Tại sao chúng tôi TIN VÀO SỰ THẬT

 Phần 1. SỰ THẬT VÀ THIÊN CHÚA

1

Tại sao chúng tôi 

TIN VÀO SỰ THẬT

Nếu có một ai giơ nắm đấm tiến tới bạn, thường thì bạn sẽ thấy lo lắng. Tại một trường đại học ở Texas cũng có một sinh viên sừng sộ đến gần tôi làm cho tôi đã lo cho điều tồi tệ nhất; may thay, anh ta chỉ muốn tấn công tôi bằng lời nói mà thôi.

Sau buổi thuyết trình của tôi với chủ đề “Những lý do để theo đạo Công giáo?” Anh ta đến gặp tôi và nói: “Ông là một trong những người kiêu ngạo nhất mà tôi đã từng gặp; ông cho là ông thì đúng còn mọi người khác đều sai.” Tôi ngạc nhiên khi thấy chàng trai này tỏ ra rất giận dữ, và khi tôi bắt đầu trả lời cho anh thì có một vài sinh viên khác bước đến để xem coi có chuyện gì.

“Anh nói rằng tôi thật là kiêu ngạo khi tôi cho rằng tôi đúng về một chân lý tôn giáo và hết thảy những ai không đồng ý với tôi là sai, phải không?" Tôi hỏi anh ta.

"Đúng thế!"

“OK,” tôi hỏi tiếp, “Tôi nghĩ có một ít người ở đây có thể sẽ không đồng ý với anh khi anh cho rằng tôi là người kiêu ngạo. Có phải anh nói đúng và những người không đồng ý với anh là sai?"

Chàng trai trẻ có vẻ bối rối trong vài giây rồi hỏi: “Ông nói như thế là có ý gì?"

Đến lúc này, nhóm sinh viên đến xem đã đông lên đến hàng chục người. Tôi giải thích những gì tôi muốn nói.

"Anh nói đúng; kiêu căng thì xấu, nhưng chuẩn xác thì không xấu. Nếu chúng ta nắm được sự thật về một điều chi, thì những ai không đồng ý với sự thật đó mới sai lầm. Việc nắm được sự thật đó đâu có làm cho chúng ta nên tốt hơn người kia, nhưng điều cần phải giữ cho mình là biết sẵn lòng lắng nghe lẫn nhau để có thể tránh được sai lầm và tìm ra sự thật.”

“Nhưng làm gì có sự thật tuyệt đối!” anh ta phản bác. “Ai cũng có cái đúng của riêng mình.”

Tiểu thuyết gia Pháp thế kỷ 19 Gustave Flaubert có lần đã nói: “Không có sự thật; chỉ có cảm nhận." Khẳng định này có đúng không, hay chỉ là cảm nhận của Flaubert?

SỰ THẬT LÀ GÌ?

Thật là một nghịch lý khi nói “không có sự thật tuyệt đối”: Chính lời này đã khẳng định một sự thật tuyệt đối; lời đó khẳng định rằng, “Có một điều chắc chắn đúng và luôn luôn đúng, là không có điều gì chắc chắn đúng và luôn luôn đúng.” Nói như thế cũng mâu thuẫn như một ai đó nói bằng tiếng Việt: “Tôi không thể nói được một từ tiếng Việt.” Thật là hết sức vô lý khi khẳng định rằng trên đời này thật sự không có sự thật nào hết.

Nhưng sự thật là gì? Khi ta nói một lời tuyên bố là đúng, nghĩa là lời tuyên bố đó "đúng với thực tại"; lời tuyên bố đó mô tả sự vật đúng như nó là. Bất cứ một lời tuyên bố nào mô tả sự vật cũng đều chứa đựng một sự thật chủ quan hay một sự thật khách quan.[1]

Một sự thật là chủ quan khi nó chỉ đúng với người nói; nếu tôi nói, “Kem sôcôla bạc hà rất ngon,” tôi đang nói lên một sự thật chủ quan. Khi có ai không đồng ý về những sự thật như thế, họ sẽ nói, “Điều đó đúng với bạn, nhưng không đúng với tôi.” Có thể nói kem lạnh ăn rất tuyệt thì đúng với Trent Horn, nhưng với một người bị dị ứng với kem thì lời đó chẳng đúng với người ấy. Không có gì là mâu thuẫn ở đây vì các sự thật chủ quan mô tả cảm nhận đối với sự vật của con người hơn là sự thật về sự vật.

SỬ DỤNG CÁC HẠN TỪ CHO ĐÚNG

* Sự thật chủ quan: Những khẳng định trình bày ý kiến và chỉ đúng cho người khẳng định.

* Sự thật khách quan: Những khẳng định trình bày sự vật và đúng cho mọi người.

Dù vậy, một sự thật là khách quan không những mô tả một sự vật đúng với cảm giác của một người mà còn mô tả một sự vật đúng như nó là, đúng với mọi người. Giả như, bất kể bạn có thích hay ghét kem, thì sự thật khách quan là kem bắt đầu tan chảy khi để ở nhiệt độ phòng (trừ khi căn phòng là lều tuyết). Sự thật khách quan không thể chỉ đúng với một ai đó; mà phải là đúng hay là sai đối với mọi người vì chúng mô tả thực tại đúng như nó là, một điều mọi người phải chấp nhận, dù muốn hay không.

Thế thì vấn đề sự thật này có liên quan gì đến tôn giáo hay đến việc theo đạo Công giáo?

CÓ PHẢI ĐÚNG KEM CŨNG NHƯ ĐÚNG THUỐC KHÔNG?

Một số người cho rằng chọn một tôn giáo hay chọn một đạo để theo cũng như chọn một đôi giày hay chọn một hương vị kem; bạn chọn thứ nào cũng được miễn là thấy ngon, thấy tuyệt vời. Họ cho rằng các chân lý tôn giáo là chủ quan, thế nên các chân lý tôn giáo không đúng với mọi người; nghĩa là bạn thấy một điều gì đó là đúng với bạn, thì cũng như một ai khác thấy một điều gì đó là đúng theo niềm tin của họ.

Vì cho rằng chân lý tôn giáo là chủ quan nên khi nghe ai nói tôn giáo của mình là đúng và tất cả mọi người đều nên theo thì người ta thấy lời nói đó như là kiêu ngạo: Nói như thế thì cũng giống như nói rằng mọi người phải đi xăngđan hay ăn kem sôcôla bạc hà (mặc dù tôi thừa nhận đó là một món ngon cho bữa chiều); trong cả hai trường hợp, chúng ta đều có thể nói, “Điều đó có thể đúng với bạn, nhưng không đúng với tôi."

Nhưng các chân lý tôn giáo trình bày những nét đặc trưng quan trọng và cơ bản của thực tại, làm cho chúng mang tính khách quan hơn là chủ quan. Các khẳng định về tôn giáo thì giống như chọn "đúng thuốc" hơn là "đúng kem."

Hãy tưởng tượng nếu chọn thuốc cũng như chọn kem, chúng ta có thể nói, “Hmm, viên thuốc này có vị dâu tây... Tôi lấy ba viên." Lấy thuốc như thế có thể gây nguy hại hay tử vong cho bạn, có thể bệnh chẳng hết mà còn ra nặng hơn vì đã không dùng đúng thuốc. Trong trường hợp này, điều quan trọng cần biết không phải là sự thật chủ quan về mùi vị của thuốc ra sao, mà là sự thật khách quan về tác dụng của thuốc là thế nào đối với cơ thể bạn.

Điều này cũng đúng khi nói đến tôn giáo. Ngay cả khi bạn không tin vào một tôn giáo nào cả, thì chọn lựa đó cũng phải dựa trên sự thật về thực tại chứ không chỉ dựa trên tình cảm với tôn giáo. Điểm then chốt của vấn đề là chúng ta chọn một giáo hội hay một niềm tin không phải vì lòng chúng ta cảm thấy như thế nào, mà vì giáo hội hay niềm tin đó có thực sự là đúng và tốt cho chúng ta một cách khách quan hay không.

TÔN GIÁO, RAJAHS VÀ VOI

Bạn nghe câu chuyện về ba người mù và một con voi chưa? Người mù đầu tiên chạm vào đuôi con voi và nói rằng đó là một sợi dây thừng. Người thứ hai chạm vào đôi tai lớn của nó và nói rằng đó là một cái quạt. Người mù thứ ba chạm vào cạnh sườn đồ sộ của con vật và nói rằng đó là một bức tường.

Sau đó, một vị vua khôn ngoan được gọi là rajah nói với ba người đó, “Voi là một con vật khổng lồ; mỗi người trong các anh chỉ biết một phần của sự thật, nhưng để biết được con voi thì tất cả các phần đó phải được kết nối với nhau. Chuyện đó cũng tương tự với tôn giáo của các bạn; mỗi tôn giáo đều có một phần của sự thật, nhưng các bạn phải xếp chúng lại với nhau mới nắm được sự thật toàn bộ."

Nhưng việc kết hợp các tôn giáo còn mâu thuẫn và có sai lầm với nhau thì đâu có tạo ra được một tôn giáo chuẩn xác hơn việc lấy một sợi dây thừng, hai cái quạt và một bức tường nối lại với nhau để tạo ra một bức tranh chuẩn xác về con voi.

Câu chuyện ngụ ngôn này cũng giả định rằng có một ai đó nắm giữ được tất cả sự thật - rajah. Làm sao mấy kẻ hoài nghi phủ nhận một tôn giáo chân chính biết được họ giống như một rajah chứ không phải là một trong những người mù kia? Có thể một vài tôn giáo nắm giữ được nhiều chân lý hơn các tôn giáo khác, và liệu Thiên Chúa có trao chân lý viên mãn cho một tôn giáo nào không?

Nhưng có phải là kiêu ngạo hay không cho một người như tôi khi tôi nói rằng tôi theo “đạo thật” và những người khác đều sai? Nếu tôi sinh ra ở Ấn Độ, phải chăng tôi sẽ viết một cuốn sách có tựa đề Tại sao chúng ta theo Ấn Giáo thay vì Tại sao chúng ta theo Công Giáo? Có lẽ là thế chăng, nhưng nếu tôi sinh ra ở Trung Quốc thời cổ đại thì có thể tôi đã viết một cuốn sách có tên Tại sao chúng tôi tin mặt đất thì bằng phẳng. Sinh ra trong một thời gian hay địa điểm cách xa với sự thật đâu có bác bỏ được sự thật.

Khi có niềm tin vào một tôn giáo hay một sự thật cơ bản về một thực tại (như chuyện hình dạng của trái đất), tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình đúng và những ai không đồng ý với chúng ta là sai. Ngay cả những người phớt lờ chuyện tôn giáo cũng nghĩ rằng họ đúng, rằng tôn giáo là chuyện nên phớt lờ; họ cũng nghĩ rằng những người bảo họ nên thay đổi mới là người sai lầm. Đây không phải là dấu hiệu của tính kiêu ngạo; mà là một dấu hiệu của sự thực lòng khao khát tìm kiếm sự thật.

