Bài 3. ƠN CHÚA VÀ SỰ CÔNG CHÍNH HÓA
12. Sự công chính nguyên thuỷ là gì?
Khi được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, chúng ta mang lấy nơi mình một phẩm giá vô cùng cao quý, là được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha. Phẩm giá này - sự công chính nguyên thuỷ - được khởi đầu nơi Ađam, và sẽ “được hoàn thành trong ơn gọi hưởng phúc thần linh.” [1]
“Nhờ mạc khải chúng ta biết rằng Ađam đã được hưởng nhận sự thánh thiện và công chính không phải cho riêng mình, mà cho cả bản tính nhân loại.” [2]
Thế nhưng khi bị Satan dụ dỗ, Ađam-Eva đã từ chối ý định của Chúa, từ chối sự sống siêu nhiên và ơn gọi làm con Thiên Chúa. “Khi nghe theo Tên Cám Dỗ, ông Ađam và bà Evà đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản tính nhân loại, một bản tính mà họ sẽ lưu truyền trong tình trạng đã sa ngã.” [3]
13. Thế nào là công chính hóa?
Dù Ađam-Eva tự ý đánh mất sự công chính nguyên thuỷ, nhưng loài người là thụ tạo duy nhất mà Chúa muốn dựng nên vì chính họ, nên Chúa đã ban lời hứa cứu độ nhằm phục hồi sự công chính cho nhân loại để họ lại được chia sẻ sự sống của Ngài, và hưởng phúc thần linh.
“Thánh Augustinô cho rằng ‘việc công chính hoá kẻ vô đạo là một công trình còn lớn lao hơn cả trời đất … Quả vậy, trời đất sẽ qua đi; còn ơn cứu độ và công chính hoá những người được tiền định sẽ tồn tại.’ Thánh nhân còn cho rằng sự công chính hoá các kẻ tội lỗi vượt trên công trình tạo dựng các Thiên thần trong sự công chính, vì điều này làm chứng cho lòng thương xót lớn lao hơn của Thiên Chúa.” [4]
Công chính hoá là một lời mời gọi cần đến sự đáp trả tự do từ con người. Điều kỳ diệu của sự công chính hoá mà Chúa muốn thực hiện là “thiết lập sự cộng tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và tự do của con người.” [5]
14. Ân sủng là gì?
Thông thường, chữ ơn mang ý nghĩa là một sự ưu đãi, hay một món quà, được ban phát cách nhưng không chứ không phải vì sự xứng đáng của người chịu ơn.
Hiểu theo nghĩa rộng thì tất cả cuộc sống của chúng ta, từ sự có mặt trong cuộc đời này với những tính cách và sinh hoạt của một con người, như trí khôn, lòng muốn tự do, sức mạnh của thân xác, của tinh thần, và mọi của cải nuôi sống mình... đều là ân sủng do Chúa ban cách nhưng không, còn gọi là các ơn tự nhiên.
Ơn Chúa ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, về các ơn siêu nhiên, là “một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Ngài: trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và vào sự sống muôn đời.” [6]
15. Ơn Chúa cần thiết như thế nào?
Thiên Chúa dựng nên con người có tự do “để chính họ tự nguyện tìm kiếm Đấng Tạo Hóa của mình và tự do đạt tới sự hoàn hảo sung mãn và hạnh phúc bằng việc kết hợp với Ngài” [7], mà có được sự sống vĩnh cửu.
“Ơn gọi đó vượt trên mọi tài năng của trí tuệ và sức mạnh của ý chí nhân linh, cũng như của mọi thụ tạo.” [8] Thế nên việc tự do tìm đến sống kết hợp với Thiên Chúa bằng sức riêng mình là điều không thể đối với con người. Ân sủng được Chúa ban để giúp chúng ta đạt tới sự công chính bằng cách thiết lập sự cộng tác giữa ý muốn của Thiên Chúa và sự tự do của con người: “Khi Thiên Chúa đánh động trái tim con người nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, con người không phải là không làm gì khi đón nhận sự linh hứng này, vì họ có thể khước từ sự linh hứng đó; tuy nhiên nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, họ không thể đạt tới sự công chính trước mặt Ngài bằng ý chí tự do của mình.” [9]
16. Có mấy thứ ơn Chúa?
Cả cuộc sống chúng ta ngụp lặn trong muôn vàn ân sủng Chúa ban, ơn tự nhiên cũng như ơn siêu nhiên. Riêng ơn siêu nhiên thường được chia thành hai loại, là ơn thánh hoá, còn gọi là thường sủng, và ơn trợ giúp, còn gọi là hiện sủng: “ơn thường sủng là trạng thái trường tồn để sống và hành động theo lời kêu gọi của Thiên Chúa, và các ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa, hoặc vào lúc khởi đầu cuộc hối cải, hoặc trong tiến trình của công cuộc thánh hoá.” [10]
Thường sủng và hiện sủng là hai loại ơn căn bản và cần thiết cho việc thánh hoá con người. Riêng hiện sủng còn được chia thành các ân sủng bí tích, ân sủng đặc biệt, các ơn chức phận, … được ban nhằm quy hướng về ơn thánh hoá và công ích của Hội Thánh “để làm cho chúng ta có khả năng cộng tác vào công trình cứu độ những người khác và làm phát triển thân thể Đức Kitô là Hội Thánh.” [11]
17. Ơn thường sủng là gì?
Là ơn thánh hoá, được gọi là thường sủng vì đó là sự sống thường xuyên của linh hồn chúng ta. Cũng như xác ta sống động khi liên kết với linh hồn thì hồn ta cũng sống động, được thần linh hoá, khi có ơn thánh hóa.
Ơn này làm cho ta nên thánh và nên con Chúa.
- Làm cho ta nên thánh: Ơn thánh hóa biến đổi chúng ta trở thành một thụ tạo mới đẹp lòng Chúa và thực sự thuộc về Chúa.
- Làm cho ta nên con Chúa: Ơn thánh hóa sẽ đổ vào linh hồn ta sự sống của Chúa; làm cho ta dự phần vào sự sống và hạnh phúc của Chúa như một người con dự phần sự sống và sản nghiệp của cha mình. Nhờ đó, chúng ta có thể gọi Chúa là Cha.
18. Ta phải làm gì để được ơn thánh hóa?
Ơn thánh hóa hết sức cần thiết cho phần rỗi của ta, vì đó chính là sự sống siêu nhiên trong ta. Không có ơn thánh hóa, ta sẽ không được dự phần vào sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa như một người con. Bởi đó mối quan tâm đầu tiên và trên hết của mọi tín hữu là về đời sống siêu nhiên của mình. Khi chết đi, ta không thể mang theo mình dù chỉ một đồng bạc nhỏ, duy chỉ có ơn thánh hóa mới đem lại cho ta hạnh phúc đời đời.
Thông thường, chúng ta nhận được ơn thánh hóa khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Còn khi phạm tội nặng, chúng ta đánh mất ơn thánh hóa cùng với tất cả công nghiệp tốt lành chúng ta đã có được trước đây. Vì thế, chúng ta phải hết sức giữ gìn cho khỏi phạm tội nặng. Nhưng nếu lỡ mắc tội nặng, chúng ta cần phải mau mắn ăn năn tội và lãnh nhận bí tích giao hoà sớm hết sức có thể để được tha tội và nhận lại ơn thánh hóa cùng với công nghiệp của mình.
19. Ơn hiện sủng là gì?
Ơn hiện sủng, còn gọi là ơn trợ giúp, là sự can thiệp của Chúa để giúp ta làm các việc lành trong mỗi hoàn cảnh, và có tính cách nhất thời cho từng việc.
