10
Tại sao chúng tôi KHÔNG CHỈ TIN VÀO
KINH THÁNH
Sau khi trở thành một Kitô hữu, tôi đã vật lộn với việc liệu tôi
có nên tiếp tục theo Giáo hội Công giáo hay không. Khi ngồi trong nhà thờ và
nhìn trầm hương từ bàn thờ bay lên, tôi cảm thấy một sức thôi thúc tôi hãy ở lại
và trở nên thành phần của một điều chi như là mầu nhiệm thánh; mặt khác, có rất
nhiều điều người Công giáo tin mà tôi không tìm thấy được trong Kinh Thánh, khiến
tôi nghĩ rằng đó chỉ là các truyền thống do người ta đặt ra.
Cuối cùng tôi quyết định rằng
tôi gia nhập giáo hội nào cũng được miễn là tôi chỉ tin vào những gì Kinh Thánh
dạy. Nhưng rồi tôi gặp phải một rào cản: tôi không thể tìm ra dù chỉ một câu Kinh
Thánh nói rằng tất cả những gì tôi tin phải nằm trong Kinh Thánh; và càng
nghiên cứu lịch sử, tôi càng thấy chính Giáo hội Công giáo đã trao cho chúng
ta cuốn Kinh Thánh.
Nếu tôi tin vào lời của Chúa,
thì tại sao tôi lại không gia nhập Giáo hội đã trao cho chúng ta lời Chúa trong
Kinh Thánh?
Ý TƯỞNG PHI KINH THÁNH CỦA DUY
KINH THÁNH
Vào thế kỷ XVI, các Kitô hữu như Martin Luther và John Calvin phản
đối những gì họ cho là “truyền thống do con người tạo ra” của Giáo hội Công
giáo. Vì phản đối Giáo hội nên họ được gọi là những nhà cải cách phản
kháng (Protestant Reformers). Tuy thế, thay vì cải cách Giáo hội Công
giáo, họ đã bác bỏ thẩm quyền của Giáo hội và thay vào đó bằng ý tưởng rằng hết
mọi giáo huấn Kitô giáo, hay giáo thuyết, phải đến từ Kinh Thánh mà thôi.
Nguyên tắc này sau đó được gọi là sola scriptura (tiếng Latinh có nghĩa là “duy
Kinh Thánh”).
Nhưng nếu tất cả các giáo lý
được cho là đến từ Kinh Thánh, vậy thì Kinh Thánh dạy giáo thuyết Duy Kinh
Thánh ở chỗ nào?
Đúng là sách Khải huyền cảnh
báo rằng “Với bất cứ ai nghe những sấm ngôn trong sách này, tôi xin chứng thực:
"Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai
ương mô tả trong sách này!” (Kh 22:18) Nhưng Gioan, tác giả sách Khải huyền, chỉ
cấm thêm thắt vào những thị kiến mà ngài nhận được; ngài không phủ nhận rằng lời
của Chúa còn ở bên ngoài Kinh Thánh, kể cả ở bên ngoài sự mặc khải cho riêng
ngài.
Đoạn văn được trích dẫn nhiều
nhất để bảo vệ sola scriptura là 2Tm 3:16-17: “Tất cả những gì viết trong Sách
Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa
dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập
toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”[1]
Người Công giáo đồng ý rằng
tất cả Kinh Thánh được linh hứng bởi Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng hữu ích, nhưng
điều này không có nghĩa là Kinh Thánh là công cụ duy nhất giúp chúng ta giảng
dạy Đức tin, hay được tăng trưởng trong sự thánh thiện. Chúng ta cũng cần đến một
đời sống cầu nguyện tích cực và lời khuyên từ các Kitô hữu trưởng thành khác.
Trong 2Tm 2:21, Phaolô nói rằng nếu Timôthê thanh tẩy mình khỏi các ảnh hưởng xấu,
anh sẽ là một chiếc bình sẵn sàng cho “mọi việc lành." Tất nhiên rồi, điều
đó không có nghĩa là nếu Timôthê tránh xa các ảnh hưởng xấu thì anh sẽ tự động
biết mọi giáo lý thiết yếu của Đức tin.
