LỜI CHÚA LỄ NGOẠI LỊCH THÁNG 7
CÂU TRUYỆN MINH HỌA
THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ – CON ĐƯỜNG THEO CHÚA
THÁNH NỮ
MARIA MADALENA – HÃY BÁO TIN CHO ANH EM TA HAY
THÁNH
GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ – CHÉN ĐẮNG THEO CHÚA
THÁNH
GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA - ÐỀN THỜ TÂM HỒN
LỄ KÍNH
THÁNH NỮ MÁTTA, MARIA VÀ LADARÔ - CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ÐỘNG
THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ – CON ĐƯỜNG THEO CHÚA
Lời Chúa: Ga 20, 24-29
Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là
Điđymô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã
nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa." Nhưng ông đã nói với các
ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc
ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi
không tin."
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và
có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng
giữa mà phán: “Bình an cho các con." Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón
tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy;
chớ cứng lòng, nhưng hãy tin." Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên
Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã
tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin."
TRUYỆN KỂ
1. Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.
Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:
- Em có bằng lòng lấy anh không?
- Bằng lòng.
- Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe
anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin
anh thế?
- Vì em yêu anh!
Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.
2. Đức tin lớn lao
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình
tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi
vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn
lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
3. Chúa ở đó nhưng không ai thấy
Trong một vụ tai nạn xe hơi, thầy của tôi bị thương
trầm trọng tưởng chừng như không qua khỏi. Ấy vậy mà sau hai tháng điều trị, Thầy
đã chóng bình phục và trở về với cuộc sống thường ngày. Khi tôi vào thăm, Thầy
đã đón tôi với nét mặt tươi vui và thái độ hân hoan lạ thường. Tôi thắc mắc
không hiểu sao với vết thương như thế mà Thầy có thể chịu đựng nổi trước những
lưỡi dao len lỏi vào từng tớ thịt, cắt xén, thêm bớt… Thầy vui vẻ trả lời: “Cứ
mỗi lần như thế, Thầy lại nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh
giá, và nỗi đau của Thầy như tan biến hết." Tôi đã làm cho Thầy chưng hửng
khi hỏi lại: “Thầy có thấy Chúa đâu mà lại tin như vậy?"
Tâm trạng và thái độ của tôi lúc ấy cũng giống như
tâm trạng của Tôma trong Phúc Âm. Đã có lúc tôi tự hỏi: Chúa ở đâu? Sao tôi chẳng
thấy? Và tôi không còn thiết nghĩ đến Chúa nữa. Tôi đi lễ chẳng qua vì tôi “lỡ”
chịu phép Rửa Tội. Đến nhà thờ mà tâm hồn cứ để tận đâu đâu.
Lời Chúa nói với Tôma đã làm tôi bừng tỉnh, mắt như
mở ra. Và tôi thấy Chúa đang mỉm cười với chính mình.
Chúa Giêsu ơi, đức tin của con như hạt sương mai đậu
trên nhành cây, để nguyên thì còn mà đụng vào thì sẽ mất. Xin thêm niềm tin cho
con, để con dù không thấy Chúa nhưng vẫn tin Ngài đang hiện diện bên con trong
cuộc đời.
4. Hành trình truyền giáo của thánh Tôma
Từ ngày ấy, thánh Tôma luôn luôn sống đoàn tụ với
các tông đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và khi đã được đầy ơn Thánh
Linh rồi, Ngài cùng với các môn đệ chia tay nhau đi rao giảng Phúc âm. Thánh
nhân giảng đạo tại những nơi nào chúng ta không biết. Theo sử gia Eusèbe thì
hình như Ngài giảng đạo tại xứ Parthie. Nhưng theo một truyên thuyết khá kỳ cựu
thì thánh nhân đem tin lành đến cho những xứ của mấy nhà bác học, trứơc kia đã
đến thờ lạy Chúa Giêsu tại hang Bêlem. Ngoài ra, nhiều văn kiện khác lại cho rằng:
Thánh Tôma giảng Phúc âm cho dân Ấn Độ, đã gặp thấy ở đó nhiều người Kitô giáo
xưng mình là đồ đệ của thánh Tôma. Hơn thế, các tín hữu Ấn Độ có truyền tụng lại
rất nhiều phép lạ mà họ cho rằng: Chúa đã làm vì lời cầu nguyện của thánh Tôma.
Dưới đây là một trong nhiều tích truyện.
Lần kia, vua Sagame và các tăng ni Bàlamôn tìm mọi
cách ngăn cản, không cho thánh tông đồ cất ngôi nhà thờ như đã định, họ viện lý
rằng khu đất ấy dành riêng để xây tư dinh cho nhà vua.
Thế rồi một hôm bể động, nhiều đợt sóng to đổ vào bờ
đem theo một cây gỗ quý rất lớn. Nhà vua muốn đem cậy gỗ ấy về làm vật liệu xây
cung điện. Nhưng vì cây gỗ quá nặng đến nỗi hàng trăm con voi kéo không nổi.
Trong lúc các quan triều lúng túng chưa biết tìm kế nào đưa trọn cây gỗ về triều
cho vua, thì thánh Tôma được Chúa soi sáng, Ngài đến thẳng đền vua và mạnh dạn
tâu: “Nếu đức vua bằng lòng cho tôi xây ngôi nhà thờ dâng kính Thiên Chúa, tôi
sẽ giúp vua, một mình kéo cây gỗ về thành không cần đến một người lính hay một
con voi nào."
Nhà vua ngỡ ngàng, cho rằng thánh nhân nói khoác.
Nhưng sau, theo lời bàn của giới chư tăng, nhà vua đồng ý và định ngày kéo gỗ.
Đến ngày đã định, vua và các quan triều đến chứng kiến công việc. Dân chúng
cũng kéo đến xem chật ních. Thánh tông đồ, bình tĩnh bước ra chào vua rồi quỳ
xuống cầu nguyện. Đoạn Ngài đứng dậy buộc giây vào đầu cây gỗ, giơ tay làm dấu
thánh giá và kéo đi một cách nhẹ nhàng, trước con mắt kinh hoàng của mọi người.
Dầu vậy, đến nay lịch sử vẫn chưa xác quyết thánh
Tôma có giảng đạo tại những xứ sở nào. Và cũng chưa rõ thánh nhân chết ở đâu và
bằng cách nào. Nhiều người cho rằng: thánh nhân qua đời tại Eusèbe hay một
thành nào gần đó. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng: thánh tông đồ chịu tử đạo tại
Ấn độ.
5. Tôma không thích nửa vời
Hồi đó, dưới hỏa ngục, các tướng quỷ tranh luận với
nhau về đề tài: “Đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại chương trình cứu
độ của Thiên Chúa?” Trên khán đài nồng nặc mùi diêm sinh và bên dưới là các tướng
lãnh tranh luận sôi nổi với nhau.
Tên thứ nhất đứng lên tuyên bố:
Đối với tôi, lòng ham mê ăn uống là thù địch số một
của Chúa. Thử hỏi vì lý do gì mà Ađam và Evà sa ngã phạm tội ở vườn địa đàng?
Thưa cũng chỉ vì thèm ăn một trái táo. Rồi đến Esau mất quyền trưởng nam cũng
chỉ vì một bát cháo đậu xanh.
Một tràng pháo tay vang dội.
Kế đó tên quỷ thứ hai cứng rắn phản đối tên thứ nhất.
Hắn cho rằng lòng tham của cải mới chính là thù địch số một của Chúa. Giuđa là
một thí dụ.
Tên quỷ thứ ba tiến lên. Theo hắn thì lòng kiêu ngạo
chính là chủ của mọi tính hư nết xấu.Sự sa ngã của các thiên thần là thí dụ.
