CHÚA GIÊSU SAI ĐI MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ
Lời Chúa:
Mc 6, 7-13
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng
hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế.
Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài
cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép,
và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại
đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con,
thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ."
Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ
nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
TRUYỆN
KỂ
1.
Đừng mang gì
Cha Piô Ngô Phúc Hậu vị tông đồ truyền giáo vùng
sông nước mênh mông, đất đai thẳng cánh cò bay hiu quạnh ở vùng cực nam của Tổ
quốc, cha chia sẻ về một trong những kinh nghiệm truyền giáo: Mình xách môbylét
đi một đường, vừa đi vừa liếc, lòng thầm cầu nguyện để Chúa chọn cho người truyền
giáo một nơi dừng chân. Tự nhiên lòng mình thấy ấm hẳn lên khi nhác thấy một
căn nhà lá có trồng cây lựu ở phía trước. Trái lựu to bằng nắm tay đang đánh đu
theo gió. Như một phản xạ, mình lái môbylét vào tới hàng ba, làm bộ ngắm nghía
cây lựu. Bà chủ nhà, nét mặt hiền từ, mái tóc muối tiêu, nghe tiếng xe nổ và tắt
máy vội vàng chạy ra.
- Thầy kiếm ai đó?
- Chào bác. Cây lựu nhà bác dễ thương quá, cho tôi
ngắm một tí.
- Thì vô trong nhà uống nước đã.
- Bác thứ mấy để tôi xưng hô cho dễ.
- Tôi thứ năm. Thứ của ông nhà tôi.
- Thế bác trai đi đâu rồi, bà Năm?
- Ông tôi mất từ lâu rồi.
- Bây giờ bà Năm ở với ai?
- Có hai bà cháu à. Thầy ở đâu mà vô đây?
- Tôi ở Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Sáng vô, chiều về.
Đi tới đi lui thấy bất tiện quá. Tôi muốn ở lại đây luôn, mà chưa kiếm được chỗ
nào ở cho thuận lợi.
- Thì thầy ở đây với tôi. Nhà rộng rinh à. Thầy ở
đây thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì.
- Thế bà Năm theo đạo nào?
- Tôi chẳng theo đạo nào hết. Thờ ông bà vậy thôi.
- Cám ơn Chúa. Cám ơn bà Năm. Vậy ngày mai tôi vô ở
luôn nhá.
- Ừa (Trích Nhật ký Truyền giáo, Bà Năm).
2.
Thánh Phanxicô Assisi giảng đạo.
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng:
“Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo." Hai người ra đi, hết con đường
trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe
ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà”!
Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó!
Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống
của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải
là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao”?
3.
Thánh Vianney giảng đạo
Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi
phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động
và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn
của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa.
Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney,
cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời
sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã
trông thấy Thiên Chúa trong một con người."
Đức Thánh cha Phaolô VI: ”Con người thời đại chúng
ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy
thì vì những vị thầy này là những chứng nhân."
Đã có lần Lênin nói về thánh Phanxicô Assisi như thế
này: “Để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy”
4.
Điều kiện để rao giảng
Để tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải
thuê nhà trọ ở gần trường và ở chung với nó. rồi một buổi tối, trời mưa như
trút nước, ba mẹ con hành khất đến xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối
và tìm cách đuổi khéo.
Nhìn bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối,
tôi cảm thấy sức nặng của Tin Mừng và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như
các môn đệ của Chúa đến với tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có
thể tiếp nhận các Ngài không? Rất có thể một lần nữa, các Ngài sẽ bị xua đuổi
hay khước từ.
5.
Có siêu thoát mới giàu
Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến vùng
quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông
trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.
Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người
có cuộc sống cơ cực hơn mình – Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa
con bé bỏng của mình.
Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống tại đây, họ lại
trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:
- Chuyến đi như thế nào hả con?
- Thật tuyệt vời bố ạ!
- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
- Ô, vâng rất tuyệt!
- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?
Đứa bé không ngần ngại:
- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có tới bốn
con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, còn họ thì có cả một con sông dài
bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào trong vườn, còn họ thì có cả
một bầu trời sao lấp lánh suốt đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ
thì nhà cửa rộng tít đến cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống,
còn họ thì có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn
họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những
thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn
láng giềng che chở nhau…
Đến đây người cha không nói gì cả.
- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi.
