Bài 13. TÔN TRỌNG DANH CHÚA
ĐIỀU RĂN THỨ HAI
Điều răn thứ hai dạy chúng ta tôn kính Danh Chúa: “Ngươi không được dùng Danh Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng" (Xh 20,7).
"Điều răn này thuộc về nhân đức thờ phượng và, một cách đặc biệt hơn, quy định việc sử dụng ngôn từ của chúng ta trong các vấn đề thánh". [1]
92. Tại sao chúng ta phải tôn kính Danh Chúa?
Trong cuộc sống xã hội, tên được dùng để thay thế cho người: Nhân danh ai để nói một điều gì thì cũng giống như để chính người đó nói qua miệng mình; xúc phạm đến danh dự của ai là xúc phạm đến chính người đó.
Người Do thái coi trọng danh xưng cách đặc biệt: Tên không chỉ diễn tả con người, mà tên chính là người. Vì thế, việc đặt tên diễn tả quyền làm chủ, gọi tên ai là có quyền trên người đó: “Thiên Chúa đã gọi ánh sáng là Ngày, còn đêm tối Người gọi là Đêm”; Chúa đã cho Ađam làm chủ cai quản vạn vật khi sai ông “đặt tên cho mọi thú vật và chim trời cùng mọi dã thú”. (St 2,20)
Chúng ta phải kính trọng Danh Chúa như là kính trọng Ngài: "Danh Chúa là thánh. Vì vậy con người không thể lạm dụng Danh đó. Họ phải ghi nhớ Danh đó trong sự thinh lặng tôn thờ đầy yêu mến. Chỉ được nhắc đến Danh Chúa trong lời nói của mình để chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Danh Chúa". [2]
93. Danh Chúa là gì?
Trong thời các tổ phụ, Chúa luôn từ chối cho biết Danh của Ngài (St 32,30); nhưng khi Môsê hỏi Danh Chúa để nói lại cho dân Israel biết ai là người sai ông đi cứu họ, Chúa trả lời Danh Ngài là Yavê. Yavê là tiếng Do thái, tạm dịch là: “Ta là Ta”. Thoạt tiên chúng ta dễ nghĩ là Chúa không trả lời, nhưng chữ Yavê, thực ra, đã diễn tả một cách hoàn hảo nhất về Thiên Chúa:
- “Ta là Ta” cho thấy Chúa là một Đấng cụ thể, nhưng rất siêu việt, chỉ một mình Ngài mới có thể hiểu được Ngài.
- “Ta là Ta” diễn tả Chúa là Đấng tự tại, không biến đổi.
- “Ta là Ta” nói lên Chúa là Đấng Tự Hữu, mà cách gọi tốt nhất không dựa vào một tương quan nào khác ngoại trừ chính Ngài.
94. Ta phải tôn kính Danh Chúa như thế nào?
Như trên, ta biết người Do thái ngày xưa coi tên chính là người: Chúa đồng hóa với Danh Ngài đến nỗi khi nói đến Danh Ngài là chạm đến chính Ngài. Danh đó phải được thương mến (Tv 5,12), được ca tụng, được thánh hóa. Rồi, do càng ngày càng tôn kính sâu đậm hơn, người Do thái giáo không dám kêu Danh Yavê; chỉ có thầy thượng tế mới được đọc Danh đó mỗi năm một lần, còn những người khác khi đọc sách thánh đến chữ Yavê thì phải đọc trại ra chữ “Êlôhim” (Thiên Chúa), hay chữ “Ađônai” (Chúa tôi).
Với Kitô hữu, “sự tôn kính Danh Chúa diễn tả lòng tôn kính cần phải có đối với mầu nhiệm của chính Thiên Chúa và đối với mọi thực tại thánh thiêng mà mầu nhiệm này gợi lên”. [3] Sự tôn kính đó đòi hỏi “tín hữu phải làm chứng cho Danh Chúa, bằng cách tuyên xưng đức tin của mình mà không sợ sệt. Việc rao giảng và dạy giáo lý phải được thấm nhuần bằng sự tôn thờ và kính trọng đối với Danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. [4]
Làm dấu Thánh Giá là một trong những cách để tôn vinh Danh Chúa: “Kitô hữu bắt đầu các kinh nguyện và hoạt động của mình bằng dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. [5] Dấu thánh giá làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ và trong những khó khăn.
95. Tên thánh là gì?
“Thiên Chúa gọi từng người bằng tên của họ”. [6]
“Trong Phép Rửa, Danh Chúa thánh hoá con người, và Kitô hữu nhận một tên riêng trong Hội Thánh. Tên này có thể là tên của một vị thánh nào đó, nghĩa là, của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức mến và luôn chuyển cầu cho ta”. [7]
“Tên thánh” cũng có thể diễn tả một mầu nhiệm hay một nhân đức Kitô giáo nào đó. Khi muốn đặt tên thánh như vậy, “cha mẹ, những người đỡ đầu và cha sở phải liệu sao để đừng đặt tên xa lạ với ý nghĩa Kitô giáo”. [8]
96. Chúng ta nhận tên thánh khi chịu Phép Rửa để làm gì?
Chúng ta nhận tên thánh khi chịu phép Rửa Tội,
- Để diễn tả việc chúng ta đã nên con người mới, là thành viên chính thức trong Giáo Hội, gia đình thiêng liêng của chúng ta.
- Để xin các thánh quan thầy bảo trợ, và có ý noi theo gương sáng của các Ngài.