Tên quỷ thứ tư bước lên khán đài ngang nhiên tuyên bố:
Không, thù địch số một của Chúa chính là lòng ham mê
nhục dục và mọi thú vui giác quan.
Nghe những lời đó quỷ vương phân vân không biết phải
trao chiến thắng về cho ai, bởi vì ai cũng có lý cả. Sau cùng, từ chỗ quan
khách đang ngồi chăm chú theo dõi, tên quỷ thứ năm dõng dạc chậm rãi tiến ra. Với
giọng vừa mỉa mai vừa cứng rắn, hắn lên tiếng đả kích tất cả các lý luận trên
và phủ nhận mọi bằng chứng đã được đưa ra. Sau đó hắn nói dằn từng tiếng:
Kẻ thù số một của Chúa không hẳn là lòng ham mê,
tham lam cũng không phải là tính kiêu ngạo, tất cả những thói xấu đó đứng riêng
rẽ một mình chẳng khác nào con dao cùn, nhưng nếu tổng hợp tất cả những thói xấu
đó lại thành một hợp chất khác tuy không tên tuổi, không ai để ý tới, nhưng
chúng sẽ là một khí cụ lợi hại và hiệu nghiệm nhất. Đó là lòng lạnh nhạt, không
nóng cũng không lạnh. Những kẻ lạnh nhạt không hẳn là những người thù địch chống
lại Chúa một cách trắng trợn, nhưng chúng cũng không phải là những người thân
thiện gì với Chúa, đó mới chính là kẻ thù tai hại hơn cả.
Đây chúng ta hãy nghe lại những lời mạnh mẽ Chúa nói
trong sách Khải Huyền với dân Laodiciae: “Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng
nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi
hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3,
15-16)
Ngày hôm nay chẳng thiếu những người giữ đạo cho có,
chỉ hình thức, lạnh chẳng ra lạnh, nóng cũng chẳng ra nóng. Những người như thế
đang là mối nguy cho Chúa hôm nay.
6. Vị tiên tri cô độc
Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế doạ sẽ trừng
trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng
đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình
thường.
Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe doạ của
Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên
một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...
Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất
đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.
Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem
những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe doạ của Thượng đế, mọi người
sống trên mặt đất đều hoá ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức
được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu
vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...
Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của
mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có
một tâm trí lành mạnh, bình thường...
Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự
cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng
loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân
chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.
Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng
loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của
người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ...”
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng
thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...
7. Những tương truyền về hoạt động tông đồ của Thánh
Thomas
Cuốn Didache, tức cuốn Giáo lý của các Thánh Tông Đồ
- một trong những tác phẩm Kitô giáo cố nhất ngoài 27 cuốn sách của Tân Ước –
xuất hiện vào khoảng năm 100 sau Chúa Kitô, chứa đựng những bằng chứng cổ nhất
bằng văn bản về hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại Ấn-độ. Theo cuốn
sách này, Ngài đã thành lập Giáo hội tại Ấn-độ và tại những khu vực lân cận.
Khoảng một trăm năm sau, những tài liệu được gọi là
những văn kiện về Thánh Thomas mới xuất hiện. Những tác phẩm này đã tường thuật
lại một cách khá giống nhau về những công việc của Thánh Thomas, nhưng được
thêu dệt thêm bởi rất nhiều những tình tiết giầu tính tưởng tượng, và có vẻ như
bị ảnh hưởng nhiều bởi ngộ đạo thuyết.
Giáo phụ Ô-ri-gen cho biết rằng, trước tiên Thánh
Thomas đã đến loan báo Tin Mừng tại Irak và Iran. Sau đó Ngài mới đến miền Nam Ấn-độ
để hoạt động Tông Đồ, và vì những hoạt động truyền giáo của mình, nên Ngài đã bị
giết tại Mailapur – một khu vực thuộc miền Nam Ấn-độ - vào năm 70 của thế kỷ thứ
nhất. Người ta vẫn còn giữ được nhiều văn bản nói về những hoạt động của Thánh
Thomas tại Ấn-độ, nhưng những văn bản đó xuất hiện sau thời Ô-ri-gen. Trong đó
có những bản văn của Thánh Hieronymô (347-420), và của những người sống cùng thời
với Ngài là Thánh Gaudentiô thành Brescia và Thánh Paulinô thành Nola
(354-431).
Thánh Grêgôriô thành Tours (538-594) đã không chỉ
cho chúng ta biết rằng, Thánh Thomas Tông Đồ đã hoạt động và chết tại Ấn-độ,
nhưng còn cho biết thêm là, Ngài đã được mai táng tại đó trong một thời gian
dài, và sau đó, các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới Edessa, nhưng nơi có
ngôi mộ nguyên thủy của Ngài vẫn còn được tiếp tục tôn kính tại Ấn-độ. Thánh
Isidor thành Sevilla (560-636) cũng nói tương tự như thế về Thánh Thomas, và
cũng nói về cách thức lãnh nhận ơn Tử Đạo của Ngài tại Ấn-độ.
Một truyền thống khác phát sinh tại Nam Ấn-độ, và có
nguồn gốc từ thời các Thánh Tông Đồ, và luôn tồn tại từ đó tới nay, đã cho biết
về những hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại đó, và cho biết rằng, Ngài
đã thành lập 7 giáo đoàn đầu tiên tại vùng duyên hải Malabar, cũng như cho biết
về cuộc Tử Đạo của Ngài tại Mailapur nằm đối diện với vùng duyên hải
Coromandel. Ngay cả truyền thống có tính địa phương của Ấn-độ về Thánh Thomas
cũng xác nhận về việc các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển một phần lớn về
Edessa, mà tại đây, trong các cuộc khai quật sau sau này, người ta đã phát hiện
ra một ít Thánh tích vẫn còn sót lại của Ngài.
Ibas Edessa đã cho xây dựng một ngôi Thánh Đường tại
quê hương của ông để tôn kính các Thánh Tích của Thánh Thomas. Còn hộp sọ được
cho là của Thánh Thomas thì hiện tại đang được bảo quản trong Nhà Thờ Chính Tòa
Sioni tại Tiflis, Giorgia, và được tôn kính tại đó bởi Giáo hội Tông Truyền
Chính thống Giorgia như là Thánh Tích. Trong cuộc Thập Tự Chinh vào năm 1258,
phần lớn Thánh Tích của Thánh Thomas đều được chuyển từ Edessa về Ortona, Ý, và
những Thánh Tích đó vẫn đang được bảo quản tại đó cho tới tận ngày nay, trong một
hòm đựng Thánh Tích đặt trong Nhà Nguyện nằm bên dưới Vương Cung Thánh Đường
Ortona. Ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Thoams tại Ấn-độ hiện đang là một điểm
hành hương có sức lôi cuốn rất mạnh. Ngoài Vương Cung Thánh Đường kính Thánh
Thomas được xây dựng ngay trên ngôi mộ trước đây của Ngài tại Mylapore, thuộc
thành phố Chennai, thì tại khu vực phía Nam Ấn-độ cũng còn vô số những điểm
hành hương khác, mà những điểm hành hương này đều có liên quan đến Thánh Thomas
cũng như liên quan tới những hoạt động truyền giáo của Ngài tại đó. Sau đây là
một số địa điểm nổi tiếng nhất:
1. Thánh Đường kính Thánh Thomas trên núi Chennai:
đây là nơi mà theo tương truyền, Ngài đã Tử Đạo tại đó;
2. Thánh Đường kính Thánh Thomas nằm trên một ngọn
núi nhỏ khác tại Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Thánh Thomas đã đến ẩn
náu tại đó trước khi chịu Tử Đạo;
3. Núi và Thánh đường Malayattoor tại Kerala: đây là
nơi được cho là Thánh Thomas đã đến sống ẩn dật tại đó trong một thời gian dài
để cầu nguyện và suy niệm;
4. Thánh Đường Codungallur: theo tương truyền, nơi
đây đã từng là một thành phố cảng nổi tiếng, và vào năm 52, Thánh Thomas đã cập
bến tại đây, và là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy do Thánh Thomas thành lập.