Cậu bé nói thêm.
Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình
đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình chưa có hay không có.
6.
Lời nguyện xin được sống tự do
W. Goethe nói: “Sự chiếm hữu có ý nghĩa gì đâu. Sự
ưng thuận mới là tất cả”
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin
cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho
con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con
biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho
con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang
giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi." Ước gì chúng con
dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì
Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.
7.
Đừng mang theo bất cứ điều gì
Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng và chữa lành,
Người ban cho họ một huấn lệnh bất thường: "Anh em đừng mang theo bất cứ
gì."
- Tại sao Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ đừng mang
theo bất cứ gì nhưng hãy đi xin?
- Nếu sống trong thời đại ngày nay, liệu Chúa Giêsu
có ban cho cùng một huấn lệnh ấy hay không?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Người làm như vậy? Thiên hạ
sẽ phản ứng ra sao nếu có một môn đệ gõ cửa và xin ăn?
- Và ngay cả nếu người ta cho ăn ở đi nữa, làm thế
nào môn đệ ấy có thể mời gọi chủ nhà hãy ăn năn sám hối và được chữa lành - tối
thiểu là phần tinh thần?
Một vài năm trước đây, một linh mục trẻ tuổi dòng
Tên, Richard Roos, cũng thắc mắc những câu hỏi trên. Người quyết định đi tìm
câu trả lời.
Người được bề trên chấp thuận cho thực hiện 40 ngày
Chay bằng cuộc hành hương đi bộ 800 dặm từ San Diego đến San Francisco. Các
Kitô Hữu thời tiên khởi cũng hành hương với nhiều lý do - tỉ như, để bày tỏ sự
tín thác vào Chúa, để thực sự tin tưởng vào lòng tốt của người dân, để cảm nghiệm
thế nào là nghèo khổ.
Và vì thế người lên đường theo con đường truyền giáo
xưa - bây giờ là xa lộ - của các thừa sai Tây Ban Nha đến truyền giáo tại
California trong khoảng 1700.
Cha Roos đi bộ qua mưa nắng, gió to. Người tiếp tục
đi, hết ngày này sang ngày nọ, bất kể đôi chân sưng vù và rướm máu - giống như
các nhà thừa sai trước đây đã thi hành.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt. Người chỉ xưng mình
là một Kitô Hữu đang làm cuộc hành hương mùa Chay.
Người đã được câu trả lời gì cho những thắc mắc của
người? Cha Roos viết:
Mỗi buổi chiều vào lúc hai hay ba giờ là tôi bắt đầu
lo lắng không biết sẽ ngủ đêm như thế nào...
Và dĩ nhiên, tôi cảm thấy bất lực vì nghèo. Khi bạn
phải gõ cửa từng nhà... và xin tá túc cũng như thực phẩm... bạn sẽ thấy mình thật
khiêm tốn.
Bạn hoàn toàn trông nhờ vào người khác. Bạn không
còn quyền lợi và sức lực gì.
Người ta phản ứng thế nào khi thấy Cha Roos? Người
viết:
Tôi chưa bao giờ bị đối xử cách tệ hại hay thiếu tử
tế. Những người tiếp đãi tôi đều là Kitô Hữu thuộc đủ mọi giáo phái và ngay cả
những người không có tôn giáo gì cả. Tất cả đều bàng hoàng với ý nghĩa của cuộc
hành hương.
Người kết thúc bài tường trình với một nhận xét
không ngờ. Nó liên hệ trực tiếp đến cách người rao giảng Phúc Âm. Người viết:
Nói chung, tôi thấy rằng sự hiện diện của tôi và cuộc
đối thoại đã đem đến cho họ cũng như kiện cường niềm hy vọng của họ vào Thiên
Chúa và vào sự tốt lành của con người.
Tôi không quen biết với Cha Roos. Nhưng từ những gì
người viết, tôi biết Cha Roos là một người siêng cầu nguyện với đức tin sâu đậm
và tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa và vào con người.
Tôi nghĩ ngay ở đây chúng ta đã có câu trả lời về
cách Cha Roos rao giảng Phúc Âm trong cuộc hành hương.
Người đã rao giảng bằng đức tin và gương mẫu của người.
Chính đức tin này và gương mẫu này đã lộ ra khi người nói chuyện với dân chúng.
Nói cách khác, người không rao giảng Phúc Âm bằng lời.