Một ai đó, thậm chí là có nhiều người, tử tế và dễ thương nhưng cũng đồng thời chịu sai lầm về tôn giáo. Công việc của tình yêu là không được bỏ rơi một ai trong sự vô tri, mà phải giúp họ tìm ra sự thật. Thực vậy, người ta buộc phải chính xác khi đề cập đến các chân lý tôn giáo, bởi vì trong nhiều trường hợp không có lựa chọn nào khác. Giả như người có tín ngưỡng nắm được sự thật và Thiên Chúa có hiện hữu hoặc là người vô thần nắm được sự thật và Thiên Chúa không hiện hữu; không thể có lựa chọn thứ ba, và không thể có chuyện cả hai đều đúng bởi vì điều đó sẽ dẫn đến mâu thuẫn vừa có lại vừa không về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Là người Công giáo, tôi không khẳng định rằng mọi tôn giáo khác đều sai 100%. Bắt đầu với mấy câu hỏi cơ bản nhất về thế giới (nghĩa là muốn giải quyết vấn đề với những sự thật khách quan), tôi cố gắng xem cho biết tôn giáo nào có câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi của tôi: Có một Thiên Chúa hay không? Từ lý trí, chúng ta có thể biết gì về Thiên Chúa? Thiên Chúa có tỏ mình ra cho nhân loại hay không? Tôn giáo nào có lịch sử tốt nhất để khẳng định rằng đó là tôn giáo đón nhận sự tỏ mình ra của Thiên Chúa? Tôn giáo đó có còn hiện hữu đến ngày nay hay không?

Có nhiều hơn một tôn giáo có thể có câu trả lời chính xác cho một vài câu trong mấy câu hỏi trên. Nếu đúng là chỉ có một Thiên Chúa thì tất cả các Kitô hữu, người Do Thái và hết mọi người Hồi giáo đã có câu trả lời đúng. Dù vậy, nếu đúng là Thiên Chúa đã làm người, thì chỉ có một tôn giáo trong các tôn giáo này có câu trả lời đúng. Khi trả lời cho mấy câu hỏi này, bạn sẽ thấy trong khi nhiều hệ phái đức tin có câu trả lời chân thành cho một số câu hỏi, chỉ có duy nhất một tôn giáo có câu trả lời nhất quán và chính xác cho hết mọi câu hỏi được đưa ra. Nếu thực lòng quan tâm đến sự thật, sao chúng ta lại không tìm hiểu cho biết đâu là tôn giáo có thể trả lời cho hết những câu hỏi này?

ĐỀ XUẤT HƠN LÀ ÁP ĐẶT CHÂN LÝ

Trong một video online, ảo thuật gia vô thần Penn Jillette kể lại việc một Kitô hữu đến gần anh sau một buổi biểu diễn và tặng anh một cuốn Kinh Thánh. Thay vì cảm thấy bị xúc phạm, Penn nói Kitô hữu đó là "một người tốt." Anh nói tiếp, nếu các Kitô hữu thực sự tin rằng niềm tin của họ là đúng, thì họ phải luôn chia sẻ niềm tin đó với người khác. Jillette nói, “Bạn phải ghét một ai đến đâu thì mới không truyền giáo cho họ? Bạn phải ghét một ai đến đâu để cho dù tin rằng đời sống vĩnh cửu là điều có thể đạt tới mà bạn lại không nói cho họ biết?” [2]

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

SỰ THẬT

* "Không có sự thật" là một câu nói mâu thuẫn.

* Sự thật khách quan diễn tả thực tại, đúng như nó là, do đó sự thật khách quan là đúng hay là sai cho hết mọi người.

* Vì tôn giáo diễn tả thực tại, các khẳng định chính yếu của tôn giáo đều mang tính khách quan và có thể được nghiên cứu.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Chỉ có một ít lời khẳng định là hoàn toàn đúng, hoặc là đúng trong mọi nơi, mọi lúc. Trong số đó có các lời khẳng định về những mâu thuẫn luận lý như “không có vòng tròn vuông” hoặc “không có các em bé nhà trẻ đã kết hôn.”

[2] “Penn Jillette nhận được món quà là một cuốn Kinh Thánh.” Có sẵn trực tuyến tại https://www.youtube.com/watch?v=6md638smQd8