Một cánh tay của Thánh Nhân đang được tôn kính tại đây. Cánh tay này đã được
chuyển đến từ Ortona, nước Ý, như là một món quà của Đức Piô XII nhân dịp mừng
kỷ niệm 1900 năm Ngày thánh Thomas đặt chân tới Ấn-độ.
5. Thánh Đường Palayur: đây là một trong bảy cộng
đoàn nguyên thủy tại vùng duyên hải Malabar, và nguyên là một đền thờ của người
Ấn giáo. Sau khi hầu hết các Giáo sĩ Bà-la-môn gia nhập Giáo hội Công giáo,
Thánh Thomas đã biến ngôi đền này thành một ngôi Thánh Đường.
Theo một số truyền thống khác, mà những truyền thống
này có lẽ có nguồn gốc từ ngộ đạo thuyết và từ phái Manichê, Thánh Thomas được
coi là người anh em song sinh của Chúa Giêsu.
Thánh Thomas còn bị gán là tác giả của một cuốn Tin
Mừng và của nhiều tác phẩm khác. Nhưng tất cả các tác phẩm này đều bị liệt vào
số các sách Ngụy Thư.
8. Việc tôn kính Thánh Thomas
Tại Châu Âu, ngoài việc được tôn kính với tư cách là
Thánh Tông Đồ Tử Đạo, Thánh Thomas còn được tôn kính với tư cách là vị Bổn Mạng
của những người làm nghề thợ nề và thợ mộc. Bên cạnh đó, Ngài còn được tôn kính
là Bổn mạng của các Thần học gia.
Trước đây Giáo hội mừng kính Thánh Thomas vào ngày
21 tháng 12, nhưng từ năm 1969, với cuộc cải tổ Phụng Vụ, Giáo hội đã mừng kính
Ngài vào ngày mồng 03 tháng 07 với bậc Lễ Kính, tức Lễ Bậc II. Ngày mồng 03
tháng 07 được coi là ngày di chuyển các Thánh Tích của Thánh nhân từ nơi Ngài
được phúc Tử Đạo, tức từ Kalamina về Edessa hồi thế kỷ thứ III.
Giáo hội Chính Thống giáo mừng kính Thánh Thomas vào
ngày mồng 06 tháng 10.
Còn các Giáo hội Tin Lành thì vẫn tiếp tục mừng kính
Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.
Và Giáo hội Anh giáo cũng mừng kính Thánh Thomas vào
ngày 21 tháng 12.
9. Thấy bằng trái tim
Con Chồn trong truyện Hoàng Tử Bé của nhà văn St.
Exupéry nói rằng với đôi mắt trần, người ta chỉ nhìn thấy những điều bình thường;
còn trong những gì hệ trọng, người ta phải nhìn bằng đôi mắt của con tim.
Gio-an chỉ thấy ngôi mộ trống, băng vải liệm và khăn
che đầu xếp riêng gọn ghẽ, nhưng bằng đôi mắt của trái tim ông đã tin Thầy mình
phục sinh. Đức Giê-su phục sinh quảng đại đáp ứng đòi hỏi của Tô-ma; đồng thời
Ngài cũng nhắc nhở ông và chúng ta rằng từ nay không thấy Chúa bằng đôi mắt thường,
nhưng bằng đôi mắt đức tin và bằng tình yêu mến. Nói cách khác, với người Ki-tô
hữu, vì tin nên thấy Chúa, thấy Ngài do yêu Ngài. Vì tin nên ta thấy Chúa
Giê-su hiện diện trong Thánh Thể, nơi người anh em.
“Tin Chúa,
không phải là hướng mắt về Ngài để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn
trần gian với ánh mắt của Đức Ki-tô” (M. Quoist). Người đời nhìn đời sống trong
nền kinh tế thị trường theo nhãn quan hưởng thụ, chiếm hữu; người Ki-tô hữu
nhìn với ánh mắt Đức Ki-tô: chia sẻ, thông hiệp.
10. Ngôi nhà Bêtania
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1975, sau khi cử hành hôn
lễ ông Giuseppe Dolfini và bà Silvia Terranera từ Milano chuyển đến Rôma sinh sống.
Ông Giuseppe kể lại: “Đêm đó, khi chuẩn bị đi ngủ chúng tôi nghe tiếng cãi nhau
của một cặp vợ chồng trong một canh hộ gần bên. Chẳng có ai can thiệp và tất
nhiên cả chúng tôi cũng chẳng muốn liên can đến họ. Nhưng rồi đêm đó chúng tôi
không yên giấc. Ngày hôm sau chúng tôi quyết định đến gia đình đó để tìm hiểu.
Chúng tôi gõ cửa và một người đàn ông ra mở cửa. Sau
những lời thăm hỏi ông cho chúng tôi biết sau cuộc cãi vã tối qua vợ ông đã đi
xa, bỏ lại ông cùng với hai đứa con, một đứa 2 tuổi và đứa còn lại 5 tuổi. Ông
rất thất vọng vì ông không biết phải làm gì cho chúng. Ông cho biết buổi sáng
ông thức dạy sớm để chuẩn bị cho công việc. Ngay lập tức tôi trả lời ông một
cách tự nhiên rằng tôi có thể đến nhà ông vào buổi sáng để chuẩn bị mọi thứ cho
hai đứa con như cho chúng ăn sáng và đưa chúng tới trường và chiều đến đưa
chúng về nhà. Như thế công việc này của chúng tôi diễn ra khoảng 1 năm rưỡi
cùng với sự sẵn sàng trợ giúp của những gia đình khác.
Ngôi nhà Bêtania được khai sinh 20 năm sau đó khi
ông Giuseppe về hưu và bà Silvia sinh được 4 người con. Qua việc này ông xác
tín rằng Thiên Chúa kêu gọi con người cộng tác với Ngài trong kế hoạch cứu rỗi
nhân loại bằng nhiều cách thức khác nhau. Thiên Chúa cũng chỉ cho thấy con đường
để đáp trả tiếng Chúa, đôi khi không được rõ ràng.
Đối với ông rõ ràng không có gì xảy đến tình cờ. Gia
đình của hai ông bà được xây dựng dựa trên một một nền tảng đức tin của đời sống
hàng ngày và hoạt động bác ái, loan báo Tin Mừng. Bởi thế, không ngạc nhiên từ
tình yêu hôn nhân, sau nhiều sáng kiến trong lãnh vực mục vụ gia đình, trong việc
hổ trợ các hoàn cảnh khó khăn ở Milano và Rôma, một kinh nghiệm đã được mở ra
cho tha nhân.
Mở lòng, mở cửa trước hết cho trẻ em, giao phó chúng
cho các gia đình chăm sóc và tiếp theo là kinh nghiệm mời các gia đình tham
gia, kêu gọi sự trợ giúp của tình nguyện viên. Tại Nhà Bêtania nhiều người đã
tìm được một cộng đoàn, nơi đây họ sống trải nghiệm sự đón tiếp và tình liên đới.