Người rao giảng bằng một phương cách mạnh mẽ hơn: bằng sự hiện diện, đức tin,
và gương mẫu của người.
Một vài năm trước đây, một số Kitô Hữu trẻ tham dự một
cuộc cắm trại quốc tế. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một vấn đề được
đặt ra cho họ là hãy nghĩ ra các phương cách hữu hiệu nhất để rao giảng Phúc Âm
trong thế giới hiện đại ngày nay.
Sau khi các người trẻ nói về việc sử dụng đến truyền
hình, truyền thanh, trình diễn nhạc kích động, và các đại siêu thị, một cô gái
người Phi Châu đã đánh động tâm hồn mọi người khi cô nói:
“Khi Kitô Hữu ở quê hương tôi nghĩ rằng một làng ngoại
giáo nào đó sẵn sàng để theo đạo, họ không gửi sách vở hay các nhà truyền giáo.
Họ gửi đến một gia đình Kitô Hữu tốt lành. Đời sống gương mẫu của gia đình này
hoán cải cả làng.”
Và điều đó đưa chúng ta đến việc áp dụng bài Phúc Âm
hôm nay cho mỗi một người trong chúng ta ở đây.
Chúa Giêsu muốn chúng ta rao giảng Phúc Âm trong thế
giới ngày nay. Người muốn chúng ta thi hành việc ấy giống như Cha Roos đã làm,
nhưng với một ngoại lệ.
Người không muốn chúng ta thi hành điều đó trong một
cuộc hành hương mùa Chay.
Người muốn chúng ta thi hành điều đó ngay trong gia
đình, nơi sở làm, và trong cộng đoàn chúng ta. Người muốn chúng ta thi hành điều
đó theo phương cách mà cô gái Phi Châu đã đề nghị.
Người muốn chúng ta thi hành điều đó bằng đời sống của
một người có đức tin sâu xa vào Chúa và vào con người. Người muốn chúng ta thi
hành điều đó bằng sự hiện diện và bằng gương mẫu của chúng ta hơn là bằng lời
nói.
Và nếu chúng ta thi hành theo phương cách đó, không
những chúng ta sẽ kiên cường đức tin của những người chung quanh chúng ta,
nhưng còn mời gọi họ bắt chước đức tin và đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Thi sĩ Edgar Guest đã có lý khi ông nói:
Tất cả sẽ là phù phiếm khi rao giảng chân lý
Cho những đôi tai muốn lắng nghe của người trẻ...
Lời nói có thể chải chuốt cho sự khuyên giải
Nhưng người trẻ sẽ học từ cách bạn sống.
Và một người Bà La Môn ở Ấn Độ đã có lý khi nói với
nhà truyền giáo Kitô Hữu như sau:
“Nếu Kitô Hữu các anh ở Ấn, ở Anh Quốc, hay ở Hoa Kỳ
mà giống như trong Phúc Âm, anh sẽ chinh phục nước Ấn này trong năm năm.”
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu của Đức Hồng Y
Newman:
“Lậy Chúa Giêsu, xin giúp con lan tỏa hương thơm của
Người ở bất cứ đâu con đến. Xin hãy tràn ngập linh hồn con với thần khí và sự sống
của Người. Xin hãy thấm nhập toàn thể con người con. Xin hãy chiếu tỏa qua con
và trong con để bất cứ linh hồn nào con tiếp xúc sẽ cảm thấy sự hiện diện của
Chúa... Không có gì là của con, tất cả đều là của Chúa soi sáng người khác qua
con. Con xin ca tụng Chúa theo cách Chúa ưa thích nhất... Không bằng lời rao giảng,
nhưng bằng đời sống gương mẫu của con.”
8.
Truyền giáo bằng cầu nguyện, hy sinh và gương sáng
Một hôm: vào dịp lễ Phục Sinh, một vị tổng thanh tra
giáo dục đi săn tại miền Di linh. Lúc đó Di linh mà một khu rừng, chỉ có dân tộc
thiểu số Kô Hô sinh sống. Hổ, nai, các thú rừng khác có rất nhiều. Vị tổng
thanh tra này chưa biết đã có một làng cùi, do Cha Gioan B. Sanh thành lập.
