Tại sao chúng tôi TIN VÀO KHOA HỌC

2

Tại sao chúng tôi 

TIN VÀO KHOA HỌC


Hồi nhỏ, tôi không hứng thú lắm với tôn giáo, mà thích khoa học hơn. Khi tôi lên mười, Câu lạc bộ Các nhà thiên văn học trẻ của trường chúng tôi đã đến thăm Phòng thí nghiệm Lực đẩy máy bay phản lực ở California. Trong một chuyến tham quan, chúng tôi đứng trên một sàn catwalk lơ lửng bên trên hơn một tá khoa học gia đang chuẩn bị cho tàu vũ trụ Cassini được phóng đi; khi nhìn qua lan can, tôi nghĩ về những gì khoa học đã trao cho nhân loại: nào là Internet, nào là máy bay, nào là thuốc men hiện đại.

Năm sau, tôi vào cấp hai và quyết định rằng tôi sẽ chỉ tin vào những gì được khoa học chứng nhận; nhưng một vài năm sau đó, khi chuyển sang niềm tin Công giáo, tôi mới thấy mình đã đặt quá nhiều niềm tin vào khoa học, và không có đủ niềm tin vào những con đường khám phá sự thật bên ngoài khoa học.

KHOA HỌC LÀ GÌ?

Trong thời Trung cổ, khoa học được định nghĩa là “kiến thức về vạn vật từ căn nguyên của chúng” [1] (scientia trong tiếng Latinh có nghĩa là “kiến thức”). Từ này bao gồm những kiến thức về vạn vật tự nhiên, như các ngôi sao và hành tinh, cũng như kiến thức về các sự vật siêu nhiên, như các thiên thần hay Thiên Chúa. Nhưng vào năm 1837, William Whewell đã đặt ra thuật ngữ "nhà khoa học" để chỉ về một ai tìm kiếm lời giải thích tự nhiên và có hệ thống cho các hiện tượng quan sát được.

Theo định nghĩa mới này, các nhà khoa học không thể đưa Chúa ra để giải thích cho những gì họ quan sát được; lại vì sự hiện hữu của Thiên Chúa nằm ở bên ngoài thế giới tự nhiên có thể quan sát được, nên không thể dùng khoa học mà nghiên cứu Thiên Chúa - nhưng điều đó cũng đâu có nghĩa là Thiên Chúa không hiện hữu.

Một máy dò kim loại làm sao có thể phát hiện được kim cương, mà điều đó đâu có nghĩa là không có thể có những mảnh kim cương, đá quý trên bãi biển rơi ra khỏi đồ trang sức của ai đó; cũng như máy dò kim loại, “các công cụ tư duy” chúng ta dùng để khám phá thế giới đều có giới hạn, và ranh giới của thế giới tự nhiên chính là giới hạn của khoa học. Có thể có một điều chi nằm ở bên ngoài ranh giới đó, ví như Thiên Chúa, thì chúng ta cần phải dùng đến những công cụ ngoài khoa học để khám phá.

Một số người nghĩ rằng khoa học là công cụ duy nhất chúng ta phải dùng để khám phá thế giới và chúng ta không được tin vào bất cứ một điều chi không được khoa học xác nhận; thái độ này có tên là chủ nghĩa duy khoa học. Chủ nghĩa này tự mình bác bỏ mình vì tìm đâu ra một thí nghiệm khoa học có thể chứng minh rằng chỉ có duy nhất một hình thái tri thức đáng tin là khoa học; hơn nữa, còn rất nhiều điều chúng ta tin mà không thể được chứng minh bằng khoa học.

Để trả lời cho câu hỏi “Khoa học có quan trọng không?”, nếu bạn nói "có" thì bạn sẽ làm thế nào để chứng minh cho điều đó một cách khoa học? Không một thí nghiệm hay máy móc nào cho thấy khoa học là quan trọng; chúng ta phải dùng đến lập luận logic để chứng minh cho điều này và nhiều điều khác.

Chẳng hạn, khoa học có thể cho chúng ta biết thế giới ra sao, nhưng khoa học không thể cho chúng ta biết thế giới phải ra sao. Khoa học trao cho chúng ta máy bay và thuốc men, nhưng cũng trao cho chúng ta cả bom nguyên tử và khí độc thần kinh; khoa học không thể cho chúng ta biết một điều gì là tốt hay xấu bởi vì điều đó là một công cụ có thể được dùng cho cả điều tốt lẫn điều xấu. Chúng ta cần đến với những công cụ suy tư khác, như triết học và kinh nghiệm cá nhân, để thấy được bao chân lý về thế giới mà khoa học không thể thấy được - kể cả những chân lý liên quan đến một ai hay một điều gì đã tạo nên thế giới này.

MỘT NHÀ KHOA HỌC
TIẾT LỘ CÁC GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC

Năm 1960, Sir Peter Medawar đoạt giải Nobel về nghiên cứu để có thể cấy ghép được nội tạng và mô. Ông cũng viết một cuốn sách có tựa đề Lời Khuyên Cho Một Nhà Khoa Học Trẻ, trong đó ông đã viết như sau:

“Không có cách nào nhanh hơn để một nhà khoa học tự làm mất uy tín cho mình và cho cả sự nghiệp của mình bằng một lời tuyên bố thẳng thừng -đặc biệt là khi không được yêu cầu- rằng khoa học biết hoặc sẽ sớm biết câu trả lời cho hết mọi vấn đề đáng hỏi.” [2]

Mặc dù không theo một tín ngưỡng nào, Medawar vẫn nói rằng chúng ta sẽ phải quay sang văn chương và tôn giáo để có “câu trả lời thích hợp” cho những câu hỏi như “Mọi sự đã bắt đầu như thế nào?” và “Tất cả chúng ta sống trên đời này để làm gì?”

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢN KHOA HỌC KHÔNG?

Không phản khoa học một chút nào, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (GLCG) -cuốn sách chính thức về giáo lý Công giáo- ca ngợi “nhiều công trình nghiên cứu khoa học giúp mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta” (GLCG 283). Ví như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với Viện hàn lâm giáo hoàng về Khoa học của Tòa Thánh rằng thuyết tiến hóa “còn hơn là một giả thuyết,” và Đức Bênêđictô XVI còn đi xa hơn nữa khi nói rằng đã có “nhiều bằng chứng khoa học hỗ trợ thuyết tiến hóa.” [3]

Nhưng về Galileo thì sao? Chẳng phải Giáo hội đã bức hại ông vì ông dạy rằng trái đất quay quanh mặt trời sao? Chẳng phải chuyện đó cho thấy Giáo hội Công giáo đã phản đối những khám phá khoa học mâu thuẫn với những lời dạy của đức tin sao?

Trước hết, Giáo hội Công giáo không lên án thuyết nhật tâm hay lấy mặt trời làm trung tâm cho thái dương hệ của chúng ta. Theo Bách khoa toàn thư Stanford trực tuyến về Triết học, vào thời điểm đó trong lịch sử “không có lập trường chính thức nào của Công giáo về hệ thống [nhật tâm] của Copernicus, và chắc chắn không phải là dị giáo.”[4] Nhiều nhà khoa học thời Galileo đã chấp nhận những lập luận của người Hy Lạp cổ đại về một trái đất đứng yên, khi đó các lập luận ấy đã không bị bác bỏ. Ngày nay chúng ta có thể dùng đến vệ tinh để chứng minh trái đất quay quanh mặt trời, nhưng năm trăm năm trước, câu hỏi đó nào có dễ để giải quyết đâu.

Thực ra, Galileo cho rằng các hành tinh xoay quanh mặt trời theo một đường tròn hoàn hảo, trong khi chúng thực sự có một quỹ đạo hình elip. Vì thế, lý thuyết của Galileo không thể giải trình cho hết mọi chuyển động có thể quan sát được của các hành tinh, đó là một lý do khiến Giáo hoàng Urban VIII cố nài nỉ Galileo coi lý thuyết của ông là chỉ có tính thăm dò. Thật đáng tiếc là Galileo đã chọn cách chế giễu giáo hoàng trong tác phẩm Cuộc Đối Thoại Liên Can đến Hai Hệ thống Thế Giới, trong đó có một nhân vật mang tên Simplicio, có nghĩa là "Gã Khờ", làm người đại diện cho quan điểm của giáo hoàng. Galileo cũng khẳng định rằng Kinh Thánh cần được giải thích lại theo ánh sáng từ những khám phá của ông, một kết luận nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của ông. Cả hai điều sai lầm này đã dẫn đến phiên tòa nổi tiếng cho ông vào năm 1633.