Chính Giáo hội Italia đã mời hai ông bà chia sẻ kinh nghiệm về Ngôi nhà Betania
tại Hội nghị năm 1995 và chính ông Mattarella, Tổng thống Italia đã trao cho
hai ông bà một vinh dự cao quý của Cộng hòa. Nhưng đối với hai ông bà một vinh
dự cao quý hơn đó là trong Ngôi nhà này họ được phép có một không gian nhỏ dành
cho Chúa Giêsu Thánh Thể, một “đặc ân” không phải ai cũng được. Chính nơi đây
hai ông bà tìm được sức mạng và niềm tin vững bước
Ngày 30 / 4 năm 2019 ông Giuseppe Dolfini đã ra đi
khi vừa mới tổ chức sinh nhật lần thứ 90. Trước đó mặc dù phải chịu đựng những
cơn đau thể xác nhưng ông vẫn cố gắng mừng sinh nhật cùng với những người bạn
trong Nhà Bêtania.
"Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống
chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với
các con, người ấy không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42)
THÁNH NỮ MARIA MADALENA – HÃY BÁO TIN CHO ANH EM TA HAY
Lời Chúa: Ga 20, 1. 11-18
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm
khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.
(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ
khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy
xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu.")
Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc,
nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác
Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi:
"Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa
tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay
mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm
ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang
xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác
Người." Chúa Giêsu gọi: "Maria." Quay mặt lại, bà thưa Người:
"Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy." Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng
động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay
và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên
Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con."
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng:
"Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy."
TRUYỆN KỂ
1. Tên người thân thật quan trọng
Một sinh viên cao đẳng đến thực tập tại một trường nọ.
Chỉ trong hai tuần, anh ta nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng
em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại
trường đó. Lập tức, tất cả các học sinh thân yêu tụ tập xung quanh anh. Anh chỉ
và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tôi cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà
anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng. Tên người
thân thật quan trọng.
Dù
bà Maria không còn thấy gì và không nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Đức Giêsu gọi
tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại,”Ta biết các chiên Ta... Chiên Ta biết tiếng
Ta...." Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng
ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không?
2. Ngại nhắc máy
“Này các chị có nghe điện thoại reo không? Sao tôi gọi
mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy?” Từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt,
tiếng chị H, trực phòng khách lanh lảnh vang lên. Thật ra không phải chúng ta
không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải”thông
tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.
Nhưng hôm nay, lời chị đánh động tôi rất nhiều. Vì đối
với Chúa tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi đã dửng dưng trước những”cú
phone” Chúa gọi cho tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại phải thi hành những”Sứ điệp”
của Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên
kia, nhưng tôi bận nghe hay nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm
sao tôi có thể nghe được”điện” của Chúa?
3. Hiện diện bằng nước mắt
Cô bé đi học về muộn... Ở nhà bố mẹ rất lo... Thấy
cô về, bố mẹ hỏi xem cô đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con... Xe đạp của bạn con bị
hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ! Nhưng con dừng lại để cùng khóc với bạn ấy.
4. Lòng mến của M. Madalena
Thánh Giáo Hoàng Ghêgôriô Cả đã khen ngợi lòng yêu mến
thiết tha của thánh nữ như thế này:
“Maria Mađalêna, sau khi ra mồ và không thấy xác Thầy
mình ở đây nữa, liền tưởng là người ta đã mang Thầy mình đi rồi và chạy đi đưa
tin cho các môn đệ. Các môn đệ tới, thấy như vậy và tin lời người phụ nữ đã
nói. Sách Thánh đã viết về họ rằng: Vậy các môn đệ trở về nhà. Nhưng tiếp theo:
Còn Maria thì đứng lại ở ngoài cứa mồ mà khóc lóc.,,
Trong câu chuyện này, ta phải thấy tình yêu đã làm
cháy lòng người phụ nữ kia đến thế nào. Chúng ta thấy dù các môn đệ đã ra về,
nhưng chị vẫn không rời bỏ mồ Chúa. Chị còn muốn tìm Đấng mà người ta không thấy.
Chị khóc lóc mà tìm.
Và bởi cháy lửa tình yêu mến đối với Chúa, chị càng
nồng nàn ao ước tìm được Đấng mà chị tưởng là người ta đã mang đi: chính vì vậy
mà chỉ có một mình chị đã thấy Người vì chị đã ở lại mà tìm. Ở đây chúng ta nhớ
lời của Chúa đã nói xưa được ứng: Ai kiên trung đến cùng sẽ được cứu rỗi."
5. Tình yêu bao dung vô biên
Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm sống, một phụ nữ
đã kể lại như sau:
Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ, một lần kia
cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là”ảo ảnh cuộc đời." Phim đó kể
lại chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh khi làm khổ người mẹ
đang hết lòng yêu thương và hy sinh cho cô. Qua nhiều biến có thăng trầm, cuối
cùng, người mẹ đau khổ đó chết, cô gái trở về thống hối tiếc thương.
Về nhà, hôm ấy gia đình bàn tán về ý nghĩa của câu
chuyện trong phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình to tiếng:
- Bấy giờ trở về ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ
đã chết rồi.
Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh
mắt ngăn mẹ tôi lại và nói:
- Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương
con ạ.
Ngày đó, thú thật tôi không hiểu gì nhiều về câu trả
lời của cha tôi. Nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm ý nghĩa của lời đó. Chính
câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho con cái tôi.
6. Dệt đời mình
Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số
anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người
ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa. Ngày nọ,
không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế. Người tu sĩ trẻ thốt
lên với tất cả sự giận dữ của mình:
Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi
về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy
rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là
nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:
Con ơi làm sao con thấy được công trình nghệ thuật
mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện bởi những gì con đang thấy là mặt trái của
tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại.
Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là
bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ
ngày ngày đút qua xỏ lại, chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi.
Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.
THÁNH
GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ – CHÉN ĐẮNG THEO CHÚA
Lời
Chúa: Mt 20, 20-28
Khi
ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình
xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì?"
Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa
bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài."
Chúa
Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể
uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa
được." Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi
bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho
ai thì người ấy mới được." Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai
anh em.
Chúa
Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống
trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được
thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu
các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người."
TRUYỆN KỂ
1. Tông đồ đầu tiên chết để làm chứng cho Tin Mừng
Thánh
Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới. Ngài là
một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi đi theo Người (x. Mt 4,18-22 ).
Ngài
là một trong những môn đệ thân tín của Chúa, được chứng kiến những biến cố quan
trọng trong đời của Chúa Giêsu. Ngài chứng kiến cảnh con ông Zairô được Chúa
cho sống lại, việc Chúa biến hình trên núi Taborê, và cơn hấp hối của Chúa
Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài là người tử đạo đầu tiên trong số các tông đồ đã
đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I
vào khoảng năm 43 - 44.
Theo
sách Công vụ kể lại thì có thể Thánh Giacôbê chịu tử đạo dưới thời vua Hêrôđê
Agrippa I, vào cuối thế kỷ thứ II, khỏang năm 44: ”Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra
tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê
là anh ông Gioan” (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại các Kitô hữu rất dữ dội,
trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng xuống sau sắc chỉ Milan của hòang đế
Constantianop vào năm 313. Giáo hội phương tây mừng kính Ngài từ thế kỷ thứ
VIII. Các Giáo hội theo nghi lễ Copte và Byzantin thì mừng lễ Ngài sớm hơn vào
một ngày gần lễ Phục sinh.
Thánh
Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho
chúng ta tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của ngài.
2. Sẵn lòng giúp người
Một
hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn
Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng
rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên
xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam
qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng
sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo
hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những
cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ
rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo
dòng sang trọng.
Sau
này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục
vụ.
