Tại sao chúng tôi TIN THIÊN CHÚA CHIẾN THẮNG SỰ DỮ

5

Tại sao chúng tôi tin 

THIÊN CHÚA CHIẾN THẮNG SỰ DỮ


Đôi khi người ta hỏi tôi: “Câu hỏi khó nhất về đức tin Công giáo mà anh gặp phải là gì?" Họ thường nghĩ đến một câu hỏi có tính chuyên môn cao, nhưng những câu hỏi hóc búa nhất mà tôi nhận được lại thường có vẻ đơn giản và mang tính cá nhân:

“Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, trọn tốt trọn lành, tại sao Ngài lại để con trai tôi phải chết trong một tai nạn xe hơi?”

“Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn ái, trọn tình yêu thương, thế thì tại sao Ngài lại để cho trẻ em bị ung thư?”

“Nếu Chúa là Đấng toàn năng, nắm trọn quyền phép, thế thì tại sao Ngài không chỉnh lại bao sự bất ổn trên thế giới?"

Vấn đề sự dữ và đau khổ là một trong những lập luận lâu đời nhất chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa là toàn thiện và toàn năng, thì không thể có sự dữ. Nhưng sự dữ vẫn có đó; cho nên Thiên Chúa không yếu thì ác, hoặc là không có Thiên Chúa.

Lập luận này có sức thuyết phục về phương diện tình cảm rất lớn, nhưng lại không thể chứng minh rằng không có Thiên Chúa từ góc độ logic; mà ngược lại, sự thiện và sự dữ khách quan lại đưa ra bằng chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa.

SỰ DỮ LÀ GÌ?

Để hiểu làm sao mà Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ hiện hữu, chúng ta phải hiểu "sự dữ" là gì.

Sự dữ không phải do Chúa tạo ra mà là sự vắng mặt của sự thiện được Chúa cho phép xảy ra. Sự dữ là một tên ăn theo không thể có nếu không có sự thiện, cũng như rỉ sét không thể có nếu không có kim loại mà nó làm hỏng. Các tệ nạn đạo đức như hiếp dâm hay giết người, chẳng hạn, không thể có được nếu không có một điều tốt cho con người, là quyền tự do lựa chọn đúng/sai; còn mấy sự dữ tự nhiên, như mù lòa và bệnh tật, không thể có được nếu không có các sự lành tự nhiên như thú vật hay cây cỏ.

Mặc dù Thiên Chúa không tạo ra sự dữ, nhưng chúng ta vẫn có thể hỏi: “Tại sao Thiên Chúa cho phép bao điều xấu xa như giết người hay mù lòa hiện hữu?"

Sự dữ là một loài ký sinh ăn mòn sự lành.

Câu trả lời ngắn gọn là: được phép chọn sự dữ nếu sự dữ đó mang lại một sự lành lớn hơn hay chặn lại một sự dữ lớn hơn; ví như con người cho phép sự dữ bởi tai nạn xe hơi tồn tại, bởi việc dùng đến đường phố và đường cao tốc mang lại một sự lành vô cùng lớn. Chúng ta có thể thoát khỏi tai nạn xe hơi bằng cách xóa sạch xe hơi, nhưng giải pháp đó còn tồi tệ hơn vấn đề tồi tệ mà chúng ta đang cố gắng giải quyết.

Cũng thế, Thiên Chúa có thể loại bỏ bao sự dữ về luân lý như hiếp dâm bằng cách xóa sạch con người, hay tước bỏ ý chí tự do của họ, nhưng thế giới này sẽ tồi tệ hơn nếu tất cả chúng ta đều là người máy. Thế giới của chúng ta sẽ không còn nữa bao điều tốt đẹp như các việc anh hùng, như lòng trắc ẩn, kể cả tình yêu, và nhân loại sẽ trở nên những trang thiết bị được lập trình có phẩm hạnh đạo đức đều đều như nhau.