Nghe tiếng súng nổ, Cha Sanh ra gặp vị tổng thanh tra (Người Pháp) và nói cho
Ông biết là không một ai được lai vãng tới khu vực này. Vị thanh tra bỡ ngỡ, và
ra oai hỏi: “Ông lấy quyền nào mà ngăn cản chúng tôi”, Cha Sanh chỉ vào làng
cùi và dẫn Ông vào coi. Vừa thấy những người cùi, Ông ghê sợ vội bỏ đi, và
không cần ai ngăn cấm, Ông cũng không giám bén mảng đến khu vực đầy sợ hãi này.
Tuy nhiên khi bỏ đi, Ông cũng tỏ thái độ bực bội với linh mục Sanh, và tỏ ra
mình cũng có quyền giải tán làng cùi này. Nhưng rồi mấy tuần lễ sau: Cha Sanh
đã nhận được một bưu kiện lớn, trong đó có nhiều thuốc men và dụng cụ y tế… kèm
theo một mảnh giấy: “Tôi tặng Cha món quà này, để giải đáp câu hỏi, mà sự hiện
diện những người cùi Di Linh, luôn gợi lại trong trí óc tôi.” Dưới ký tên Tổng
thanh tra.
Cách bốn năm sau, khi Cha Sanh đã về nhận chức Giám
Mục Sàigòn, thì vào một buổi trưa, ngài nhận được một bức điện: “Xin Đức Cha cấp
tốc tới bệnh viện trung ương Nam Vang: Một bệnh nhận liệt nặng muốn gặp. Có xe
tới đón.”
Xe đưa Đức Cha Sanh khởi hành từ Sàigòn lúc 6 giờ
chiều, tới 10 giờ đêm mới tới Nam Vang. Ngài vào trọ đêm tại tòa giám mục Nam
Vang. Sáng sớm hôm sau vào bệnh viện. Bệnh nhân liệt nặng này chính là vị tổng
thanh tra, trước đây vẫn ác cảm với đạo. Tuy có rửa tội, nhưng đã bỏ đạo từ
lâu. Từ ngày gặp linh mục Sanh ở Di Linh: hình ảnh một linh mục sống giữa những
con người cùi ghê tởm, hy sinh băng bó vết thương cho họ, đã ghi sâu vào đầu óc
Ông. Đó là một nhân chứng sống động của đức bác ái Kitô giáo. Ông đã tìm về với
Chúa. Ông xin Đức Cha giải tội cho Ông, trước khi Ông từ giã cõi đời.
9.
Từng hai người một
“Từng hai người một”, có nghĩa là hơn một người. Nếu
hiểu rao giảng Tin Mừng là làm chứng, thì quả thật, hai người là cần thiết, vì:
“nhất chứng phi, nhị chứng quả." Ngoài việc thiết lập tôn chỉ cho sứ vụ
rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chắc chắn còn nghĩ đến việc hình thành của Giáo
Hội sau này. Ngài muốn cho Giáo Hội được hiệp nhất chính trong niềm tin và cả
trong hoạt động để củng cố và phát triển niềm tin này. Từng “hai người một” nói
lên sự đồng tâm nhất trí mà những người được sai đi phải luôn canh cánh như tôn
chỉ hàng đầu. Nguyên việc sống hiệp nhất đã là một lời rao giảng, nên không có
gì làm trở ngại cho việc rao giảng bằng đời sống thiếu hiệp nhất.
Trong cánh đồng truyền giáo, có những người cảm thấy
bị cản trở khi có người anh em cùng làm việc bên mình và với mình. Bạn có thuộc
thành phần đó không?
Một chuyên gia Nhật chia sẻ với các sinh viên Việt
Nam: “Người Việt Nam các anh là những viên ngọc xinh đẹp, chỉ có thể đặt cạnh
nhau thôi; người Nhật chúng tôi là những viên gạch, có thể xếp chồng lên nhau để
làm nên một toà nhà.” Liệu người Việt Nam Công Giáo chúng ta có vượt qua được lời
bình phẩm nhức nhối này không?
10.
Đừng mang theo gì
E.B.Washburne mô tả tướng Grant đã tiến hành chiến dịch
trong cuộc nội chiến như thế nào: “Tất cả phụ thuộc vào khả năng di chuyển
nhanh. Điều quan trọn đối với tướng Grant là mang hành lý càng nhẹ càng tốt.