Kinh Thánh dạy rằng Kinh Thánh
là một
công cụ trang bị cho chúng ta để làm việc lành, nhưng đó không phải là công cụ
duy nhất giúp chúng ta sẵn sàng cho nhiệm vụ đó. Thực ra, Kinh Thánh dạy rằng lời
Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong chữ viết.
SỰ CẦN THIẾT CỦA TRUYỀN THỐNG
Các Kitô hữu đầu tiên đã không học hỏi niềm tin của họ từ Kinh
Thánh vì sách của Tân Ước chưa được viết. Điều này thể hiện rõ khi Phaolô cảm
ơn người Côrintô đã “nắm giữ các truyền thống tôi đã để lại cho anh em” (1Cr
11:2), và hướng dẫn môn đồ Timôthê, “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều
nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người có khả năng dạy
cho người khác.” (2Tm 2:2).
Phaolô cảm ơn người
Thêxalônica vì đã đón nhận lời rao giảng của ngài, không phải là lời của con
người, nhưng là chính lời của Thiên Chúa (1Tx 2:13). Trong lá thư thứ hai của
ngài cho cộng đoàn này, ngài bảo họ “hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống
chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.” (2Tx 2:15).
TRUYỀN THỐNG VÀ
CÁC TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC MINH ĐỊNH
* Giáo Truyền (Ecclesial tradition): Các quy tắc và phong tục được
Giáo hội dạy để giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa. Chúng bao gồm các hình
thái thờ phượng hay các quy tắc có thể thay đổi để sinh lợi tốt nhất cho Thân
thể Chúa Kitô.
* Thánh Truyền (Sacred tradition): Lời Chúa được truyền khẩu mà Chúa
Giêsu và các tông đồ đã trao cho Giáo hội và không thay đổi. Chúng bao gồm các
giáo thuyết cơ bản về Đức tin và những cách thế sống Đức tin trong mọi thế hệ.
Thánh Truyền không giống như các phong tục có thể thay đổi theo
thời gian, như cách ăn mặc hay cung cách thờ cúng (hay “truyền thống” với chữ
“t” viết thường).[2]
Thánh Truyền là Truyền thống (với chữ “T” viết hoa) ám chỉ đến lời Chúa được “trao
tay” hay "bày tỏ." Lời đó không thay đổi mặc dù sự hiểu biết của
chúng ta về lời đó có tăng triển theo thời gian, cũng như sự hiểu biết của
chúng ta về Kinh Thánh có lớn lên theo thời gian.
Vào thế kỷ thứ hai, Thánh
Irênê đã viết, “Trong khi các ngôn ngữ trên thế giới thì đa dạng, dù vậy, thẩm
quyền của truyền thống lại là một và giống nhau.” Ngài cũng hỏi người đọc: “Nếu
các tông đồ thực sự không để lại những bài viết cho chúng ta thì sao? Việc tuân
theo trình tự truyền thống được truyền lại cho những ai mà các tông đồ ủy thác
các giáo hội cho họ lại không cần thiết sao?”[3]
TRUYỀN THỐNG CỦA CON NGƯỜI?
Một số Kitô hữu phản đối ý tưởng về Thánh Truyền vì họ tin rằng
Chúa Giêsu đã lên án nó. Họ đề cập đến thời gian khi Chúa Giêsu nói với các nhà
lãnh đạo Do Thái, “các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên
Chúa.” (Mt 15:6). Nhưng trong trường hợp này, Chúa Giêsu lên án một truyền thống
đặc biệt do con người tạo ra, trái với một trong các điều răn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mạnh mẽ chỉ trích truyền thống áp dụng việc cúng tế bằng tiền cho đền
thờ, được gọi là korban, thay vì dùng tiền để phụng dưỡng cha mẹ già. Truyền thống
này mâu thuẫn với Điều Răn Thứ Tư, dạy rằng, “Hãy thảo kính cha mẹ."
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không
bác bỏ toàn bộ truyền thống tôn giáo vì Ngài dạy các môn đệ Ngài hãy vâng lời
các nhà lãnh đạo Do Thái vì họ ngồi trên một thứ gọi là “toà ông Mô-sê” (Mt
23:2-3). Đây không phải là một chiếc ghế thực sự mà là một thuật ngữ chỉ về
truyền thống của người Do Thái, không có trong Kinh Thánh, về thẩm quyền giảng
dạy của các nhà lãnh đạo Do Thái. Thật ra, trước khi lên trời, Chúa Giêsu không
bao giờ ra lệnh cho các tông đồ viết ra bất cứ điều gì. Thay vào đó, nhiệm vụ của
họ là rao giảng phúc âm, và lời Chúa tiếp tục được truyền miệng kể cả sau khi Tân
Ước được viết ra.
DANH SÁCH CÁC SÁCH TRONG KINH THÁNH
Ví dụ rõ ràng nhất về Thánh Truyền mà cả người Công giáo lẫn Tin
lành đều chấp nhận là quy điển của Kinh Thánh. Từ "quy điển" (canon)
đến từ một chữ Hy Lạp có nghĩa là “quy tắc,” và đề cập đến danh sách chính thức
của Giáo Hội về các sách được linh hứng. Bạn có thể tìm thấy danh sách này
trong mục lục của mọi cuốn Kinh Thánh Công giáo hay Tin lành. Quy điển Kinh
Thánh lần đầu tiên được công bố tại Rôma vào năm 382 sau Công nguyên và sau đó
được xác định tại hai công đồng Công giáo ở Bắc Phi (Hippo năm 393 AD và
Carthage vào năm 397 AD).[4]
MỘT NHÀ THẦN HỌC TIN LÀNH
THỪA NHẬN: CÓ VẤN ĐỀ
“Vấn
đề với các tín hữu Tin lành đương thời là họ không có học thuyết về Bảng Mục lục.
Với cách tiếp cận phổ biến trong giới truyền giáo bảo thủ, người ta chỉ đơn giản
đến với Kinh Thánh bằng một bước ngoặt nhận thức luận. Kinh Thánh 'là thế', và
bất kỳ câu hỏi nào về cách nó 'là thế' đều bị coi là quấy rầy. Nhưng ngày qua
ngày, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời, sự im lặng trở nên khó xử, và việc cải
đạo của các tín hữu Tin lành có suy nghĩ sâu sắc sang Công giáo diễn ra một
cách nhanh chóng.”[5]
- Nhà thần học Tin lành Douglas Wilson
Tuy nhiên, nếu bạn là một
Kitô hữu phủ nhận thẩm quyền của Giáo hội Công giáo, thì bạn dựa vào thẩm quyền
nào để nói các Kitô hữu phải chấp nhận quy điển Kinh Thánh được tìm thấy trong
các bộ Kinh Thánh ngày nay?
Một số người nói rõ ràng các
sách trong Kinh Thánh đều có ở đó và chúng tôi không cần đến một Giáo hội nào
chứng minh rằng chúng nằm ở đó, nhưng điều đó có thực sự rõ ràng như vậy không?