Ngược với niềm tin của nhiều người, Galileo không bị tra tấn, chỉ bị xem là "đáng nghi ngại về dị giáo." Theo Francesco Niccolini, bạn ông, Galileo bị quản thúc tại gia nhưng có một người hầu phục vụ cho đến khi ông qua đời vì tuổi già.[5] Sau này Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xin lỗi cho bất kỳ một sự bất công nào có gây thiệt hại cho Galileo trong phiên tòa xét xử ông và khẳng định lại mối tương quan tích cực giữa Giáo hội và khoa học.

KHOA HỌC CÓ DẪN ĐẾN VÔ THẦN KHÔNG?

Không kể một số nhà khoa học thẳng tính là người vô thần, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 51% các nhà khoa học tin vào Thiên Chúa hay một quyền năng cao hơn.[6] Đúng là con số khoa học gia vô thần có vẻ như nhiều hơn, nhưng Elaine Ecklund đã cho thấy trong cuốn sách Khoa học và Tôn giáo của bà rằng khoa học tự nó không làm cho người ta trở thành vô thần; chỉ đơn giản là số người vô thần có sở thích theo đuổi sự nghiệp trong khoa học nhiều hơn.

Điều này có nghĩa là khoa học tự mình không có gì là không tương thích tương hợp với tôn giáo. Một số đóng góp lịch sử vĩ đại nhất cho khoa học còn đến từ tín hữu các tôn giáo, trong số đó có các tu sĩ Công giáo như Gregor Mendel, người được gọi là “Cha đẻ của Di truyền học Hiện đại,” và các linh mục như Georges Lemaître, người được gọi là “Cha đẻ của thuyết Big Bang.”

Vì bản tính luôn thay đổi của khoa học, Giáo hội Công giáo chỉ dạy về các vấn đề liên quan đến tín lý hay luân lý. Giáo hội không xác nhận một cách bất khả ngộ về các lý thuyết khoa học, mặc dù từ lâu giáo hội vẫn luôn ủng hộ khoa học; chẳng hạn như giáo hội thời trung cổ tài trợ cho các nhà khoa học tạo ra lịch hiện đại. Ngày nay Vatican vận hành một đài thiên văn lớn mà các nhà thiên văn học thế giới thường xuyên đến đó sử dụng.

Theo nhà sử học J. L. Heilbron, “Giáo hội Công giáo La mã đã hỗ trợ tài chính và xã hội cho việc nghiên cứu thiên văn học trong hơn sáu thế kỷ, từ sự phục hồi của kiến thức cổ đại vào cuối thời Trung Cổ cho đến Kỷ nguyên Khai sáng, nhiều hơn bất kỳ một thể chế nào khác, và có thể nhiều hơn mọi thể chế khác.”[7]

ĐỨC TIN LÀ GÌ?

Khi người ta nói, “Khoa học mâu thuẫn với đức tin,” họ thường định nghĩa đức tin là “tin mà không có chứng cứ” hay “tin bất chấp cả lời lẽ của chứng cứ." Khoa học có thể mâu thuẫn với đức tin theo định nghĩa đó, nhưng không mâu thuẫn với đức tin theo cách hiểu truyền thống.

Theo nghĩa rộng nhất, đức tin chỉ là một sự tin tưởng mà chúng ta đặt vào một người hay một vật; như chúng ta có thể nói: “Tôi tin rằng John sẽ hoàn thành dự án của nhóm chúng ta." Ngay cả các nhà khoa học cũng tin rằng các quy luật tự nhiên sẽ vận hành theo cùng một cách ở mọi nơi và trong mọi lúc, mặc dù họ không thể chứng minh rằng các quy luật tự nhiên sẽ luôn vận hành như thế.

Đối với người Công giáo, đức tin là “nhân đức thần học nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin tất cả những gì Người đã nói và mặc khải cho chúng ta.”[8] Nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu (chúng ta sẽ xem xét bằng chứng cho điều đó ngay sau đây), thì chuyện người ta tin tưởng, hay có niềm tin vào Thiên Chúa, là hoàn toàn hữu lý như khi chúng ta tin tưởng hay có niềm tin vào một ai đó. Niềm tin này bao gồm cả những mặc khải tư Chúa ban cho một cá nhân qua việc cầu nguyện, hay mặc khải cách công khai qua Kinh Thánh hay lời giáo huấn của giáo hội.

DÙNG CÁC HẠN TỪ CHO ĐÚNG

* Niềm tin (nghĩa chung): Lòng tin đặt vào một người hay vật dựa trên chứng cớ và kinh nghiệm.

* Đức tin (nghĩa tôn giáo): Lòng tin đặt vào lời hứa của Thiên Chúa dựa trên chứng cớ và kinh nghiệm từ sự mặc khải của Thiên Chúa.[9]

Nhưng phải chăng tin có nghĩa là bạn không cần đến chứng cớ cho những gì bạn tin? Xét cho cùng, nếu có đủ bằng chứng, thì bạn cũng chẳng cần đến niềm tin. Nhưng hãy lưu ý đến điều này: theo Hiệp hội Nhảy dù Hoa Kỳ, 99,99% người nhảy dù sống sót sau cú nhảy của họ. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang mang một chiếc dù mà bạn biết là đã được đóng gói cẩn thận và bạn bước về phía cửa máy bay. Khi bạn nhìn xuống mặt đất hai dặm dưới chân mình và thấy đỉnh các đám mây bay ngang qua, tôi hỏi bạn điều này: “Bạn có lo lắng không?”[10]

Có lẽ là có! Mặc dù có rất nhiều bằng chứng rằng bạn sẽ sống sót khi nhảy ra khỏi một chiếc máy bay bạn vẫn cần tin tưởng vào bằng chứng đó. Bạn vẫn cần phải làm một “cú nhảy của niềm tin." Đây không phải là một cú nhảy mù quáng hay một niềm tin không bằng chứng. Niềm tin đó là hợp lý khi bạn tin tưởng vào một kết luận dựa trên sức thuyết phục của bằng chứng.

Trong cách suy tư đó, trong bài sau chúng ta hãy xem đến bằng chứng cho chân lý nền tảng của Đức tin Công giáo: sự hiện hữu của Thiên Chúa.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

KHOA HỌC

* Khoa học là một công cụ chúng ta dùng để khám phá sự thật về các thực tại, nhưng đó không phải là công cụ duy nhất, bởi vì công cụ đó chịu giới hạn trong việc mô tả thế giới tự nhiên, vật chất mà thôi.

* Chúng ta còn phải sử dụng các “công cụ tư duy” khác, như lập luận logic, để nghiên cứu những gì có thể nằm ở bên ngoài thế giới vật chất tự nhiên.

* Đức tin không mâu thuẫn với khoa học vì đức tin không phản đối bằng chứng. Đức tin là niềm tin chúng ta đặt vào một điều gì đó và, trong tâm thức tôn giáo, đó là niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Thánh Thomas Aquinas, Tổng luận chống lại dân ngoại, 1:64.

[2] P. B. Medawar, Advice to a Young Scientist (New York: Basic Books, 1979), 31.

[3] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các Giáo sĩ của Giáo phận BellunoFeltre và Treviso, ngày 24 tháng 7 năm 2007, www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20070724_clerocadore_en.html.

[4] Sheila Rabin, “Nicolaus Copernicus,” trong Edward N. Zalta, ed., The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Fall 2010 ed., plato.stanford.edu/archives/fall2010
/entries/copernicus/.

[5] Điều này được tìm thấy trong các bức thư ngày 13 tháng 2 và ngày 16 tháng 4 năm 1633 của Niccolini gửi cho vua xứ Tuscany.

[6] Diễn đàn nghiên cứu Pew, “Các nhà khoa học và niềm tin,” ngày 5 tháng 11 năm 2009, www.pewforum.org/2009/11/05/scientists-and-belief/.

[7] J. L. Heilbron, The Sun in the Church: Cathedrals as Solar Observatories (Cambridge: Harvard University Press, 1999), 3.

[8] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (GLCG) 1814. Sách Giáo lý là bản tóm tắt những gì người Công giáo tin.

[9] Hãy xem GLCG 142-165 để có một mô tả toàn diện hơn về đức tin theo quan điểm Công giáo.

[10] Tôi nợ triết gia Timothy McGrew ví dụ này.