3. Hạnh phúc khi biết cho đi
Tại
văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự:
“Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi ”sụ” nhưng
trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên." Nhà Cố
vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể:
chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy
mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười.
Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh.
Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa.
Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu
việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào
đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho
bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người
tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều
này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho
mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc."
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có
thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô
quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
4. Đau thương nhưng bình an
Trong
thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà
thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh
mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước
mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt
dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng
tha thứ và chúc lành cho các anh."
Lịch
sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những
cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế
hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân
của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận
những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa
Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.
5. Sự cao trọng đích thật
“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là hoan lạc.
Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám
phá thấy phục vụ chính là hoan lạc” (R. Tagore).
Như
bao người, Giacôbê và Gioan cũng mơ giấc mộng cuộc đời của các công hầu khanh
tướng đầy hoan lạc. Đức Giêsu đã đánh thức các ông khỏi cơn mơ ngủ này để đưa
các ông đi vào tinh thần của người công dân Nước Trời. Với trần thế, người làm
lớn là người chỉ tay năm ngón, được người khác cung phụng hầu hạ. Ngược lại,
người làm lớn trong Nước Thiên Chúa lại là người đầy tớ phục vụ người khác, giơ
tay phục vụ thay vì chỉ tay sai khiến, quan tâm chăm sóc tha nhân thay vì được
cung phụng hầu hạ.
Ra
khỏi cơn mơ ngủ này không phải là chuyện dễ dàng chút nào! Bạn vẫn thích làm lớn
theo kiểu trần thế mà quên rằng trong Nước Thiên Chúa, sự cao trọng hệ tại ở điều
này: Bạn đã âm thầm phục vụ, yêu thương nâng đỡ người khác chưa?
6. Không để hỏng cuộc gọi
Anthony
Fortosis nói, “Chúa các chúa trở nên tôi tớ hèn hạ để phục vụ một nhân loại khốn
cùng! “Con Người Của Các Nỗi Buồn” làm quen với vực thẳm của đau buồn để trở
thành niềm vui cho thế giới. Chúng ta đến với thế giới để sống; Ngài đến với thế
giới để chết!”
“Đến
để phục vụ và hiến dâng mạng sống!” Đúng như Fortosis nói, “Ngài đến với thế giới
để chết!”, và Ngài đã chết thật! Không chỉ chết chiều thứ Sáu, Ngài đã chết từng
ngày qua phục vụ, qua nhẫn nhục… và Ngài đã phục sinh cho thế giới được sống!
Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan!”
May thay, những con người như Giacôbê, như các tông đồ, vốn chỉ “đến với thế giới
để sống” đã được Chúa Phục Sinh kịp biến đổi, và họ đã nên giống Thầy mình. Họ
đã “phục vụ những con người đáng thương”, “trở thành niềm vui cho thế giới."
Không chỉ đến với thế giới để chết; Giacôbê và các tông đồ cùng những ai tiếp nối
các ngài còn đến với thế giới để sống và cứu rỗi nó. Cũng thế, chúng ta sẽ
‘không để hỏng cuộc gọi’, bạn và tôi hãy cho phép mình được biến đổi.
“Lạy
Chúa, để có thể trở thành niềm vui cho thế giới, giúp con trước hết, dám chết
cho nó! Để được vậy, xin ‘vẽ lại’ bức tranh nội tâm của con như Ngài đã vẽ nơi
các tông đồ!” Amen. (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
THÁNH
GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA - ÐỀN THỜ TÂM HỒN
Lời
Chúa: Mt 13, 16-17
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Phúc cho mắt các con vì được thấy;
và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên
tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không
được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe."
TRUYỆN KỂ
1. Cha Mẹ Đức Maria: Thánh Gioakim Và Anna
Trong
Tin Mừng không thấy tên các Ngài. Truyền thống cho chúng ta biết cha mẹ Đức
Ma-ri-a gọi tên là Gioakim và Anna.
Thánh
Gioakim không được sùng kính, nhưng thánh Anna thì khác.
Sùng
kính quảng đại quần chúng.
Lòng
sùng kính thánh Anna rất phổ thông trên đất Mỹ Châu ngay thời kỳ di dân. Lòng
sùng kính Thánh Anna có từ lâu đời ở Bretagne. Với số nhà thờ kể không xiết.
Với
niềm tin mạnh mẽ, đơn sơ, đẹp đẽ của chúng ta. Chúng ta tin rằng Thánh Anna là
mẹ Đức Ma-ri-a. Niềm tin đó càng dễ dàng, mạnh mẽ đón nhận vì Đức Ma-ri-a được
sinh ra bởi một người cha và một bà mẹ như bao nhiêu xác phàm khác.
Đôi
cha mẹ.
Dù
cha mẹ Ngài có tên này hay tên khác, không cần bàn đến. Chúng ta tôn kính các
Ngài chỉ vì các Ngài đã ban cho chúng ta Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đó là lần độc nhất
trong lịch sử các thánh mà chúng ta tôn kính các Ngài. Dù các Ngài không có tên
trong danh sách chính thức các thánh. Công phúc độc nhất của các Ngài mà không
thánh nào có được là các Ngài làm cha làm mẹ Đức Ma-ri-a.
Thật
là mầu nhiệm đức tin! Thánh Anna và Gioakim không hồ nghi gì về con các Ngài lớn
lên là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ Thiên Chúa! các Ngài không thể
đoán biết danh tiếng các Ngài sẽ vượt mọi biên giới thời gian, nhưng danh đó
như hoa nở, vì các Ngài đã gieo hạt hoa hồng mầu nhiệm, gieo hạt hoa huệ tinh
tuyền.
“Lạy
Chúa, chúc tụng Ngài đã vinh thăng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a."
2. Lời tỏ tình của Thiên Chúa
Một
nhà bác học nọ muốn làm một cuộc nghiên cứu tại một vùng sa mạc. Ông nhờ một
người Ả rập làm hướng đạo. Lên đường từ rạng đông, người bác học thấy người Ả rập
làm một cử chỉ khó hiểu là trải tấm thảm lên cát và hướng về mặt trời phủ phục
cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:
-
Ông bạn làm gì vậy?
Người
Ả rập trả lời:
-
Tôi cầu nguyện với Chúa.
Nhà
bác học lại hỏi:
-
Nhưng ông bạn có thấy, có nghe, có sờ được Chúa không?
Thấy
người Ả rập thinh lặng vì bị tấn công quá bất ngờ, nhà bác học nói thêm:
-
Ông bạn quả là một tên khùng, ông bạn tin ở một người mà ông bạn không bao giờ
thấy được, sờ được.
Ngày
hôm sau, khi mặt trời vừa lên, nhà bác học bước ra khỏi lều nhìn chung quanh và
đưa ra nhận xét:
- Hẳn
tối qua phải có một con lạc đà đi ngang qua đây.
Một
chút ánh sáng lóe lên trong ánh mắt người Ả rập, anh hỏi nhà bác học:
-
Ông có thấy tận mắt con lạc đà không?
Dĩ
nhiên nhà bác học chỉ có thể trả lời là không. Sau câu trả lời không ấy, người Ả
rập kết luận:
-
Ông quả là một người ngu: ông không thấy, không nghe, không sờ được con lạc đà
mà lại bảo rằng đêm qua nó đi qua đây.
Nhà
bác học liền lý luận như một nhà khoa học chân chính:
-
Tôi không thấy, không nghe, không sờ được nó, nhưng tôi thấy dấu chân nó trên
cát, đó là dấu chỉ biểu hiện con lạc đà.