Thư của thánh Phaolô gửi cho Phi-lê-môn không dạy bất kỳ một giáo thuyết cụ thể
nào, và bức thư thứ ba của Gioan thậm chí còn không đề cập đến tên của Đức
Giêsu Kitô. Ngược lại, các văn bản phổ biến khác trong Giáo hội sơ khai, như Didache
hay bức thư của Clement, lại không có trong quy điển Kinh Thánh.[6]
Những người khác nói rằng
“giáo hội” (với chữ “g” viết thường) đã đặt định quy điển, nhưng ngày nay chúng
tôi không buộc phải tuân theo những gì một giáo hội nào đó dạy. Nhưng nếu nhóm
Kitô hữu đầu tiên đó không có thẩm quyền của Đức Kitô, thì chúng ta không có lý
do gì để tiếp tục tuân theo các quyết định về giáo lý của họ, kể cả các quyết định
của họ về quy điển. Nhà thần học Tin Lành R.C. Sproul đã có một gợi ý nổi tiếng
rằng điều tốt nhất chúng ta có thể nói là, quy điển của Kinh Thánh là “một danh
sách có thể sai lầm của những cuốn sách không thể sai lầm.”[7] Điều này
có nghĩa là bất kỳ Kitô hữu nào cảm thấy được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đều có
thể yêu cầu mục lục của Kinh Thánh cần được sửa đổi, kể cả một số phần của Kinh
Thánh phải được gỡ bỏ.[8]
Thực ra, 500 năm trước,
Martin Luther và Những Nhà Cải Cách Tin Lành khác đã làm điều đó. Luther gọi
thư Giacôbê là “bức thư rơm rác” vì nó mâu thuẫn với thần học của mình, vì vậy
ông đã chuyển nó vào phía sau của Kinh Thánh. Mặc dù Luther và những người Cải
cách khác đã giữ lại thư của Giacôbê, nhưng họ gỡ bỏ các sách được gọi là đệ nhị
quy điển, ra khỏi Cựu Ước. Những cuốn sách này, như Sirach, Tobit và
Macabê (trong số các sách khác), là một phần của Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã sử
dụng và được coi là Kinh Thánh được linh hứng trong Giáo hội sơ khai.[9] Một lý
do khiến các nhà cải cách từ chối mấy sách đó là vì chúng dạy về các giáo thuyết
Công giáo như sự hiện hữu của luyện ngục và sự cần thiết phải cầu nguyện cho
người đã qua đời.[10]
KINH THÁNH, TRUYỀN THỐNG VÀ GIÁO HỘI
Người Công giáo đồng ý rằng chúng ta không được tin bất cứ điều
gì mâu thuẫn với Lời Chúa bất kể đó là Lời được viết ra (Kinh Thánh) hay là Lời
được rao giảng (Truyền thống).
Nếu một truyền thống bị cáo
buộc mâu thuẫn với Kinh Thánh, thì truyền thống đó phải có nguồn gốc là con người
- chữ “t” nhỏ - hơn là có nguồn gốc thần linh - chữ “T” hoa. Nhưng nếu một tài
liệu được khẳng định là Kinh Thánh (như phúc âm giả mạo hay dị giáo) mà mâu thuẫn
với Thánh Truyền, thì nó cũng phải bắt nguồn từ con người. Thiên Chúa nói qua
chữ viết, nhưng như chúng ta đã biết, chỉ qua Thánh Truyền, chúng ta mới biết
được văn bản nào là lời của Chúa và văn bản nào thì không.
Câu chuyện này là một ví dụ
hoàn hảo về cách thức lời Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh qua chữ viết (những
gì Kinh Thánh nói), mà cũng qua truyền khẩu (các giáo huấn về những gì Kinh
Thánh có ý nói). Nhưng chúng
ta phải tin vào truyền thống của ai để được hướng dẫn mà hiểu Kinh Thánh đây?
Những người bạn theo đạo Tin
lành của tôi thậm chí không thể đồng ý với nhau về những gì Kinh Thánh dạy liên
quan đến các vấn đề như liệu có phải rửa tội cho trẻ sơ sinh để khỏi mất ơn cứu
độ hay không. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong lá thư thứ hai của mình,
Thánh Phêrô đã dạy, “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong
Sách Thánh.” (2Pr 1:20).
