HAI CHỮ ‘HƠN NGƯỜI’
Tác hại nguy hiểm nhất của hai chữ "hơn người"
là làm cho tôi quên "làm người".
Một ông bố đứng trước danh mục các
môn học được niêm yết ở một trường đại học. Thấy các môn con ông phải học quá
nhiều, lại thấy thời gian con trai phải theo cũng quá lâu, ông mới hỏi một nhân
viên thư ký trong văn phòng: “Có khóa học
nào ít môn phải học và có thể ra trường sớm hơn không?”
Viên thư ký triết lý: “Chúa dựng nên cây sồi, Chúa cũng dựng nên
cây bí. Nếu trồng bí thì chỉ cần hai tháng là có thu hoạch, còn nếu muốn thu hoạch
gỗ sồi thì phải hơn 20 năm. Vấn đề không phải là thời gian, mà là ông muốn thu hoạch
cái gì.”
Tôi muốn lớn lên, muốn trở nên tài
giỏi, nhưng thấy ngại rèn luyện. Đây chính là nhược điểm của con người, đây là
chỗ mà quỷ kiêu ngạo dễ chen vào. Với chữ hơn, hơn người, nó làm cho tôi dễ thấy
hài lòng với chính mình dù chẳng phải cố gắng nhiều.
Trước hết, nó cám dỗ tôi chạy theo
những cái bề ngoài. Người xưa có câu ‘thùng rỗng kêu to’ để chỉ điều này. Tôi
thích nói về đạo đức, tôi thích làm những việc ‘hoành tráng’ vì những điều ấy
thường được người ta đánh giá cao, để rồi tôi dần dần không còn tìm kiếm Chúa nữa
mà tìm kiếm sự ‘đánh giá cao’ của
người đời. Chúa Giêsu đã chỉ cho tôi thấy rõ điều
này khi nói: “Họ làm mọi việc cốt để cho
thiên hạ thấy” (Mt 23,5)
Để tìm kiếm sự ‘đánh giá cao’ của người
đời nên tôi cũng thích so sánh, dĩ nhiên là chỉ so sánh trong những môn sở trường của tôi, nói với người
này người kia, có khi so sánh một mình. So sánh để thấy mình ‘hơn người’. Sự so
sánh như thế thật nguy hại! Nó nhẹ nhàng làm cho tôi hài lòng với chính mình, tự
hào với bằng cấp, với trình độ của mình, mà chỉ nói chuyện với người có bằng cấp,
có trình độ, mà nguy hại nhất là thôi cố gắng.
Một cách khá ti tiện thường gặp để được
‘đánh giá cao’ là tính hay chê. Muốn khoe mình giỏi tôi chê người ta dốt, muốn khoe trình độ âm nhạc
thì chê người ta hát chưa hay,…
“Xin giữ mắt này khỏi chạy theo những gì hư ảo, và cho con học được sống
nhờ đường lối của Ngài” (Tv 119,37).
Vâng, người đời có đánh giá cao đến
đâu thì đó cũng chỉ là những gì hư ảo, vì tôi không phải là những gì người đời gán
cho tôi. Người đời có tung tôi lên đến trời xanh
thì đó cũng còn xa lắm với những gì Chúa muốn làm cho tôi.
Tại sao tôi muốn ‘hơn người’, và đôi
khi vì chữ hơn người mà lại coi thường người khác? “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên
Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm
giao ước của cha ông chúng ta?” (Ml 1,10)
Tác hại nguy hiểm nhất của hai chữ
‘hơn người’ là làm cho tôi quên ‘làm người’. Chúa Giêsu đã dạy: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải
làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).
Vâng, tôi chỉ thực sự ‘làm người’
khi tôi phục vụ anh em.
Trong ước muốn được lớn lên, và lớn lên
trong tình yêu thương phục vụ, tôi “hãy
nhìn lên cao để biết mình còn thấp, rồi nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.”
Nhìn lên cao để biết mình còn thấp mà học hỏi, rồi nhìn xuống thấp để thấy mình
chưa cao để phục vụ. Vì khi thấy mình cao hơn anh em mà không cúi xuống phục vụ anh em là tôi bắt đầu rời xa con đường làm người.