9
Tại sao chúng tôi TIN VÀO KINH THÁNH
Một lần kia khi tôi đang diễn thuyết tại một trường đại học, một
thanh niên hỏi tôi: “Làm sao ông có thể tin Kinh Thánh khi nó mâu thuẫn với
khoa học, Kinh Thánh lại còn nói rằng ông sẽ bị ném đá đến chết nếu ông vi phạm
một điều luật trong Cựu Ước? Nó thậm chí còn ra lệnh cho mọi người giết nhau.
Làm sao ông có thể tin vào tất cả những thứ rác rưởi đó?!
Tôi nhìn anh một lúc rồi
nói, “Đó là những câu hỏi hay và tôi rất vui khi có lời giải thích của mình cho
từng câu hỏi đó, nhưng lý do chính khiến tôi tin vào Kinh Thánh là bởi vì Chúa Giêsu
đã tin vào Kinh Thánh. Nếu một chàng trai có thể bước ra khỏi ngôi mộ của chính
mình, thì tôi tin vào cách nhìn của anh ta."
Sau đó tôi nói với anh ta rằng
Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa cho phép nhiều tác giả nhân
loại khác nhau để viết bảy mươi ba cuốn sách khác nhau làm nên cuốn Kinh Thánh.
Những tác giả đó chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn, nhưng Thiên Chúa cho phép họ
sử dụng phong cách riêng và quan điểm nhân loại của họ trong những gì họ đã viết.
Chúng ta phải tính đến điều đó và không đọc Kinh Thánh như thể nó là một cuốn
sách hướng dẫn tự tay Chúa đã viết và gửi xuống từ thiên đường.
Sau đó tôi dành vài phút để
chia sẻ “bức tranh toàn cảnh” về những lời Kinh Thánh dạy bảo cho chàng trai trẻ
này.
Kinh
Thánh hoàn toàn là thần linh trong mạc khải và hoàn toàn là con người trong
biên soạn, không sai lầm, và được viết ra để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.
SỰ SÁNG TẠO VÀ CÁC GIAO ƯỚC
Kinh Thánh (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cuốn sách”) là một bộ
gồm nhiều cuốn sách và lá thư, được viết trong nhiều thế kỷ, mô tả sự mặc khải
của Thiên Chúa cho con người và lời đáp trả của con người đối với sự mặc khải
đó, còn được gọi là Sách Thánh. Kinh Thánh được chia làm hai phần chính: Cựu Ước
và Tân Ước.
Sáng thế ký, cuốn sách đầu
tiên của Kinh Thánh, dạy rằng Thiên Chúa sáng tạo thế giới và tạo ra con người
theo hình ảnh của Ngài. Phần đầu của cuốn sách này được viết theo phong cách sử
thi, vì thế mà lời mô tả của nó về sự sáng tạo của thế giới trong sáu ngày
không mang tính khoa học. Ví dụ, Sáng thế ký mô tả cách thức Thiên Chúa tạo ra
“ánh sáng” vào ngày đầu tiên, nhưng lại tạo ra mặt trời, mà ngay cả người cổ đại
cũng biết là vật phát sáng, vào ngày thứ tư. Điều này có thể được giải thích là
có thể tác giả Sáng thế ký sử dụng ngôn ngữ thơ ca, không theo nghĩa đen, thay
vì theo thứ tự thời gian theo nghĩa đen mà mô tả về Sự sáng tạo.
Một ví dụ cho việc mô tả sao
cho đúng mà không nhất thiết phải theo nghĩa đen là khi cha mẹ giải thích với đứa
con của mình rằng em bé “đến từ một hạt giống cha trao cho mẹ và lớn lên trong
bụng mẹ.” Đó là một lời mô tả đúng; và không nên mô tả theo nghĩa đen. Giáo hội
Công giáo dạy rằng sách Sáng thế cũng mô tả cho đúng sự sáng tạo của thế giới,
nhưng nó cũng không sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa đen mà mô tả.[1]
Sáng thế ký cũng mô tả
nguyên tổ của chúng ta đã phản nghịch với Thiên Chúa ra sao và Thiên Chúa dần dần
tỏ mình ra cho con người để cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết như thế
nào. Chúng bao gồm việc hình thành các giao ước, hay cam kết thiêng liêng về
lòng trung thành Chúa đã lập với những người như Nô-ê và Abraham, những người
sau đó trở thành tổ phụ của dân Israel, dân được Chúa chọn. Ở Ai Cập, các nhà
khảo cổ học phát hiện ra một tảng đá granit lớn từ năm 1208 trước Công nguyên,
được gọi là Tấm bia Merneptah, có đề cập đến sự hiện diện của dân Israel.[2] Thiên
Chúa ra lệnh rằng nhóm người này, được gọi là dòng dõi của Abraham, sẽ ban phước
lành cho toàn thế giới.
MỘT DÂN TỘC TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA
Các sách tiếp theo của Kinh Thánh mô tả dân Israel bị bắt làm nô
lệ ở Ai Cập như thế nào cho đến khi Chúa lập giao ước với Môsê. Để được tự do,
Môsê dẫn dân Israel thoát khỏi Ai Cập và đi vào sa mạc, nơi họ lang thang trong
bốn mươi năm. Cuối cùng họ định cư tại vùng đất Chúa đã hứa với họ, trong một
miền đất được gọi là Canaan (thuộc Israel ngày nay).
Trong thời gian này, Chúa
ban cho dân Ngài nhiều luật lệ mà độc giả hiện đại đôi khi không hiểu, như luật
cấm ăn thịt heo hay trộn vải vóc. Chỉ một số luật (như “ngươi không được giết
người”) thì còn ràng buộc các tín hữu cho đến nay; các luật “thanh tẩy” khác
như “ngươi không được ăn thịt heo” chỉ dành cho người Israel cổ đại, nhưng
chúng nhằm một chủ định quan trọng.
Luật lệ được thiết định để
giữ cho Israel tách biệt khỏi các quốc gia có thể cám dỗ họ tôn thờ các thần
ngoại giáo, khỏi mấy kẻ thực hiện hành vi loạn luân, thúc đẩy mại dâm, và yêu cầu
hiến tế trẻ em bằng lửa. Các luật cấm dân Israel ăn một số loại thực phẩm hay cấm
mặc y phục nào đó giúp cho họ thấy rằng họ đừng nên bắt chước các quốc gia
khác, nhưng vẫn hiệp nhất và “thuần khiết” trong lòng tôn thờ và tình yêu dành
cho Thiên Chúa của họ.
Có một chuyện tương tự giúp
ta hiểu được sự khác biệt này. Khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ tôi cho tôi hai
quy tắc: nắm tay mẹ khi băng qua đường và không uống nước từ những cái chai dưới
bồn rửa. Luật trong sạch như luật nắm bàn tay mẹ; chúng giúp cho dân Israel hiểu
luật pháp Thiên Chúa đòi hỏi và đã bảo vệ họ khỏi bao ảnh hưởng phá hoại của tà
giáo (giống như việc nắm tay bảo vệ tôi khỏi những người lái xe bất cẩn); các luật
luân lý, mặt khác, giải quyết các vấn đề luôn có hại, như giết người hay ngoại
tình, và bởi đó mà các Kitô hữu vẫn tuân theo dù các luật đó nằm trong sách Cựu
Ước (cũng như tôi vẫn tuân theo quy tắc “Nếu chai nước ở dưới bồn rửa, thì đừng
uống!”).
MỘT QUỐC GIA CÓ NHIỀU CHIẾN SỰ
Năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh, mà người Do Thái gọi là Torah
và các học giả gọi là Ngũ Kinh, đã kết thúc với cái chết của Môsê và sự nhậm chức
của Giôsuê, người kế nhiệm. Sách Giôsuê tiếp tục câu chuyện của Israel và mô tả
dân Israel chiến đấu với các bộ tộc thù nghịch đã sinh sống trên đất Canaan
(người Canaan) ra sao. Một số bài mô tả ghi lại cả các mệnh lệnh xóa sạch các
quốc gia, thật đáng sợ; nhưng vì Thiên Chúa ban mạng sống cho chúng ta, nên chỉ
một mình Ngài có quyền chấm dứt mạng sống vào bất cứ lúc nào và bằng bất kỳ
cách nào. Điều này bao gồm cả việc dùng dân Chúa đã chọn để thực hiện một phán
quyết chống lại một nền văn hóa nổi tiếng với sự độc ác và xấu xa vô song của
nó.
SÁT TẾ TRẺ EM THỜI CỔ ĐẠI
Dân
Chúa bị cấm sát tế con người, dù cho các hy-lễ như vậy lại rất phổ biến trong
dân Canaan, hậu quả là họ phải chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa. Dưới đây là lời
mô tả của một nhà sử học cổ đại về những cuộc sát tế này:
“Có
một bức tượng Kronos bằng đồng đứng giữa họ, hai tay dang rộng trên một lò than
bằng đồng, những ngọn lửa nhấn chìm đứa trẻ. Khi các ngọn lửa ập xuống cơ thể,
tứ chi nó teo lại và miệng há ra như đang cười, cho đến khi [toàn thân] co lại
lặng lẽ trượt vào lò than đỏ rực.”[3]
Cũng có thể ngôn ngữ được sử
dụng trong các văn bản này thuộc thể văn "hùng biện chiến sự" phóng đại,
không theo nghĩa đen. Loại ngôn ngữ này cũng na ná như nói đội thể thao yêu
thích của anh đã “tiêu diệt” hay “tàn sát” đối thủ của mình. Các bản báo cáo
chiến sự cổ đại cũng sử dụng ngôn ngữ này, có thể thấy trong Tấm bia Merneptah
đã viết Israel “bị bỏ hoang và không có dòng dõi,” dù là Israel vẫn còn đó
trong vài thế kỷ sau khi tấm bia được dựng lên.
Sự kiện sách Thủ Lãnh mô tả
các quốc gia thù địch này vẫn còn đó sau khi chúng bị “tru diệt” cho thấy các
sách khác của Kinh Thánh, như sách Giôsuê, có lẽ đã sử dụng ngôn ngữ phóng đại.
Quan điểm của tác giả là Israel không được hấp thu bất kỳ một thành phần nào từ
các quốc gia mà họ đã đánh, mà phải “tru diệt chúng." Dung thứ cho bất kỳ thành
phần nào của một nền văn hóa hủy diệt như thế sẽ dẫn đến việc dân Chúa sa ngã
vào cùng một loại tội ác như thế.
MỘT VƯƠNG QUỐC VÀ MỘT CUỘC LƯU ĐÀY
Cùng với những cuốn sách kể về lịch sử của dân Chúa, Cựu Ước
(hay Kinh Thánh của người Do Thái) là tài liệu dạy cho dân Chúa sự khôn ngoan
và cách sống chính trực, như sách Châm ngôn. Cựu Ước cũng bao gồm các bộ sưu tập
nhiều lời cầu nguyện và nhiều bài thánh ca, giống như các bài thánh ca được tìm
thấy trong sách Thánh vịnh. Các sách khác trong Cựu Ước bao gồm những câu truyện
được viết ra để dạy cho mọi người biết cách sống niềm tin vào Chúa, ví như như
câu truyện về ông Gióp, người đã giữ vững niềm tin của mình bất chấp bao nỗi đau
khủng khiếp.
Các sách lịch sử còn lại của
Cựu Ước, như sách Samuel và Các Vua, mô tả Israel trở thành một vương quốc, rồi
là một vương quốc bị chia rẽ như thế nào. Vị vua nổi tiếng nhất của Israel là
Đavít, mà ai ai cũng nhớ đến là cậu bé chăn cừu đã đánh bại gã khổng lồ
Gô-li-át người Phi-li-tin bằng một cái ná và một hòn đá. Con trai của Đavít là
Salômôn kế vị ông, nhưng sự bất lực của Salômôn trong việc giữ cho dân Chúa khỏi
sa vào tội tôn thờ ngẫu tượng và đồi bại đã dẫn đưa đất nước đến sự chia rẽ
thành các vương quốc phía bắc và phía nam.
Điều quan trọng cần phải nhớ
là việc Kinh Thánh ghi chép lại sự gian ác
hay xấu xa của dân Chúa không phải là Chúa khuyến khích cho các thói quen
đó; những hành động xấu xa đó là động cơ thúc đẩy Chúa gửi hàng loạt tiên tri đến
để thúc giục dân Ngài ăn năn và từ bỏ tội lỗi của họ. Các tiên tri bảo cho dân
chăm sóc góa phụ và trẻ mồ côi (những người có nguy cơ chết đói), đừng thờ ngẫu
tượng, và đừng thực hiện các hành vi tính dục xấu xa.
Thật không may, bao cải cách
của các tiên tri đã bị phớt lờ hay không được kéo dài; kết quả là các nước khác
đã chinh phục các vương quốc phía bắc, phía nam, và bắt dân Chúa cầm tù. Các
sách lịch sử cuối cùng của Cựu Ước mặc khải cho biết dân Chúa sẽ được giải
thoát khỏi cảnh tù đày và trở về miền đất hứa của họ như thế nào. Thật không
may, ngay cả sau khi được trở về, dân Chúa vẫn phải chịu đựng sự cai trị của
các cường quốc ngoại bang như người Hy Lạp (và sau này là người La Mã). Qua hết
mọi điều này, họ đã kiên nhẫn chờ đợi Đấng Mêsia: một vị cứu tinh được hứa ban
trong Kinh Thánh là Đấng sẽ khôi phục vương quốc của Thiên Chúa.
“Không
biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”
– Thánh Jerome, một học giả Kinh Thánh ở thế kỷ thứ tư, người đã thực hiện bản
dịch Kinh Thánh tiếng La tinh phổ biến nhất thế giới.
MỘT ĐẤNG CỨU THẾ ĐƯỢC SINH RA
Tân Ước là câu chuyện về Đấng Mêsia đó, Đức
Giêsu Kitô (Kitô là danh hiệu của Đấng Mêsia có nghĩa
là “Đấng được xức dầu”). Bốn sách Phúc âm (Matthêu, Maccô, Luca và Gioan) cho
biết Chúa Giêsu hiện hữu như là Con của Thiên Chúa trước khi thế giới được tạo
dựng và Ngài đã làm người để cứu nhân loại khỏi tội lỗi của họ. Các sách Phúc
âm kết thúc sau biến cố phục sinh của Đức Kitô, khi Ngài ủy nhiệm cho các kẻ
theo Ngài làm tông đồ (một từ Hy Lạp có nghĩa là “sứ giả”). Sứ mệnh của họ là
chia sẻ tin mừng về sự phục sinh của Chúa Kitô và rao giảng ơn cứu độ cho toàn
thế giới.
Công vụ Tông đồ là cuốn sách
thu nhặt những gì còn sót lại nơi các sách Tin Mừng; (tác giả sách này cũng đã
viết Phúc âm Luca). Sách này mô tả Giáo hội Chúa Giêsu thành lập phát triển ra
sao sau khi Chúa Giêsu lên trời, bất chấp cuộc đàn áp Giáo hội phải đối mặt từ
các nhà lãnh đạo Do Thái và La Mã. Phần còn lại của Tân Ước bao gồm một bộ sưu
tập thư từ của các tông đồ gửi cho các cộng đồng khác nhau để giảng dạy và
khích lệ họ giữ Đức tin.
Cuốn sách cuối cùng của Kinh
Thánh là sách Khải huyền, là cuốn sách bao gồm các thị kiến về vương quốc trên
trời của Chúa. Sách Khải huyền cũng có cả lời tiên tri về sự kết thúc của thế
giới và lời mô tả Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự dữ như thế nào. Sau khi chiến thắng,
Chúa sẽ tập hợp dân của Chúa, cả người sống và người chết, về với Ngài, để chia
sẻ cuộc sống vinh quang đời đời với Ngài.
GIÁO HỘI VÀ KINH THÁNH
Thật là một lập luận vòng vo khi nói Kinh Thánh là lời của Chúa
bởi vì Kinh Thánh nói rằng đó là lời của Chúa; lập luận đó cho là đúng điều anh
đang cố chứng minh là đúng. Nhưng chúng tôi nhận thấy ngay cả khi cho rằng Kinh
Thánh là một bộ sưu tập các tài liệu của con người, chúng vẫn cung cấp các bằng
chứng lịch sử cho biết một con người, Đức Giêsu Kitô, đã sống lại từ cõi chết.
Kinh Thánh cũng cho thấy
Chúa Giêsu đã thành lập một Giáo hội được xây dựng trên các tông đồ mà ngài
trao cho họ quyền uy thần linh (Mt 16:18-19, Ep 2:20). Đức Kitô nói với các
tông đồ, “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Nhưng thẩm quyền này đã
không chấm dứt khi các tông đồ chết; những người kế vị các tông đồ, các giám mục
tương lai của Giáo hội, thừa hưởng thẩm quyền thần linh này và có thể công bố Kinh
Thánh là lời của Chúa.
Đây không phải là một lý luận
vòng vo, trong đó Kinh Thánh được linh hứng được dùng để chứng minh thẩm quyền
của Giáo hội và thẩm quyền của Giáo hội được sử dụng để chứng minh Kinh Thánh
được linh hứng; mà là một “lập luận xoắn ốc”, theo đó Kinh Thánh được thừa nhận
chỉ đơn thuần là một tài liệu của con người ghi lại việc thành lập của một Giáo
hội được thành lập bởi thần linh.[4] Giáo hội
này sau đó có thẩm quyền tuyên bố những tác phẩm
của con người cũng có Thiên Chúa là tác giả. Thánh Augustin, nhà thần học
vĩ đại vào thế kỷ thứ tư, đạt được một kết luận tương tự khi ngài nói: “Tôi sẽ
không tin vào Phúc Âm, nếu thẩm quyền của Giáo Hội không dẫn tôi đến đó.”[5]
LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:
KINH THÁNH
* Sách Cựu Ước mô tả việc sáng tạo thế giới của Thiên Chúa, sự
sa ngã vào tội lỗi của con người, và sự khôi phục của gia đình Thiên Chúa qua
Israel, dân được tuyển chọn của Ngài.
* Sách Tân Ước mô tả sự xuất hiện của Đấng Mêsia, Chúa Giêsu
Kitô, Người Con thần linh của Thiên Chúa, Đấng đã mở rộng gia đình của Thiên
Chúa cho đến toàn thể thế giới bằng cách chịu chết trên thập giá để đền tội cho
nhân loại.
* Đức Kitô thiết lập Giáo hội Công giáo để làm người bảo vệ cho sự
mặc khải của Ngài, và từ đó chúng ta có Kinh Thánh cho các Kitô hữu ngày nay đọc.
Tại sao chúng tôi
theo đạo Công Giáo
[1] GLCG 390.
[2]
William G. Dever, Ai Là Người Israel Sơ Khai và Họ Đến Từ Đâu? (Grand Rapids, Mich.:
Wm. B. Eerdmans), 202.
[3]
Jeffrey H. Schwartz, What the Bones Tell Us (New York: Henry Holt, 2015),
29-30.
[4] Karl Keating, Catholicism and
Fundamentalism: The Attack on Romanism by Bible Christians (San Francisco:
Ignatius Press, 1988), 126.
[5] St. Augustine, Against the
Fundamental Epistle of Manichaeus, 5.