HỨA PHẢI LÀM
Đã có biết bao đôi bạn “quỳ bên nhau trước Đấng
Tối cao… ‘Hứa’ yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời” (*). Thế mà đến lúc
“đời buồn vui” họ lại ca bài “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ
bấy nhiêu thôi” (**)… Như vậy có khác gì… “hứa hươu hứa vượn”!
Nhạc sĩ Vũ Thành An trong
nhạc phẩm “Bài không tên cuối cùng” đã có lời viết: “Biết bao lần em đã hứa. Hứa cho nhiều rồi lại quên.”
“Hứa.” Vâng, tự điển tiếng
Việt phổ thông định nghĩa: hứa là nói với ai đó, với ý thức tự ràng buộc mình,
sẽ làm điều gì đó theo yều cầu mà người đó đang quan tâm.
“Hứa cho nhiều rồi lại quên” nghĩa là gì? Xin thưa,
chính là hứa mà không làm! Là hứa mà không làm điều đã hứa…
Hứa mà không làm điều đã hứa
còn được gọi là “hứa cuội.” Hứa mà không làm điều đã hứa còn được gán cho nhiều
từ ngữ khác như “hứa lèo… hứa hão… hứa
hươu hứa vượn.”
Kinh Thánh có câu rằng: “Kẻ to miệng hứa… mà không giữ lời hứa chẳng
khác nào có mây, có gió mà chẳng có mưa” (Cn 25,14).
Vâng, đó cũng là điều Đức
Giêsu mạnh mẽ lên án qua dụ ngôn “hai người con.”
Dụ ngôn đã được thuật lại
rằng “Một người kia có hai con trai.”
(Mt 21,28). Một hôm ông ta đến gặp hai người con, kẻ trước người sau, vào bảo với
hai con của ông rằng: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”
Không biết có phải là sự
ngẫu nhiên hay không, trong Kinh Thánh, khi dụ ngôn nào có đề cập đến “hai người
con”, thường thì cá tính hai người con luôn tương phản, lúc nào cũng có một đứa
thuộc loại “quậy.”
Câu chuyện hai người con
trong “dụ ngôn người cha nhân hậu” là một ví dụ điển hình. Người con thứ thuộc
loại “siêu quậy.” Anh ta đến gặp người cha và “đòi chia gia tài….” Sau đó, anh ta thu góp tất cả rồi trẩy đi
phương xa. Sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.” Còn người con cả thì “hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh…”
“Hai con trai” của ông chủ vườn nho được nói tới
hôm nay, cá tính của họ cũng rất tương phản. Có thể xếp hai cậu quý tử này thuộc
trường phái “xét lại.”
Thật vậy, khi người cha đến
nói với đứa thứ nhất “hãy đi làm vườn
nho.” Anh ta đã không hứa mà thẳng thắn trả lời ngay rằng “Con không muốn đâu.”
Rồi khi “Ông đến gặp đứa thứ hai và cũng bảo như vậy.”
Nó đáp theo kiểu lập lờ “đánh lận con đen”
rằng: “Thưa ngài. Con đây.”
Trời ạ! Quả là một cách
nói rất trịnh trọng.
Cứ tưởng rằng lời nói trịnh
trọng này hàm ý “thưa vâng.” Cứ tưởng rằng anh ta “nói lời phải giữ lấy lời.” Nhưng không, anh ta đúng “như con bướm đậu rồi lại bay.” Lời nói
của anh ta “bay” theo thời gian.
Hóa ra, “con đây”… con đến chỉ là để “trình diện” với cha thôi! Chuyện đi làm
vườn nho ư! Để con “xét lại” Và cuối
cùng anh ta “không đi”…
Sách có nói rằng: “Nói chín thì phải làm mười. Nói mười làm
chín kẻ cười người chê.”
Không nói ra, nhưng ai
cũng biết, đứa thứ hai không thể thoát khỏi “búa
rìu dư luận.” Vâng, “hứa lèo” như
thế làm sao anh ta lại không bị “kẻ cười
người chê”!!!
Trở lại đứa thứ nhất. Anh
ta nói “con không muốn.” Nhưng khi
anh ta “nghĩ lại” lời nói của mình với
người cha, anh ta “hối hận” (Mt 21,
…29). Vâng, anh ta hối tiếc về lời nói quá phũ phàng với người cha. Cuối cùng,
anh ta vâng lời người cha “nên lại đi”
làm vườn nho.
Nói cách khác, anh ta “nói ‘không’ nhưng đã làm mười.”
Vâng, với những dữ kiện
như thế, hỏi sao khi Đức Giêsu đặt vấn đề “Trong
hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” lập tức mọi người đồng
thanh hô vang “Người thứ nhất” (Mt
21, 31).
Một chút tâm tình
Qua dụ ngôn “hai người
con”, Đức Giêsu không chỉ dạy cho mọi người bài học “chữ tín” – “hứa phải làm.”
Đức Giêsu còn muốn vạch mặt chỉ tên một nhóm người mà Ngài đã gọi họ là “các ông.”
Vâng, “các ông” đây, chính là những “ông
kẹ” biệt phái và kinh sư, những “quan
lớn” thượng tế và kỳ mục.” Họ là
những kẻ “ngồi trên tòa Môse mà giảng dạy.”
Thế nhưng, “họ nói mà không làm.” (Mt
23,…3). Họ có bà con với chú “cuội.”
Còn “những người thu thuế và những cô gái điếm…”!!!
