Bài 4. CÁC NHÂN ĐỨC NHÂN BẢN
22. Thế nào là một người nhân đức?
Người nhân đức là người mà thánh Phaolô phác họa là có “tất cả những gì là chân thật, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen ...” (Pl 4,8).
Thông thường, chữ “nhân đức” được dùng để diễn tả một xu hướng thường xuyên và kiên trì làm điều thiện.
Có những nhân đức trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa, là các nhân đức đối thần. “Chúng giúp các Kitô hữu sống trong tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh.” [1]
Chúng ta sẽ tìm hiểu về các nhân đức này trong bài học về giới răn thứ nhất. Trong bài này chúng ta chỉ tìm hiểu về các nhân đức nhân bản, là những nhân đức giúp ta điều khiển các hành vi, điều tiết các đam mê, và hướng dẫn một nếp sống phù hợp với lý trí và đức tin.
23. Có những nhân đức nhân bản nào?
Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó phải được kể đến đầu tiên là bốn nhân đức được gọi là nhân đức “trụ” vì tầm mức quan trọng của chúng. Đó là các nhân đức khôn ngoan, công bằng, can đảm, và tiết độ: “Con người mến chuộng điều chính trực ư? Thì chính Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, khôn ngoan, công bằng và can đảm” (Kn 8,7).
Nếu thiếu một trong bốn đức này, chúng ta khó lòng mà tập luyện các đức khác.
24. Ích lợi của các nhân đức nhân bản là gì?
Các nhân đức nhân bản là điều không thể thiếu cho một cuộc sống hạnh phúc, vì “các nhân đức này đem lại cho con người sự thoải mái, sự tự chủ và niềm vui, để sống một cuộc đời tốt lành về mặt luân lý. ” [2]
* Đối với chính mình, các nhân đức này làm cho ta có tính tình ổn định, với một thái độ vững vàng và tập quán làm việc lành. Nhờ đó, ta dễ dàng làm chủ mình mà đạt tới sự an bình nội tâm bởi khả năng chế ngự dục vọng, và dư tràn niềm vui sống bởi một đời sống luân lý tốt lành.
* Đối với người khác, các nhân đức này giúp chúng ta làm vui lòng mọi người và được mọi người quí mến.
25. Đức khôn ngoan là gì?
Khôn ngoan là nhân đức giúp "lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó." [3]
Như thế, người khôn ngoan không phải là có kiến thức sâu rộng, nhưng là người biết:
- Quan sát (Xem): Biết tìm mục đích tốt, lại biết bàn bạc, tìm hiểu đầy đủ, rõ ràng và chính xác về những việc phải làm để đạt mục đích.
- Suy nghĩ (Xét): Lựa chọn phương tiện nào chính đáng và hữu hiệu nhất để thực hiện, và không do dự, không dễ thay đổi quyết định nếu không có lý do chính đáng.
- Quyết định (Làm): Bắt tay vào việc và kiên trì cho đến xong.
26. Khôn ngoan và xảo trá khác nhau ở chỗ nào?
“Không được lẫn lộn đức khôn ngoan với tính nhút nhát hay sợ sệt, tráo trở hay lừa đảo?” [4]
Khi muốn đạt tới một mục đích xấu bằng mọi phương tiện đó là xảo trá hay lừa đảo. Còn muốn đạt tới một mục đích tốt nhưng bằng những phương tiện xấu, thì đó là nhút nhát hay sợ sệt, chứ không phải là khôn ngoan.
Đức khôn ngoan đòi hỏi mọi việc làm của chúng ta phải là tốt từ mục đích đến phương tiện đạt mục đích đó.
27. Phải làm gì để luyện đức khôn ngoan?
Muốn tập đức khôn ngoan, chúng ta cần:
- Đánh giá mọi việc theo mục đích cuối cùng, là hạnh phúc đời đời.
- Bàn hỏi với người khôn ngoan, đạo đức trong các quyết định quan trọng.
- Tuân giữ luật Chúa: vì luật Chúa hướng dẫn chúng ta đến được mục đích sau cùng.
28. Đức công bằng là gì?
Công bằng là "trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa, và trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda." (Mt 22,21).
Đức công bằng “cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận.” [5]
Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về đức công bằng đối với Thiên Chúa trong điều răn thứ nhất (đức thờ phượng);
Còn với người ta, "công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hoà trong các tương quan nhân loại, sự hài hoà này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và công ích." [6] Đức công bằng với người lân cận được trình bày trong điều răn thứ bốn (đức vâng lời, hiếu thảo, và các bổn phận xã hội), trong điều răn thứ bảy và thứ mười (chớ lấy của người và chớ tham của người).
29. Phải làm gì để luyện tập đức công bằng?
Sự ngay thẳng trong suy nghĩ và hành động là dấu hiệu của đức công bằng: “Người công bằng, thường được nhắc đến trong Thánh Kinh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong các ý nghĩ của mình và ngay thẳng trong cách hành động đối với người lân cận”. [7]
Nhưng công bằng đích thực phải hướng đến bác ái; tôn trọng quyền lợi là nền tảng để thiết lập sự hài hoà trong các tương quan xã hội. Vì thế không thể quên được Luật Vàng Chúa Giêsu dạy, khi phải quyết định một vấn đề liên quan đến người khác: “Mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật và các tiên tri là thế.” (Mt 7,12)
30. Đức can đảm là gì?
Can đảm là nhân đức giúp ta “kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời,” [8] dù gặp nhiều gian nan thử thách cũng không nao núng khiếp sợ: “Nơi thế gian, các ngươi sẽ phải khốn quẫn. Nhưng hãy vững lòng! Ta đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)
31. Đức can đảm có ích lợi gì trong đời sống?
Đức can đảm giúp ta:
- Chiến thắng dục vọng và chước cám dỗ, nhờ đó ta có thể thực sự làm chủ mình.
- Chiến thắng sự sợ hãi và cả sự chết, nhờ đó ta có thể đương đầu với mọi thử thách và bách hại để làm chứng cho niềm tin của mình, để trung thành với một lẽ sống cao thượng, như các thánh tử đạo không sợ hãi nhục hình, các tu sĩ sẵn lòng chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm...
32. Phải làm gì để luyện tập đức can đảm?
Muốn tập luyện đức can đảm, ta cần:
- Có cái nhìn đức tin vững vàng: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi.” (Tv 118,14)
- Có một lẽ sống cao thượng, được củng cố bằng những tấm gương sáng về lòng dũng cảm.
- Kiên trì loại bỏ những sự nao núng, sợ hãi vô lý trong các việc nhỏ hằng ngày.
33. Đức tiết độ là gì?
Tiết độ là nhân đức “giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của các thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện.” [9]
Có nhiều điều chúng ta phải tiết độ, thường được qui về bốn nhân đức sau:
- Đức khiết tịnh: Tiết chế những thú vui tính dục.
- Đức hiền lành: Tiết chế sự giận dữ.
- Đức khiêm nhường: Tiết chế lòng ham danh vọng.
- Đức khó nghèo: Tiết chế lòng ham của cải.
34. Đức tiết độ có ích lợi gì cho chúng ta?
Tiết độ là bí quyết sống hạnh phúc ở đời này ở chỗ nó
- Giúp chúng ta vui sống, vì giữ mực trung dung là cách tốt nhất để thỏa mãn giác dục.
- Giúp chúng ta được khỏe mạnh trong thể xác cũng như tinh thần, vì không có bác sĩ nào giỏi hơn vị bác sĩ điều độ.
“Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan)” [10]