Ông không mang theo cận vệ cũng chẳng có áo khoác ngoài, ngay cả một áo sơ mình
sạch. Lúc đó tôi ở với ông và biết rằng toàn bộ hành trang của ông trong sáu
ngày chỉ là một bàn chải đánh răng. Ông ăn uống như những binh sĩ thường nhất,
ngủ trên đất, và khỏi cần có gì đắp ngoài vòm trời.”
Gương của tướng Grant và lời Chúa Giêsu mời gọi tôi
tự hỏi: lối sống của tôi có giản dị không? Tôi lệ thuộc vào của cải vật chất ra
sao?
Một nửa những phiền toái là do chúng ta không biết
mình cần ít như thế nào (Tướng Richard Byrd)
11.
Quả thận thánh
Vào ngày 13 tháng 11 năm 2009, theo tờ Dallas
Morning News đã đưa tin, bà Carrie Gehling, 45 tuổi, đã bị mất cả hai chân vì bệnh
tiểu đường, đau tim, và cần được ghép thận sau nhiều năm lọc thận. Bác sỹ cho
biết bà đang gặp nguy cơ đến tính mạng. Trong lúc bệnh tật và khó khăn, Bà
Gehling chạy đến Đức Ông và cũng là cha xứ Mark Seitz tại nhà thờ Saint Rita ở
Dallas, tiểu bang Texas, để nhờ ngài tìm kiếm quả thận cho bà. Khi nhận được
tin này, Đức Ông Seitz đã suy nghĩ, tại sao không phải là tôi? Sau đó, ngài quyết
định tặng quả thận của mình cho bệnh nhân, ngài coi việc hiến tặng này là biểu
lộ tình yêu và nhiệm vụ của linh mục. Ngài nói rằng: "Tôi noi gương Chúa
Giê-su vì Ngài đã hy sinh mạng sống cho tôi, thì tôi cũng có thể cho đi một quả
thận cho người đang cần được sống."
Hơn nữa, ngài rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm của bà
Gehling khi phải đối phó với căn bệnh khủng khiếp này, nhưng bà ấy luôn vẫn tin
tưởng vào lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa khi tiếp cận với những người
khác. Để có được đức tin mạnh mẽ như thế, thì bà ta cũng đã trải qua một kinh
nghiệm về quá khứ của tuổi trẻ. Như lời bà Gehling nói với Dallas Morning News
rằng: Khi được 20 tuổi, bà đã bị mất niềm tin một thời gian sau khi người cha
qua đời vì căn bệnh đau tim. Một ngày kia, tôi tỉnh dậy và nghĩ rằng, mình thật
là điên khùng. Bà nói tiếp: Nếu cha tôi còn sống sau cơn đau tim, thì ông ta chỉ
sống như một loài thực vật. Vậy những gì Chúa đã làm là tốt nhất. Lời sau cùng,
bà Gehling nói rằng: Không có từ ngữ nào có thể nói lên lời cảm ơn. Làm thế nào
để có thể nói lời cảm ơn với một người đã cho bạn một cuộc sống mới! Bà đã gọi
đây là quả "thận thánh", trong khi đó vị linh mục Seitz nói, món quà ấy
chỉ là một cố gắng sống theo gương của Chúa Kitô.
Gương mục tử hiến tặng quả thận có thể dẫn đưa chúng
ta đến gần với trang Tin mừng hôm nay về sự từ bỏ, quên mình và làm chứng cho
Tin mừng, cho tình yêu Thiên Chúa một cách sống động và thiết thực hơn. Cha
Seitz đã chia sẻ sự sống của mình cho bà Gehling, một người đang khát khao để
được sống.
12.
Gỡ bỏ hành trang
Ulysses Grant là tổng tư lệnh liên quân trong trận nội
chiến, và sau này là Tổng thống Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ. Ông K.B.Washburn, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao, làm chứng về lối sống đơn giản của ông Grant như sau:
“Khi ông Grant rời tổng hành dinh, mở một chiến dịch
quyết định, ông không đem theo hành trang như thói quen các binh sĩ. Tất cả lệ
thuộc vào phản ứng mau lẹ, điều quan trọng là ông không bị cản trở bởi hành
trang. Ông không đem theo tùy viên, không ngựa hay tôi tớ, không đem theo áo
khoác và ngay cả một chiếc sơ mi. Trọn hành trang của ông trong 6 ngày –tôi có
mặt lúc đó- là chiếc bàn chải đánh răng. Ông ăn uống như một người lính trơn,
ngủ giữa màn trời chiếu đất."
Tướng Grant đi tay không. Đức Giêsu và các Tông đồ
cũng vậy. Chúng ta vừa đọc, Đức Giêsu đã sai phái những người lãnh đạo của Ngài
ra sao. Người nói với họ: “Không đem theo đồ ăn, không giỏ xách, không tiền và
không áo ngoài nữa."
Chúng ta phải làm gì? Bạn và tôi được gọi làm tông đồ
để loan truyền sứ điệp của Đức Kitô bằng lời nói và việc làm.
13.
Hãy đi
Một mẩu đối thoại vui giữa một tâm-hồn-được-sai-đi với
Chúa. Những câu đối thoại ngắn thôi nhưng có thể nói lên được mấy đặc tính cốt
yếu của việc truyền giáo:
- HÃY ĐI!, Chúa sai tôi.
- Chúa sai con đi sao?, tôi ngạc nhiên hỏi.
- Đúng, Ta sai con.
- Nhưng con chưa sẵn sàng, và đang mắc bạn bè, và
con không thể xa gia đình. Chúa biết là không có ai thay thế cho con.
- Con đừng đánh trống lảng. HÃY ĐI!, một lần nữa
Chúa sai tôi.
- Nhưng con không muốn đi.
- Ta đâu có hỏi là con muốn hay không.
- Xin Chúa hiểu cho, con là người có ít khả năng.
Hơn nữa, gia đình con không thích thế, hàng xóm con sẽ nghĩ gì về con?
- Con đừng lo nghĩ vớ vẩn. HÃY ĐI! Chúa sai tôi lần
thứ ba.
- Có thực là Chúa nhất định sai con không?, tôi ngập
ngừng hỏi.
- Con có yêu Ta không?, Chúa hỏi lại tôi.
- Lạy Chúa, con sợ lắm. Người ta sẽ ghét con, cắt
con ra từng miếng nhỏ. Con không thể một mình làm hết mọi việc.
- Con nghĩ rằng Ta ở đâu? HÃY ĐI!
Và tôi phải trả lời: “Lạy Chúa, này con đây. Xin hãy
sai con.”
14.
Bà mẹ truyền giáo
Trong một bài tiểu luận, một bé gái mười hai tuổi đã
viết: “Khi tôi được yêu cầu viết về một nhà truyền giáo tôi biết, một vài nhân
vật xuất hiện trong tâm trí tôi, như Mẹ Têrêxa, rồi tôi dừng lại và suy nghĩ:
‘Tôi không thể viết về một trong những người vĩ đại đó vì tôi không thực sự biết
họ. Đúng là tôi đã nghe tên, đã đọc và nghe kể về họ, nhưng tôi không biết được
họ như thế nào’.
‘Nhà truyền giáo tốt mà tôi nghĩ đến là mẹ tôi. Điều
này nghe có vẻ lạ tai nhưng tôi chắc chắn là một nhà truyền giáo không cần được
thụ phong. Việc truyền giáo của mẹ tôi là làm một bà nội trợ và một người mẹ
cho tôi và cả gia đình. Mẹ tôi không bao giờ ích kỷ và coi mình là người thứ nhất
trong gia đình. Tôi không bao giờ bị bỏ đói hoặc thiếu thốn tình thương dạt dào
của mẹ. Đúng như các nhà truyền giáo, mẹ tôi phải can đảm nhiều lắm. Bà có thể
dễ dàng chơi bingo và bỏ quên tôi, nhưng bà không làm thế. Hy sinh lớn nhất của
bà là nghĩ đến tôi trước bản thân mình. Tôi thật may mắn có một bà mẹ truyền
giáo.”
Chúa không sai tôi đi đâu xa, dạy những điều xa lạ,
mà chỉ cần tôi để mặc Ngài làm việc trong tôi, như công cụ cho tình yêu của
Ngài. Đó là truyền giáo.
15.
Bình an cho ai có Chúa
Một người phụ nữ nói: “Tôi luôn cảm thấy rắc rối khi
hòa hợp hai câu Kinh thánh: “Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” và
Thiên Chúa là tình yêu” Thế rồi một hôm, tôi đọc được một điều giúp ích cho tôi
rất nhiều, đó là câu nói của Rod McKuen: “Tôi yêu biển, nhưng điều đó không làm
tôi cảm thấy ít sợ biển hơn”
Rod McKuen muốn nói gì, nó cho thấy một cái nhìn sắc
sảo ra sao rằng tình yêu và sự kính sợ có thể cùng tồn tại trong mối quan hệ giữa
tôi với Thiên Chúa?
Mong gặp Chúa, sợ mất Chúa, và tìm thấy niềm vui
trong những gì dẫn ta tới Chúa. Hãy làm như thế và bạn sẽ gặp an bình lớn lao.
(Thánh Têrêsa Avila)
16.
Lời tâm huyết cho đời người
Grace Kelly, công nương xứ Monaco, là con gái của
Jack Kelly. Ông này đã khởi sự lập nghiệp như một thợ nề ở Philadelphia, rồi trở
thành giám đốc công ty xây dựng. Trong di chúc, ông đã viết cho con cái ông như
sau: “Cha chỉ cho các con của cải thế gian. Nhưng nếu được lựa chọn, cha muốn
cho các con phẩm cách” Trong bài đọc hôm nay, Đavít cũng đưa cho Salomon một ý
tương tự.
Nếu hôm nay tôi chết, tôi sẽ nói với những người tôi
yêu thương lời khuyên gì? Tôi thể hiện lời khuyên đó thế nào trong cuộc sống hiện
tại của tôi?
Điều nghiêm trọng mà thế hệ trẻ phải đối diện, đó là
tấm gương mà thế hệ trước để lại. (E.C. McKenzie)
17.
Tại sao Chúa bảo không mang gì
Chủng sinh Richard Roos muốn biết rõ cảm giác khi
không có đồ ăn thức uống và tiền bạc. Vào một Mùa Chay, anh đi ăn xin và cuốc bộ
800 dặm từ SanDiego đến San Francisco. Anh viết: “Mỗi buổi chiều, khoảng hai
hay ba giờ, tôi bắt đầu thấy lo lắng không biết đêm nay tôi ngủ ở đâu. Và dĩ
nhiên, tôi cảm nhận được sự bất lực của cái nghèo. Khi bạn đến gõ cửa để xin ăn
và trú ngụ, bạn sẽ cảm thấy mình quá bần cùng. Khi bạn ngửa tay ra trước người
khác và tùy thuộc vào sự định đoạt của họ, bạn không có bất cứ quyền lực nào cả”
Tại sao Chúa Giêsu bảo các môn đệ không mang tiền bạc
hay lương thực? Liệu hôm nay người có còn nói với họ như thế không?
Khi một người bắt đầu mặc bộ đồ gấm, người ấy thật
khó mà dậy sớm được (Jockey E.Arcaro).
18.
Gia đình truyền giáo
Tại trại hè quốc tế với chủ đề loan báo Tin mừng, cô
gái đến từ Phi Châu đã trình bày một phương cách gây ấn tượng nhất cho các tham
dự viên qua kinh nghiệm sau đây: “Khi muốn rao giảng Kitô giáo cho một làng ngoại
giáo, các Kitô hữu tại nước tôi không gởi đến đó sách báo hay các nhà thừa sai,
nhưng cử đến làng một gia đình Kitô hữu tốt lành. Gương sáng của gia đình ấy sẽ
cải hoá cả làng."
Đời sống thuận hoà yêu thương giữa vợ-chồng và cha mẹ-con
cái, đặc biệt sự hoà hợp giữa hai con tim trong gia đình Kitô giáo luôn là dấu ấn
cho các gia đình chung quanh. Nếu mỗi Kitô hữu là một tông đồ với sứ mạng đem
Chúa Kitô đến cho người khác, thì mỗi gia đình Công giáo cũng phải là tổ ấm
tông đồ tỏa lan ánh sáng Giêsu, là muối, là men Tin Mừng cho các gia đình hàng
xóm lân cận.
“Hãy truyền đạo đức lại cho con cái bạn, chỉ có đạo
đức mới làm chúng sung sướng, chứ không phải tiền bạc” (nhạc sĩ Beethoven). Nền
tảng đem lại hạnh phúc cho gia đình là yêu thương quên mình và đạo đức, chứ
không phải tiền bạc và tiện nghi hưởng thụ. Đó cũng là phương cách hữu hiệu để
loan báo Tin Mừng cho người hôm nay.
Gia đình tôi sẽ hoạch định một phương cách cụ thể giới
thiệu Chúa Giêsu cho các gia đình lân cận.