Hãy nhìn xem! Matthêu, kẻ
đang là “cán bộ thu thuế”, một công
việc béo bở đến thế, nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi “hãy theo tôi.” Ông ta liền bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.
Và làm sao quên được “cán gộc” Dakêu, một con người đã dám
đem “phân nửa tài sản… cho người nghèo,
và sẽ đền gấp bốn” cho những ai đã bị ông ta chiếm đoạt tài sản.
Họ đã “phản tỉnh.” Họ cũng là đồ đệ của trường phái “xét lại.” Họ cũng đã “hối hận”
như người thứ nhất trong dụ ngôn đã hối hận. Có thể nói rằng, họ đã vâng nghe lời
mời gọi “hãy đi làm vườn nho.” Vâng,
họ nói là làm.
Vì thế, chẳng có gì ngạc
nhiên khi được Đức Giêsu gọi “những người
thu thuế và những cô gái điếm…” là những người đã “tin” vào con đường “công
chính.”
Trở lại những “ông kẹ” biệt
phái và kinh sư, những “quan lớn” thượng tế và kỳ mục.” Họ tự hào là những nhà
lãnh đạo tôn giáo, họ chính là “dân riêng”, là đội quân ưu tú của Đức Chúa Trời,
thừa sự nhiệt thành và sự tận hiến. Họ “không
như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như (những) tên thu thuế…”
(Lc 18,11).
Thế nhưng! Khi Thiên Chúa
phán, qua miệng lưỡi Gioan Tẩy giả, rằng: “Có
một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết… Ngài chính là Chiên Thiên
Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 26…29). Họ nghe và hiểu nhưng “vẫn không chịu hối hận và tin” (Mt 21,
…32).
Chính vì thế, đừng ngạc
nhiên khi Đức Giêsu nói: “những người thu
thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Đừng nghĩ rằng, khi Đức
Giêsu nói, “những người thu thuế và những
cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước”, thì những “ông kẹ” biệt phái và
kinh sư, những “quan lớn” thượng tế và kỳ mục cũng sẽ có ngày “vào Nước Thiên
Chúa sau”!
Đừng có mơ! Theo ngôn ngữ
“sêmit” chữ “trước” không được hiểu theo nghĩa “trước – sau.” Nó được hiểu theo
nghĩa “được – mất.”
Hiểu như thế, mới thấy sự
nguy hiểm của việc “nói mà không làm.”
Vâng, chắc chắn sẽ “mất” cơ hội
vào-Nước-Thiên-Chúa, nếu nghe lời Chúa phán mà không “thực hành ý muốn của Ngài.”
“Hứa phải làm.” Bởi đó là lời Chúa phán: “lời con phải trước sau như một” (Hc 5,
…10) Và hãy “thi hành ý muốn của Cha… là
Đấng ngự trên trời” (Mt 7, 21). Có như thế mới “được” vào Nước Thiên Chúa.
Một phút suy tư
Như vậy, “hứa phải làm”, và việc “thi hành ý muốn của Chúa” là điều không
thể tách rời khỏi đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Hứa-phải-làm và nếu có làm
thì phải làm theo ý-muốn-của-Chúa. Hai điều đó phải được thực hiện vẹn-toàn-cả-hai.
Bởi nếu không thực hiện cả-hai-vẹn-toàn, thì dẫu cho có hứa và làm, việc làm đó
chưa chắc được hoan nghênh…
Sự kiện vua Hêrôđê vì
không muốn “thất hứa” với con gái bà
Hêrôdia dẫn đến sự kiện ông Gioan Tẩy giả đã bị trảm quyết là một minh chứng điển
hình.
Hứa, nhất là đã “thề hứa” mà không giữ lời thề hứa đó rất
dễ dẫn đưa chúng ta tới việc không thi hành đúng ý-muốn-của-Chúa.
Đã có biết bao đôi bạn “quỳ bên nhau trước Đấng Tối cao. ‘Hứa’ yêu
nhau trao câu thề chung sống trọn đời” (*). Thế mà đến lúc “đời buồn vui” họ lại ca bài “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên
mình chỉ bấy nhiêu thôi” (**)… Như vậy có khác gì… “hứa hươu hứa vượn”!
Một khi “Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi” thì
việc ly thân rồi dẫn tới ly dị chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Ly thân, ly dị có khác nào
“không thi hành ý muốn của Chúa” đã
phán truyền “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.” (Mt 19, 6)
Làm sao có thể nhận ra
ý-muốn-của-Chúa? - Xin thưa, hãy cầu nguyện như vua David đã cầu nguyện rằng “xin dạy cho con biết thánh chỉ Ngài”
(Tv 119, …26).
David tin rằng “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.”
David tâm sự rằng “Ôi vui sướng tràn trề..”
(Tv 16, 11).
Đường-về-cõi-sống, theo lời
David nói: đó chính là Lời Chúa, như lời ông ta đã xác tín rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là
ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105).
Vâng. Cầu nguyện và Lời
Chúa (Kinh Thánh) chính là cách thức hiệu nghiệm nhất để chúng ta nhận ra “Ý-muốn-của-Chúa.”
Bởi vì chỉ khi nhận ra ý muốn của Chúa, chúng ta mới có thể “thi hành ý muốn của
Người.”
Một khi chúng ta “thi hành ý muốn của Chúa…”, hãy tin rằng,
chúng ta sẽ được “vào Nước Thiên Chúa”
(Mt 21, …31).
Petrus.tran