Hiển thị các bài đăng có nhãn tử đạo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tử đạo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thời sự GH _ 522 tân chân phước tử đạo


522 tân chân phước tử đạo
Ngày 13-10-2013, tại Tarragona (Tây Ban Nha), một thành phố duyên hải, Giáo hội đã phong chân phước cho 522 vị tử đạo trong chiến tranh Tây Ban Nha, đa số là giáo sĩ. Đây là sự kiện lớn nhất trong lịch sử Giáo hội tại Tây Ban Nha.
TRẦM THIÊN THU (Theo Telegraph.co.uk)

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh Pancratius

(c. 304)
T
hánh Pancratius là vị tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất ít về ngài. Truyền thuyết nói rằng ngài sinh vào cuối thế kỷ thứ ba và được người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất sớm. Sau đó, hai chú cháu theo Kitô Giáo. Trong thời gian cấm đạo của Hoàng Ðế Diocletian, Pancratius bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Ngài được chôn trong một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài. Thánh Pancratius được nước Anh đặc biệt sùng kính vì Thánh Augustine ở Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho Thánh Pancratius, và thánh tích của ngài được tặng cho vua xứ Northumberland.

Lời Trích

"Chúng sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và chúng sẽ điệu anh em đến trước mặt vua quan vì danh Thầy. Ðó là cơ hội để anh em làm chứng. Hãy nhớ rằng, đừng lo nghĩ cách bào chữa, vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói khôn ngoan khiến tất cả các địch thủ không tài nào chống đối hay bắt bẻ được" (Luca 21:12-15).

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh Nereus và Thánh Achilleus

(thế kỷ I)
N
hững gì chúng ta biết về hai vị tử đạo của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ hai ngài. Nhưng điều dẫn giải này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.
Ðức Damasus kể rằng Nereus và Achilleus là binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ hai ngài chẳng có gì chống đối đạo và cũng không muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.
Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một "phép lạ đức tin." Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.
Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitian, và đã bị lưu đầy và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.

Lời Bàn

Như trong trường hợp của các vị tử đạo tiên khởi, Giáo Hội chỉ biết bám víu vào chút ký ức sơ sài giữa những dữ kiện mù mờ của lịch sử. Nhưng đó là một khích lệ lớn lao cho tất cả Kitô Hữu khi biết rằng chúng ta có một di sản quý báu. Những anh chị của chúng ta trong Ðức Kitô cũng đã sống ở một thế giới giống như chúng ta -- chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa vật chất, hung bạo và hoài nghi - tuy nhiên các ngài đã biến đổi tâm hồn nhờ sự hiện diện của Ðấng Hằng Sống. Sự can đảm của chúng ta cũng được phấn khích bởi các anh hùng liệt nữ, là những người đã ra đi trước chúng ta và đã được ghi dấu đức tin nhờ mang lấy thương tích của Ðức Kitô.

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh George

(c. 304)
N
gười ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa."
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.

Lời Bàn

Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.

Lời Trích

"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN

ĐỪNG SỢ KẺ GIẾT THÂN XÁC
MÀ KHÔNG GIẾT ĐƯỢC LINH HỒN!

Chúa Nhật 1-10-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh. Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907).
Trong số 120 thánh tử vì đạo có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 thánh tử vì đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ MARIA).
86 trong số 120 thánh Tử Đạo Trung Hoa chịu chết vì Đạo vào năm 1900.
Năm 1900 mở ra một trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn nổi lên đốt phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát. Xin giới thiệu Thánh Phaolô Cao Đình Chu.
Đầu năm 1900, trong những tháng ngày âu lo và sợ hãi, khi bọn giặc Quyền Phỉ tìm bắt giết các tín hữu Công Giáo, ông trùm một họ đạo Trung Hoa quý danh Phaolô Cao Đình Chu - 61 tuổi - luôn miệng khuyến khích các tín hữu trong họ đạo hãy bình tĩnh và trung thành với Đức Tin Công Giáo. Ông khuyến khích bằng lời nói, và cao quý hơn, ông khuyến khích bằng chính cái chết anh dũng, làm chứng cho lòng ông trung kiên cùng THIÊN CHÚA.
Ngày 8-8-1900, bọn giặc tràn vào làng ông Chu. Số tín hữu Công Giáo tại đây rất ít nên trốn thoát cách dễ dàng. Như mọi người, ông Chu cũng tìm lối chạy trốn. Chẳng may trên đường ông chạm phải bọn lính. Biết rằng mình không thể thoát thân, ông Chu lấy hết bình tĩnh và hỏi:
- Mấy ông tìm ai vậy?
Thay vì trả lời, bọn lính hỏi lại:
- Có phải ông là Cao Đình Chu, ông trùm của họ đạo này không?
Ông Chu điềm đạm đáp:
- Phải, chính tôi!
Vừa nghe ông nói, bọn lính nhảy tới, bắt trói ông vào một gốc cây và chuẩn bị cuộc hành quyết. Để yên một lúc, ông Chu bỗng cất tiếng nói:
- Nơi đây không phải ruộng vườn của tôi. Các ông giết tôi làm phiền rộn chủ vườn. Trong khi nhà tôi ở phía Bắc của làng này, nơi đó có đủ thứ cây cối, nếu muốn, các ông có thể treo tôi trên cây mít hay cây xoài, hoặc cây nào khác cũng được!
Bọn lính nghe ông Chu nói có lý bèn làm theo lời ông. Họ gươm giáo đưa ông về nhà. Trên đường, có nhiều người ngoại giáo trong làng nhận ra ông. Họ lên tiếng bênh vực ông. Họ quả quyết ông không còn là tín hữu Công Giáo. Nhưng ông Chu đâu dễ dàng chấp nhận trò chơi! Nhất là, ông không muốn đánh mất dịp may ngàn vàng:
- Được hồng phúc chết vì Đức Tin Công Giáo.
Ông giải thích với người cùng làng có thiện cảm và muốn cứu ông:
- Xin quý cô bác đừng bận tâm. Họ chỉ có thể giết chết thân xác tôi, nhưng hồn thiêng của tôi, họ đâu có thể giết được!
Bọn lính cột ông Chu vào một gốc cây trong vườn nhà ông. Họ tìm cách dụ dỗ ông chối Đạo lần cuối. Nhưng ông Chu cương quyết trả lời:
- Thà tôi chịu mất xác chứ không chịu mất linh hồn!
Nghe vậy bọn lính tức giận lấy gươm xẻo từng miếng thịt và cứ mỗi lần ông trả lời không chịu bỏ Đạo, họ lại cắt đi một phần cơ thể. Ông Phaolô Cao Đình Chu luôn miệng kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA cho đến khi ông ngã gục xuống và tắt thở. Thân xác ông không còn hình tượng một người nữa!
... ”Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết .. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục .. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời” (Matthêu 10,17-18/28/32-33).
(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, I Beati Martiri Cinesi nella persecuzione della Boxe, Celi Sud-Est 1900, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt