Lời Chúa tuần 3 phục sinh _ câu truyện minh họa

CNPS 3A - Hai môn đệ Em-mau

CNPS 3B - Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh

CNPS 3C

THỨ HAI - Tin vào Đấng Thiên Sai

THỨ BA - Bánh trường sinh

THỨ TƯ - Ý nghĩa của cuộc sống

THỨ NĂM - cử hành Thánh Thể

THỨ SÁU - Con đường hiến thân

THỨ BẢY - Biết chọn lựa

Lễ kính thánh Marcô - Sư Tử Có Ðôi Cánh

 

 

 CNPS 3A - Hai môn đệ Em-mau

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra.

Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay." Chúa hỏi: "Việc gì thế?"

Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp."

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.

Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn." Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?"

Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon."

Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

TRUYỆN KỂ

1. Người bạn trong bước đường cùng

Noreen Towers là một người làm việc phục vụ cho những người nghèo. Nhưng cô chán nản vì thấy hầu như những việc làm của mình không thành công. Một tối kia cô giật mình thức giấc và cảm thấy hình như Chúa Giêsu đang nói chuyện với cô, Ngài hỏi: “Con không thể tin vào chương trình của Thầy đã vạch sẵn cho con ư?"

Một thoáng cảm nghiệm chóng qua ấy đã thay đổi hẳn con người cô: từ một người chán chường, cô đã trở thành một người có đức tin không thể nào lay chuyển nổi (Mark Link, Vison 2000).

“Chúa Giêsu Kitô có cách nào khác để đi vào lòng người nếu không phải là qua một trái tim tan nát?” (Oscar Wilde).

2. Vị trí làng Emmau.

Emmau là quê hương của hai môn đệ mà hôm nay hai ông trở về sau cái chết của Đức Giêsu. Ngày nay chúng ta khó mà đặt được vị trí cho làng nhỏ này. Các bản văn không hợp nhau về dậm đường xa. Có bản viết Emmau nằm về phia tây bắc Giêrusalem và cách đó 60 dậm, có bản viết cách 160 dậm. Mỗi dậm đường là 185 mét. Nếu nhận Emmau cách Giêrusalem 160 dậm thì khỏang cách là 29 cây số, như vậy thì làm sao hai môn đệ có thể trở về ngay trong một ngày được. Như vậy, bản văn viết 60 dậm có vẻ hợp lý hơn vì Emmau chỉ cách Giêrusalem có 11 cây số.

3. Chúa đến nơi tha nhân.

Một tác giả kể câu truyện ngụ ngôn sau đây:

Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quí. Và người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện phải run lẩy bẩy ngòai cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại, hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn báo cho người khách quí biết mình phải đi ra ngòai.

Nhưng tìm đường dẫn bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra được nhà đứa bé, và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa, mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chớp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về đến nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe thấy tiếng Chúa nói với anh: “Cảm ơn con đã dọn trà nóng cha Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay."

4. Đức Giáo hoàng Piô XI

Được thăng giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Piô XI đăng quang, Ngài đã can đảm qua hết các lễ nghi rồi, nhưng đến khi các nghi thức xong xuôi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáo hoàng, tức Đức Bênêdictô XV, thì tự nhiên một mối lo âu bao trùm lấy Ngài. Thực sự lúc ấy có biết bao lo lắng đổ trên đầu vị Giáo hoàng vì Giáo hội bị tấn công mọi mặt. Cuộc đệ nhất thế chiến vừa chấm dứt và cuộc đệ nhị thế chiến đang âm ỉ, Giáo hội phải trải qua một giai đoạn thử thách gắt gao.

Nghĩ đến tất cả những chuyện ấy, Đức Piô tràn ngập lo âu. Lúc ấy Ngài làm công việc duy nhất mà một người lo sợ có thể làm đó là Ngài qùi xuống, cầu nguyện. Trong khi Ngài cầu nguyện như thế, tay Ngài đưa ra, chạm phải một chiếc ảnh còn lại trên bàn giấy của Đức Bênêdictô XV. Ngài cầm mẫu ảnh lên xem và tự nhiên nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn Ngài tràn ngập bình an. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Những làn sóng lo âu, sợ sệt trong tâm hồn Đức Piô XI êm lặng lại.

Ngài giữ bức ảnh ấy trên bàn giấy của Ngài luôn. Từ đó về sau, mỗi lần lo âu gì, Ngài chỉ việc nhìn vào bức ảnh để trên bàn đó và nhớ rằng Chúa Giêsu sẵn sàng phán một lời truyền cho sóng gió phải yên lặng.

5. Tại sao thất vọng sợ hãi?

Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến một nơi được chỉ định. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm.

Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình tâm này của chồng mà bà vợ xem như là một biểu hiệu thiếu lo lắng, thông cảm, yêu thương đối với vợ con nên bà càng tức giận xỉ vả hơn.

Trước tình thế khó xử đó, khi đã có đôi lời giãi bầy vắn tắt, viên sĩ quan rời căn phòng một lát rồi quay trở lại với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười lớn tiếng không chút gì nao núng cả.

Viên sĩ quan hỏi:

- Làm sao mình có thể cười khi nhận thấy mũi kiếm sắp đâm vào ngực?

Bà vợ trả lời:

- Làm sao em lại phải sợ khi biết lưỡi kiếm ấy nằm trong tay một người thương yêu em.

Bấy giờ viên sĩ quan nghiêm giọng nói:

- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ hãi cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương anh?

6. Họ nài ép Chúa

Sự kiện này minh chứng cho điều mà William Barlay gọi là sự tế nhị của Chúa Giêsu. Ngài không áp đặt chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta một lời mời. Ý chí tự do là món quà tốt nhất và cũng là nguy hiểm nhất mà chúng ta có được. Chúng ta có thể sử dụng nó để mời Chúa Giêsu vào đời ta hoặc để Ngài đi qua.

Tôi mời Chúa Giêsu đi vào đời tôi một cách cụ thể nào đây?

Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta (Mt 25,40).

7. Tâm hồn bừng cháy lên

Trong tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II, nhiều bạn trẻ vừa đi vừa giơ cao hình ngài vừa khóc. Ngay cả những người vô thần cũng thấy một điều gì đó là linh thiêng trong đời sống hy sinh tất cả vì yêu của ngài. Trong những lời cuối cùng của Đức Gioan-Phaolô II được ghi nhận trước khi đi vào hôn mê, ngài cố gắng thốt lên những lời cho các bạn trẻ đang đứng đợi ở ngoài quảng trường thánh Phêrô: “Các con thân mến, trong mọi hoàn cảnh, Cha luôn luôn cố gắng để có thể đến gần với các con...”

Một tâm hồn bừng cháy lòng muốn về ngay Giêrusalem để loan báo Tin Mừng không chỉ gặp thấy nơi hai môn đệ Emau, mà còn thấy nơi Đức Gioan-Phaolô II, nơi cha M. Kolbe, Mẹ Têrêxa, Đức Cha Cassaigne v.v…và hết thảy những ai đã gặp Đức Kitô phục sinh.

Tại sao tâm hồn các ngài bừng cháy lên khi gặp Đức Kitô phục sinh? Vì nơi các ngài, Đức Kitô là tất cả, tình yêu, lẽ sống, hy vọng, hạnh phúc ...

Tại sao tâm hồn tôi chưa bừng cháy lên trong tôi?

8. Tìm gặp Chúa

Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi.

Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe.

Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa bão, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.

9. Đồng hành với nhau và với Chúa

Một bà già người Đức thuật lại câu truyện mà chính bà là người trong chuyện: Khoảng năm 1942, bà và một số người Đức bị đưa đi lưu đày xa quê hương. Tất cả là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường, nơi ấy không có nhà thờ cũng không có linh mục. Nhưng mỗi chiều Chúa Nhật, họ được phép tụ họp trong một nghĩa trang để cầu nguyện với nhau.

Khi biết cách đó một ngàn cây số, có linh mục thì họ quyết định hàng tháng đóng góp một số tiền để mua vé cho một bà già đi đến nơi đó mang Mình Thánh Chúa về cho họ chịu. Mỗi Chúa Nhật họ đều trung thành gặp gỡ nhau, sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cuối tháng thì rước Mình Thánh Chúa.

Trong suốt 20 năm dài, cộng đoàn Kitô hữu đó sống đùm bọc, yêu thương nhau cho đến năm 1962 được trả tự do. Bà già thuật lại câu chuyện trên chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật. Sau khi kể lại câu chuyện này thì bà thêm: "Mặc dầu được thả về tự do, nhưng chúng tôi ra về với một niềm lưu luyến sâu đậm và nhớ nhung vô cùng những phút giây đoàn kết, yêu thương trong tình người và tình Chúa đó."

10. Người lữ khách.

“Sáng mai, ta sẽ mổ tim của cháu ra”, bác sĩ giải phẫu tim nói với em bé trai. Em trả lời, “Ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó." Bác sĩ ngước mặt lên nhìn, buồn bã. “Tôi sẽ mổ tim của em ra”, ông nói tiếp, “để xem xem nó đã bị bệnh gì."

“Nhưng khi ông mở tim của cháu ra”, em bé nói, “ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó."

Bác sĩ giải phẫu lại nhìn vào cha mẹ của em đang ngồi im lặng bên cạnh giường bệnh và nói: “Khi tôi trông thấy trái tim bị bệnh như thế nào, tôi sẽ khâu trái tim và ngực cháu lại, rồi tôi sẽ dự định phải làm gì."

Nhưng ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu đang ở trong trái tim của cháu”, em bé cố nhấn mạnh. “Thánh Kinh nói rằng Người ở đó mà. Tất cả những bài ca Thánh Vịnh đều nói Người sống ở đó. Ông sẽ tìm thấy Người trong trái tim của cháu." Bác sĩ cảm thấy đã đủ, bèn lạnh lùng nói: “Ta sẽ nói cho cháu biết ta sẽ tìm thấy cái gì trong trái tim của cháu. Ta sẽ tìm thấy cơ bắp nào bị hỏng, làm cho máu chảy chậm và những động mạch nào bị yếu. Và ta sẽ tìm ra cách để làm cho cháu khỏe lại”,

“Ông sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó”, đứa bé tiếp tục nói, “Người sống ở đó mà!”

Bác sĩ giải phẫu bỏ phòng bệnh nhân bước ra đi.

Sau cùng, bác sĩ đã ngồi trong văn phòng làm việc, ghi lại những chi tiết về cuộc giải phẫu, “Van tim bị hỏng, động mạch phổi bị hỏng, sự suy thoái của cơ bắp thịt trong tim lan rộng. Thay tim không hy vọng gì, cũng không mong điều trị được. Phương pháp điều trị: thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tiên đoán…” Viết tới đây, ông ngừng lại suy nghĩ, “chết trong vòng một năm."

Ông ngừng bản báo cáo, nhưng cảm thấy còn có điều gì nữa để nói. Ông hỏi lớn: “Tại sao?” Rõ ràng rằng ông đang nói chuyện với Thiên Chúa. “Tại sao Ngài đã làm như vậy? Ngài đã mang nó tới đây; Ngài đã đặt nó vào cơn đau đớn này; và chính Ngài đã chúc dữ cho nó chết sớm. Tại sao?”

Những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống, nhưng cơn giận của ông còn nóng hơn nữa. “Ngài đã tạo dựng nên em bé, và Ngài đã làm nên trái tim đó. Nó sẽ chết trong vòng vài tháng nữa. Tại sao?”

Cuộc đối thoại giữa ông bác sĩ giải phẫu và Thiên Chúa đã bắt đầu. Trong cuộc đối thoại đó, ông bác sĩ tuyệt vọng này đã khám phá ra sự hiểu biết mới về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Rồi ông khóc.

Bây giờ ông đang ngồi bên cạnh giường bệnh của em bé trai; cha mẹ của em ngồi đối diện với ông. Bỗng chú bé thức dậy thì thầm, “Ông đã mổ trái tim của cháu ra chưa?” “Rồi”, Bác sĩ trả lời. “Ông đã tìm thấy cái gì?” em bé hỏi. “Tôi đã tìm thấy Chúa Giêsu ở đó." Bác sĩ thành thật trả lời.

Trong cuộc hành trình trên trần gian, Thiên Chúa luôn hiện diện để đồng hành với con người, nhưng nhiều khi con người không nhận ra Ngài.

11. Thợ cắt tóc

Karl Barth, một trong những nhà thần học Tin lành nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, một ngày nọ đang ngồi trên xe điện ở Basel, Thụy Sĩ, nơi ông sống và thuyết trình. Một du khách đến thành phố leo lên xe điện và ngồi xuống cạnh Barth.

Hai người đàn ông bắt đầu trò chuyện với nhau. Barth hỏi: “Bạn mới đến thành phố à?” Khách du lịch nói: “Vâng." Barth hỏi: “Có điều gì bạn đặc biệt muốn biết ở thành phố này không?” “Vâng,” anh ấy nói, “Tôi rất muốn gặp nhà thần học nổi tiếng Karl Barth. Bạn có biết ông ta không?”

Barth trả lời: “Thực tế là tôi có biết. Tôi cạo râu cho ông ấy mỗi sáng.” Du khách xuống xe điện khá vui mừng. Anh ta trở về khách sạn và tự nhủ: “Hôm nay mình đã gặp thợ cắt tóc của Karl Barth.”

* Điều đó làm tôi thích thú. Vị khách du lịch đó đã đứng trước mặt chính người mà anh ta muốn gặp nhất, nhưng ngay cả khi có manh mối rõ ràng nhất, anh ta lại không bao giờ nhận ra rằng người đàn ông mà anh ta đang nói chuyện chính là người đàn ông vĩ đại đó. Nó làm tôi nhớ đến phản ứng của Maria vào buổi sáng Phục Sinh. Trong cơn đau buồn, cô ấy nghĩ người đàn ông mà cô đang nói chuyện là người làm vườn. Tất nhiên là không. Nhưng phải cho đến khi Người gọi tên cô, cô mới nhận ra rằng mình đã nói chuyện với Chúa Phục Sinh. Và, dĩ nhiên, nó làm tôi nhớ đến cảnh tượng trên đường Emmaus, hai môn đệ đi bộ một lúc với Chúa Phục Sinh, và họ cũng không biết mình đang trò chuyện với ai. (Rev. King Duncan, Collected Sermons, www.Sermons.com. Được trích dẫn bởi cha Tony Kayala)

12. Ăn trưa với Chúa

Một cậu bé đi bộ qua công viên về nhà sau khi dự lớp học giáo lý ngày Chúa nhật. Cậu không thể ngừng suy nghĩ về bài học ngày hôm đó về lời dạy của Chúa Giêsu về Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Điều khiến cậu ấn tượng nhất là điều mà giáo lý viên nói: “Khi bạn cho người khác một thứ gì đó là bạn đang thực sự cho Chúa Giêsu, và bạn sẽ tìm thấy Chúa Giêsu phục sinh trong mọi người bạn gặp.”

Khi tiếp tục đi qua công viên, cậu để ý thấy một bà lão đang ngồi trên băng ghế. Bà ấy trông cô đơn và đói khát. Vì vậy, cậu ngồi xuống cạnh bà, lấy một thanh sô-cô-la mà cậu đã để dành và đưa cho bà một ít. Bà đón nhận với một nụ cười tươi tỉnh, và cậu nhìn bà cười khi bà nhai sô-cô-la. Rồi họ ngồi bên nhau trong im lặng, chỉ mỉm cười với nhau. Cuối cùng, cậu bé đứng dậy ra về. Khi bắt đầu bước đi, cậu quay lại, chạy trở lại băng ghế và ôm chặt lấy người phụ nữ.

Khi cậu về đến nhà, mẹ cậu nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cậu và hỏi: “Hôm nay điều gì làm con vui thế?” Cậu ấy nói: “Con đã chia sẻ thanh sô-cô-la của mình với Chúa Giêsu.” Trước khi mẹ cậu kịp hỏi thêm, cậu nói: “Mẹ biết không, bà ấy có nụ cười đẹp nhất thế giới.” Trong khi đó, bà lão trở về căn hộ nhỏ nơi bà sống với em gái. Em gái bà hỏi: “Lại cứ cười! Hôm nay điều gì làm chị vui thế?” Bà ấy trả lời: “Chị ngồi trong công viên và ăn một thanh sô-cô-la với Chúa Giêsu. Và, em biết đấy, Ngài trông trẻ hơn chị tưởng rất nhiều.”

* Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ gặp gỡ và cảm nghiệm Chúa Giêsu phục sinh ở những nơi và những con người không ngờ tới.

13. Có phải là Chúa Giêsu

Vài năm trước, một nhóm nhân viên bán máy tính từ Milwaukee đã tham gia một hội nghị bán hàng ở Chicago. Họ đã hứa với vợ rằng họ sẽ về nhà đúng giờ để ăn tối. Nhưng cuộc họp kéo dài quá giờ, và những người này phải chạy lao đến nhà ga tay cầm sẵn vé. Khi họ đi qua nhà ga, một người trong nhóm đã vô tình đá phải chiếc bàn đặt một giỏ táo. Không dừng lại, tất cả đã đến tàu và lên tàu với những tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng một người trong số họ dừng lại, cảm thấy hối hận cho cậu bé bị đổ giỏ táo. Ông vẫy tay tạm biệt những người bạn đồng hành của mình và quay trở lại với cậu bé. Ông bỗng nhận ra cậu bé mười tuổi bị mù. Người đàn ông nhặt những quả táo lên và nhận thấy rằng một số quả bị thâm tím. Ông thò tay vào ví và nói với cậu bé: “Đây, làm ơn cầm lấy tờ 10 đôla này cho những thiệt hại mà chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng nó sẽ không làm hỏng ngày của cậu. Khi ông bắt đầu bỏ đi, cậu bé ngơ ngác gọi theo: “Ông có phải là Chúa Giêsu không?”

* Chúa Giêsu đến với chúng ta dưới nhiều hình dạng khác nhau.

14. Luôn tin tưởng

Alexander I. Solzhenitsyn đã chứng tỏ sức mạnh của Lời Chúa trong cuốn sách của mình, One Day in the Life of Ivan Denisovich (Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich), một cuốn sách dựa trên những trải nghiệm trong tù của chính ông.

Ivan nhận thấy rằng một trong những bạn tù của anh ta ở Quần đảo Gulag không bị suy sụp, và ánh sáng hi vọng trong mắt anh ta không suy giảm như ở tất cả những người bị kết án khác. Điều này là do mỗi đêm trong cái chõng của mình trước khi tắt bóng đèn tù mù, người đàn ông này cung kính mở ra một số mảnh giấy nhàu nát, mà bằng cách nào đó đã thoát khỏi sự kiểm duyệt gắt gao. Trên đó là những đoạn được sao chép từ Phúc Âm. Cuốn Sách Sự Sống này là bí mật về sức mạnh và sự bền bỉ của người đàn ông này, trong góc tối nhất sau Bức màn sắt.

* Đó là một cách chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh – trong việc “Bẻ Bánh Sự Sống” là Lời Chúa.

15. Chỉ đường

Có một câu chuyện kỳ lạ về một du khách nọ, một hôm đang đi trên đường thì một người đàn ông cưỡi ngựa chạy vụt qua. Trong mắt người này có một cái nhìn gian ác và có vệt máu trên tay anh.

Vài phút sau, một đám đông những người cưỡi ngựa kéo đến và muốn biết liệu người du khách có nhìn thấy ai đó với bàn tay vấy máu đi ngang qua hay không. Họ đang ráo riết truy đuổi anh ta.

Du khách hỏi: “Anh ấy là ai?” Thủ lĩnh đám đông nói: “Một kẻ làm ác.” Người du khách hỏi: “Và chắc các bạn đuổi theo anh ta để đưa anh ta ra trước công lý phải không?”

“Không,” người lãnh đạo nói, “chúng tôi đuổi theo anh ta để chỉ đường cho anh ta.” [Cha Anthony de Mello, Taking Flight (New York: Bantam Doubleday Dell Publishing Group, Inc., 1990), tr. 65.]

* Bức tranh mà chúng ta có trong Tân Ước là về một Thiên Chúa theo đuổi chúng ta để có thể chỉ đường cho chúng ta. Chúa Kitô đến với hai môn đệ. Họ không nhận ra Người, nhưng chính Chúa Giêsu là người chủ động. Người đồng hành với họ và giải thích Kinh Thánh cho họ.

16. Lấy lại tự tin

Có một câu chuyện về một người lính Anh trong Thế chiến thứ nhất đã mất tinh thần vì trận chiến dai dẳng và anh đã đào ngũ. Anh cố gắng đến bờ biển để đi thuyền về nước Anh vào đêm đó, nhưng cuối cùng anh lại lang thang trong đêm tối như mực, lạc lối một cách vô vọng.

Trong bóng tối, anh bắt gặp thứ mà anh nghĩ là một biển chỉ đường. Trời tối đến nỗi anh phải trèo lên cột để có thể đọc nó. Khi lên đến đỉnh cột, anh đánh một que diêm để xem và thấy mình đang nhìn thẳng vào mặt Chúa Giêsu. Anh ta nhận ra rằng, thay vì leo lên biển chỉ đường, anh đã trèo lên một cây thánh giá bên đường. Rồi anh nhớ đến Đấng đã chết vì anh. . . người đã chịu đau khổ. . . người đã không bao giờ thoái lui.

Sáng hôm sau, người lính trở lại chiến hào. [“To Illustrate,” Preaching Magazine, (tháng 1-tháng 2 năm 1989).]

* Có lẽ đó là điều bạn và tôi cần làm trong những khoảnh khắc đau khổ và tăm tối – đánh một que diêm trong bóng tối và nhìn lên khuôn mặt của Chúa Giêsu. Người đến với chúng ta như Người đã đến với hai môn đệ trên đường Emmaus, cho dù chúng ta có thể không nhận ra Người.

17. Chữa bệnh

Ông nội của triết gia người Do Thái Martin Buber bị què. Một ngày nọ, người ta yêu cầu ông kể một câu chuyện về thầy của mình. Và ông bắt đầu kể lại việc thầy của ông thường nhảy và múa trong khi cầu nguyện như thế nào.

Ông già vừa nói vừa đứng dậy và bị cuốn hút bởi câu chuyện của mình đến nỗi bản thân ông cũng bắt đầu nhảy và múa để diễn tả ông thầy của mình đã làm điều đó thế nào. Kể từ lúc đó, ông đã được chữa khỏi bệnh tật của mình.

* Khi kể câu chuyện về Chúa Kitô, chúng ta đạt được hai điều. Chúng ta giúp người khác cảm nghiệm Người, và chính chúng ta cũng trải nghiệm quyền năng của Người nhiều hơn nữa. Chúng ta có thể thấy điều đó xảy ra trong Tin Mừng hôm nay.

18. Bản danh sách

Trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1993, Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) đứng đầu. Oskar Schindler là một doanh nhân ích kỷ, giữa Thế chiến II, đã biến nhà máy sinh lời của mình thành một vỏ bọc nhà xưởng làm ăn thua lỗ để cứu người Do Thái khỏi phòng hơi ngạt.

Cuối phim, khi chiến tranh kết thúc, Schindler đứng cùng chung với những người mà ông đã cứu. Ông nhìn quanh các khuôn mặt của họ và sau đó ông bắt đầu suy sụp. Ông giơ chiếc đồng hồ lên và nói rằng nếu ông bán nó đi thì ông đã có thể cứu được năm người khác. Ông cũng làm như vậy với các khuy áo măng sét của mình.

Sau đó, ông bắt đầu liệt kê tất cả những cách mà ông có thể đã cứu được nhiều người hơn nếu ông bớt lười biếng hơn và bớt tự cho mình là trung tâm sớm hơn một chút. Ông đã nhận ra sứ mệnh của mình, nhưng ông tiếc rằng mình đã không thực hiện đầy đủ hơn.

* Chúng ta cũng mang một sứ mệnh. Chúng ta đang trên một hành trình đầy ý nghĩa, một cuộc hành hương, hành trình Emmaus của chúng ta. Chúa Kitô không muốn chúng ta phải hối tiếc, nên hôm nay Người nhắc nhở chúng ta điều này một lần nữa. (E-Priest).

19. Nghi thức giải tán

Một giáo lý viên nọ giảng cho thiếu nhi của mình về Bí tích Thánh Thể. Cô hỏi các thiếu nhi, theo ý kiến của các em, đâu là phần quan trọng nhất của Thánh lễ. Không chớp mắt, một cậu thiếu nhi trả lời: “Lễ xong! Chúc anh chị em đi bình an!” Ban đầu, giáo lý viên nghĩ rằng cậu bé nói đùa, nhưng cậu ấy hoàn toàn nghiêm túc và muốn nói những gì cậu ấy nói. Vì vậy, giáo lý viên đã yêu cầu cậu giải thích, và đây là câu trả lời của cậu ấy:

“Toàn bộ mục đích của Thánh lễ là nuôi dưỡng chúng ta về mặt thiêng liêng – trước hết, bằng Lời Chúa trong Phụng vụ Lời Chúa; và thứ hai, bằng Sự sống của Chúa trong Phụng vụ Thánh Thể, đỉnh cao là Rước Lễ. Và Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có thể ra đi làm chứng cho Người bằng đời sống, lời nói và việc làm của chúng ta.” Giáo lý viên rất ấn tượng và khuyến khích cậu thiếu nhi tiếp tục. Và vì thế cô nói thêm: “Thánh lễ không kết thúc với Nghi thức Giải tán. Ngược lại, nó bắt đầu từ đó. Giống như hai môn đệ Emmaus, chúng ta phải ra đi và nói cho người khác biết ý nghĩa của Chúa Giêsu đối với chúng ta.” (James Valladares in Your Words, O Lord, Are Spirit, and They Are Life; do cha Botelho trích dẫn).

20. Cùng với Chúa phục sinh

Trong chuyến đi tàu đầu tiên, một bé gái được mẹ đặt ở giường ngủ phía trên. Người mẹ trấn an cô ấy rằng Chúa Giêsu sẽ trông chừng cô suốt đêm. Khi đèn tắt, cô gái trở nên hoảng hốt và gọi nhỏ: “Mẹ ơi, mẹ có ở đó không?”

“Có con yêu,” mẹ cô trả lời. Một lát sau, đứa trẻ gọi to hơn: “Bố ơi, bố cũng ở đó à?”

“Có”, là câu trả lời. Sau khi điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần, một trong những hành khách khó chịu và mất kiên nhẫn và nói to: “Tất cả chúng tôi đều ở đây. Cha của cháu, mẹ của cháu, anh chị em của cháu và anh em họ của cháu, chú thím của cháu – tất cả đều ở đây. Bây giờ thì ngủ đi!” Có sự im lặng trong một lúc.

Sau đó, bằng một giọng thì thầm, đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, có phải Chúa Giêsu phục sinh đang đi cùng chúng ta không?”

21. Chúa ở đâu

Một cặp vợ chồng nọ có hai đứa con trai, 8 tuổi và 10 tuổi, chúng rất nghịch ngợm. Chúng luôn gây ra rắc rối và cha mẹ chúng biết rằng nếu có bất kỳ trò nghịch ngợm nào xảy ra trong khu phố của họ, con của họ có liên lụy.

Mẹ của các cậu bé nghe nói rằng một linh mục ở giáo xứ trung tâm thành phố đã thành công trong việc kỷ luật trẻ em, vì vậy bà đã hỏi liệu ngài có thể nói chuyện với các cậu con của bà không. Vị linh mục đồng ý nhưng yêu cầu gặp riêng từng đứa. Vì vậy, người mẹ đã cho đứa con 8 tuổi của mình gặp trước vào buổi sáng, và ấn định cuộc hẹn cho cậu bé lớn hơn vào buổi chiều.

Vị linh mục, một người to lớn với giọng nói oang oang, đặt cậu bé ngồi xuống và hỏi cậu một cách nghiêm nghị: “Chúa ở đâu?” một câu hỏi giáo lý căn bản. Cậu bé há hốc miệng và không đáp lại. Vì vậy, vị linh mục lặp lại câu hỏi với giọng nghiêm khắc hơn: “Chúa ở đâu!!?” Một lần nữa, cậu bé không cố gắng trả lời. Vì vậy, cha càng cao giọng hơn và hất ngón tay vào mặt cậu bé và hỏi to: “THIÊN CHÚA ĐANG Ở ĐÂU!?” Cậu bé hét lên hoảng hốt chạy thẳng về nhà và lao vào tủ quần áo của mình, đóng sầm cửa lại sau lưng. Khi anh cậu tìm thấy cậu trong tủ quần áo, anh ấy hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Người em thở hổn hển trả lời: “Lần này chúng ta gặp rắc rối LỚN rồi, Dave. Chúa đang mất tích – và họ nghĩ CHÚNG TA đã làm điều đó!

22. Bức họa của Rembrandt

Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: "Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động."

Người hướng dẫn đáp: "Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa."

Rồi ông ta kể: "Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nỗi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn.

"Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó "mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên" như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình."

Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt: "Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi." (Flor McCarthy)

23. Thiên Chúa thật gần gũi

Loew là một phu khuân vác ở bến tàu. Anh là đảng viên của đảng Lao động Thụy Sĩ. Bỗng một hôm Loew nảy ra ý định thử đi tìm hiểu điều mà người công giáo hằng tin tưởng, có một Thiên Chúa thật không?

Anh đến một dòng khổ tu và nói thật ý định của mình với cha Bề trên. Cha không nói với anh điều gì ngoài những lời:

- Anh đã đi đúng đường rồi đó. Anh hãy tiếp tục đi đi, hãy coi tu viện này là nhà của anh.

Rồi cha Bề trên giơ tay chỉ nhà nguyện, nói:

- Đây là nhà nguyện đang dâng lễ.

Loew vào, anh quì xuống như bao kẻ khác. Rồi anh cứ qùi mãi trong khi những người khác đã thay đổi thế quì, đứng, ngồi. Đến lúc đã mỏi gối. Loew ngồi lên thì mọi người lại quì rụp xuống vì lúc đó là lúc dâng Mình Máu Thánh Chúa.

Rồi đến khi rước lễ, mọi người lên rước lễ, chỉ mình Loew ngồi đó, thật chẳng giống ai, Loew nghĩ thầm.

Nhìn những người rước lễ đi xuống, Loew nhận ra những khuôn mặt: học thức, địa vị, bình dân... Loew tự hỏi: sao những kẻ này mê tín, dị đoan quá thế? Ăn miếng bánh nhỏ bằng đồng xu thế kia để làm gì, họ có điên không nhỉ?

Nhưng ý tưởng trên của Loew đã bị một tư tưởng khác tấn công: không lẽ những người có học thức, có địa vị xã hội hơn tôi mà họ lại điên, còn tôi thì ngược lại, khôn hơn sao? Hay là tôi điên?

Thế rồi, Loew tìm hiểu phép Thánh Thể với cha bề trên. Thời gian sau, Loew tâm sự:

"Bây giờ, tôi có thể nói như hai môn đệ Emmaus: Tôi nhận ra Ngài, lúc Ngài bẻ bánh." Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cùng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu thánh Chúa Kitô."

CNPS 3B - Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh

Lời Chúa: Lc 24, 35-48

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ.”

Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây.”

Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh.” Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy.”

TRUYỆN KỂ

1. Hạ xuống để nâng lên

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc ben. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bai cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau kho để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.

2. Làm chứng bằng đời sống.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo của giới trẻ về đề tài” Truyền giáo năm 2000”, nhiều bạn trẻ đề nghị phải xử dụng tối đa các phương tiện truyền thông tân tiến trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, gồm sách vở báo chí, phim ảnh có phẩm chất và hấp dẫn, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Một số bạn trẻ khác nhấn mạnh đến công tác xã hội và bác ái. Một số bạn trẻ khác đi xa hơn bằng cách đề nghị Giáo hội chống lại những bất công xã hội, những chà đạp quyền con người, để xây dựng công lý và hoà hợp.

Trong lúc mọi người đang hăng hái đưa ra những chương trình to lớn và đề nghị những hoạt động vĩ đại, thì một thiếu nữ da mầu giơ tay xin phát biểu:”Tại Phi châu nghèo nàn và chậm tiến của chúng tôi, chúng tôi không gửi, hay đúng hơn không có khả năng gửi đến những làng chúng tôi muốn truyền giáo những sách vở, báo chí, phim ảnh, chúng tôi chỉ gửi đến đó một gia đình công giáo tốt, để dân làng thấy thế nào là đời sống Kitô giáo. (R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọng, tr 208)

3. Gương lành lôi kéo.

Một nhà truyền giáo Ấn độ, ông Gordon M. Suer đã xin một tín đồ Ấn độ giáo sống bên cạnh, để nuôi dạy ông học tiếng bản xứ, nhưng tín đồ Ấn độ giáo này từ chối như sau:

- Thưa ngài, tôi không đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì tôi không muốn trở nên người Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

- Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao thiệp với những người chung quanh, để hiểu biết họ hơn chứ không nhằm bắt họ phải trở lại đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

- Thưa ngài, tôi biết vậy nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không ai có thể sống bên cạnh ngài lâu, mà không bị ngài cảm hóa tin theo Chúa. Tôi không thể dạy ngài, vì tôi không thể sống bên cạnh ngài mà không trở thành người Kitô hữu.

4. Cuộc sống mới của các môn đệ

Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các môn đệ cũng chết luôn, chết về mặt tinh thần và về luân lý: nhóm 12 đã rã rời, vì Giuđa đã tự vẫn, Tôma đã bỏ đi do khủng hoảng đức tin, những người còn lại thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng.

Nhưng ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu phục sinh cũng làm cho họ sống lại: Ngài chủ động đến với họ chứ không chờ họ đi tìm Ngài, Ngài không nói một lời trách móc nhưng lại chúc bình an, Ngài ăn uống với họ để họ tin chắc Ngài vẫn sống, Ngài mở trí cho các ông hiểu ý nghĩa Thánh Kinh, Ngài lại còn sai họ ra đi rao giảng cho muôn dân. Tất cả những việc làm tế nhị và yêu thương ấy đã giúp cho các môn đệ

- không còn sợ hãi

- không còn nghi ngờ

- không còn mặc cảm tội lỗi

- không còn buồn phiền

- không còn thất vọng

Con người cũ của các ông không còn, các ông như được sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người.

5. "Hãy nhìn chân tay Thầy"

Một người con kia rất yêu thương cha mình. Người cha là một nông dân, suốt đời cần cù lao động để nuôi sống gia đình. Khi người cha chết đi, lòng người con rất buồn rầu. Anh cứ đứng gần thi thể của cha mà nhìn, nhất là nhìn đôi bàn tay của cha. Anh nói: "Nhìn đôi bàn tay sần sùi chai sạm ấy, tôi nhớ lại tất cả những cực nhọc khổ sở mà cha tôi đã chịu vì yêu thương tôi"

Khi hiện đến với các môn đệ, Đức Giêsu cũng bảo họ hãy nhìn chân tay Ngài, những chân tay không phải chai sạm mà đầy những thương tích. Nhìn không phải chỉ để xác nhận Đức Giêsu hôm nay cũng chính là Đức Giêsu hôm qua bị đóng đinh, mà còn để nhận ra tình thương bao la vô bờ bến của Ngài: "Không có tình thương nào lớn hơn tình của người thí mạng sống cho người mình thương.”

Khi hiện ra với Tôma, Đức Giêsu cũng bảo ông hãy chạm đến các vết thương của Ngài, rồi Ngài nói: "Đừng hồ nghi nữa, nhưng hãy tin" (Ga 20, 28). Tin gì? Khong chỉ tin là Ngài đã sống lại, mà còn tin vào tình thương của Ngài.

6. Đời sống chứng nhân

Albert Schweitzer là mot cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc. Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu Tiến Sĩ Triết Học. Ông làm Hiệu Trưởng trường Đại Học.

Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu trưởng để theo ngành y khoa, 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng Tiến sĩ Y Khoa. Với 3 bằng cấp Tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có, và nổi tiếng.

Thế nhưng, tiến sĩ Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.

Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho bệnh viện của ông ở Lambarene. Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.

Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965 lúc 90 tuổi.

7. Chứng nhân cho niềm vui

Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phục sinh.

Đức Hồng Y Danielou có nói: "Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta.”

Cha Charles de Foucauld quả quyết: "Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động.”

Trong nghi thức rửa tội của Giáo hội Ấn Độ, người chịu phép Rửa tội đặt tay lên đầu và nói: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr. 9, 16).

Vậy lời rao giảng Tin mừng sinh động nhất, hữu hiệu nhất và cao đẹp nhất chính là một cuộc đời quên mình phục vụ như nhà truyền giáo Albert Shweitzer đã làm cho những người phong cùi Châu Phi.

8. Bác tài xế tắc xi làm chứng cho Chúa:

Một vị linh mục sau chuyến du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách truyền giáo của một bác tài xế xe tắc-xi tại đây như sau:

"Ngày nọ, tôi đón tắc-xi từ khách sạn đi sang trung tâm thành phố Đài Bắc mua quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: "Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách.” Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh, nội dung về cuộc đời Đức Giê-su in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện tranh các thánh và các danh nhân tôn giáo, một ít cuốn là những mẩu chuyện sống đức tin giữa đời thường... Ngoài ra, phía trên kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có treo một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi bác tài xế:

- Này bác tài, xin vui lòng cho biết: Hành khách đi xe của bác có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?

- Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còm cầm theo mang về nhà nữa.

Tôi hỏi tiếp:

- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách đạo do bác giới thiệu?

- Tôi cảm thấy rất vui anh à! Anh biết không: tôi là người tín hữu công giáo nhưng không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì đã có thể làm được hai việc một lúc: Vừa lái xe nuôi gia đình lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thời giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một việc thật tuyệt vời!

9. Không sợ khi có cha

Có một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng. Cậu mở mắt, thấy cảnh vật tối tăm. Ngoài trời giông tố, sấm chớp rợn rùng. Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đổ nhà cửa và cây cối. Bốn bề xao động. Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:

- Cha ơi, cha ơi! Con sợ quá!

- Cha đây, cha đây! Cậu nghe tiếng cha vọng lại

- Cha đâu sao con không thấy? Con sợ quá! Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.

- Cha đây, Cha đây! Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu. Cậu ôm lấy cha, ap đầu vào ngực cha. Người cha đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu. Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay Cha dìu dịu đi vào giấc ngủ an lành. Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng sự sợ hại nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của Cha.

Vang, Chúa Phục sinh vẫn tiếp tục đến bên cuộc đời chúng ta như xưa Ngài đã từng đến với các tông đồ. Ngài vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan. Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hay lấy lòng mến để vâng theo thánh ý Chúa.

Xin Chúa Giêsu phục sinh luôn ở lại với chúng ta theo như lời Người đã nói: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Xin Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng ta. Amen.

10. "Footprints.”

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

- Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng... anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

- Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu...anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: "Khi con thành công, hạnh phúc...Chúa lại đồng hành với con, đi với con...Nhưng khi con thất bại, đau khổ...những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”

Chúa Giêsu trả lời: "Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con.”

11. Đừng sợ

Một buổi tối nọ, trong căn nhà ấm cúng của một bác nông phu, người cha âu yếm đưa mắt nhìn cậu con trai với vẻ hài lòng sung sướng vì thấy con mình càng khôn lớn, càng ngoan và gan dạ. Ông tự nhủ đã đến lúc cậu phải ra chuồng ngựa ban đêm một mình để cho ngựa uống nước. Nghĩ rồi ông bảo con cầm đèn ra chuồng ngựa. Cậu con thưa với vẻ do dự:

- Bố ơi, con rất sợ bóng tối. Con sợ đi một mình.

Nghe con nói thế, ông liền đứng dậy cầm đèn dẫn con ra trước hiên nhà. Ông thắp đèn đặt vào tay con và hỏi:

- Với đèn sáng này, con thấy rõ đến đâu ?

Cậu trả lời: Con thấy rõ tới nữa đường ra cổng.

Người cha bảo con hãy cầm đèn đi ra tới đó. Khi cậu con tới nơi, ông hỏi theo: Từ đó con nhìn tới đâu nữa ?

- Con nhìn rõ tới cổng, cậu đáp.

Ông giục cậu đi tới cổng. Từ cổng cậu nhìn thấy chuồng ngựa, cậu nhìn thấy rõ ràng từng con ngựa. Từ hiên nhà, người cha nói vọng ra:

- Con hãy đổ nước cho ngựa uống rồi trở về nhà.

Thế là từ đấy cậu không còn sợ nữa.

12. Tìm Chúa mà không thấy Chúa

Một con cá sống ở đại dương hỏi một con cá khác:

- Xin lỗi bác, bác già hơn và kinh nghiệm hơn cháu. Hẳn là bác có thể giúp cháu được. Xin bác hãy nói cho cháu biết: cháu có thể tìm thấy ở đâu điều mà người đời thường gọi là đại dương? Cháu đã tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy.

Cá già nói:

- Đại dương ư? Cháu đang lội trong đó mà!

- Đây ư? Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là đại dương kìa.

Rồi con cá non dại đó đã rất thất vọng ngoe nguẩy cái vây và lội đi tìm kiếm ở nơi khác.

Chúa Giêsu đã nhiều lần dùng Kinh thánh để chứng tỏ cho chúng ta biết rằng: Người đang hiện diện nơi tha nhân và những anh chị em chung quanh là chi thể của Người (ICr 12, 27; I Cr 6, 15; ICr 10, 17), Người tự đồng hóa mình với tha nhân nên những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngươi (Mt 25, 40)... ["Vậy anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận" (ICr 12, 27);

"Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? (I Cr 6, 15);

"Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (I Cr 10, 17).

"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).]. Vậy mà chúng ta vẫn chưa xác tín lời Người dạy, chưa nhận ra Người đang sống bên cạnh, đang đồng hành với chúng ta.

13. Tiếng lương tâm

Ngày 8.10.1951, một vụ án xảy ra tại Bavière, một thiếu nữ 18 tuổi tên là Emma bị thảm sát cách tất tưởi. Chuyến xe lửa vừa tới nhà ga, các chị em đồng hành nhạc nhiên vì không thấy Emma đâu, nên báo cáo cho "Ông Xếp" nhà ga hay tin. Thế là lập tức các nhân viên hỏa xa, chia nhau đi tìm kiếm dọc theo đường xe lửa, suốt 2 tiếng đồng hồ, mới phát giác ra xác Emma đang nằm xõng xượt trong vũng máu, chân tay bị chặt cụt. Xếp ga mở cuộc điều tra. Tất cả mọi hành khách bị thẩm vấn đều trả lời là không biết gì cả. Trong số đó có một chàng thanh niên 24 tuổi, khi được hỏi thì anh ta trả lời ấp úng là không biết gì cả, nhưng vì có vẻ ngây ngô thành thật, nên người ta cũng bỏ qua.

Hai tuần sau, chàng trai này đến gõ cửa Tu Viện các Cha Dòng Benedictô xin nhập Dòng. Anh được nhận, sau 2 năm thử luyện, thấy không có gì ngăn trở, Bề Trên nhận anh vào Tập Viện. Khoảng tháng 10, trước ngày vào Tập Viện, anh được phép về thăm gia đình 2 tuần lễ. Ngay ngày đầu tiên, anh đến chỗ đường sắt nơi đã tìm thấy xác Emma nằm trong vũng máu, anh quì chắp tay cầu nguyện. Ngày hôm sau, lúc sáng sớm tinh sương, anh tới mồ Emma, người mà chính anh đã giết chết, anh đã la lên trong tiếng khóc nức nở: "Tôi không thể chịu được nữa!" Rồi anh đi tự nộp mình cho cảnh sát và thú tất cả tội lỗi của anh. Cái tội mà người ta đã quên đi vì không điều tra ra manh mối gì. Anh thú nhận là anh đã xô Emma xuống và đâm chết vì nghe cô ta nói, là cô ta không biết gì đến anh nữa. Vì thế, anh ta đã nổi cơn điên, nên đã hành động độc ác như thế.

14. Chứng nhân hiện đại--AM. Trần Bình An

Linh mục Gioan Lee Tae-seok sinh năm 1962, là con thứ 9 trong 10 người con. Cha mẹ ngài là người Công giáo khiêm nhường, sống ở TP Busan, Nam Hàn. Gioan mồ côi cha lúc 9 tuổi, mẹ ngài phải nuôi cả gia đình bằng nghề thơ may. Gioan học rất giỏi, rất ấn tượng với tiểu sử của Albert Schweitzer và ước muốn làm bác sĩ.

Nhưng khi ngài thấy người anh đi tu dòng Phanxicô, ngài cảm thấy có ơn thiên triệu. Tuy nhiên, mẹ ngài muốn ngài học nghề thuốc trước. Một phần vâng lời mẹ, ngài đã làm bác sĩ. Ngài là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Hàn quốc. Nhưng ngài vẫn cảm thấy ơn gọi làm linh mục. Thấy con trai muốn vậy, người mẹ chiều theo ý con. Ngài tu Dòng Salêdieng, sang Sudan phục vụ.

Tại Tonj, ngài xây dựng một bệnh viện điều dưỡng. Mỗi ngày ngài điều trị khoảng 300 bệnh nhân. Ngài có chiếc xe Jeep để có thể tự lái đi đến các bệnh nhân chưa bao giờ đến gặp ngài. Ngài đích thân tìm kiếm các bệnh nhân. LM Gioan lớn lên trong cảnh nghèo khổ và không bao giờ xa cách người nghèo ở Tonj.

ĐGM Choi Duk-ki quyết định đến Tonj để tận mắt chứng kiến LM Gioan bằng xương bằng thịt. Thấy tỏ tường, ĐGM nói LM Gioan “như một vị thánh.” ĐGM nói rằng kinh nghiệm giống như “đồng hành với LM Damian ở Molokai, đồng hành với Chúa Giêsu.” LM Gioan làm cho tình yêu Chúa Kitô là ánh sáng dẫn đường trong mọi nỗ lực của ngài dành cho người phong cùi và cho thấy rõ ràng là “chúng ta phải đối xử với nhau như Chúa Giêsu.”

Tính cách và nụ cười của ngài đã thu hút giới trẻ. Giáo dân đến xưng tội thường gọi ngài bằng biệt danh “Cha Jolly” (Cha Vui vẻ). Ngài xây trường học với sự trợ giúp của các học sinh mà ngài dạy toán và nhạc. Ngài còn lập ban kèn đồng Don Bosco và thấy giới trẻ phấn khởi vì họ sống trong cảnh khốc liệt.

Nhưng có lần ngài đi nghỉ ở Seoul. Ngài có thói quen kiểm tra sức khỏe tổng quát, ngài được chẩn đoán bị ung thư đại tràng và ung thư gan. Đầu tiên ngài được hóa trị, nhưng trong vài tháng cuối đời, bệnh ngài sa sút mau chóng và qua đời ngày 14/1/2010, khi mới 47 tuổi.

Tài liệu của đài truyền hình Hàn quốc về cuộc đời LM Gioan ở Tonj đã được chuyển thành phim “Đừng Thương Tiếc Ngài Sudan” (Don’t Cry For Me Sudan). Chỉ xem phim 10 phút là ai cũng sụt sùi cảm động. (Theo Trầm Thiên Thu, Thánh Nhân của Thế kỷ 21, Catholic Herald.co.uk)

15. Em bé napalm

Câu truyện "Em bé napalm"- Phan Thị Kim Phúc đã làm rung động hàng triệu trái tim, do nhiếp ảnh gia Nick Út ghi lại khoảng khắc đau thương của một bé gái Việt Nam, 9 tuổi, trần truồng đang chạy hoảng loạn sau trận bom đổ xuống tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Theo lời chị thuật lại: "Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều một ngày tháng 6.1972, làng Trảng Bàng bùng cháy với những đợt bom napalm giội xuống. Tôi cùng những đứa trẻ khác cố chạy thoát, nhưng hai người anh sinh đôi của tôi đã chết tại chỗ… Rất đau lòng. Tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi đột nhiên lửa bùng lên quanh tôi. Quần áo tôi bị lửa thiêu trụi. Tôi bỏ chạy trên đường và lọt vào ống kính của chú Út. Tôi được chú Út đưa đến một bệnh viện nhi đồng của Mỹ cứu chữa....” Năm 1992, chị và chồng rời Cuba đến định cư ở Canada. Tại đây, tổ ấm của họ đã được vun đắp và chào đón hai cậu con trai.

Khi hỏi chị về ký ức “Em bé năm xưa” và những ngày đau đớn do bị bỏng bom napalm, chị Kim Phúc trải lòng: "Đừng nghĩ rằng cô bé khóc vì đau và sợ hãi mà hãy nghĩ rằng, cô ấy đang khóc vì khát vọng hòa bình. Kim Phúc cho biết thêm, khó khăn nhất đối với chị không phải là vượt qua những đau thương, mà chính là tha thứ cho những người đã bỏ bom ngôi làng và gây ra cho chị nhiều nỗi khổ đau. Chị nói: "Mọi người cũng muốn biết tôi sẽ trách cứ những ai và với những gì đã gây ra cho tôi, nhưng tôi không thể giữ mãi hận thù trong lòng. Cuộc sống đã dạy tôi hiểu rằng, tha thứ còn mạnh hơn bất kỳ vũ khí chiến tranh nào.”

Năm 2008, chị đã có bài phát biểu ấn tượng trên Đài phát thanh quốc gia Canada có tên là " Đường dài tới sự tha thứ", chị nói: "Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng, song trái tim tôi đã được chữa lành. Bom napalm công phá mạnh mẽ, nhưng lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ. Tôi luôn biết ơn những người đã cho tôi sự sống, giờ tôi có thể chấp nhận bức ảnh đó, như là một món quà đầy sức mạnh. Tôi có thể làm việc với nó vì hòa bình.”

16. Gặp được Chúa

Regina Riley có kể một câu chuyện mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu tâm tới. Trong nhiều năm trời bà đã từng cầu nguyện cho hai cậu con trai trở về với đức tin... Thế rồi một buổi sáng Chủ Nhật nọ, ngay trong nhà thờ, bà không the nào tin vào mắt mình nổi khi thấy hai đứa con bà bước vào nhà thờ ngồi vào hàng ghế đối diện bà. Sau đó bà liền hỏi hai cậu con rằng điều gì đã thôi thúc chúng trở lại với đức tin. Cậu nhỏ liền kể lại câu chuyện sau đây:

Vào một buổi sáng Chủ Nhật, vào thời gian nghỉ hè tại Colorado, hai cậu lái xe đổ xuống một con đường ở dốc núi, lúc đó trời đang mưa tầm tã. Bỗng nhiên họ gặp một cụ già không dù che, người ướt sũng đang bước đi dáng điệu khập khễnh. Dù mưa to, cụ vẫn hăng hái tiến bước trên đường. Hai anh em liền dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi lễ tại một nhà thờ ở cuối con đường cách đó ba dặm (quãng 5km). Hai anh em liền lái xe đưa cụ đến đó. vì trời mưa vẫn còn nặng hạt và chẳng bíêt làm gì hay hơn, nên hai anh em quyết định chờ đợi cụ già để mang cụ về lại nhà sau khi lễ tan. Nhưng ngay sau đó hai cậu liền nghĩ nếu thế thì nên vào luôn trong nhà thờ hơn là ngồi đợi ngoài xe, thế là trong khi hai anh em lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh và tham dự việc bẻ bánh thì có một điều đã làm họ xúc động sâu xa. Về sau họ chỉ có thể cắt nghĩa với bà mẹ như thế này: "Mẹ ơi! Mẹ biết không, lúc bấy giờ giống như là chúng con trở về nhà sau một chuyến đi dài đằng đẵng đầy mệt mỏi.”

17. Cái tách đựng trà

Câu chuyện "Cái tách đựng trà" của Lã Phụng Tiên sau đây nói lên ý nghĩa Lời Chúa đến với chúng ta hôm nay:

Một hôm có hai ông bà sang trọng bước vào một cửa tiệm bán đồ sành đồ sứ. Bà đến bên quầy hàng bày đầy những ly tách, bà cầm một cái tách uống trà lên và thỏ thẻ với ông: "Ông này, coi cái tách uống nước dễ thương quá!" Ông cầm lấy ngắm nghía một hồi rồi nói: "Đúng, bà nói đúng. Đây là cái tách đựng trà dễ thương nhất mà tôi đã thấy.” Tách trà liền nói: "Cám ơn ông bà khen tặng, nhưng cháu không phải luôn đẹp như vậy đâu.” Bà hỏi lại: "Sao cháu lại khiêm nhường thế? Lúc nào cháu cũng đẹp!" Tách đựng trà trả lời: "Trước kia cháu chỉ là cục đất sét xấu xa, thế nhưng, một ngày kia có người bàn tay ướt át ôm cháu bỏ lên bánh xe lăn. Sau đó ông quay cháu như chong chóng đến choáng váng. Cháu phát khóc mà ông cũng không tha. Bị xoay vần quá lâu, cháu đau mình mẩy đến muốn chết được. Sau cùng ông cho cháu ngừng, nhưng lại tệ hơn, ông bỏ cháu vào một cái lò nung nóng đến 500 độ. Cháu toát cả mồ hôi ra, da dẻ cháy khét, đen thui... Ông mới chịu cho cháu ra khỏi lò. Nhưng cô thư ký của ông quét lên mình cháu một lớp sơn khét lẹt, vẽ rồng rắn vào mình cháu rồi cô đặt cháu vào một chiếc lò nung còn tệ hơn lần trước, khiến da dẻ cháu xém lại, cứng nhắc như mot cái vẩy bằng sành. Sau cùng, cô để cháu ở ngoài cho nguội, rồi để lên kệ này bên cạnh chiếc gương to lớn. Cháu không thể tin được mình đẹp như thế. Cháu đã nhận thức ra rằng: Những đau đớn cháu chịu thật đáng giá va mang lại cho cháu một vẻ mỹ miều vẫn còn tồn tại."

Câu chuyện "Cái tách đựng trà" cũng mang một sứ điệp giống như bài Tin Mừng hôm nay. Trước khi Chúa Giêsu sống lại vinh quang, Ngài đã chịu khổ hình và đã chết đi trong đau khổ mà Thánh Phêrô đã tường trình rằng: Thiên Chúa đã cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại để "hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình.”

18. Thấy vậy mà không phải vậy

Khi nói về Khổng Tử, người ta có kể lại một giai thoại như thế này: Trong thời gian ở nước Tề, thầy trò của Khổng Tử đã gặp phải cảnh đói kém nhọc nhằn. Mỗi ngày một người chỉ ăn được một phần cơm nhất định mà thôi. Một ngày nọ, ông đang nằm đọc sách, chợt nghe có tiếng ai đó đang mở nắp nồi cơm.

Liếc mắt nhìn thì ong nhận ra đó là Nhan Hồi, người học trò thân tín của mình đang vốc từng nắm cơm cho vào miệng. Một lúc sau, khi cơm đã dọn xong, các môn sinh chắp tay mời thầy của mình dùng cơm. Nhưng rồi trước khi ăn, Khổng Tử ngõ ý muon dùng một ít cơm trắng để gọi là dâng cúng cho cha mẹ. Ý kiến này được mọi người tán thành. Riêng cậu học trò Nhan Hồi thì im lặng, dáng vẽ lắng lo nghĩ ngợi. Khổng Tử điềm nhiên hỏi tiếp: "Ta không biết cơm này có sach không?" Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Bấy giờ Nhan Hồi mới lễ phép thưa: "Dạ bẩm Thầy! Nồi cơm này không được sạch. Bởi vì trong lúc thổi cơm, con đã vô tình để bụi rớt vào, và con định xới lớp cơm bẩn đó bỏ đi. Nhưng con nghĩ rằng: cơm nấu thì có giới hạn, nếu bỏ đi số cơm bẩn đó thì sẽ mất một phần ăn. Nên mạn phép Thầy, con đã ăn phần cơm bẩn đó, còn cơm sạch để Thầy và các anh em ăn. Mà nồi cơm đã được ăn trước rồi thì chúng ta không nên cúng nữa Thầy ạ!" Nghe xong điều đó, Khổng Tử ngước mặt lên trời đấm ngực mà than rằng: trên đời này, có những việc chúng ta trông thấy rành rành trước mắt, mà còn hiểu không đúng sự thật, một tí nữa thì Khong Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ rồi.

19. Bắt đầu một sự sống mới

Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được sáu tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ.

Bởi những việc làm đắc lực và có hiệu quả, cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi đã chữa cô khỏi bệnh tim.

Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm mà đến Nam Mỹ với công việc hằng ngày là phục vụ những người khốn khổ. Cảm nghiệm về một cái chết gần kề đã giúp cô có một định hướng mới cho cuộc đời và sẵn sàng hy sinh tất cả cho một lẽ sống.

Ai cũng muốn sống, nhưng Lời Chúa cho biết có không ít người đã chết mà không hề biết: “Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức!” (Kh 3,1-2).

Khi phạm tội, người ta giết hại chính mình, nuôi kẻ sát nhân mà vẫn tưởng là phục vụ sự sống: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,14-15).

Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết để bắt đầu một sự sống mới nơi những ai tin. Cái chết đau đớn của Đức Kitô phô bày cho mọi người thấy rõ tội ác nặng nề của họ, không có ý làm cho ai thất vọng mà chỉ để đánh thức kẻ mê ngủ, dựng họ dậy để bắt đầu một cuộc sống mới: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa” (Cv 3,19).

20. Gia đình và sự hiện diện của Chúa

Để minh xác Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ muốn ban bình an cho ai tích cực và ý thức tham dự Thánh Lễ: Văn phòng Nghiên Cứu Hiện Tượng của Hoa Kỳ về Đời Sống Hôn Nhân, kết quả được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách về Gia Đình trích dẫn trong tài liệu có tựa đề “Bí tích Hôn Phối” xuất bản năm 1989 như sau:

- Trong 100 gia đình không theo đạo Công Giáo, thì có khoảng 50 gia đình ly dị (50%).

- Trong 100 gia đình theo Công Giáo, chỉ đi dự Lễ Chúa nhật thì có khoảng 10 gia đình ly dị (10%).

- Trong 100 gia đình Công Giáo, đi dự Lễ và rước Chúa hằng ngày, gia đình còn có giờ cầu nguyện riêng, thì ly dị xuống thấp nhất, tối đa chỉ còn khoảng 1% gia đình ly dị.

21. Niềm tin làm tất cả

Noreen Towers đang làm công tác từ thiện nhưng không có dấu hiệu thành công. Một đêm nọ, cô đi ngủ trong chán nản. Sáng hôm sau, sau khi thức giấc một lát, dường như Chúa Giêsu nói với cô: “Con không tin vào chương trình Ta sắp đặt cho con sao?” Cảm nghiệm trong nháy mắt đó đã biến đổi cô từ một người chán nản thành một người có niềm tin không gì lay chuyển được.

Tôi đã học được gì từ những giây phút chán nản trong đời mình?

Xuyên qua một trái tim bị dập nát, Chúa Kitô có thể bước vào (Oscar Wilde).

CNPS 3C

Lời Chúa

TRUYỆN KỂ

1. truyện

THỨ HAI - Tin vào Đấng Thiên Sai

Lời Chúa: Ga 6, 22-29

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu." Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến."

TRUYỆN KỂ

1. Đói khát tinh thần

Bốn tỷ người sống trên trái đất này. Nửa tỷ người chịu đói khát và suy dinh dưỡng mãn tính. Nhưng con số thống kê còn đáng sợ hơn về sự đói khát và thiếu thốn như sau: có đến 3 tỷ người đói khát và thiếu thốn về mặt tinh thần mãn tính. Đó là điều Chúa Giêsu đề cập đến trong bài đọc hôm nay, khi Ngài khuyến khích con người tìm kiếm không những lương thực cho thân xác. Mà còn tìm kiếm lương thực cho linh hồn nữa.

Ai là người tôi biết đang chịu đói khát tinh thần mãn tính? Bước khởi đầu để có thể giúp người đó là gì?

Mọi tâm hồn - từ một thiếu niên đến một tài xế - đều có một khoảng trống tinh thần mà chỉ tình yêu vô biên mới có thể thỏa mãn được.

2. Tìm kiếm – tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến

Vua Louis XIV, vị vua được gọi là Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil) và cũng được biết với danh hiệu Louis Đại đế (Louis le Grand hay Le Grand Monarque). Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp. Vua Louis thường có thói quen dâng thánh lễ tại nhà thờ Versailles. Dân chúng cũng đến đó tham dự thánh lễ rất đông.

Một Chúa Nhật kia, vua cũng đi dâng thánh lễ, nhưng hôm nay rất lạ vì có rất ít người tham dự. Nhà vua ngạc nhiên và hỏi Đức Giám mục chủ tế thánh lễ, lý do tại sao mà giáo dân hôm nay tham dự thánh lễ ít thế. Đức Giám mục trả lời là vì chính ngài đã tung tin ra: Hôm nay nhà vua không đi dự thánh lễ được. Bây giờ nhà vua mới hiểu ra được là người ta đi tham dự thánh lễ vì ai: Nhà vua hay Thiên Chúa…

Tìm đến với Chúa ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, thế nhưng lại chỉ mong được gặp vua, ngắm vua…

Thánh giám mục Gio-an Kim Khẩu nói rằng con người như bị ‘đóng đinh’ vào những sự vật của đời này. Thử quan sát quanh mình và thấy ngài nói có lý! Nhà doanh nghiệp đầu tư thời giờ, tiền bạc để có thêm lợi nhuận; viên chức tìm mọi cách để được thăng quan tiến chức, kể cả bằng cách ‘chạy’ cửa hậu; nông dân đêm ngày trông mong thời tiết thuận hoà để được vụ mùa bội thu; công nhân đấu tranh, đình công để được tăng lương; kẻ ‘no cơm rửng mỡ’ chỉ mong vui chơi trác táng sa đoạ; nghệ sĩ miệt mài đêm ngày để có những tác phẩm để đời…

Hối hả hay chậm rãi, say mê hay bất đắc dĩ, siêng năng ‘cày’ hay lao động sơ sơ ‘trớt quớt’, tất cả tâm trí, tay chân chúng mình như bị ‘đóng đinh’, bị dán chặt vào các giá trị của cuộc sống này, không còn chỗ cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

Đáp lại lời Đức Giê-su, mời bạn hãy ra công làm việc không phải chỉ nhằm có của ăn của để, mua sắm đồ đạc tiện nghi, vui chơi giải trí, hay chỉ để tồn tại qua ngày, nhưng còn vì những giá trị đem lại sự sống đời đời như “Tám Mối Phúc Thật” (khó nghèo, khiết tịnh, hiền lành, công chính…), xây dựng nền văn minh tình thương…

3. Như một giấc mơ

Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng, sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Bởi vì không sao ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại bài tường thuật trận đấu hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey đã ghi lại cảm tưởng thế này: “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ ước trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng."

Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không? Chúng ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc thật.

Đó là kinh nghiệm của J. Demsey: cứ tưởng chức vô địch sẽ đem cho anh sự nghỉ ngơi, thư thái, nào ngờ anh vẫn cảm thấy trống rỗng, lo sợ bị mất chức vô địch trong những lần đấu kế tiếp

4. Bé cái lầm

Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Ban đêm khỉ nhìn thấy con đom đóm bay lượn, chúng tưởng là cục than hồng. Thế là cả nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận cho thêm củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy.

Một con chim bay qua thấy cảnh tượng ấy bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là con đom đóm." Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi.

Một lẫn nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi mạnh hơn vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh đống củi và con đom đóm.

5. Luôn thuộc về Chúa

Một nhà truyền giáo kia kể lại câu chuyện sau đây:

Một hôm, có một người bản xứ vội vã chạy đến tìm gặp tôi. Anh la lớn: “Thưa Cha! cách đây 25 cây số có một người đang hấp hối. Cha hãy đến mau!”

Vài phút sau, tôi ra khỏi thành phố, hướng về phía Nam. Trong nhiều giờ, chúng tôi cuốc bộ dưới ánh nắng chói chang và qua những con đường đầy bụi bặm. Những lời nói của người dẫn đường làm cho tôi có cảm giác như có một cái gì đó bất thường sắp xảy ra. Anh ta nói với tôi về một người bệnh, một người bệnh trong một ngôi chùa. Cuối cùng, thì tôi cũng đã hiểu ra: Đó là một người Kitô hữu già làm nghề gác chùa từ rất lâu! Ông ta giữ nhiệm vụ canh chùa, rung chuông đánh trống mỗi khi có các buổi lễ. Bây giờ, ông ta sắp chết vì thế ông nhờ người đi tìm Linh mục.

Buổi chiều, chúng tôi đến nơi, trong một góc chùa, trên một chiếc chiếu, tôi nhận thấy một cụ già rất gầy và hầu như đang hấp hối. Ông nhìn tôi cười và nói một cách khó nhọc:

- Thưa Cha, cha đã đến. Cha đã không quản ngại đường sá xa xôi. Con cám ơn Cha.

- Nhưng... tại sao cụ lại ở đây! Tôi được biết là cụ đã ở đây giữ chùa, phục vụ các ngẫu thần và bỏ rơi Thiên Chúa duy nhất chân thật mà cụ đã tuyên xưng khi chịu phép rửa!

- Thưa Cha - Ông cụ rên rỉ - xin Cha hãy cúi xuống một tí để nghe con nói và hiểu giùm con. Đúng là con giữ chùa, con rung chuông, đánh trống. Nhưng chỉ vì cái này (ông phác một cử chỉ ăn uống), nhưng bên trong con nói: “Chúa ơi, xin đừng giận con, Chúa biết rằng, chỉ vì cái ăn, nhưng cái này (ông đưa tay chỉ ngực) luôn thuộc về Chúa!”

Sau lời thú nhận này, đôi mắt ông rực sáng. Tôi quỳ xuống gần bên chỗ nằm đáng thương của ông, nghe ông xưng tội và ban của ăn đàng cho ông. Ông ta tỏ vẻ sung sướng biết là ngần nào. Tôi thấy là ông chẳng còn sống được bao lâu nữa, những cơn đau kinh khủng đang dày xé thân xác gầy mòn của ông. Tôi tìm cách an ủi, nhưng con người đang hấp hối này nói với tôi bằng một giọng vui vẻ:

- Điều đó không có gì quan trọng cả, thưa Cha, con muốn chịu đựng tất cả, vì chẳng bao lâu nữa, con sẽ được vào Nước Trời, ở đó mọi sự đều rất tốt đẹp!

Vài ngày sau, tôi nhận được tin cụ già đã qua đời một cách bình an trong ngôi chùa của cụ...

Vâng! “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

6. Henry Dunant và Alfred Nobel

Ông Henry Dunant,người sáng lập Hội Chữ Thập Đỏ: Ngày 24/6/1859 ông đến Thụy Sỹ gặp vua Napoléon III nước Pháp, xin cấp Giấy Phép lập nhà máy xay lúa tại Algerie - là thuộc địa của Pháp. Trong quán trọ ông ngồi nhìn về phía cánh đồng Solpherino: cuộc chiến ác liệt đang xảy ra. Trong trận chiến ấy có trên 300 ngàn binh sĩ hai phía bị thương kêu la! Ông Dunant chán ghét chiến tranh, ông cho chuyển các binh sĩ bị thương vào làng để chăm sóc. Sau đó ông viết tác phẩm hồi ký về cuộc chiến tại Solhpherino gởi cho các thủ lãnh trên thế giới ký vào bản dự án lập Hội Chữ Thập Đỏ để chăm sóc binh sĩ bị nạn không phân biệt thù hay bạn.

Ngày 26/10/1863 có 16 quốc gia họp tại Genève ủng họ sáng kiến ông và họ lấy hình chữ thập làm dấu chỉ trên các bệnh viện hay các xe cứu thương. Năm 1901 ông Dunant được giải thưởng Nobel.

Tại sao gọi là Giải Thưởng Nobel? Ta biết ông Alfred Nobel cũng là mẫu người lao công vào việc của Thiên Chúa, vì trước đó ông phát minh ra chất nổ, sản xuất hàng loạt vũ khí giết người, ông đã thu được rất nhiều tiền, sở hữu một tài sản kếch xù! Nhưng khi ông đọc báo biết vô số người đã chết vì chất nổ ông phát minh. Ông rất hối hận về việc tìm ra vũ khí giết người, ông liền bán hết gia tài, lấy tiền hiến cho Liên Hiệp Quốc để làm giải thưởng cho bất cứ ai đóng góp vào nền hòa bình của thế giới.

Vào cuối đời, lúc ông Dunant lâm bệnh, ông xin vào một bệnh viện dành cho hành khất bên Thụy Sĩ, để lại di chúc: “Hoặc tôi là môn đệ Chúa Giêsu hay ít là giống các tín hữu thuở ban đầu, hoặc tôi không là gì cả.”

7. Đại gia ảo

Một điền chủ muốn thưởng công xứng đáng cho nông dân đã chăm chỉ cầy sâu cuốc bẫm, chăm sóc ruộng đất cho chủ trong suốt một thời gian dài. Vào một buổi sáng nọ, ông chủ cho gọi người nông dân đến và nói:

- Nhờ anh mà tôi được giàu có thêm. Hôm nay, tôi quyết định cho anh một phần thưởng. Anh biết rõ ruộng đất của tôi rộng thẳng cánh cò bay. Vậy vào lúc mặt trời mọc sáng ngày mai, tôi cho anh chạy trên đất của tôi nhanh chậm tùy ý. Anh phải tính thế nào để đúng lúc mặt trời lặn, anh phải trở về điểm khởi hành. Vòng tròn thửa đất có vết chân của anh đã chạy sẽ là ranh giới tài sản mà tôi cho anh.

Anh nông dân hết sức mừng rỡ. Vì khỏe mạnh nên anh chạy nhanh như gió. Càng về chiều, anh càng chạy nhanh hơn. Nhìn lại thửa đất mênh mông mà anh đã chạy vòng qua, anh càng hăng hái và ráng chạy, chạy nhanh, thật nhanh. Lúc mặt trời vừa lặn thì cũng là lúc anh vừa trở về lại điểm khởi hành. Thế nhưng, vừa về đến nơi thì anh cảm thấy choáng váng trong người. Mặt tái mét, mắt hoa lên, rồi anh ngã xuống đất và rồi tim anh ngừng đập. Anh đã tắt thở trước mặt mọi người! Thế là hết! Lúc đó, anh chỉ còn cần có 3 tấc đất người ta gửi tấm thân anh vào đó.

8. Những vị cứu tinh

Đã có một thời bộ phim miền Viễn Tây (phim cao bồi) rất được ưa chuộng trên truyền hình. Những chương trình này cho thấy nhiều anh hùng, nhiều vị cứu tinh khiến chúng ta cảm thấy thoải mái dễ chịu. Họ phi ngựa vào các làng mạc, cứu mọi người thoát tay kẻ ác, rồi phi ngựa mất hút vào bóng đêm. Thế rồi những vị cứu tinh anh hùng mới đến thay thế họ đúng lúc, đó là cảnh sát, thám tử, người làm công tác xã hội. Những người này cũng cứu người ta khỏi tay kẻ ác và ra đi mà không hề hấn gì.

Những vị cứu tinh anh hùng trên phim ảnh khác với những vị cứu tinh thực sự, như Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả, Stẹfanô. Những vị này nói về cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, khổ đau và ngay cả cái chết.

Tôi đã chịu được nổi khổ đau nào vì Chúa Kitô trong cuộc chiến chống lại tội lỗi?

Những ai quên mình vì Chúa Kitô sẽ được hưởng ân phúc trong Ngài (John Mason).

9. Thành đạt trống rỗng

Võ sĩ quyền anh Jack Demsey đi ngủ vào khoảng hai giờ sáng sau khi đoạt chức vô địch thế giới hạng nặng. Một giờ sau, anh chợt thức giấc. Anh vừa mơ thấy mình mất chức vô địch mới đoạt. Không thể ngủ lại, anh đi ra ngoài và mua vài tờ báo để xem người ta bình luận gì về trận đấu. Về sau anh nói: “Đọc qua vài bài, tôi bắt đầu nhận ra rằng thành công không như tôi vẫn tưởng. Đọng lại trong tôi là cảm giác kỳ lạ về sự trống vắng.”

Kinh nghiệm của Demsey mời gọi tôi tự hỏi: Đã bao giờ tôi kinh nghiệm “một cảm giác trống vắng kỳ lạ” về cuộc đời mình chưa?

[Chúa Giêsu cảnh giác:] “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế” (Lc 12,21).

THỨ BA - Bánh trường sinh

Lời Chúa: Ga 6, 30-35

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời.”

Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian.”

Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi.”

Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.”

TRUYỆN KỂ

1. Thế giới hôm nay đang nghèo đi

Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến năm 2000, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực?

Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ.

Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay.

Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng không đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn.

Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.

2. Lương thực trường sinh

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và làm giàu, hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: “Có tiền mua tiên cũng được.”

Thế nhưng, 25 năm sau những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?

Charles Schwab, Giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, Giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Howard Hopson, Giám đốc của một hãng gas lớn trở nên điên loạn. Arthur Cutten, Chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney, Giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình… (Theo đài Veritas)

Thật thế, con người chỉ lo tìm kiếm tiền bạc vật chất, chính nó lôi kéo dẫn người tìm kiếm nó vào con đường “đầy sương mù”, và dẫn tới mất phương hướng khi vào đường cụt của cuộc đời.

3. Niềm vui của Chúa

Người ta kể lại rằng, có lần thánh nữ Gertruđê đang Suy Niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi không biết làm sao mà Chúa lại có thể tự hạ mình xuống thấp như thế, để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu đã hiện ra và cắt nghĩa cho bà. Người cắt nghĩa bằng một câu chuyện sau. Người nói:

Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:

- Hôm nay, hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố ?

- Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.

Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.

Rồi Chúa nói với thánh Gertruđê:

- Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.

Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để luôn có được niềm vui.

4. Cuộc sống đâu chỉ là cơm bánh

Bà Marthe Robin một trong những người được in năm dấu thánh. Bà đã qua đời cách đây không lâu.

Hơn 30 năm trời bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Tôi xin nhắc lại: hơn 30 năm. Vâng, 30 năm trời như vậy, mỗi ngày có một linh mục đem Mình Thánh Chúa đến cho bà. Và mỗi khi linh mục đem Mình Thánh Chúa đến thì ngài có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng nơi miệng bà thật sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, có cha linh hướng săn sóc, đi đâu cha cũng khóa cửa lại, vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.

 Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo cũng chẳng nghe được đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin bà việc gì, thì bà trả lời như thể bà đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẻ nhất về nơi chỗ diễn tiến của sự việc vừa xảy ra. Làm sao cắt nghĩa được sự kiện lạ lùng này nếu không tin vào quyền năng của Thiên Chúa!

5. Tình yêu là lẽ sống

Một buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ấy phải đứng hàng giờ phơi nắng ngoài sân! Mãi đến chiều, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nghiến trên nền đá nghe “cộp, cộp!” Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người phải thế mạng và buông lời cộc lốc: “Mày!” Cứ như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10, thì anh bật khóc nức nở! Trong số các tù nhân đang đứng tại đó có Linh mục Maximiliano Kolbe liền giơ tay xin phát biểu:

- Xin ông cho tôi được chết thay cho người này!

Viên sĩ quan quát:

- Con heo Ba Lan kia, mày có điên không?

Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp:

- Thưa không, tôi là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống.

Trước sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, rồi buông lời:

- Thuận.

Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói! Trong hầm, cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người kia xin theo Đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy viên cai ngục chích cho ngài mũi thuốc kết thúc cuộc đời…!

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó có gia đình anh tù được chết thay cũng có mặt.

6. Nhu cầu thiết yếu để làm người

Một quan chức – miễn nêu tên – trong một chuyến công cán nước ngoài tuyên bố rằng dân ta chỉ cần ăn no cái bụng, còn những giá trị tinh thần thì không cần thiết, nếu không nói là đồ xa xỉ. Nói thế có nghĩa là phải xây cái “hạ tầng cơ sở” là những nhu cầu vật chất, thể lý cho vững chắc đã, rồi mới “leo” dần lên những bậc thang giá trị cao hơn.

Thế nhưng theo bà Natulla, một nhà nghiên cứu xã hội học, thì người ta có thể “đạt tới những nhu cầu cấp cao hơn” ngay cả khi những nhu cầu cấp thấp chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhận định đó mở đường cho chúng ta đón nhận lời Chúa. Theo tính tự nhiên, người ta phải thoả mãn nhu cầu cơm bánh: muốn có một thứ lương thực ăn vào sẽ không phải đói, không phải khát nữa.

Chúa Giêsu cho biết tìm kiếm lương thục trường sinh là nhu cầu tối thượng, vượt trên cả nhu cầu về cơm bánh. Và Ngài là thứ bánh trường sinh đó.

Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Phải dám khước từ cả tiền lẫn quyền để giữ cho được cái “sạch,” cái “thơm” xứng đáng với phẩm giá con người. Cũng thế phải dám hy sinh những nhu cầu cấp thấp nếu chúng cản trở không cho chúng ta đạt được nhu cầu tối thượng là sự sống đời đời.

7. Tình yêu trổ sinh sự sống

Cuộc tử đạo của thánh Stêfanô đã tác động đến Saolô một cách sâu sắc. Ông đã trở thành Phaolô, một nhà truyền giáo lỗi lạc nhất của Kitô giáo. Khi chúng ta lưu ý đến lời cầu nguyện của Stêfanô và những gì Phaolô thấy, trong tâm trí ta nảy ra hai ý nghĩ. Thánh Augustinô đã diễn tả ý nghĩ thứ nhất như sau: “Nhờ lời cầu nguyện của Stêfanô, Giaó hội có được Saolô.” Còn Tertulianô, một nhà văn Công giáo thời xưa đã diễn tả ý nghĩ thứ hai như sau: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống của Giaó hội.”

Tôi hiểu câu nói của Augustinô và của Tertulianô như thế nào?

Đó không phải là nỗi khổ đau, mà là nguyên nhân làm nên những vị tử đạo (Ngạn ngữ Anh).

8. Nhân loại đói những gì?

Cuộc tử đạo của thánh Stêfanô đã tác động đến Saolô một cách sâu sắc. Ông đã trở thành Phaolô, một nhà truyền giáo lỗi lạc nhất của Kitô giáo. Khi chúng ta lưu ý đến lời cầu nguyện của Stêfanô và những gì Phaolô thấy, trong tâm trí ta nảy ra hai ý nghĩ. Thánh Augustinô đã diễn tả ý nghĩ thứ nhất như sau: “Nhờ lời cầu nguyện của Stêfanô, Giaó hội có được Saolô.” Còn Tertulianô, một nhà văn Công giáo thời xưa đã diễn tả ý nghĩ thứ hai như sau: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống của Giaó hội.”

Tôi hiểu câu nói của Augustinô và của Tertulianô như thế nào?

Đó không phải là nỗi khổ đau, mà là nguyên nhân làm nên những vị tử đạo (Ngạn ngữ Anh).

9. Vẫn đói bên cạnh kho lương thực

Vào thập niên 1800, một gia đình di dân tiêu xài gần hết số tiền của mình để mua vé tàu sang Mỹ. Để tiết kiệm số tiền ít ỏi còn lại, họ ở lại trong buồng, ăn bánh khô và uống nước lã, chứ không đến phòng ăn trên tàu với thức uống mắc hơn. Khi cập biến Nữu Ước, họ mới biết các bữa ăn trên tàu không tốn tiền, nó bao gồm trong tiền vé.

Nhiều người cũng trải qua cuộc đời bằng cung cách như thế. Họ nhìn đói về mặt thiêng liêng hơn là ăn “Bánh sự sống.” Bánh được biếu không nơi bàn tiệc Thánh Thể (Bữa tối của Chúa).

Đâu là kinh nghiệm của tôi về Bữa tối của Chúa trong thời điểm hiện tại của tôi? Tôi có thể làm gì để đào sâu và làm cho kinh nghiệm đó phong phú hơn?

Hiệu quả của việc chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô là biến đổi chúng ta thành chính cái chúng ta lãnh nhận (Đức Giaó Hoàng Lêô Cả).

10. Chúa chịu chết để làm gì?

“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống.” Đó là lời của Suzana sau khi được cứu trong trận động đất ở Armenia vào tháng 12/1987. Con gái 4 tuổi khát nước. Mẹ rạch ngón tay mình cho con bú. Hành động cảm động đó càng làm nổi rõ hành động tự hiến của Đức Giêsu lấy thịt máu mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Thật vậy, đó không chỉ là hành động ‘anh hùng’ để cứu một người con, mà là để cứu muôn muôn người. Đó không chỉ là hành động của con người mà là của Thiên Chúa. Đó không chỉ để làm của ăn của uống mà còn là để ký kết giao ước vĩnh cửu.

Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là đến với Ngài để thông dự vào sự sống thần linh của Ngài. Niềm tin đó ắt phải dẫn bạn đến việc lãnh nhận Mình Máu Chúa, để sự sống thần linh đó lớn lên trong bạn.

THỨ TƯ - Ý nghĩa của cuộc sống

Lời Chúa: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời."

TRUYỆN KỂ

1. Sống là chính Đức Kitô

Một mục sư nọ kể câu chuyện sau:

Hai người bộ đội vào một giáo đường để trốn các cuộc truy lùng. Khi bước vào giáo đường, họ đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn ngay tại chỗ, ai bỏ đạo đứng sang bên phải. Có một số người đứng sang bên phải và được thả về nhà ngay, những người còn lại vẫn hiên ngang chờ đợi cái chết. Khi những kẻ nhát đảm ra khỏi nhà thờ, hai người lính mới hạ súng xuống và ôn tồn nói: “Chúng tôi cũng là Kitô hữu, sở dĩ chúng tôi làm thế, vì chúng tôi muốn biết ai là người thực sự sẵn sàng chết cho đức tin của mình, chỉ những người đó mới đáng tin cậy."

Sống đức tin có nghĩa là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đó là đức tin mà Giáo Hội mời gọi chúng ta củng cố khi cho chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay.

2. Chu toàn ý Cha

Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848. Cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồm một. Ông cầm lấy cây thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này."

Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là Vua của con!"

Ðức Giêsu đến không làm theo ý mình, nhưng là để chu toàn ý Cha: “Ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời."

3. Cửa không khóa

Buổi sáng bà lão ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.

Không biết làm thế nào ?! Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hợp.

Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang. Thì ra khi đi ra bà không khóa cửa.

Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào. (Góp nhặt)

4. Vị thầy duy nhất

Cha Matthêô, vị tông đồ của Phong trào tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong các gia đình, thuật lại một câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mình:

Tôi ở Lộ Đức, khi vừa giảng xong tôi bước xuống khỏi hang đá, khá mệt. Một nông dân tiến lại gần, cầm tay tôi và nói:

- Có phải cha là người vừa giảng ở Vương Cung Thánh đường không ?

- Vâng!

- Ồ quí hóa quá. Từ nhiều năm nay con vẫn dâng việc rước lễ hàng ngày và giờ thờ lạy Mình Thánh Chúa mỗi tuần của con, để xin Trái Tim Chúa ngự trị trong mọi gia đình, và cha vừa giảng với mục đích ấy.

Tôi nói với ông:

- Hãy đến khách sạn với tôi. Chúng ta sẽ nói chuyện lâu dài với nhau.

- Đến khách sạn với cha ư ? Thưa cha không thể được, vì con còn có xe bò. Con không thể để xe và các con bò ở đây để đến với cha ngay được.

- Vậy tối nay, 8 giờ đến nhé.

- Tối nay, 8 giờ. Dạ, được.

Ông ta đến và chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến nửa đêm. Người nông dân nói chuyện như một nhà thần học có tầm cỡ. Cuối cùng, tôi nói với ông:

- Ông muốn trở thành bạn của tôi không ?

- Thưa cha, muốn lắm chớ.

- Vậy các người bạn thường viết thư cho nhau, ông nhớ viết thư cho tôi nhé.

Bác nông dân lắc đầu lia lịa:

-Thưa cha, con không biết đọc và biết viết.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy ông học ở đâu được tất cả những gì ông vừa nói với tôi thế ?

Đến lượt ông ngạc nhiên:

- Ở đâu ư ? Cha hỏi con học ở đâu khi mỗi ngày cha đều dâng lễ. Ở bên Người, bên Chúa, chính Người là vị thầy duy nhất của con.

5. Chúa là Đấng Cứu độ

Và đây là trang nhật ký của một Linh mục:

“…Đức Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì thật khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh…Rồi chẳng biết từ đâu, Triết Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng nó lại có sức giật tung những gì mòn mỏi trong lòng tôi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho tôi được ra ở một mình trên núi, sống với nắng, với gió mưa, với đói khát, và với cả sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi để tâm suy, trí niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi. Sau một năm, tôi hết phép. Với thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, lại mò về nhà dòng hoàn toàn tay trắng! Nhưng Chúa Giêsu cứ đeo bám tôi mãi. Một năm trời nổi loạn, thất bại đã trôi qua và kể như trắng tay, tôi được bề trên gọi làm …Linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi bất động trong nhà nguyện trầm lặng nhưng lòng như bị đay nghiến, như một mất mát đòi tôi phải đền bù.

Một đêm trước khi làm Linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà chầu. Có cái gì đó hơn là một cảm giác, hơn là một sự rung động, phủ chụp lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi hiểu rằng, cho dù có là hòn đá, hòn sỏi, dù tôi có là con người bê bết lấm bùn, thân tàn ma dại, dù đã làm hỏng cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi. Việc đó làm cho tâm hồn tôi bừng sáng lên huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa cuộc đời của tôi…

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và Ngài khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata).

6. Chúa là lương thực

Ngày 21-07-1969, hai phi hành gia người Mỹ đã đổ bộ xuống mặt trăng.

Anh Amstrong đạo Tin Lành, gởi ngay một bức điện về trái đất: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.” (Tv 19/18, 2).

Còn Adryan, người Công Giáo, anh vội mở hộp đựng Mình Thánh Chúa và rước Lễ.

Như thế lần đầu tiên hai phi hành gia đã đưa hai Lương Thực chính của bàn tiệc Thánh Lễ lên mặt trăng:

- Một anh viết Lời Chúa: Tv 19/18, 2 trên tấm bảng mica và cắm trên mặt trăng.

- Một anh rước Mình Thánh Chúa, bảo đảm cho anh được sống đời đời, khi anh bước ra khỏi trái đất sang một hành tinh khác.