Thế còn bao sự dữ tự nhiên như bệnh tật hay thảm họa không có liên quan gì đến ý chí tự do của chúng ta thì sao? Mấy sự dữ này có thể giúp chúng ta tăng triển bao đức tính không thể có được nếu Chúa loại trừ cho hết mọi cảnh đau khổ. Làm sao Chúa có thể làm cho một ai nên can đảm nếu không để cho người ấy gặp cảnh nguy hiểm. Mấy sự dữ này cũng cần thiết để chúng ta có thể sống trong một thế giới được dự đoán là nơi Chúa không can thiệp từng giây từng phút để bảo vệ chúng ta khỏi đau khổ.

Sau hết, là con người có giới hạn và có sai lầm, chúng ta không có đủ tư cách để nói Thiên Chúa không thể làm cho một sự dữ ta gặp trong đời trở nên một sự lành lớn hơn. Hãy hình dung một người đứng cách bức tranh Mona Lisa một inch (2,5 cm) và nói, “Đây là một bức tranh đáng sợ! Toàn là vết bẩn đen!" Tất nhiên, người đó không thể đánh giá cao vẻ đẹp và giá trị của bức tranh nếu anh chỉ nhìn vào một phần nhỏ xíu của nó. Cũng vậy, nếu chỉ nhìn vào đau khổ, chúng ta đánh mất tầm nhìn về bức tranh lớn, hay cách thức Chúa dùng đau khổ để làm nên một thế giới xinh đẹp và hoàn hảo.

Hãy xem đến trường hợp của Nick Vujicic, một người bẩm sinh không có cả tay lẫn chân. Khi còn trẻ, anh rất sầu não, đã thử dìm mình trong bồn tắm cho chết. Tuy nhiên, sau khi gặp Chúa và thấy rằng cuộc đời mình không phải là một sự rủi ro, Nick đã biến đổi. Bây giờ anh chu du khắp thế giới để chia sẻ cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa thấm nhuần trong từng nỗi đau khổ sâu sắc nhất của chúng ta như thế nào. Anh viết, “Ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất như vượt quá sức chúng ta, Chúa biết chúng ta có thể chịu đựng được đến đâu. Tôi vững lòng tin rằng cuộc sống chúng ta ở đời này chỉ là tạm thời, vì chúng ta đang được chuẩn bị cho cõi đời đời.”[1]

THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

Đối với một người đang đau khổ, tôi hiểu câu trả lời đó có thể chẳng làm cho họ hài lòng. “Tôi không cần!” một cô gái nói. “Nếu Chúa yêu tôi, Ngài sẽ cất đi nỗi đau này trong đời tôi. Ngài sẽ không để cho quá nhiều điều tồi tệ xảy ra cho nhân loại!"

Đó là phản ứng thường gặp trước một nỗi đau khủng khiếp, và đó là lý do tại sao tôi đồng ý với người bạn và đồng nghiệp của tôi, Jimmy Akin, người đã chứng kiến vợ mình qua đời vì bệnh ung thư chỉ một thời gian ngắn ngay sau khi họ kết hôn. Anh nói, “Không phải lúc nào Chúa cũng cho chúng ta biết lý do của nỗi đau khổ nơi chúng ta, nhưng ngài thực sự có cách giúp chúng ta chịu đựng nó." Một điều giúp tôi chịu đựng đau khổ là nhận biết rằng mọi sự dữ đều phi lý nếu không có Thiên Chúa.

Nhiều người nói sự dữ chỉ là “vận rủi” hay “chuyện tổn thương”, nhưng mấy định nghĩa đó không có giá trị. Trám một cái răng hay bị trừng phạt vì một tội ác mà anh đã phạm đều gây tổn thương, nhưng chúng đâu có phải là sự dữ. Đúng thế, hai ví dụ đó cho thấy sự cưỡng bức trong y khoa hay pháp luật là sự lành. Mặt khác, có những trường hợp sự dữ không gây đau đớn; một người đàn ông tưởng tượng chuyện cưỡng hiếp trẻ em nhưng không hề thực hiện điều mình tưởng tượng. Anh không gây ra đau đớn, nhưng rõ ràng anh có những suy tưởng xấu, không lành.