Người
Ả rập đưa tay về hướng mặt trời và nói:
-
Ông hãy nhìn những dấu vết của Đấng Tạo Hoá. Hãy biết rằng Ngài hiện hữu và yêu
thương chúng ta.
3. Niềm tin lớn lao
Hôm
đó là ngày cuối năm, từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống dân gian, mắt Ngài dừng
lại tại một nhà thờ đang tập trung để hát bài "Kinh Tạ Ơn." Nhà thờ
không còn tháp chuông. Vị linh mục phải dùng hết sức mình khua vào tường, gõ
lên mái nhà để giục giã dân chúng đến nhà thờ. Tuy là ngày mưa lạnh, thế mà nhà
thờ vẫn chật ních.
Thiên
Chúa nhận ra bà Têrêsa mà ngôi nhà của bà vừa bị thiêu rụi và giờ đây đang phải
trú đỡ trong một túp lều lạnh lẽo. Đáng chú ý hơn là nàng Madalena mà người chồng
mới bị giết trước mắt mình. Bên cạnh bà là Rosa có ba người con trai đang bị cầm
tù. Kia là ông Thêôđôre mà người vợ và hai con bị chôn sống. Đây là cô Magarita
trong lúc trốn chạy đã lạc mất đứa con thơ. Kia là ông Pierre, một thương binh
từ mặt trận mới trở về.
Tất
cả đều liên kết với nhau trong cùng một tâm tình tạ ơn vì mọi hồng ân Chúa ban
xuống trong năm qua.
Từ
trời cao, Thiên Chúa rất đỗi thán phục, Ngài nói với các Thiên thần:
"Thật
Ta bảo thật các ngươi là những tạo vật thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống
đám dân đáng thương kia. Mười hai tháng qua, họ đã phó thác cho Ta, thế mà Ta
chỉ giáng xuống cho họ tai họa và kinh hoàng. Họ đã kêu xin hòa bình, vậy mà Ta
đã gửi xuống chiến tranh. Họ đã xin lương thực hằng ngày, vậy mà Ta đã gửi đói
khổ. Họ đã tin tưởng ký thác tổ quốc và gia đình trong tay Ta, nhưng Ta lại để
cho gia đình và tổ quốc họ ra điêu linh."
Dĩ
nhiên, Ta có lý do của Ta, mà những kẻ bên ngoài không thể hiểu thấu được. Loài
người không thể hiểu được. Loài người không thể hiểu được những gì Ta làm. Họ
phải gánh chịu mọi hậu quả, vậy mà họ vẫn ca ngợi tạ ơn như thể Ta bao bọc họ
theo lời họ cầu xin. Quả thực niềm tin của họ thực lớn lao. Hỡi các thiên thần
và các thánh, hãy hát lớn lên, hát để ca tụng những con người trong cơn hoạn nạn
mà vẫn tiếp tục ngợi khen"
Nói
xong Thiên Chúa liền cất lên: "Hỡi loài người, chúng tôi ca ngợi các
ngươi."
Và
các thiên thần cùng hòa tiếng ca tụng loài người. (Văn sĩ Marie Noel)
4. Lịch sử lễ kính hai thánh Gioakim và Anna
Phụng
vụ theo lịch Tridentine không có lễ Thánh Gioakim. Lễ này được thêm vào Công Lịch
Rôma từ năm 1584, mừng vào ngày 20-3, ngay sau lễ Đức Thánh Giuse Phu quân Đức
Mẹ. Năm 1738, lễ này được chuyển sang Chúa nhật sau tuần bát nhật lễ Đức Mẹ
Mông Triệu. Với nỗ lực để Phụng vụ các Chúa nhật được ử hành, ĐGH Piô X đã chuyển
lễ này sang ngày 16 tháng Tám, sau lễ Đức Mẹ Mông Triệu, để Thánh Gioakim được
kính nhớ trong khi cử hành cuộc khải hoàn của Đức Mẹ. Trong lịch các thánh của
Giáo hội Công giáo Rôma (năm 1969), lễ Thánh Gioakim được mừng chung với Thánh
Anna vào ngày 26 tháng Bảy.
Giáo
hội Chính thống Đông phương và Công giáo Hy Lạp kính nhớ Thánh Gioakim và Thánh
Anna vào ngày 9 tháng Chín. Thánh Gioakim và Thánh Anna là thánh bổn mạng của
các cha mẹ, các ông bà nội ngoại, những người kết hôn, những người đóng tủ và
những người buôn vải. Có một số biểu tượng gắn liền với Thánh Gioakim: Cuốn
sách hoặc cuộn giấy tượng trưng người dệt vải, chiếc gậy chăn chiên tượng trưng
chữ nghĩa của Kitô giáo, và cái rổ đựng đôi chim bồ câu tượng trưng sự hòa
bình. Thánh Gioakim thường có trang phục màu xanh lá cây, màu của niềm hy vọng.
Trong
Kinh thánh, hai Thánh sử Matthêu và Luca cung cấp gia phả của Chúa Giêsu, cho
thấy rằng Chúa Giêsu là đỉnh cao của Giao ước (những lời hứa). Chúng ta không
biết gì nhiều, ngay cả Ông Bà Ngoại Gioakim và Anna cũng chỉ được nhắc tới sau
khi Chúa Giêsu chịu chết được hơn 100 năm.
Cha
mẹ của Đức Trinh nữ Maria, tức ông bà ngoại của Chúa Giêsu, đã không được nêu
lên trong Tân Ước, cũng không có trong bản gia phả của Phúc Âm thánh Mátthêu,
cũng như của Thánh Luca.
Danh
tánh Gioakim và Anna được gặp thấy lần đầu tiên trong một tác phẩm ngụy thư được
viết để tôn kính Đức Trinh nữ Maria vào khoảng năm 200. Danh tánh bà Anna
(Hanna) gợi cho chúng ta nhớ đến người mẹ của tiên tri Samuen (x. 1Sm 1); bà được
chồng yêu mến và được Thiên Chúa chúc phúc.
Thánh
Anna được Giáo Hội Đông Phương tôn kính từ thế kỷ thứ V; và hiện tại, người Hy
Lạp hằng năm vẫn kính nhớ trong 3 ngày lễ. Lễ kính thánh Anna được phổ biến ở
Giáo Hội Tây Phương vào thế kỷ thứ X. Thánh Gioakim thì mãi đến thế kỷ XVI mới
thấy xuất hiện.
Dù
vậy, có một sự lên xuống trong thánh lễ mừng kính hai vị thánh này:
- Đức
Thánh Cha Piô V (+ 1572) loại bỏ thánh lễ kính thánh Anna;
- Đức
Thánh Cha Giêgôriô XIII (+1585) cho tái lập lại;
- Đức
Thánh Cha Giêgôriô XV (+ 1623) lại loại bỏ;
- Đức
Thánh Cha Lêô XIII (+ 1903) cho tái lập và nâng lên bậc II;
Từ
đó phụng vụ có:
-
Ngày 26 tháng 7 mừng lễ thánh Anna.
-
Ngày 16 tháng 8 mừng lễ thánh Gioakim.
Đức
Thánh Cha Phaolô VI (+ 1978) canh tân phụng vụ, từ đó hai vị thánh được mừng
chung vào ngày hôm nay: Ngày 26/07 hàng năm.
LỄ KÍNH THÁNH NỮ MÁTTA, MARIA VÀ LADARÔ - CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT
ÐỘNG
Lời Chúa: Lc 10, 38-42
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ
tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên
chân Chúa mà nghe lời Người.
Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại
thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan
tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với." Nhưng Chúa đáp: “Mát-ta,
Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria
đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất."
