa trở thành sự thật, thì đó là tội nặng. Nhưng dù sao đi nữa, nguyền rủa cũng là điều bất kính Danh Chúa, là gương xấu và mua thù chuốc oán đối với người khác.
99. Tội phỉ báng Danh Chúa là gì?
Phỉ báng, còn gọi là lộng ngôn, phạm thượng, là những lời nói xúc phạm đến sự thánh thiện của Thiên Chúa, xúc phạm đến các thánh, đến Giáo Hội... như gán cho Chúa những điều không xứng với Ngài, hoặc nói về Chúa và nói với Chúa bằng giọng điệu khinh thường và kiêu ngạo: “nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá đi, và chúng ta sẽ tin ngươi”...
Tội này cũng bao gồm việc nói phạm đến các thánh, như gán cho các ngài những tính mê nết xấu, chế nhạo sự tôn kính các ngài, không công nhận những đặc ân của Đức Mẹ; nói xấu Giáo Hội, về giáo lý, các điều răn của Hội thánh.
“Lộng ngôn là một tội nặng". [1] "Lộng ngôn là xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng hay ngoài miệng bằng những lời hận thù, than trách, thách thức; là nói xấu Thiên Chúa, bất kính trong lời nói, và lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa" [2]
Tội nói lộng ngôn cũng bao hàm “những lời nghịch với Hội Thánh của Đức Kitô, các thánh và những sự thánh … nại đến Danh Thiên Chúa để che đậy những hành vi tội ác, để bắt các dân tộc làm nô lệ, để tra tấn hoặc giết người. Lạm dụng Danh Thiên Chúa để phạm tội ác là gây cớ cho người ta khước từ tôn giáo”. [3]
Cũng là phỉ báng Danh Chúa là tội nhân danh ma quỉ mà thề. Đó là tội nặng xúc phạm đến Chúa vì coi những kẻ dối trá lại đáng tin hơn Chúa.
100. Kêu cầu Danh Chúa cách bất kính là gì?
Còn gọi là lạm dụng Danh Chúa, là “mọi cách sử dụng bất xứng đối với Danh của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh”. [4]
“Kêu tên Chúa vô cớ, dù không có ý phạm thượng cũng là thiếu tôn kính đối với Chúa. Điều răn thứ hai cũng cấm sử dụng Danh Chúa vào việc ma thuật”. [5]
Kêu cầu Danh Chúa cách bất kính là những lời chửi thề, có nhắc đến Danh Chúa, dù không có ý xúc phạm đến Ngài nhưng cũng là sự thiếu tôn kính; hoặc là thói quen lạm dụng kêu Thánh Danh Chúa, Đức Mẹ, các thánh, một cách không cần thiết và bất xứng trong câu chuyện thường ngày; nhất là sử dụng Danh Chúa vào các hành vi ma thuật.
101. Thế nào là kêu Danh Chúa cách gian dối?
Kêu Danh Chúa cách gian dối bao hàm các tội có phần liên quan đến lời thề, mà đáng kể nhất là thề gian và bội thề: “Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề nhưng hãy giữ trọn lời thề với Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả... Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’; ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33-34.37)
102. Thề là gì?
“Thề là lấy Thiên Chúa làm chứng cho điều mình xác quyết, là kêu sự chân thật thần linh làm bảo chứng cho sự chân thật của mình: “Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Ngài là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Ngài mà thề” (Đnl 6,13) [6]
Lời thề là một hành vi tôn giáo bày tỏ lòng kính trọng đối với Chúa là Đấng không thể sai lầm và là chính Sự thật: “Ngươi phải kính sợ Thiên Chúa ngươi, và ngươi phải lấy Danh Ngài mà thề”. (Đnl 6.13)
Mọi lời thề, do đó, đều bao hàm mối tương quan với Thiên Chúa. Bởi đó mà “những lời hứa với tha nhân nhân danh Thiên Chúa đều liên hệ đến danh dự, sự trung tín, sự chân thật và quyền bính thần linh. Những lời hứa đó phải được tuân giữ bởi đức công bằng. Không giữ các lời hứa đó là lạm dụng Danh Thiên Chúa, và một cách nào đó, làm cho Thiên Chúa thành kẻ nói dối”. [7]
103. Điều răn thứ hai có cấm thề không?