Đây là một định nghĩa tốt hơn: Sự dữ là những gì chúng ta phải chịu đựng khi sự việc không theo con đường chúng phải theo.

Hiếp dâm, giết người, ung thư và bao điều tồi tệ khác đều là sự dữ vì chúng vặn cho vẹo con đường phải theo. Tình dục phải là hành vi của tình yêu, chứ không phải của bạo lực. Các tế bào phải phát triển thành các bộ phận cơ thể, chứ không phải là khối u. Nếu sự dữ kéo mọi sự về con đường không được theo, thì sự lành phải kéo mọi sự về con đường phải theo. Nhưng nếu mọi sự được cho là phải theo một con đường nhất định, điều đó có nghĩa là phải có cả một kế hoạch có tính vũ trụ và một người lập kế hoạch cho vũ trụ - một nhà kế hoạch mà nhiều người gọi là Thiên Chúa.

MỘT NHÀ VÔ THẦN THỪA NHẬN:
ĐẠO ĐỨC CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA

Triết gia vô thần J.L. Mackie đã viết, “Các thuộc tính đạo đức tạo thành một cụm các thuộc tính và nối kết kỳ lạ đến mức chúng hầu như không thể phát sinh trong quá trình diễn biến thông thường của các sự việc nếu không có một vị thần linh toàn năng tạo ra chúng.”[2]

Mackie mạnh mẽ tin vào chủ nghĩa vô thần đến nỗi ông phủ nhận sự tồn tại của những chân lý đạo đức khách quan, mặc dù chúng được coi là đúng đối với hầu hết mọi người. Có lẽ chúng ta phải chấp nhận rằng đạo đức là có thật và nó đến từ một Thiên Chúa toàn năng, mà chính Ngài là sự thiện.

MỞ RỘNG Ý NGHĨA

Không chỉ có vũ trụ được cho là phải theo một đường lối phải theo, bạn và tôi cũng được cho là phải theo một đường lối phải theo. Khi một xã hội bao che cho sự dữ như chế độ diệt chủng hay nô lệ, thì các anh hùng là những người biết nói: hãy làm điều phải làm hơn là chấp nhận chuyện đời là thế. Kể cả Martin Luther King Jr. cũng nói: “Luật công bằng là bộ luật do con người tạo ra sao cho phù hợp với bộ luật đạo đức hay là bộ luật của Thiên Chúa.”[3]

Mặt khác, khi làm một điều sai trái, dù không bị ai phát hiện, chúng ta vẫn cảm thấy có tội; chúng ta cảm thấy như thể chúng ta không đạt tới một chuẩn mực mà chúng ta muốn được như thế. Hầu hết chúng ta đều nói với một ai đó sau khi làm tổn thương họ, “Tôi hết lòng xin lỗi, tôi không muốn thế." Lý do khiến chúng ta cảm thấy như vậy là vì Thiên Chúa đã trao luật đạo đức của Ngài cho chúng ta và viết nó vào lòng của chúng ta dưới hình thức của tiếng lương tâm.[4] Thậm chí Kinh Thánh còn dạy rằng những ai không biết Thiên Chúa trong một tương quan cá vị vẫn biết Ngài qua lương tâm của họ (Rm 2:14-16).

Chúa ban cho chúng ta luật đạo đức không phải là để cho chúng ta thấy mình có tội, mà để chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc thực sự. Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ tuyệt vời như thế nào nếu không một ai nói dối, ăn cắp, giữ mối hận thù, hay lợi dụng người khác. Từ đáy lòng sâu thẳm chúng ta biết chúng ta được tạo ra để trở thành con người như thế, và ngay cả những đau khổ trong cuộc đời này cũng có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó. Câu Kinh Thánh tôi yêu thích diễn đạt điều đó như sau:

Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. (Hc 2:4-6).

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Ở GIỮA NỖI KINH HÃI PHÁT XÍT

Linh mục Maximilian Kolbe là một tù nhân tại trại tập trung Đức Quốc xã Auschwitz. Sau khi một tù nhân được cho là đã trốn thoát, các lính canh chọn mười người đàn ông phải chết trong hầm chết đói để dạy cho các tù nhân còn lại một bài học. Các lính canh bắt đầu lôi đi một người đàn ông tên Franciszek, anh vừa dậm gót chân vào bùn trên mặt đất vừa kêu lên, “Người vợ tội nghiệp của tôi! Những đứa con đáng thương của tôi!” Lúc đó, Cha Kolbe bước tới và nói, “Tôi là một linh mục Công giáo. Hãy cho tôi thay vào vị trí của anh ta. Tôi đã già rồi, anh ta thì còn vợ và con cái.”[5]

Các lính canh đã cho phép Cha Kolbe thế chỗ của Franciszek, và trong hai tuần sau đó, ngài đã an ủi những người bị kết án tử hình khác trong hầm chết đói. Mỗi khi nhìn vào phòng giam của ngài, lính canh đều thấy cha Kolbe đang đứng hay quỳ gối nguyện cầu. Sau khi tất cả các tù nhân khác đã chết, lính canh không chờ cho đến khi cha Kolbe chết vì đói nữa, mà tiêm carbolic axit vào cánh tay trái của ngài và sau đó thì hỏa táng thi hài của ngài.

Phải chăng đó là một ví dụ cho thấy sự dữ là chứng cớ xác minh rằng Thiên Chúa không hiện hữu?

Những gì Đức Quốc Xã đã làm là sai một cách khách quan cho thấy có một tiêu chuẩn chung cho đạo đức xuất phát từ một nguồn gốc chung của sự thiện, là Thiên Chúa. Đạo đức không thể chỉ là một cơ chế sinh tồn được tăng triển qua quá trình tiến hóa của con người, vì một số người cảm thấy được thúc đẩy phải làm những việc chẳng giúp gì cho sự sống còn của họ, chẳng hạn như hy sinh mạng sống của mình cho một người lạ. Dù vậy, nếu tất cả chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều đó giải thích cho tấm lòng khao khát chiến đấu và thậm chí chết vì phẩm giá của một con người. Thực vậy, Franciszek vẫn giữ được sự sống qua thời gian ở Auschwitz và dành phần đời còn lại của mình để nói với mọi người về đức tính anh hùng của Cha Kolbe.

Điều gì đã trao cho Cha Kolbe sức mạnh để đối mặt với sự dữ và đau khổ ghê gớm như vậy? Là một linh mục, ngài đã cống hiến cuộc đời mình để noi gương Chúa Giêsu Kitô, và Chúa Giêsu sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cứu nhân loại khỏi tội lỗi của họ, cho dù có phải chết một cách đau đớn và nhục nhã trên thập giá. Vì Chúa Giêsu là Con thần linh của Thiên Chúa nên Ngài có thể dâng một hy lễ yêu thương hoàn hảo, vô hạn để đền bù tội lỗi cho cả thế giới. Đối với những ai tin vào Chúa Giêsu, hy lễ này muốn nói rằng sự chết không phải là kết thúc của cuộc sống, nhưng đúng hơn là bắt đầu cho một đời sống mới với Chúa trên thiên đường. Khi chuẩn bị chịu hành quyết, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Cha Kolbe nghĩ đến câu Kinh Thánh này: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?" (1Cr 15,55).

Vấn đề sự dữ không phải là vấn đề của Thiên Chúa - mà là vấn đề của chúng ta.