Hoặc:
Lời Chúa: Ga 11, 19-27
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mát-ta và Maria
để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mát-ta đi đón
Người, còn Maria vẫn ngồi nhà.
Mát-ta thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở
đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì
cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy." Chúa Giêsu nói: “Em con
sẽ sống lại." Mát-ta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại,
thì em con sẽ sống lại."
Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai
tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết
bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy
là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian."
TRUYỆN KỂ
1. Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của
Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm
trọng lúc còn là sinh viện đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh
bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một
bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh
viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học
Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi
đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng
làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với
dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải
một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương.
Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức
tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi.
Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa
là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh
viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện
mà thôi!
2. Chúa làm thế vì Người có lý do của Người.
Một em bé gái mồ côi sống với bà ngoại trên một căn
gác nghèo nàn. Một đêm nọ, căn gác bị hỏa hoạn, bà ngoại đã thiệt mạng khi cố gắng
cứu đứa cháu. Chẳng mấy chốc, lửa lan xuống tầng dưới của căn nhà những người
láng giềng. Em bé gái xuất hiện trên cửa sổ của căn gác và kêu cứu, nhưng đội cứu
hỏa vẫn chưa tới. Đột nhiên có một người đàn ông xuất hiện với một chiếc thang,
ông leo vào căn gác và một lúc sau ông trở ra với em bé gái trên cánh tay, ông
trao đứa bé cho đám đông rồi biến mất.
Qua một cuộc điều tra, người ta biết rằng đứa bé
không biết có bất cứ một thân nhân nào. Một tuần lễ sau đó, ông trưởng khu phố
cho tổ chức một cuộc họp để xem có ai nhận em bé về nuôi nấng dưỡng dục không?
Một cô giáo đã giơ tay xin nhận em bé về nhà và hứa sẽ dạy dỗ em nên người. Một
người chủ nông trại giàu có cũng ngỏ ý nhận em làm con nuôi. Nhiều người khác
cũng giơ tay biểu lộ cùng một ý tưởng. Cuối cùng, người giàu có nhất của khu phố
phát biểu: “Tôi có thể mang lại cho em bé này tất cả những tiện nghi mà quí vị
vừa nêu lên, cộng với tiền bạc và tất cả những gì tiền bạc có thể mua được."
Em bé gái lắng nghe tất cả những lời hứa hẹn trên
đây, nhưng không để lộ một phản ứng nào, mắt em chỉ muốn cúi nhìn xuống đất. Cuối
cùng, người chủ trì lên tiếng hỏi:
- Còn có ai muốn nói điều gì nữa không?
Lúc bấy giờ, từ cuối hội trường có một ông từ từ tiến
lên, đến gần em bé, ông giang cánh tay ra, mọi người đều thấy những vết cháy
xám trên hai cánh tay của ông. Em bé gái bỗng thét lên:
- Đây là người
đã cứu tôi.
Và em nhảy lên bá lấy cổ người đàn ông, áp mặt vào
vai ông và thổn thức, rồi ngước mắt nhìn lên mỉm cười với ông. Chứng kiến cảnh
tượng đó người chủ trì phiên họp tuyên bố giải tán.
3. Ba chị em Mát-ta, Maria và Ladarô được mừng kính
chung vào ngày 29/7
Đức Phanxicô đã quyết định từ nay trong lịch phụng vụ
của Giáo hội Công giáo Rôma, toàn thể Giáo hội sẽ mừng lễ thánh nữ Mátta, thánh
nữ Maria và thánh Ladarô vào ngày 29/7 hằng năm. Qua đó, Đức Thánh Cha muốn nhấn
mạnh ”chứng tá Tin Mừng quan trọng mà các ngài đã mang lại khi tiếp đón Chúa
Giêsu vào nhà mình, lắng nghe Ngài cách chăm chú và tin rằng Ngài là sự sống lại
và là sự sống."
Cho đến nay, chỉ thánh nữ Mátta được mừng vào ngày
này trong lịch phụng vụ của Giáo hội, do thiếu sự chắc chắn về căn tính của
thánh nữ Maria (đôi khi được đồng hoá với thánh nữ Maria Mađalêna, được mừng
vào ngày 22/7). Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy đây là hai người khác
nhau, và sách các thánh tử vì đạo của Rôma hiện nay cũng như một số lịch riêng
đều kính nhớ ba chị em cùng ngày với nhau.
Trong sắc lệnh được công bố hôm 2/2/2021, Tổng trưởng
Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã giải thích rằng : ”trong ngôi nhà ở Bêtania,
Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được tinh thần gia đình và tình bạn”, ”Mátta đã quảng
đại bày tỏ lòng hiếu khách đối với Ngài, Maria đã chăm chú lắng nghe lời Ngài
và Ladarô đã nhanh chóng ra khỏi mồ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết."
Lễ nhớ các ngài giờ đây sẽ nằm trong tất cả các lịch
và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ các Giờ Kinh.
4. Truyền thuyết về ba chị em thánh
Tin Mừng không nói rõ các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ
ra sao. Chắc chắn Mát-ta có mặt trong số phụ nữ theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ
nạn và xức xác Người trước khi mai táng.
Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã
bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không
lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Lazarô đã trở thành
Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Mát-ta Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở
Aix Avignon và Tarascon.
Một huyền thoại còn kể thêm việc thánh nữ tiêu diệt
quái vật Tarasque. Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm phun lửa, đuôi cắn
xé. Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói chặt nó lại. Quái vật
bị hạ sát và nó bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.
5. Chết thử
Ở bên Thái lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 100 km về
phía Đông, tại ngôi đền Wat Prommanee, có một dịch vụ rất kỳ lạ: Bất cứ ai, chỉ
với một số tiền nhỏ, cũng có thể thử “Một lần được chết” (chết giả vờ), để rồi
sẽ được trải nghiệm với một cảm giác thú vị, như được sống lại sau lần chết thử
đó.
Mỗi ngày, có đến hàng trăm người tham gia nằm vào
chiếc quan tài, giả vờ chết và mỗi người chỉ có 90 giây nằm trong đó thôi.
Nhưng trước khi nằm xuống, mỗi người khách sẽ cầm trên tay một cành hoa và miệng
thì thầm một lời khẩn cầu nào đó, rồi “chết!” Họ tin rằng với cách này, những
điều xấu, những điều chưa tốt sẽ được tẩy xóa và cuộc sống của họ nhờ đó sẽ được
tốt hơn.
Câu chuyện ý nghĩa này được kể trong Mùa chay thánh,
với một mục đích duy nhất là nhắc nhớ cho ta rằng: Mỗi một ngày trôi qua, ta
nên biết tập “chết đi”, biết tự “xóa đi” những tật xấu của bản thân, để mỗi
ngày, ta được hoàn thiện hơn, như Cha của ta ở trên Trời, là Đấng Thánh thiện.
6. Hoạt động và cầu nguyện
Silouanne là một đan sĩ già đáng kính, sống đơn sơ
thánh thiện. Suốt nhiều năm thầy coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một
số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một
hôm các tu sĩ hỏi Ngài: “Thưa thầy, làm sao thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc
chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ, trong khi chúng con không rời mắt
khỏi họ, mà họ vẫn lừa được chúng con?” Thầy trả lời: “Tôi cũng không rõ, chỉ
biết rằng mỗi sáng tôi đến xưởng và luôn cầu nguyện cho họ, tôi đến với họ bằng
quả tim yêu thương. Khi bước vào xưởng, tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết
định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt cả ngày.”
