Tại sao chúng tôi TIN CÓ LUYỆN NGỤC

18

Tại sao chúng tôi TIN CÓ LUYỆN NGỤC


C.S. Lewis, tác giả cuốn sách Đơn giản chỉ là Kitô giáoBiên niên sử Narnia, không phải là tín hữu Công giáo nhưng ông thực sự tin vào sự hiện hữu của luyện ngục. Ông biết cái chết không thay đổi tâm hồn tội lỗi của chúng ta, vì vậy Thiên Chúa phải làm một điều gì đó cho chúng ta sau khi chết để làm cho chúng ta xứng đáng được sống đời đời với Ngài. Lewis nói, “Linh hồn chúng ta đòi phải Luyện ngục chứ?[1]

C.S. LEWIS MÔ TẢ SỰ CẦN THIẾT CỦA LUYỆN NGỤC

Có tan nát cõi lòng không nếu Thiên Chúa nói với chúng ta: “Quả thật, con ơi, hơi thở của con hôi thối và quần áo tả tơi của con bê bết bùn và nhầy nhụa, dù vậy chúng ta có lòng độ lượng và sẽ không ai quở trách con về mấy điều này, cũng không xa tránh con. Con sẽ bước vào niềm vui chứ?” Lẽ nào chúng ta lại không trả lời, “Xin vâng, lạy Chúa, và nếu không ai phản đối, con xin được tẩy cho sạch trước."

“Có thể đau, con biết đấy.”

“Vâng, dù có phải đau, lạy Chúa.”

1Ga 5:17 nói, “Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.” Giáo hội coi tội trọng là các việc xấu xa nghiêm trọng mà chúng ta tự do lựa chọn đã phá hủy tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Các tội này làm mất đi niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu với Chúa trừ khi chúng ta xin Chúa tha thứ qua bí tích hòa giải (xưng tội).[2]

Khác với tội trọng, tội nhẹ làm tổn thương linh hồn nhưng không tiêu diệt ơn Chúa bên trong. Đây là những tội người ta phạm phải trong cuộc sống hàng ngày, không hoàn toàn tách ly họ khỏi Thiên Chúa nhưng lại làm tổn thương mối tương giao với Ngài. Người Công giáo không cần phải xưng các tội này với một linh mục (họ có thể xưng nếu muốn), và Bí tích Thánh Thể cũng thanh tẩy chúng ta sạch các tội này; nhưng điều gì sẽ xảy ra với một ai không tìm đến các bí tích và chết trong tình trạng ô uế vì tội nhẹ?

Vì những người này đã chết trong ân sủng và trong tình bạn với Thiên Chúa, nên họ không thể xuống hỏa ngục. Nhưng Kh 21:27 nói rằng sẽ không thể có một điều gì ô uế trên thiên đường. Do đó, là thật hợp lý, khi các linh hồn được cứu độ này được tẩy cho sạch tội lỗi của họ trước khi được hưởng sự sống đời đời với Chúa. Theo sách Giáo lý, “Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt.” (GLCG 1031).

Luyện ngục không phải là một sự thay thế cho thiên đường và hỏa ngục, cũng không phải là “cơ hội thứ hai” để chọn Chúa. Tất cả các linh hồn xuống luyện ngục đều thuộc về những người đã qua đời trong tình bạn với Chúa. Luyện ngục không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái hiện hữu sau khi chết, trong trạng thái đó chúng ta sẽ được thanh tẩy khỏi tội lỗi. CS Lewis hiểu rằng bởi vì Chúa yêu chúng ta rất nhiều, Ngài sẽ không để chúng ta gắn bó với bất kỳ một thứ tội nào, kể cả tội nhẹ, cho đến muôn đời.

LUYỆN NGỤC LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta không biết chính xác quá trình thanh luyện gồm có những gì hay sẽ mất bao lâu. Chúa Giêsu nói với người trộm lành trên thập giá, “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43), và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Khoảnh khắc” biến cải trong cuộc gặp gỡ này vượt quá mọi ước tính thế gian - đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của cuộc “vượt qua”, để tiến đến hiệp thông với Thiên Chúa trong Thân Mình Chúa Kitô.”[3]

LUYỆN NGỤC NẰM Ở ĐÂU TRONG KINH THÁNH?

Nếu bạn thắc mắc luyện ngục nằm ở đâu trong Kinh Thánh, thì cũng hãy thắc mắc về điều này - Ở đâu trong Kinh Thánh nói rằng tất cả các Kitô hữu sẽ lên thiên đường ngay lập tức sau khi chết?

Một số người nói rằng Kinh Thánh dạy rằng “lìa khỏi thân thể là trình diện với Chúa.” Nói cách khác, sau khi chết, chúng ta sẽ “hiện diện với Chúa Kitô” trên trời; nhưng đó là một trích dẫn sai Kinh Thánh. Trong 2Cr 5:8 đúng là thánh Phaolô có nói, “điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa.”

Nếu tôi nói, “Tôi thà rời khỏi văn phòng để ở nhà với gia đình thì hơn,” điều đó không có nghĩa là một khi tôi bước chân ra khỏi văn phòng của mình, tôi sẽ tự động ở nhà. Phaolô thậm chí còn nói với chúng ta rằng sau khi chết, chúng ta sẽ không tự động có được hạnh phúc nghỉ ngơi với Chúa Kitô trên thiên đường. Thay vì thế, Ngài nói, chúng ta sẽ “đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2Cr 5:10).