7. Tôi thuộc nhóm nào?

Trong cuốn sách “Cuộc tan vỡ lớn”, nhà thần học người Anh C.S.Lewis chia thế giới thành hai nhóm người: những người nói với Thiên Chúa: “Xin cho ý Chúa được thể hiện”, và những người Thiên Chúa nói với họ: “Thôi, tùy ý con.”

Lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay và hai nhóm người trên đây mời gọi tôi tự hỏi tôi thường thấy mình thuộc nhóm người nào? Tại sao?

Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, thì tồn tại mãi mãi (1Ga 2,27).

8. Chết không phải là hết

Hơn bất cứ một nhà khoa học nào khác, Wernher von Braun chịu trách nhiệm về việc đưa người Mỹ lên mặt trăng. Trước khi chết, ông đã đưa ra chứng cớ liên hệ đến đời sống sau cái chết: “Tôi nghĩ rằng khoa học gây ngạc nhiên thực sự đối với những ai hoài nghi… Không có gì trong thiên nhiên, ngay cả những phân tử nhỏ nhất có thể biến mất mà không để lại dấu vết. Thiên nhiên không biết đến sự hủy diệt. Tất cả điều nó biết là sự biến đổi. Mọi điều khoa học dạy và tiếp tục dạy tôi khiến tôi thêm vững tin rằng đời sống tinh thần vẫn tồn tại sau cái chết.”

Tại sao tôi không sống phù hợp hơn với niềm tin rằng cuộc sống này chỉ là bước khai mở vào đời sống vĩnh cửu?

Nếu tôi khám phá nơi mình một khát vọng mà không kinh nghiệm nào trong cuộc đời này chỉ có thể thỏa mãn, thì cách giải thích thỏa đáng nhất là tôi được tạo dựng cho một thế giới khác (C.S.Lewis).

THỨ NĂM - cử hành Thánh Thể

Lời Chúa: Ga 6, 44-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo." Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha.

Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống."

TRUYỆN KỂ

1. Thịt Máu Chúa Giêsu

Ở cổng nhà Dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một Thày dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marxellino đã leo lên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá.

Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marxellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh Giá. Từ đò, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh Giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi: “Con thích điều gì nhất." Cậu bé đáp: “Con muốn được thấy mẹ con." Người khổng lồ liền nói: “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say." Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marxellino nữa, họ đi tìm và này cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Đối với Marxellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được chăm sóc Chúa."

Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

2. Bánh trường sinh là Đức Giêsu

Có một câu chuyện kể rằng: hai người yêu nhau tha thiết, nhưng chàng trai có lệnh lên đường đi nhập ngũ trong thời chiến. Bạn gái rất đau khổ, vì không biết đi như vậy, liệu có sống sót trở về không? Vì thế, nàng khóc lóc thảm thiết! Tuy nhiên, lệnh đã được ban, chàng không có cách nào khác, đành lòng rời xa nàng để đi thi hành nhiệm vụ. Trước khi chia tay, chàng tặng nàng một chiếc khăn mùi xoa với hoa văn thêu rất đẹp. Nàng trân trọng đón nhận và lưu giữ kỷ vật ấy như là vật thiêng thánh, và thi thoảng bỏ ra xem.

Mỗi lần nhìn thấy khăn đó, nàng có linh cảm như chàng đang ở trước mặt mình. Vì thế, nàng có thể cười hay khóc rất tự nhiên, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc!

Như vậy, qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cô gái có một niềm tin mãnh liệt rằng: chiếc khăn ấy chính là hiện thân của người yêu mà mình hết mực thương mến.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì được sự sống đời đời."

3. Mầu nhiệm đức tin

Phương Tây vào thế kỷ XVI sau khi Christophe Colomb khám phá châu Mỹ ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới này có một ngọn suối trường sinh.

Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon… liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại thần tiên đó, nhưng đó cũng chỉ là giấc mộng hão huyền…

Đức tin mà Đức Giêsu rao giảng là một hồng ân của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44).

Trong đức tin, nếu chúng ta sống kết hiệp với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên tràn ngập hồng ân. Chính lúc đó, chúng ta mới cảm nghiệm được sâu sắc lời của thánh Augustinô: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin."

4. Bí quyết trường sinh bất tử?

Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên ông tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng.

Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thủy Hoàng liền phái nhiều tầu thuyền chất đầy châu báu ngọc ngà quí hiếm để đi tìm, với hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây mồ như cung điện nguy nga, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết.

5. Để tình thương của Chúa lôi kéo

Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca tứ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ “đến” được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất đã không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.

6. Được Chúa hơn mọi điều được

Bà J. Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigéria, châu Phi, đã kể lại câu chuyện cảm động sau đây:

Một ngày kia bà được mời đến dự lễ Giáng Sinh được tổ chức tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên bà chứng kiến một số người cùi đông như vậy. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào bà cũng thấy những người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Bà thấy họ thật đáng thương, bệnh tật gậm nhấm dần và hủy hoại thân thể họ, nhưng khuôn mặt người nào cũng bày tỏ niềm vui, mắt họ sáng ngời khi họ hát những bài thánh ca Giáng Sinh.

Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc sách Thánh, ông phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời người đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi ấy giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên, ông nhỏ nhẹ nói:

- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.

Bà Scaggs lấy làm lạ, nói với người thông dịch rằng, anh ta dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì “được cùi” bao giờ. Người thông dịch tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích nguyên do:

- Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ biết Chúa, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!

7. Bánh hằng sống

Trong một cuộc họp mặt đông đảo của những người Kitô hữu, tại một nhà thờ ở Tây Đức, để tiếp đón mẹ Têrêsa Calcutta, người ta dâng lên cho mẹ một bó hoa tuyệt đẹp.

Bỡ ngỡ trước lòng quí mến và trọng kính mà cử tọa dành cho mình, mới đầu mẹ Têrêsa tỏ ra hơi lúng túng. Nhưng sau đó vài giây, với thái độ đơn sơ quen thuộc, mẹ đã ôm bó hoa, đi thẳng lên trên cung thánh, quì gối trước bàn thờ, rồi đặt bó hoa mà mẹ vừa được trao tặng, trước nhà tạm.

Cử chỉ này của mẹ Têrêsa cho thấy, Thánh Thể chính là nguồn tình yêu và nghị lực mà từ đó mẹ đã kín múc lấy cho cuộc sống dấn thân và phục vụ cách vô vị lợi của mẹ.

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6,51)

Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho thế gian” (Ga 3,16).

8. Ai có tai thì nghe

Trong suốt thời kỳ khủng hoảng, một văn phòng đầy những người đến xin việc làm người đánh điện báo. Những tiếng gõ đều đều của mật mã… Cánh cửa mở ra, một người khác nữa đến xin việc bước vào. Anh đứng đó một lúc, rồi bước đến phòng có đề bảng “phòng riêng” và gõ cửa. Một người mở cửa và nói với những người khác: “Các anh có thể đi, chúng tôi đã tuyển được người.”

Những người kia giận dữ và đòi được giải thích. Người mở cửa nói: “Hãy lắng nghe.” Họ đã lắng nghe tiếng mật mã cứ lặp đi lặp lại: “Nếu các anh nghe được tiếng này, hãy bước vào, công việc đó thuộc về các anh.”

Câu truyện nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa thường xuyên nói với chúng ta, nhưng chúng ta không lắng nghe.

Chúa Giêsu kết luận: “Ai có tai nghe thì nghe” (Lc 8,8).

9. Ai thấy Thầy là thấy Cha

Một nữ sinh trung học nói trong một cuộc hội thảo: “Tôi không thể tin vào Thiên Chúa nữa.” Giáo sư của cô đáp lại: “Có lẽ Thầy phải chúc mừng em.”

Cô hỏi: “Ý Thầy muốn nói gì ạ?” Giáo sư trả lời: “Có lẽ ý tưởng về Chúa mà em chối bỏ.”

Ở đây có một điểm rất quan trọng. Thông thường, Thiên Chúa mà người ta chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật, mà chỉ là ý niệm sai lầm về Thiên Chúa vốn chỉ hiện hữu trong tâm trí họ mà thôi. Hình ảnh rõ nét nhất của Thiên Chúa được tìm thấy nơi Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14,9).

Điều gì nơi Chúa Giêsu nói với tôi cách hùng hồn nhất về Cha?

"Như bản in của con dấu trên sáp là hình ảnh rõ ràng của con dấu đó. Cũng vậy, Chúa Kitô là hình ảnh rõ nét nhất, biểu lộ hoàn hảo nhất của Thiên Chúa" (Thánh Ambrôsiô).

10. Tình yêu mạnh hơn sự chết

 “Tôi muốn con tôi sống." Đó là ước nguyện của bà Suzanna khi bà và đứa con gái 4 tuổi bị lấp vùi dưới đống gạch vụn trong cuộc động đất ở Liên Xô năm 1987.

Nghe tiếng kêu than của đứa bé “Mẹ ơi con khát quá!” bà đau lòng lắm nhưng biết lấy đâu ra nuớc! Tình mẫu tử đã gợi cho bà ý tuởng táo bạo, lấy máu của mình cho con uống. Bà cắt lần lượt đầu ngón tay của mình và đút vào miệng bảo con nút. Sau khi được cứu sống bà nói: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống."

Câu chuyện cảm động trên gợi lên cho ta Tình Yêu Cao Cả của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Vì yêu, Ngài đã hy sinh chính mạng sống của mình, chịu chết trên thập giá, đổ ra đến giọt máu cuối cùng. Hơn thế nữa, Ngài còn ban tặng chính thịt máu mình làm của ăn của uống trường sinh cho ta qua Bí Tích Thánh Thể.

Ước mong của Ngài là chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu.

THỨ SÁU - Con đường hiến thân

Lời Chúa: Ga 6, 53-60

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời."

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Capharnaum.

TRUYỆN KỂ

1. Con đường hiến thân

Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Nga đã đưa du khách đầu tiên vào không gian. Vị du khách này là một triệu phú người Mỹ, tên là Dennis Titô. Ông Titô đã rời căn cứ phi thuyền không gian vào tối thứ Bảy tháng 4 năm 2001 và được đưa lên trạm không gian quốc tế.

Sở dĩ cơ quan không gian Hoa Kỳ là NASA phản đối chuyến đi này là vì cho rằng ông Titô có thể gây ra nguy hiểm cho các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Nga cam đoan rằng sứ mạng của ông Titô sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến du hành vào không gian. Ðược biết, vé du lịch không gian của ông Titô là hai mươi triệu mỹ kim.

Phải bỏ ra một số tiền kếch xù như thế để ra khỏi trái đất tìm một chút cảm giác thoát tục để trở thành một con người nổi tiếng quả là điều không cân xứng. Trong khi con người muốn bay lên trời cao bằng những phương thế và xác thịt riêng của mình, thì Ðấng từ trời cao đã xuống trần gian, để chỉ cho con người cách thế đúng đắn nhất để lên trời cao.

2. Sống bằng sự sống của Thiên Chúa

Triết gia Nietzsche của Đức đã cho rằng: "Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người."

Thật ra, con người không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.

3. Hiệu quả của Thánh Thể

Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin Lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau: “Sao các ông lại hỏi tôi? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào Lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi! Nhưng tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời."

Câu trả lời của Daniel Connell cho ta thấy: Niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là điều kiện để ta được ơn cứu độ

4. Mình Máu theo nghĩa đen

Hôm nay Đức Giêsu nhắc lại chủ đề mấy ngày hôm trước và đưa ra thêm yếu tố mới. Ngài nói: “Bánh Ta sẽ ban là thịt máu Ta... Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”, nghĩa là trong phần trước, Chúa chỉ nói Ngài là bánh bởi trời đích thật, trong phần này, Chúa nói rõ hơn bánh đó chính là thịt máu Ngài: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống."

Nghe Chúa nói như vậy, phản ứng của người Do thái có vẻ mạnh hơn trước, họ xô xát nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt ông ta mà cho chúng ta ăn được?” Họ đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen và cũng chính là ý nghĩa mà Chúa muốn nói. Cho nên, dù dân chúng có phản đối, các môn đệ có bỏ đi, Chúa chẳng những không rút lời, nhưng lại giải thích rõ hơn và nhấn mạnh hơn: “Quả thật, thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết."

5. Mình Thánh Chúa tôi đang cất giấu.

Thời cách mạng Pháp 1789, Giáo hội tại đây bị bách hại dữ dội. Cha xứ Breta cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia đình của cậu bé Benjamin. Cậu bé rất sung sướng, vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ. Đến đó, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có tiếng xì xào, một toán lính đang tiến lại. Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu bé rước, dầu cậu bé chưa được rước lễ vỡ lòng. Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả mặt nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi người chạy một ngã. Vì còn nhỏ, chạy chậm, Benjamin bị toán lính bắt kịp. Một lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha: “Mày cất giấu Mình Thánh Chúa ở đâu?” Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một hồi cũng không thấy Mình Thánh Chúa ở đâu, chúng liền quay sang Benjamin: “Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa, đưa ngay kẻo thiệt mạng." Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời: “Trong bụng tôi, các ông mổ ra mà lấy." Điên tiết, bọn lính cũng giết Benjamin tại chỗ, bên một cây sồi già.

Mấy năm sau, Giáo hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn bão làm đổ cây sồi già, dưới gốc cây bị trốc rễ lên, người ta thấy hai xác, trên xác cậu bé, mặt nhật còn đó, sáng ngời.

6. Nguồn sống

Khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô xin gia nhập chi nhánh của Dòng bà, bà đã xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày: “Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống."

7. Thánh Thể - tình yêu hiến mình

Bên Trung hoa vào đời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, gặp lúc lương thực không có, công tử lại không ăn được rau cỏ dại trong rừng, thấy vậy Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Khi lập phép Bí tích Thánh Thể, Chúa đã muốn hiến chính thịt máu ngài làm của ăn của uống nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày.

8. Dấu chỉ của tình yêu

Vào thời gian đạo Công giáo bị cấm đoán, một thương gia Công giáo người Đức đã đi lên miền Bắc cực. Vì công việc làm ăn, ông phải lưu lại đó suốt mùa Giáng Sinh.

Biết ông là người Công giáo, một gia đình ở đó đã mời ông đến nhà để cầu nguyện cùng với họ vào đêm Giáng Sinh. Trong đêm tối lạnh buốt, họ quây quần quanh chiếc bàn nhỏ. Đúng nửa đêm họ cùng nhau cầu nguyện.

Sau lời chào chúc bình an, lời nguyện và bài Kinh Thánh, ông lão kéo ngăn bàn và lấy ra một hộp nhỏ. Trong hộp có một khăn thánh đã úa vàng theo thời gian.