Dù tất bật với việc rao giảng và chữa lành bệnh tật,
Đức Giê-su luôn dành cho mình một thời gian cầu nguyện riêng với Đức Chúa Cha mọi
lúc và mọi nơi. Chúng ta cũng được mời gọi sống cầu nguyện mỗi ngày, nhờ đó
chúng ta có thể biết được điều Chúa muốn trên cuộc đời của mình và có được sức
mạnh cho các hoạt động đông đồ. “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới
đến hoạt động” (ĐHV.119)
7. Chỉ cần cầu nguyện thôi?
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến
và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa
một đan viện nọ… Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các
tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công
việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác
dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý
nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: “Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây
chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy
các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều."
Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh:
“Có lẽ con có lý… Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ
vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện."
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng
cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng
anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy
ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: “Thưa
bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa”?
Cha bề trên mỉm cười đáp: “Các thầy đã ăn cả rồi."
“Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?”, người thanh
niên hỏi.
Cha bề trên mới trả lời: “Sáng nay con đã chẳng đến
nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha
nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ.
Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống
mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi
con dùng bữa."
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là
sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những
giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như
làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý
Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
8. Sống cho Chúa
Năm 1973, khi Mẹ Têrêxa Calcutta được trao tặng trao
tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả
đã hỏi mẹ: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?”
Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích.
Thế nhưng, Mẹ Têrêsa chỉ đáp lại bằng một tiếng vắn
gọn: “Chúa Giê-su." Vâng, “tất cả vì Chúa và cho Chúa”; con người lăn xả
hoạt động như Mác-ta nhưng với một động lực thâm sâu của cầu nguyện như
Ma-ri-a, đó là mẹ Têrêxa Calcutta. Mác-ta và Ma-ri-a, mỗi người đón tiếp Chúa theo
cách của mình. Mác-ta tất bật phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Ma-ri-a ngồi bên chân
Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia,
nhưng Ngài muốn chúng ta nhớ rằng việc ưu tiên số một là lắng nghe Lời Ngài
trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn
lăn xả vào hoạt động tông đồ.
9. Cầu nguyện vì thân phận nhỏ bé
Một Việt kiều kể lại nỗi gian nan trong hành
trình vượt biên của anh: Thuyền vừa vào hải phận quốc tế được vài
giờ thì máy tàu bị hỏng, tài công và thợ máy cố gắng sửa chữa
nhưng vô hiệu. Chiếc máy phụ chạy được vài giờ cũng ngừng hoạt
động. Gần 80 sinh mạng trên thuyền đành phó mặc cho sóng gió đưa đẩy.
Ngày thứ 10 hết nước uống. Ngày thứ 13, một người lớn và bốn trẻ
em đã chết vì thiếu nước uống.
May mà chiều hôm ấy có tàu nước ngoài đi
ngang qua, họ cho được mấy thùng nước và ít thức ăn. Phải đến ngày
thứ 17 mới có tàu cứu chúng tôi và đưa đến Singapor. Từ lúc bước xuống
thuyền, nhất là khi hết đồ ăn và nước uống, mọi người đều tha thiết
cầu nguyện, ai thuộc tôn giáo nào thì cầu nguyện theo cách thức của
người ấy. Hơn hai phần ba người trên thuyền là Công Giáo, mỗi ngày,
họ lần hạt cả chục lần. Kể đến đây, anh kết luận: Khi gặp nguy khó,
người ta dễ hướng lòng về Đấng thiêng liêng mà lúc bình thường họ
không nhớ đến.
Câu chuyện trên phản ảnh một phần, nhưng rất
thật: mỗi người đều cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực nhất là khi
phải đối diện với nghịch cảnh. Những lúc gặp khó nguy, tâm lý chung,
ai cũng tìm đến với thần linh hoặc các bậc tiền nhân đã qua đời để
xin ơn cứu giúp.
10. Cầu nguyện là hơi thở
Trải nghiệm của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
có thể giúp chúng ta hiểu thêm cách thức cầu nguyện trong mọi hoàn
cảnh với sự kiên trì. Trong cuốn “Năm chiếc bánh và hai con cá” ngài
kể, có người hỏi:
- Lúc còn trong trại giam, khi cầu nguyện, cha
thích đọc kinh gì?
- Dĩ nhiên là tôi thích những kinh Chúa Giêsu
và Hội Thánh dạy như: Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, kinh Tin Kính…
- Chỉ có vậy thôi sao?
- Còn chứ! Tùy hoàn cảnh mà tôi có thể thưa:
“Xin thương xót con, vì con là kẻ có tội”, “Linh hồn tôi ngợi khen
Chúa”, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm”, “Xin Cha cho chúng hiệp
nhất nên một”, “Con phó linh hồn trong tay Cha”…Và khi không còn sức để
đọc một kinh, tôi lập đi lập lại: “Giêsu, có con đây.”
Đèn điện không thể sáng, nếu không nối với
nguồn điện. Dòng sông sẽ cạn khô, nếu dòng suối bế tắc. Một người
không còn khả năng hít thở khí trời, chắc chắn sẽ chết. Chúng ta sẽ
không thể hoàn tất ơn gọi người Kitô hữu cách hoàn hảo, nếu không
nối nguồn với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện.
11. Bàn chuyện với Chúa
Nhắc đến cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha
sở họ Ars, người ta không thể quên câu chuyện sau đâu về một nông dân xứ Ars. Mỗi
ngày trước khi ra đồng anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng.
Khi trở về anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai ai cũng
nể và kính phục. Một hôm có người hỏi:
- Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế?
Anh nông dân trả lời:
- Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với
tôi.
12. Marta thời nay
Ở một giáo xứ kia vẫn có thông lệ là 8 giờ
sáng thứ năm, cha xứ giải tội và tập nghi thức cho các đôi bạn trẻ
sẽ cử hành hôn lễ vào sáng thứ bảy. Lần kia, có đôi bạn sắp cử
hành bí tích Hôn Phối, họ đã xin cha xứ cho họ xưng tội và tập nghi
thức vào chiều thứ sáu, lý do, công ty chỉ cho phép họ nghỉ từ trưa
thứ sáu. Cha xứ đồng ý và dăn họ 16 giờ đến nhà thờ. Cha xứ chờ
mãi đến 17 giờ 20 họ mới đến, vì sát giờ lễ nên ngài nói họ ở
lại dự lễ, sau lễ, khoảng 18 giờ, ngài sẽ giải tội và tâp nghi thức
cho. Lễ xong, gần 30 phút sau, đôi bạn trẻ mới đến. Cha xứ trách nhẹ
nhàng:
- Các con đi đâu, giờ mới đến?
Cặp hôn nhân cười cười trả lời:
- Thưa cha, chúng con đi thử mấy cái áo cưới
và tìm thợ chụp hình.
Thế đấy, đi thử áo cưới và tìm thợ chụp
hình quan trọng hơn việc chuẩn bị xưng tội và lãnh bí tích Hôn Phối!
Trong giáo xứ, trong mỗi gia đình và mỗi người cũng thế, khi mừng
bổn mạng của giáo xứ, giáo họ hay các hội đoàn, người đi tham dự
tiệc mừng nhiều hơn người đi dự tĩnh tâm và tham dự thánh lễ. Xin lễ
“đưa chân” cho người thân mới qua đời, nhưng nhiều khi con cháu của họ
không tham dự thánh lễ, có lễ vì bận sắp xếp nhiều việc ở nhà! Ai
đó dự bữa tiệc vài giờ đồng hồ vẫn thấy là bình thường, nhưng dự
thánh lễ một giờ thì cảm thấy mệt mỏi vì quá dài, hoặc lại không
dành được dăm ba phút để nhớ đến Chúa mỗi ngày.