“Lời thề tức là lời kêu cầu Chúa Danh Chúa làm chứng cho chân lý, chỉ có thể được tuyên thệ trong sự thật, trong sự suy xét và trong công lý”. [8] Truyền thống của Giáo Hội không cấm thề nếu có lý do nghiêm trọng và chính đáng (chẳng hạn, trước toà án). Khi đó, ta buộc phải nói sự thật, và giữ đúng những gì ta đã thề, vì tôn trọng danh dự và uy quyền của Thiên Chúa.
Điều răn thứ hai cấm sự thề gian và bội thề.
Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho sự dối trá, còn bội thề là “dùng lời thề để hứa một điều gì, nhưng không có ý chu toàn lời đã hứa, hay sau khi đã dùng lời thề để hứa, lại không giữ lời hứa”. [9]
“Sự thánh thiện của Danh thánh đòi buộc không được nại đến Danh đó mà làm những việc phù phiếm, và không được thề trong những hoàn cảnh có thể bị giải thích như là đồng tình với quyền lực đòi buộc thề cách bất công”. [10]
Để tôn kính Danh Chúa, người Kitô hữu phải “cẩn trọng khi kêu cầu danh Thiên Chúa, là cách chúng ta tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Người: lời chân thật tôn vinh sự hiện diện của Chúa, lời nói dối xúc phạm đến Người”. [11]
104. Thế nào là một lời thề tốt?
Lời thề tốt là lời “kêu cầu Danh Chúa làm chứng cho chân lý, chỉ có thể được tuyên thệ trong sự thật, trong sự suy xét và trong công lý” [12]
- Kêu cầu Danh Chúa:
Ta có thể nhân Danh Chúa mà thề bằng lời nói: “Xin Chúa làm chứng...”; hoặc bằng dấu hiệu, như đặt tay trên Sách thánh...
Nhân Danh Chúa mà thề thốt luôn miệng là tội thề vô cớ. Với những người mà lời nói tự nó không đáng tin, đến nỗi phải thề thốt liên tục này, Chúa Giêsu đã quở trách: “Còn Ta, Ta bảo các ngươi, đừng có thề gì hết... lời nói của các ngươi sẽ là: Có thì nói có, không thì nói không, bất cứ thêm thắt điều gì đều do ma quỉ” (Mt 5,37).
Chúng ta đừng nghĩ rằng lời nói mà không thề thốt thì không đáng tin. Trái lại, không gì khó tin bằng lời nói của người thề thốt luôn miệng.
- Làm chứng cho chân lý:
Những điều ta thề phải là chân thật, hay ít ra ta tin là thật; nếu không như vậy, thì ta mắc tội thề gian.
Còn người thề không có ý giữ lời thề, dù là trong lúc thề hay là sau đó, thì mắc tội bội thề, trừ khi không giữ được vì những lý do bất khả kháng.
- Tuyên thệ trong sự thật:
Đối với Chúa, thề gian là một tội nặng phạm đến Chúa, vì “lời thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho sự dối trá”; [13] còn đối với con người, lời thề gian làm mất đi cái bảo đảm cuối cùng cho lời nói giữa con người với nhau. Chúa đã lên án tội này rất nặng qua miệng tiên tri Dacaria “Ta đã ra lời rủa, lời rủa ấy sẽ vào nhà kẻ trộm, nhà kẻ thề gian nhân Danh Ta, và sẽ đậu lại giữa nhà nó mà tận hủy cả gỗ lẫn đá” (Dcr 5,4).
- Trong sự suy xét và trong công lý:
Điều ta thề hứa phải tốt lành và lương thiện. Thề làm việc xấu là tội nặng, vì nhờ Chúa bảo đảm cho ý định xấu xa của mình. Đó là lời thề phạm thánh vì liên kết Thiên Chúa với tội ác của mình. Thề làm điều xấu là một tội nặng, thực hiện thì nặng tội hơn.
Phải có tự do trong lời thề, cũng không bao giờ được bắt ép ai thề theo ý của ta, vì điều đó vừa xúc phạm đến Chúa, vừa xúc phạm đến nhân phẩm của người đó: “Phải giải thích lời thề cách chặt chẽ theo quyền lợi và ý định của người thề”. [14]
“Phải từ chối thề, khi được yêu cầu thề vì những mục đích nghịch với nhân phẩm hay nghịch với sự hiệp thông trong Giáo Hội”. [15]
“Đừng thề nhân danh Đấng Tạo Hoá, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi hội đủ ba điều này: ta nói lên sự thật, vì nhu cầu, và với lòng kính trọng”. [16]