Vừa nâng chiếc khăn lên, ông già vừa run run cất giọng nói:

- Cách đây 50 năm, thánh lễ Giáng Sinh cuối cùng trên mảnh đất chúng ta đang sống đã được dâng trên khăn thánh này. Lúc ấy tôi là một thanh niên giúp lễ. Đây là vật duy nhất còn lại. Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu đã ngự trên khăn này.

Sau khi nghe những lời ấy, mọi người quì gối và ông bố dâng lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin cho chúng con được tự do. Xin gửi các linh mục đến để chúng con được phúc mừng lễ Giáng Sinh, để chúng con lại được dự phần vào Mình và Máu Chúa.

Người thương gia Đức bồi hồi cảm động. Ông khao khát lãnh nhận Thánh Thể, một sự khao khát mà trước đây ông chưa hề có, cho dù ông vẫn đến nhà thờ dự lễ hàng ngày.

Có bao giờ chúng ta cảm thấy khao khát bàn tiệc thánh như những người trong câu chuyện trên?

9. Chúa mời dự tiệc

Emilie Griffin là một chuyên viên quảng cáo đã được huấn luyện để trở thành một kitô hữu và nhà khoa học. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, cô đã trải qua một cuộc đấu tranh về đức tin. Điều đó được mô tả trong cuốn sách của cô với tựa đề “Trở về.” Điểm chính trong thử thách của cô là lời Chúa Giêsu xác quyết rằng Thịt Máu Ngài là của ăn và của uống đích thực, một xác quyết làm cho kẻ thù Ngài giận dữ và nhiều môn đệ rời bỏ Ngài (x.Ga 6,32.66). Cuối cùng, niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể đã đưa cô đến chỗ đón nhận Giaó hội.

Niềm tin của Emile vào bí tích Thánh Thể mời gọi tôi nhìn lại niềm tin và sự mộ mến của tôi đối với bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu Nazareth hân hạnh mời bạn đến dự bữa tiệc Ngài ban tặng.

THỨ BẢY - Biết chọn lựa

Lời Chúa: Ga 6, 60-69

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống.

Nhưng trong các ngươi có một số không tin.” Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho.” Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa.

Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.”

TRUYỆN KỂ

1. Biết chọn lựa

Trong những ngày vừa qua, nhiều người Mỹ đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học Litaton, bang Colorado vào năm 1999. Cuộc thảm sát không những làm cho người Mỹ mà cả thế giới đều bàng hoàng, sửng sốt. Bàng hoàng, sửng sốt bởi vì đây không phải là cuộc thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà nằm trong một dây chuyền bạo động diễn ra hầu như theo một chu kỳ khó hiểu. Trong những năm gần đây, cứ vài ba năm lại xảy ra một vụ bắn giết như thế. Nạn bắn giết như thế cũng đã lan tràn sang Úc và một số nước khác.

Trong thư mục vụ công bố vào tháng 11/1994, các Ðức Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động điều mà các ngài gọi là một nền văn hóa bạo động, được nuôi dưỡng bằng truyền thông, âm nhạc và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác. Nhưng bạo động từ đâu mà đến, bởi đâu mà con người có thể trở thành bạo động để hãm hại và loại trừ người khác. Hai cậu học sinh tại trường trung học Litaton đã có thể tính toán chi li cuộc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc, có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với một Milosevich và vô số người Serbi đứng đằng sau ông với chủ trương tàn sát và diệt chủng đối với người gốc Albani tại Kosovo.

Bạo động, sự dữ, tội ác vốn là một bí ẩn của loài người. Mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết, đồng thời suy nghĩ về cuộc song đấu giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Mỗi một giây phút của cuộc sống là một chọn lựa giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa Chúa Kitô và ác thần. Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về chọn lựa ấy. Sự chọn lựa ấy lại được xây dựng trên chính sự chọn lựa của Chúa Giêsu.

2. Lý lẽ của đức tin

Có một người vô thần, bị rơi từ đỉnh núi cao xuống vực thẳm. May thay là giữa chừng có một lùm cây cản anh lại. Hai tay giữ chặt lùm cây, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống là vực thẳm, anh mới cất tiếng kêu cứu: “Nếu quả thật có Thiên Chúa quyền năng vô biên, xin Ngài hãy ra tay cứu tôi, tôi xin tin.” Một giọng nói đáp lại: “Nếu anh thật lòng tin, anh hãy buông tay ra.” Người vô thần thầm nghĩ: Làm sao mà buông được, trèo lên chẳng được, buông tay thì rơi xuống vực thẳm, làm sao giữ được mạng sống, và anh hỏi lại: “Thật sự có Ngài ở đó không?” Nhưng không một lời đáp trả, chỉ còn có tiếng của anh vang vọng giữa núi rừng, cơ hội cho anh có đức tin đã qua.

Đức tin đòi con người vượt trên mọi lý luận để xả thân chấp nhận như một liều lĩnh.

3. “Chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”

Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài...?”

4. Bỏ Thầy con biết theo ai?

M. Toliver, một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa, có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành.

Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện.

Khi qua cơn nguy biến, đức bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói: “Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?”

5. Quyết theo chân Chúa.

Odette, một cô gái đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời được kín đáo gửi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi ra, cô mới biết ngưới ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên úy lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:

- Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng mới 23 tuổi.

6. Chọn Chúa

Đức hồng y Carlo Martini, nguyên là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải Tin Mừng thánh Gioan, câu chuyện sau đây: Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo Hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ đời sống tu trì... Để giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã mượn câu chuyện chó đi săn thỏ để giải thích.

Một chú chó trong đàn bất chợt phát hiện ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn, vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Chẳng mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó đã chạy ùa theo.

Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kỳ thực chỉ có một con chó đã phát hiện nhìn thấy con thỏ, còn những con khác thì không. Sau một hồi săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì chúng không nhìn thấy con thỏ đâu. Duy chỉ có chú chó đầu tiên đã phát hiện ra con thỏ thì vẫn tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Rồi vị tu sĩ trên đã đưa ra kết luận như sau:

Đã có rất nhiều tu sỹ đi theo Chúa, nhưng chỉ có một ít thực sự nhìn thấy Chúa và họ biết họ đang theo đuổi điều gì. Số khác đã chạy theo, hoặc vì bị lôi cuốn bởi đám đông, hoặc vì họ nghĩ rằng, họ đang làm một điều tốt, nhưng rồi thời gian đã làm họ thay đổi và bởi vì họ chưa bao giờ thấy rõ Chúa là lý tưởng, nên khi gặp khó khăn, thử thách là họ bắt đầu chán nản và bỏ cuộc.

7. Hạnh phúc thật

Có một thanh niên rất bảnh trai, sau khi chết được đưa đến một nơi có đủ mọi thú vui để hưởng thụ, một nơi cả đời anh hằng ao ước. Ở đó, anh lấy làm sung sướng vì được thoả chí toại lòng.

Thế nhưng cũng đến một ngày anh thấy chán ngán, cảm thấy cần phải làm một việc gì đó thay vì cứ ở không mà vui chơi hưởng thụ mãi. Anh yêu cầu với người gác cửa, và được nghe giải thích: “Xin lỗi bạn, ở đây bạn có thể thụ hưởng tất cả nhưng không phải làm gì hết, mà cũng chẳng có việc gì để làm, để phục vụ người khác đâu.”

Anh thanh niên tỏ ra bực bội: “Nếu vậy thì thà cho tôi xuống địa ngục còn hơn!” Nghe thế, người giữ cửa khoái trá bật cười ha hả: “Ôi chàng trai ngốc nghếch, thế bạn nghĩ bạn đang ở đâu nhỉ? Bạn tưởng bạn đang ở thiên đàng đấy à?”

Anh chàng giật mình tỉnh dậy, người đầm đìa mồ hôi…

Thật may! Đó chỉ là một giấc mơ.

8. Ai muốn theo Ta phải bỏ mình

ĐHY Cardjin, vị sáng lập phong trào Thanh lao công, đã kể rằng ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Năm 13 tuổi, vào một buổi tối, ngài rón rén xin cha cho ngài được tiếp tục đi học trong năm học tới. Người cha im lặng hồi lâu rồi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con, ba đã phải đi làm rồi, nay thì ba đã già, sức đã cạn rồi, có lẽ con phải…”

Hiểu ý cha, nhưng ngài vẫn tiếp tục nài nỉ: “Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục!”

Vừa nghe biết ý định cậu con trai muốn đi tu, nước mắt người cha từ từ lăn dài trên đôi má gầy còm. Phải một lúc lâu sau đó, ông mới nghẹn ngào nói được: “Ba má đã hy sinh quá nhiều, nhưng để được một người con hiến dâng cho Chúa thì ba má sẽ lại tiếp tục hy sinh.”

9. Con có biết Ta không?

Tại một hội Ái Hữu của các vận động viên Kitô trong bữa điểm tâm ở bang New Orleans, nhà bình luận thể thao Gary đã đưa ra năm điều mà Chúa Giêsu có thể nói với bạn và tôi, nếu như hôm nay Ngài hiện ra với chúng ta:

1- Ta yêu con.

2- Ta biết con.

3- Ta hiểu con.

4- Ta tha thứ cho con.

5- Con có biết Ta không?

Những lời nói của Gary mời gọi tôi tự hỏi: tôi biết rõ Chúa Giêsu như thế nào? Làm sao tôi có thể hiểu Ngài rõ hơn?

Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô (Thánh Jerom).

10. Tình yêu đòi hỏi tình yêu

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu khi viết về lần đầu mình được Rước lễ đã diễn tả cảm nghiệm của mình như được đón nhận cái hôn của Chúa Giê-su trên môi con. Bạn và tôi đã nhiều lần lãnh nhận Mình Thánh Chúa; có lẽ chúng ta không bị sốc như một số môn đệ ngày xưa, nhưng xác tín hoàn toàn vào mầu nhiệm Tình Yêu này thì có lẽ chưa. Mời bạn năng lãnh nhận và suy niệm Bí tích Tình Yêu này để thêm xác tín và để sống cảm nghiệm ngọt ngào như thánh nữ Têrêxa.

Hãy thường xuyên rước lễ thiêng liêng và dành thời gian trong ngày để trò chuyện thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Lễ kính thánh Marcô - Sư Tử Có Ðôi Cánh

Lời Chúa: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh."

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

TRUYỆN KỂ

1. Thánh Mác-cô--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Thánh Marcô có thể thuộc dòng tộc Arong, sinh tại Galilê. Là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Trong công cuộc truyền giáo, ngài là đệ tử trung kiên của thánh Phêrô. Chính nhờ sự giúp đỡ và lời yêu cầu nguyện của vị thủ lãnh các tông đồ mà thánh nhân đã viết cuốn Tin Mừng thứ hai, gọi là Tin Mừng theo thánh Marcô.

Tin Mừng của ngài vắn gọn. Lời văn không chải chuốt như thánh Matthêo hoặc Luca, nhưng rất chân thành và thực tế. Ngài không giấu diếm sự chậm hiểu, kém tin của các tông đồ: “Các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc 5, 52 ); ngài cũng chẳng che đậy tham vọng của các ông: “Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả “ (Mc 9. 34 ).

Theo nhiều nguồn tài liệu, mẹ ngài là bà Maria, một bà góa giàu có ở Giêrusalem, có nhà rộng rãi, có thể làm nơi hội họp của các tín hữu được và thánh Phêrô cũng thường trú ngụ ở nơi này.

Thánh nhân theo người bà con là Barnabê và tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Nhưng khi đến Pergê thì ngài trở về Giêrusalem, có lẽ vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài đã tháp tùng theo thánh Phêrô giảng đạo ở Rôma. Ngài đã chứng kiến “khoảng ba ngàn người theo đạo “ nhờ bài giảng của thánh Phêrô; ngài thấy tận mắt thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ” tại cửa Đền thờ; ngài cũng bị “các tư tế viên lãnh binh Đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc” bắt giam...

Chính thánh Phêrô đã trao cho ngài sứ mạng phúc âm hoá Alexandia. Ngài đã thành lập giáo đoàn này, và hướng dẫn mọi người sống hoàn thiện đạo đức không kém giáo đoàn Giêrusalem. Toàn thể giáo đoàn đều hiệp nhất trong một niềm tin, cậy, mến, chuyên cần phụng sự Chúa và phục vụ nhau.

Chính vì thế mà ma quỷ ganh tị. Chúng xúi dục những người ngoại giáo quá khích chống đối bách hại thánh nhân. Họ bắt ngài; cột cổ kéo lôi trên sỏi đá làm cho da thịt ngài bị xé rách nát ra. Máu chảy đầm đìa. Rồi đem bỏ vào ngục. Sáng hôm sau, họ lại dắt ngài ra và hành hạ y như hôm trước. Đau đớn quá, ngài kiệt sức dần và tắt thở..

2. Truyền giáo đơn sơ

June là một cô bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha là một mục sư. Mỗi khi đi đâu, Mẹ thường cho em theo.

Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi:

- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?

- Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

- Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

- Không, bé ạ!

- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ.

Ít tuần sau, ông tìm đến nhà thờ và theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa. (Góp nhặt)

Một cách truyền giáo đơn sơ nhưng kết quả thật không ai ngờ!

3. Truyền giáo là chia sẻ hồng ân đức tin

Fritz Kreisler (18751962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua.

Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đàn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý:

-Xin đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng.

Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự xúc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên:

- Kreisler ơi! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó.

Chúng ta cũng thế, chúng ta không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Chúa đã ban tặng cho ta. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia.

4. Thánh Mác-cô--Nhóm Châu Kiên Long

Chúng ta không biết nhiều về quãng đời niên thiếu của thánh nhân. Chỉ biết rằng ngài là một trong bốn vị thánh sử đã ghi chép Phúc Âm.

Người ta quen vẽ hình ngài là một con sư tử, một trong bốn con vật được tiên tri Ezekiel xem thấy trong thị kiến.

Thánh nhân là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa Giêsu về trời, ngài theo thánh Phêrô sang truyền giáo tại La Mã. Ngài đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách đặc biệt do lòng hăng say rao truyền đạo Chúa. Số người trở lại càng ngày càng tăng mà không có tài liệu nào để họ học hỏi. Ðồng thời họ cũng ao ước được một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Vì những lý do đó, thánh Máccô đã ghi chép mạch lạc thành những chương mục về cuộc sống của Chúa Giêsu, dựa theo những lời giảng dạy của thánh Phêrô. Chính thánh Phêrô đã duyệt và cho phép dùng trong giáo đoàn.

Sau đó, ngài được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.

Bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.

Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên chép vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.

5. Thánh Mác-cô, thánh sử

Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.

Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.

Lời Chúa tuần 3 Phục Sinh
Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch