Giáo lý Công giáo - lương tâm

Bài 5. LƯƠNG TÂM
35.  Lương tâm là gì?
“Lương tâm là hạt nhân bí ẩn nhất và là cung thánh của con người, nơi con người ở một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng họ.” [1]
Để biết được điều mình sắp làm là tốt hay xấu, tất cả những gì chúng ta cần là suy xét trong lòng, và chúng ta sẽ nghe thấy một tiếng từ trong lòng nói với ta: “đó là việc tốt, hãy làm”, hoặc “đó là việc xấu, không được làm”.
          Tiếng nói đó chính là lương tâm, được Thiên Chúa đặt sẵn nơi đáy lòng mỗi người, giúp chúng ta phân biệt điều thiện với điều dữ và thúc đẩy  chúng ta làm điều thiện và tránh điều dữ.
36. Lương tâm hoạt động thế nào trong lòng ta?
          “Lương tâm là một phán quyết của lý trí, nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu.” [2]
- Trước khi làm hoặc đang khi làm một việc gì, lương tâm sẽ nói cho ta biết việc đó là tốt hay xấu, và thúc giục chúng ta làm lành lánh dữ.
           - Sau khi làm một việc tốt, lương tâm sẽ tán thành và làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng. Ngược lại, sau khi làm một việc xấu, lương tâm sẽ lên án, cho chúng ta biết đó là một việc xấu. Lương tâm sẽ tiếp tục lên tiếng cho tới khi chúng ta sám hối và quyết tâm sửa chữa.
37. Ta phải làm gì đối với tiếng lương tâm?
Để sống theo tiếng lương tâm, điều đầu tiên cần thiết là phải có một đời sống nội tâm. Nhờ đời sống nội tâm, mỗi người có cơ hội “hiện diện với chính mình, để lắng nghetuân theo tiếng lương tâm của mình.” [3]
Phải tuân theo triệt để và mau mắn tiếng lương tâm, vì lương tâm có vị trí tối thượng trong mọi quyết định của chúng ta: Con người phải có quyền tự do hành động theo lương tâm, để có thể đảm nhận những quyết định luân lý của riêng mình. “Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm của họ, nhất là trong vấn đề tôn giáo”. [4]
38. Lương tâm có thể bị sai lầm không?
“Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán đó, con người tự kết án chính mình. Nhưng có thể lương tâm ở trong tình trạng thiếu hiểu biết, và đưa ra những phán đoán sai lầm về các hành vi phải làm hoặc đã làm.” [5]
39. Những sai lầm lương tâm thường gặp là gì?
Sự thiếu hiểu biết xảy ra, “khi con người ít lo tìm kiếm điều thật và điều tốt, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần hầu như bị mù quáng”. [6] 
* Không thể phân định tốt, xấu: Cho điều thiện là ác, điều ác là thiện (tục săn đầu người, nạn phá thai, hối lộ, tham nhũng...) Những sai lầm này thường do hoàn cảnh xã hội.
* Không thể lượng giá nặng, nhẹ: Lương tâm phóng túng (điều nặng thì cho là nhẹ), và Lương tâm bối rối (điều nhẹ lại cho là nặng). Hai loại sai lầm này thường là do không chịu học hỏi, cũng có thể là triệu chứng của tâm bệnh.
* Lương tâm chai đá: Không còn thấy điều xấu là xấu và phải xa tránh nữa. Lương tâm chai đá thường gặp nơi người thường xuyên phạm tộiít hồi tâmkhông chịu lãnh nhận các bí tích. Lương tâm khi đó mất khả năng đưa ra “một phán đoán ngay thẳng, phù hợp với lý trí và Lề luật thần linh.” [7] Lương tâm chai đá làm cho người ta dễ dàng phạm bất cứ tội gì, dù to hay nhỏ.
40. Lương tâm sai lầm có bị quy tội không?
Ta thường nghe nói: ‘không biết thì không có tội’, nhưng “sự thiếu hiểu biết này và những sai lầm đó không phải luôn tránh được sự quy tội.” [8]
           - Nếu sai lầm do một sự thiếu hiểu biết không thể vượt thắng được thì không có tội, nhưng sau phải tìm hiểu cho biết.
           - Nếu sai lầm do thiếu hiểu biết bởi lười biếng không chịu học, nhất là trong những lãnh vực mình có trách nhiệm phải biết, thì vẫn bị quy tội.
41. Ta phải làm gì để có được một lương tâm tốt?
          “Việc giáo dục lương tâm là nhiệm vụ của cả cuộc đời.” [9] Muốn có một lương tâm tốt, ta cần:
- Tập lắng nghelàm ngay theo tiếng lương tâm.
- Học hỏi giáo lý đầy đủ và biết bàn hỏi khi chưa rõ điều gì phải làm trong mỗi trường hợp.
- Cầu nguyện để nhận biết và thực hành luật nội tâm. Đặc biệt là “phải thấm nhuần Lời Chúa vào đức tin và kinh nguyện, và đem ra thực hành.” [10]
42. Một số quy tắc của lương tâm được áp dụng trong mọi trường hợp là gì?
- “Không bao giờ được làm một điều xấu để đạt tới điều tốt (mục đích không biện minh cho phương tiện).
- “Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho họ. (Mt 7,12).
- “Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ.” [11]
- “Phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình.” [12]
-  Khi phải chọn giữa hai điều xấu, thì chọn điều ít xấu hơn.
Bài liên quan: Lương tâm thời @

[1] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 16
[2] GLCG 1778
[3] GLCG 1779
[4] Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 3
[5] GLCG 1790
[6] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 16
[7] GLCG 1799
[8] GLCG 1801
[9] GLCG 1784
[10] GLCG 1802
[11] GLCG 1789
[12] GLCG 1800

Tìm câu: 35 36 37 38 39 40 41 42  
HOME