Một chút suy tư _ nụ hôn cứu người

Cô hầu bàn cứu chàng trai trẻ 
NHỜ NỤ HÔN
Cô đơn là sát thủ giết chết nhiều tâm hồn.
Thế nên, bí quyết thành công của Liu Wenxiu, trước hết là sự đồng cảm của cô đối với chàng trai, “có đau mắt mới thương người mù”.
Giống như phiên bản có thật từ câu chuyện cổ tích Nàng Bạch tuyết, nụ hôn của cô hầu bàn Liu Wenxiu, 19 tuổi, (Trung Quốc) đã cứu mạng sống cậu thiếu niên 16 tuổi.
Ngày 11/6 (2011), đang đi qua cầu dành cho người đi bộ ở trung tâm thành phố Thẩm Quyến, Liu thấy hàng trăm người đang đứng xem một chàng trai trẻ với một con dao trong tay dọa nhảy xuống tự tử.
“Tôi thấy người đó sắp nhảy xuống trong khi những người xung quanh chỉ biết đứng xem, không một ai định bước lên để giúp. Từng thử tự tử một vài lần trước đó nên tôi hiểu hơn ai hết cảm giác chênh vênh giữa sự sống và cái chết. Và tôi biết rằng mình cần phải làm gì đó”, Liu kể lại.
Liu cũng từng thử tự tử nhiều lần nên hiểu hơn ai hết cảm giác của cậu thiếu niên lúc đó. Ảnh: China Daily.
Theo China Daily, cậu thiếu niên lúc đó đang đứng phía ngoài lan can và chỉ cần một bước chân là cậu sẽ ngã xuống đất. Cảnh sát địa phương đã cố gắng thuyết phục cậu từ bỏ ý định tự tử nhưng không thành công.
Liu đã nói với cảnh sát rằng mình là bạn gái của cậu thiếu niên và cả lý do vì sao cậu tìm đến cái chết. Bằng cách này, cô đã tiếp cận gần với chàng trai.
“Thực tế là tôi không hề quen biết cậu thiếu niên nhưng đó là ý tưởng duy nhất nảy ra trong đầu tôi vào lúc ấy”, cô gái nhớ lại.
Theo truyền hình địa phương thì mẹ cậu đã qua đời, bị mẹ kế đối xử tệ bạc và người phụ nữ này đã bỏ trốn cùng với toàn bộ số tiền của cha cậu. Từ đó, hai cha con phải làm thêm rất vất vả để kiếm tiền.
“Cậu thiếu niên đã kể với tôi rằng cậu không còn tiền, không ai còn quan tâm và tin tưởng cậu nữa. Tôi đã không nói gì mà chỉ cho cậu xem những vết sẹo trên cổ tay phải của mình. Tôi cũng từng nhiều lần tìm đến cái chết, thử cắt động mạch, nhảy lầu và nhiều cách khác nữa”, Liu tâm sự.
Sinh ra ở tỉnh An Huy, Liu lớn lên giữa những trận cãi vã không dứt của cha mẹ và phải chăm sóc cô chị bị câm điếc. Áp lực cuộc sống đã khiến cô phải bỏ học và bắt đầu đi làm khi mới ở tuổi vị thành niên.
“Không ai trong gia đình tôi thấy hạnh phúc, bố mẹ tôi suốt ngày chỉ dành thời gian để tranh cãi nhau, tôi phải tự chăm sóc mình và chị gái. Vì thế, tôi đã thấy hình ảnh ngày xưa của mình ở cậu thiếu niên ấy”, Liu nói.
Mọi việc diễn ra trên cây cầu cuối cùng cũng có một kết cục có hậu khi Liu ôm lấy và hôn cậu thiếu niên. Nhân lúc đó, cảnh sát đã lấy con dao và kéo chàng trai vào bên trong cầu.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình cần phải làm gì đó để chàng trai trẻ kia thấy yên tâm hơn và không làm điều gì dại dột. Tôi không muốn nghĩ nhiều về sự việc đã xảy ra, điều quan trọng nhất đó là chúng ta sống và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày”, cô gái trẻ chia sẻ.
Phương Trang (VnExpress)
Cậu thiếu niên ở trong hoàn cảnh thật túng cực, cậu bị mẹ kế đối xử tệ hai, rồi hai cha con bị lừa trắng tay, nhưng lý do chính yếu cho ý muốn tự tử của cậu là tâm trạng cô đơn, ngay cả tình cảm với những người thân cũng không còn nữa: “cậu không còn tiền, không ai còn quan tâm và tin tưởng cậu nữa”. Cô đơn là sát thủ giết chết nhiều tâm hồn.
Thế nên, bí quyết thành công của Liu Wenxiu trước hết là ở sự đồng cảm với chàng trai, “có đau mắt mới thương người mù”. Đối với cô, chàng trai không phải là một đối tượng để chinh phục, một trường hợp khó phải khắc phục, mà chỉ đơn giản là một người anh em cần được giúp đỡ, như chính cô đã từng mong ước được chia sẻ tâm sự với bất cứ một ai trong những ngày khốn cực trước đây.
Phê-rô chối Chúa, nhưng ánh mắt của Chúa Giê-su đã đổi mới tâm hồn Phê-rô. Dù rất đau buồn về chính mình, nhưng ánh mắt đồng cảm đó đã giữ Phê-rô không gục ngã, mà đứng dậy, và yêu mến Chúa nhiều hơn. Mặc dù rất xấu hổ vì sự phản bội của mình, nhưng tình yêu dành cho Thầy thì không thể chối bỏ được: “Thầy biết mọi sự, Thầy biêt con yêu mến Thầy”. Chúa không hỏi Phê-rô điều gì khác ngoài tình yêu, và khi chắc chắn được tình yêu đã là đặc điểm nhận dạng của ông, Chúa nói: “Anh hãy chăn các chiên mẹ của Thầy”.
Thế giới hôm nay cần đến những ánh mắt đồng cảm chan hòa tình yêu của Chúa Giê-su, để được tái sinh. Thế giới sẽ gặp những ánh mắt đồng cảm đó ở đâu nếu không phải là từ các môn đệ của Chúa mà đặc điểm của họ là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22)
Một trong những cách để tận hưởng cuộc sống mỗi ngày là sống yêu thương. Đau khổ chẳng ai tránh được, nhưng có đau khổ của thập giá và đau khổ của hỏa ngục. Trong đau khổ thập giá, đau khổ vì tình yêu, thì ngay cả cái đau khổ đó cũng đáng yêu; còn trong đau khổ hỏa ngục, đau khổ vì giận ghét hận thù, thì cái đáng yêu nào cũng đáng ghét.
Hãy trao tặng ánh mắt đồng cảm của Chúa Giê-su, và tôi sẽ trở nên chứng nhân Nước trời.
Lm. HK