HỌC LÀM NGƯỜI _ tránh việc tranh cãi

TRÁNH VIỆC TRANH CÃI
Một tờ báo ở Boston chép lại mấy câu ngộ nghĩnh được viết trên một ngôi mộ như sau:
“Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của William Joy, y suốt đời hăng hái bênh vực ý kiến của y,  có lý trong suốt đời y, nhưng có lý hay vô lý, y cũng vẫn chết: không hơn, không kém”.
 Franklin đã nói: “Mình tranh biện và cãi lẽ, có thể thắng người khác được, nhưng thắng được như vậy có ích gì đâu, vì không khi nào làm cho người ta thành thực đồng ý với mình hết”.
Ông F. Parsons, một nhà buôn lớn, thuật lại câu chuyện sau: Ông tới phòng giấy một viên thu thuế để kêu nài về một sự tính lộn trong số thuế của ông. Nguyên do là người ta đã đánh thuế vào một số tiền 9.000 đồng mà ông chưa thu được và cũng không bao giờ thu được, vì con nợ không sao trả nổi. Viên thu thuế lạnh lùng đáp: “Cái đó tôi không biết, đã khai số tiền đó thì phải đóng thuế”.
Hai bên cãi lý với nhau trong một giờ đồng hồ. Viên thu thuế thì lạnh lùng ngạo nghễ và cố chấp. Ông Parsons dẫn chứng ra cũng vô ích, lý luận cũng vô ích. Càng tranh biện thì viên thu thuế càng lỳ. Sau cùng ông Parsons kiếm cách làm thoả lòng tự ái của viên thu thuế, ông nói: “Tất nhiên tôi cho rằng việc của tôi không quan trọng bằng việc khác, gai góc hơn nhiều mà ông từng giải quyết. Chính tôi cũng học chút ít về việc thuế má, quốc khố. Tôi thích môn đó lắm … nhưng tất nhiên là tôi chỉ học trong sách, còn ông, ông học trực tiếp, học bằng kinh nghiệm. Có lúc tôi muốn được làm nghề của ông: Tôi sẽ học thêm được biết bao nhiêu điều!” (Chúng ta cần nhớ rằng ông Parsons thực tình nghĩ vậy).
Viên thu thuế liền kể cho ông Parsons nghe những chuyện về nghề của ông, những vụ gian lận xảo quyệt ông đã khám phá được … dần dần lời lẽ cử chỉ hoá ra thân mật, rồi ông ta kể chuyện con cái ông ta. Khi ông Parsons ra về, thì ông nói để xét lại lời ông yêu cầu và sẽ cho hay kết quả ra sao. Ba ngày sau, ông lại cho ông Parsons hay là ông miễn cho số thuế đó, như lời ông Parsons xin.
Câu chuyện này chứng tỏ cái nhược điểm thông thường nhất của loài người là muốn tỏ sự quan trọng của mình ra. Mời đầu, viên thu thuế tỏ uy quyền của ông một cách ồn ào, nhưng khi uy quyền đó được ông Parsons công nhận rồi (khi ông này không tranh biện nữa) thì ông ta tươi tỉnh ra, hoá ra nhân từ, dễ cảm và tốt bụng như những người khác.
Phật Thích Ca có nói: “Oán không bao giờ diệt được oán, chỉ có tình thương mới diệt được nó mà thôi”.
Tranh biện không đánh tan được sự hiểu lầm. Phải có lòng hoà giải và khoan hồng, đặt mình vào địa vị người đối thoại với ta, mới có thể cảm hoá họ được.
Một lần Lincoln khiển trách một sĩ quan nhỏ tuổi đã tranh biện với bạn. Lincoln nói: “Người nào đã muốn tu thân, tự tiến thì không phí thì giờ cãi vã với nhau. Những cuộc gây lộn đó làm cho tính tình hoá ra khó chịu và làm mất sự tự chủ đi. Phải biết nhịn người. Chẳng thà nhường lối cho một con chó còn hơn là tranh nhau với nó, để nó cắn cho, vì dù có giết được nó, thì vết cắn cũng không lành ngay được”.


Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công