Có nhiều loại ơn trợ giúp, như đã nói trên, nhưng thường được chia làm hai loại chính cách dễ hiểu như sau:
- Ơn trợ giúp bên ngoài: Là những tác động tốt từ bên ngoài lên đời sống siêu nhiên Chúa ban cho ta, như gương sáng, các bài giảng, các bài giáo lý, những lời khuyên tốt, những hội đoàn đạo đức...
- Ơn trợ giúp bên trong: Là những tác động trực tiếp của Chúa trong linh hồn để soi sáng, thúc đẩy ta làm lành lánh dữ, như giúp ăn năn cải thiện đời sống, chống trả chước cám dỗ, làm việc bác ái.
Nếu ơn thánh hóa là sự sống không thể thiếu của linh hồn ta, thì ơn trợ giúp cũng hết sức cần thiết để ta có thể gìn giữ và tăng trưởng ơn thánh hóa. Là những con người đã bị thương tổn bởi tội tổ tông, chúng ta không thể tự mình chống trả chước cám dỗ và làm việc lành được, vì “không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15,5); còn khi biết nhờ đến ơn trợ giúp của Chúa thì ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Chúa là Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).
20. Ta có thể làm gì để được ơn trợ giúp?
20. Ta có thể làm gì để được ơn trợ giúp?
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không để chúng ta chiến đấu cô đơn mà không giúp đỡ; trái lại, Ngài luôn đổ tràn trề muôn ơn cho chúng ta để giúp chúng ta giữ gìn và làm tăng trưởng sự sống siêu nhiên của mình, đặc biệt là khi chúng ta lãnh nhận các bí tích và khi chúng ta cầu nguyện, vì Chúa đã hứa: “Ai xin thì sẽ được...” (Mt 7,7)
Thông thường chúng ta hay cầu khẩn xin Đức Mẹ và các thánh ban ơn phù trợ mình. Thực ra, ân sủng là bởi Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban ơn cho chúng ta mà thôi, nhưng chúng ta rất nên nhờ Đức Mẹ và các thánh chuyển cầu cho chúng ta, vì các ngài xứng đáng được Chúa nhận lời hơn chúng ta.
21. Ta phải cộng tác với ơn Chúa thế nào?
Tình yêu của Chúa không có giới hạn, Ngài không bao giờ từ chối ban ơn cho bất cứ ai, kể cả những người bị coi là bất xứng nhất... để mọi người đều có thể nhận được ơn cứu độ, như mặt trời chiếu sáng và làm cho vạn vật ấm áp.
Ân sủng được ban cách tự do cũng đòi hỏi sự đáp trả tự do từ người nhận ơn. Cùng với đồng tiền được trao, có người làm sinh lợi ra được mười đồng và lãnh phần thưởng, có người bị phạt vì không sinh lợi được chút nào. Thánh Augustin có nói: “Chúa dựng nên con mà không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu độ con mà không cần đến con”. Sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta cũng tùy ở sự cộng tác của chúng ta với ơn Chúa.
Vì thế ta phải tỉnh thức để mau mắn đón nhận và nỗ lực cộng tác với ơn Chúa ban, là tham dự các bí tích một cách sốt sắng và ý thức, giữ tâm hồn sạch tội, chú ý lắng nghe các bài giảng trong thánh lễ hay các giờ giáo lý, tham gia các hội đoàn đạo đức, mau mắn làm theo điều Chúa thúc đẩy trong lòng mình...
“Thật ra, khi chúng ta làm việc, là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc, bởi vì lòng thương xót của Ngài đi bước trước đến với chúng ta. Ngài đi bước trước, để chúng ta được chữa lành, và Ngài dõi theo sau để khi được chữa lành, chúng ta nên cường tráng; Ngài đi bước trước, để chúng ta được kêu gọi, Ngài dõi theo sau để chúng ta được vinh quang; Ngài đi bước trước, để chúng ta sống một cách đạo đức, Ngài dõi theo sau để chúng ta được luôn luôn sống với Ngài, bởi vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì” [12]