Học làm người _ trái táo thứ mười

TRÁI TÁO THỨ MƯỜI


Có một người hành khất không cơm ăn áo mặc cũng không mái nhà trú nắng che mưa, đã ngửa mặt lên trời than thở kêu cầu chúa dủ lòng thương. 

- Chúa động lòng thương gửi đến cho ông ba trái táo ăn cho đỡ đói.
- Kế đó Chúa lại gửi thêm ba trái táo nữa để ông đổi lấy tấm lá làm nơi trú nắng che mưa.
- Lần thứ ba Ngài cũng gửi đến ba trái táo để ông đổi lấy manh áo che thân.
- Sau cùng, Chúa gửi trái táo thứ 10 để ông dùng nó mà tỏ lòng biết ơn vì chín trái táo trước.
Người hành khất nhận trái táo thứ mười, ngắm nghía thật lâu, càng nhìn lại càng thấy nó ngon ngọt hơn chín trái táo trước. Ông thấy thèm nhưng trong thâm tâm cũng quá rõ là Chúa muốn ông dùng trái táo thứ mười này để tỏ lòng biết ơn ngài.
Cuối cùng, ông nghĩ: "Chúa có hàng triệu những trái táo khác trên mặt đất này, vậy trái táo thứ mười này có là gì với Ngài đâu. Nghĩ rồi, ông ta ăn luôn cả trái táo thứ mười và chỉ dành cho Chúa chút cùi ở giữa. (sưu tầm)

Người ta thường nói trên đời này có ba cách cho: 

Loại chai cứng như đá
Có những người lòng chai cứng như đá, có trái tim bằng thịt, nhưng lại tưởng như đã chết, không còn đập những đòi hỏi của phục vụ đối với mọi người.
Loại người này, quả thật, muốn có được sự sẻ chia, giúp đỡ của họ, thì quả thật là khó. 
Điều có thể dễ dàng đón nhận được là những âm thanh chát chúa, những tia lửa ghê sợ của những mảnh đá đập vào nhau. Nói khác đi, gặp những người này, ta rất khó gần gũi, khó hợp tác, khó được cảm thông và xót thương. 
Loại mềm như bọt biển
Đây là loại bề ngoài rất hào nhoáng, ngọt ngào, môi mép, khách sáo. Nhìn có vẻ rất dễ nhờ cậy, nhưng thực tế, khó mà vắt được chút tình thương hay sự trợ giúp nào về vật chất, tinh thần… Muốn có được tí hỗ trợ, thì đòi ta phải rất kiên nhẫn thuyết phục, thì mới mong có được chút lòng xót thương của họ.
Loại ngọt như mật
Đây là những người giống mật ong, tự nó luôn trào lên thứ mật thơm tho ngọt ngào, khiến người khác thích thú. Loại này có sức lôi kéo người khác không bởi bề ngoài, nhưng bởi lòng từ tốn, từ tâm của họ. Nơi họ toát lên sự nhân từ thực sự. Loại này, họ luôn rộng mở cõi lòng để đón nhận người khác và sẵn lòng giúp đỡ dưới thúc đẩy của trái tim biết yêu thương. Hành động của họ không bởi vì áp lực, vì tiếng vang hay do cầu xin của người khác, nhưng vì tình thương đồng loại, khiến họ luôn nghĩ đến người khác, và những nhu cầu của họ, thay vì nghĩ đến bản thân.
Nhân chi sơ tính bản thiện. Con người sinh ra vốn tốt lành, nhưng theo thời gian, vì cuộc sống, làm cho người ta thay đổi lối sống, cách nhìn, tạo ra sự khác biệt giữa người với người. Cùng với sự bon chen, nghi kỵ, hẹo hòi, ích kỉ, nên có những thái độ khác nhau.
Một người giáo dục đúng mức, thì không thể trở thành người vô ơn. Bởi người có giáo dục, thì họ có đủ những kiến thức cần thiết để nhận định vấn đề tốt xấu trong cuộc sống, và theo những hướng dẫn tốt lành của lương tâm mà sống.
Loại người này, chắc chắn họ luôn tỏ lòng biết ơn trời, ơn người, và sẽ đáp đền bằng cách truyền lại cho thế hệ sau, để họ luôn sống trong đường nhân đức.
Nhân vật trong câu truyện trên tỏ rõ sự tham lam của mình. Loại người này chắc chắn chưa có cái nhìn đúng đắn và trưởng thành.
Có người nghĩ rằng, tạ ơn làm cho mình trở nên nép vế, nhu nhược. Thực tế không phải, tỏ lòng biết ơn là thái độ của người trưởng thành, có giáo dục. Lòng biết ơn không làm cho ta trở nên kém cỏi, nhưng làm cho ta thăng tiến. Việc tạ ơn, chỉ làm cho ta thêm ơn Chúa mà thôi.
Thanh Thanh