Nếu có một chuẩn mực hoàn hảo, khách quan của sự thiện thì mỗi khi chọn sự dữ là chúng ta không đáp ứng được với chuẩn mực đó; nhưng các chuẩn mực đạo đức không giống như các quy tắc cứng nhắc của toán học. Đạo đức là chuyện lựa chọn giữa thiện và ác của con người, chuẩn mực đạo đức hoàn hảo phải xuất phát từ một cá thể hoàn hảo - Thiên Chúa; điều đó có nghĩa là bất cứ khi nào chúng ta chọn sự dữ, chúng ta tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, Đấng là chính Sự Thiện.

May thay, bởi cuộc trỗi dậy từ cõi chết, Chúa Giêsu cho thấy rằng bất cứ ai tin vào Ngài cũng được chia sẻ sự phục sinh của Ngài để có được sự sống đời đời. Thiên Chúa sẽ trao món quà ân sủng là sự sống thần linh của Thiên Chúa được trao ban cách nhưng không cho mọi người tin theo Chúa Giêsu. Ân sủng Chúa ban giúp chúng ta chết cho chính mình, và nếu cần thì chết cho người khác.

Nhưng làm sao biết được Đức Giêsu là Thiên Chúa? Làm sao biết được Ngài sống lại từ kẻ chết? Điều gì sẽ xảy ra nếu những câu truyện về Giêsu chỉ là câu truyện? Chúng ta đã kiểm tra bằng chứng triết học cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng bây giờ chúng ta phải kiểm tra bằng chứng lịch sử để thấy được vị Thiên Chúa này đã tỏ mình ra cho thế giới trong con người Giêsu Kitô.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

THIÊN CHÚA CHIẾN THẮNG SỰ DỮ

* Sự Dữ là thiếu vắng Sự Thiện.

* Một người tốt có thể dùng đến sự dữ nếu sự dữ đó mang lại những sự thiện lớn hơn.

* Sự thiện khách quan và sự dữ khách quan chỉ có ý nghĩa một khi có một bộ luật đạo đức khách quan bởi một nhà lập pháp hoàn hảo, là Thiên Chúa.


Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Nick Vujicic, Cuộc sống không giới hạn (New York: Doubleday, 2010), 34.

[2] J.L. Mackie, Phép lạ của chủ nghĩa hữu thần: Các lập luận ủng hộ và chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa (Oxford: Oxford University Press: 1982), 115.

[4] Một số người nói rằng đạo đức không thể dựa trên Thiên Chúa bởi vì nếu Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta làm điều gì xấu, như tra tấn một đứa trẻ, điều đó sẽ không trở thành đạo đức chỉ vì Chúa ra lệnh cho nó. Vì vậy, phải có một điều gì đó ở bên trên Thiên Chúa để làm nền tảng cho đạo đức và xác định những hành vi đó là xấu một cách khách quan. Nhưng vì Thiên Chúa là một hữu thể hoàn hảo và vô tận, hiện hữu không có giới hạn hay khuyết điểm, nên nhất thiết Ngài sẽ chỉ ra lệnh cho những hành động tốt tương ứng với bản chất hoàn hảo của Ngài. Thiên Chúa không bao giờ có thể muốn chúng ta làm một điều gì ác, vì chính Ngài là sự thiện và mong muốn chúng ta nên thánh vì Ngài là thánh (1 Pr 1:16). Sách Giáo lý, trích dẫn Thánh Thomas Aquinas, dạy rằng “Sự toàn năng của Thiên Chúa không hề có tính chất độc đoán: “Nơi Thiên Chúa, quyền năng và yếu tính, ý muốn và trí tuệ, sự khôn ngoan và sự công chính là một. Do đó, không có gì trong quyền năng của Thiên Chúa mà không ở trong ý muốn công chính của Ngài, và trong trí tuệ khôn ngoan của Ngài” (GLCG 271).

[5] Jennifer Jackson, Đạo đức trong Y học: Đức hạnh, Nết xấu và Dược phẩm (Cambridge: Polity Press, 2006), 140.