ÔI KẺ KHỜ DẠI CHẬM TIN!
Nước Hàn, nước Nguỵ muốn lấn đất của nhau, Tử Hoa tử đến ra mắt vua Chiêu Hy nước Nguỵ, thấy vua có dáng lo buồn, mới hỏi rằng: “Giá bây giờ, cả bao nhiêu nước họp nhau, đính ước một câu và khắc câu ấy ở trước mặt vua rằng: “Tay trái lấy được thiên hạ thì hỏng mất tay phải; tay phải lấy được thiên hạ thì hỏng mất tay trái”. Hỏng mất một tay mới lấy được thiên hạ, thế thì nhà vua có bằng lòng lấy thiên hạ không?”
Vua Chiêu Hy nói: “Như thế ta chẳng lấy thiên hạ làm gì”.
Tử Hoa Tử thưa: “Nhà vua nói phải lắm. Cứ xem như thế, hai cánh tay ta trọng hơn cả thiên hạ, thì cái thân ta trọng hơn hai cánh tay ta lại đáng trọng hơn biết là bao! Nước Hàn so với cả thiên hạ bé nhỏ thấm vào đâu! Thế mà sao chỉ vì lo không tranh được một miếng đất nhỏ ấy mà nhà vua đến nỗi ủ dột, buồn rầu, mất ăn mất ngủ, thương sinh quá như vậy?”
Vua Chiêu Hy nói: “Phải lắm. Người dạy bảo quả nhân cũng nhiều, nhưng chưa từng thấy ai dạy bảo quả nhân được những lời như thế”.
Tử Hoa Tử bàn như thế mới thực là người biết điều khinh, điều trọng ở đời vậy. (Cổ học tinh hoa)
‘Đâu là điều khinh, điều trọng ở đời?’, một câu hỏi đơn giản nhưng thiên hạ lại tốn không ít giấy mực để bàn luận. Lịch sử nhân loại là câu chuyện dài nhiều tập về một cuộc đi tìm, tìm cho biết được đâu mới thực là điều khinh, điều trọng cho cuộc làm người.
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa nên tự đáy sâu tâm hồn người ta luôn hướng về sự sống Thiên Chúa, một sự sống siêu vượt trên mọi giá trị trần tục mà chỉ nơi đó người ta mới tìm được sự no thoả.
Thế nhưng có sự xung đột giữa khôn ngoan trần gian và khôn ngoan Thiên Chúa. Nhiều người theo Chúa để tìm sự thịnh đạt trần tục, ‘hy vọng Người sẽ cứu Israel’; còn Chúa, Ngài đến để vì sự sống con người.
Vâng, thịnh đạt trần tục là một ảo vọng lấn áp ngay cả sự sống, làm cho người ta cứng lòng trước sự khôn ngoan Nước Trời, mà quên đi sự sống của chính mình: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại” (1Pr 1,18)
Các ảo vọng trần thế dẫn người ta rời xa khỏi chính mình, làm họ đau khổ, “như người đói mơ thấy mình đang ăn, khi tỉnh dậy thấy dạ dày trống rỗng; hoặc như một người khát nằm mơ thấy mình đang uống, khi tỉnh dậy thấy mình mệt lử, họng khát khô” (Is 29,8)
Thập giá Đức Kitô chính là bài thuốc đắng giã tật thanh lọc các ảo vọng trần tục cho đến cùng, để đưa người ta về với chính mình, về với sự sống nguyên tuyền Chúa đã ban cho nhân loại khi dựng nên họ theo hình ảnh Ngài, nay được phục hồi trong Đức Kitô phục sinh.
Hành trình về Emau của hai môn đệ Chúa Giêsu có thể được coi như một bản phác hoạ sự xung đột gay gắt giữa sự khôn ngoan thế gian và sự khôn ngoan Thiên Chúa. Họ về Emau, nhưng đó không phải là nơi họ tìm đến. Hành trình Emau chỉ là một cuộc trốn chạy, trong sợ hãi và mù tối. Họ thất vọng sâu xa khi thấy người ta đóng đinh vào thập giá Đấng họ hy vọng sẽ cứu Israel.
Chính từ khởi điểm u ám đó, Đức Kitô đã giúp họ nhìn thập giá không chỉ là một biến cố lịch sử mà còn là công việc của Thiên Chúa, không phải là thất bại mà là chiến thắng của sự thật và tình yêu, không phải là sự chết mà là sự sống, sự sống thần linh.
Tin Mừng là đây! Ngay khi nhận ra mình là kẻ khờ dại chậm tin vào Người Tôi Tớ Đau Khổ đã được tiên báo, một luồng sáng đức tin rạng chiếu xoá tan mọi nỗi thất vọng và sợ hãi trong lòng hai ông!
“Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem”
Các xung đột trong tâm hồn hai môn đệ Emau có thể đọc thấy trong cuộc sống con người hôm nay mà ĐHY Fulton Sheen khéo léo trình bày trong “Con đường về trời”:
“… Họ thay đổi triết lý sống như thay áo. Ngày thứ hai, họ phác hoạ vài nét duy vật. Ngày thứ ba, họ đọc một cuốn sách bán chạy nhất tuần, rồi vất vả bỏ chủ thuyết cũ vẽ ra chủ thuyết mới, chủ thuyết duy tâm. Ngày thứ tư, chủ thuyết quốc xã điên khùng. Ngày thứ năm, căn bản mới của bến bờ tự do. Ngày thứ sáu, thay đổi ý kiến, sau khi nghe phát thanh một chương trình tâm lý, họ quyết định chọn ông Freud làm thầy dậy. Ngày thứ bảy, họ uống rượu thật nhiều để quên đi mọi hướng đi đã phác hoạ. Và ngày chủ nhật, họ lấy làm ngạc nhiên và suy nghĩ tại sao lại còn có những con người ngu xuẩn rủ nhau tới nhà thờ?” (bản dịch của lm. Thomas Tuý O.P.)
Phải chăng tôi cũng đang loay hoay, vất vả với chính mình?
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa, ngoài Chúa ra tôi muốn tìm hạnh phúc ở nơi đâu khác? Ôi kẻ khờ dại chậm tin!