Thánh Vincent thành Lerins
đã đưa ra quan điểm này vào thế kỷ thứ năm khi ngài nhận thấy những kẻ dị giáo
cũng có thể trích dẫn Kinh Thánh như các tín hữu. Điều này có nghĩa là cần
đến một thẩm quyền khác để giải quyết những bất đồng về những gì các Kitô
hữu phải tin. Thẩm quyền này không thể là ai khác ngoài Giáo hội mà Chúa
Kitô đã thành lập, hay, như thánh Vincent đã viết, “Nguyên tắc để hiểu cho đúng
về các tiên tri và tông đồ phải được điều chỉnh tương hợp với tiêu chuẩn của
bản dịch Công giáo và thuộc về giáo hội.”[11]
LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:
THÁNH KINH VÀ THÁNH
TRUYỀN
* Kinh Thánh không bao giờ dạy rằng lời Thiên Chúa chỉ giới hạn
trong chữ viết hay mọi điều các Kitô hữu phải tin đều được trình bày một cách
rõ ràng trong Kinh Thánh.
* Kinh Thánh dạy rằng vẫn có lời Chúa trong hình thức truyền miệng
là Thánh Truyền.
* Có một truyền thống mà cả người Công giáo và Tin lành đều tin theo,
đó là quy điển của Kinh Thánh.
Tại sao chúng tôi theo
đạo Công Giáo
[1] Một câu khác được trích dẫn để
bảo vệ sola scriptura là Cv 17:11, mô tả cách người Do Thái ở Bêrê “hiền hậu
hơn những người ở Thessalonikê. Họ hết sức nồng nhiệt đón nhận lấy Lời. Ngày
ngày họ tra cứu Kinh Thánh xem [lời dạy của Phaolô] có thực thế không.” Nhưng
người Do Thái ở Thessalonikê không dốt Kinh Thánh. Họ chỉ phản đối cách giải
thích Kinh Thánh của Phaolô vì ông “biện luận chặt chẽ” và “chứng minh” từ đó rằng
Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Mặt khác, người Bêrê “hiền hậu” hơn vì họ cởi mở và
thấy rằng Kinh Thánh là bằng chứng cho lời rao giảng của Phaolô. Luca thậm chí
còn tuyên bố rằng “Phaolô rao giảng Lời Thiên Chúa ở Bêrê” (Cv 17:13), nghĩa là
lời của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong chữ viết. (bản dịch KT của NTT)
[2] Sách Giáo lý viết, “Truyền Thống
mà chúng ta nói đây xuất phát từ các Tông Đồ và lưu truyền những gì chính các
ngài đã lãnh nhận từ giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu cũng như những gì
các ngài học được nhờ Chúa Thánh Thần.” (GLCG 83).
[3] Thánh Irênê, Chống Dị Giáo,
1:10:2, 3:4:1.
[4] Quy điển
cũng được minh định khi đối mặt với sự chỉ trích của Tin lành về quy điển tại
Công đồng đại kết Trent (1545-1563).
[5]
Douglas Wilson, “Một nhánh bị cắt,” Credenda Agenda 12, no. 1,
www.credenda.org/archive/issues/12-1thema.php.
[6] Eusebius, Lịch sử Giáo hội,
4:23:11.
[7] R.C.
Sproul, Thần học cải cách là gì? Hiểu Biết Những Điều Cơ Bản (Grand Rapids,
Mich.: Baker Books, 2005), 54.
[8] Hãy biết
đến nhóm muốn loại bỏ khỏi Kinh Thánh câu chuyện Chúa Giêsu thương xót người phụ
nữ bị bắt quả tang ngoại tình (Ga 7:53-8:11),
www.conservapedia.com/Essay:Adulteress_Story.
[9] Để bảo vệ nguồn cảm hứng của
các sách đệ nhị quy điển, hãy xem Gary Michuta, Trường hợp của đệ nhị quy điển:
Bằng chứng và Lập luận (Livonia, Mich.: Nikaria Press, 2015).
[10] Xin xem 2 Maccabees 12:46 để
biết một ví dụ.
[11] St. Vincent of Lerins,
Commonitory, 2.5