“Tôi chưa bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của luyện ngục. Tôi vẫn cho rằng có luyện ngục, như tôi đã viết và thừa nhận nhiều lần.” - Martin Luther[4]

Cựu Ước mô tả cách Giuđa Macabê cầu nguyện cho linh hồn các đồng đội đã thiệt mạng của mình và “dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12:46). Vì lời cầu nguyện không giúp được gì cho người bị kết án trong hỏa ngục và không cần thiết cho một ai được cứu độ trên thiên đường, lời cầu nguyện này phải được áp dụng cho các linh hồn đang chịu thanh tẩy cho sạch tội lỗi trong luyện ngục sau khi chết.

Đúng là người theo đạo Tin lành từ chối nguồn cảm hứng từ các sách đệ nhị quy điển như 2 sách Macabê, nhưng họ không thể phủ nhận rằng mấy cuốn sách này cho thấy cách người Do Thái cổ đại cầu nguyện cho người chết để tội lỗi của họ có thể được tha thứ. Thực ra, Chúa Giêsu có dạy về những tội nặng đến mức không thể được tha thứ ở cả đời này lẫn “đời sau” (Mt 12:32); nhưng lời này còn ngụ ý rằng “trong thời đại sắp đến,” hay trong đời sống sau khi chết, trong luyện ngục, những tội nhẹ hơn sẽ có thể được tha.

Có lẽ văn bản nổi bật nhất về sự thanh tẩy mà chúng ta sẽ trải qua sau cái chết là 1Cr 3:13-15. Trong đoạn này, Phaolô đề cập đến cuộc sát hạch các việc làm của chúng ta, sẽ diễn ra sau khi chết:

"Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa."

Những câu này mô tả rõ ràng sự phán xét của Thiên Chúa sau cái chết và cách thức các việc làm của chúng ta được bóc trần với lửa. Ngọn lửa có thể không theo nghĩa đen, bởi vì Kinh Thánh sử dụng lửa theo những cách ẩn dụ để mô tả sự tẩy rửa và thanh tẩy (Mt 3:11-12). Văn bản thực sự nói rằng khi các việc làm hèn kém của một người được kiểm tra, người đang chịu sát hạch sẽ chịu tổn thương dù là vẫn được cứu độ.

Một người có thể phải chịu những tổn thương nào để được cứu độ? Sự tổn thương, giải thích cách tự nhiên nhất, đại diện cho bao đau khổ mà người ấy sẽ phải chịu đựng sau khi chết, khi tác động tiêu cực của các việc làm hèn hạ và xấu xa của người ấy được tẩy sạch khỏi tâm hồn. Người ấy sẽ được cứu độ, nhưng qua ngọn lửa thanh luyện, là điều mà chúng ta gọi là luyện ngục.

SỬA CHỮA ĐỀN BÙ

Con người muốn đền bù lầm lỗi của mình là điều tự nhiên, nhưng dù có lớn đến đâu, không một việc làm nào của chúng ta có thể đền bù cho sai lầm do tội lỗi của chúng ta gây ra chống lại một Thiên Chúa vô cùng thánh khiết. (Chỉ có sự hy sinh của Chúa Kitô mới có thể làm điều đó.) Tuy thế, chúng ta có thể đền bù cho những hậu quả vật chất hay trần thế bởi tội lỗi chúng ta.

Đây là một cách để hiểu được sự khác biệt.

Nếu đứa con trai năm tuổi của tôi liều lĩnh làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm, tôi sẽ trả tiền cho cửa sổ bởi vì con tôi không thể trả. Nếu con trai tôi xin lỗi vì những gì nó đã làm thì tôi sẽ tha thứ cho nó, nhưng tôi cũng sẽ yêu cầu nó làm thêm việc nhà để đền bù cho cái lỗi đó; điều này thỏa mãn cho lương tâm của nó mong được cải thiện và cũng giúp cho nó học được một bài học đáng giá.

Chúng ta có thể cho rằng kỷ luật thì trái ngược với tình yêu, nhưng nếu bạn có ở gần một đứa trẻ hư, bạn mới thấy rằng sự thiếu kỷ luật có thể làm cho người ta tức giận, thất vọng, ích kỷ, và chắc chắn là đau khổ. Vì Chúa là người cha chan chứa tình yêu thương, Ngài cũng sửa dạy chúng ta một cách bao dung, như Kinh Thánh viết, “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6).

Thiên Chúa, người Cha chúng ta, yêu thương chúng ta như thế nào? “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người.” (Dt 12:10).

Ví như, Thiên Chúa đã tha thứ cho tội ngoại tình và giết người mà vua Đavít đã phạm, nhưng kỷ luật Đavít bằng cách cho phép ông chịu đau khổ ở đời này (2Sm 12:7-14). Thật vậy, mỗi khi phạm tội, chúng ta gây đau đớn và khổ sở cho người khác, và phát triển một sự gắn bó không lành mạnh với tội lỗi. May mắn thay, qua Giáo hội mà Chúa đã ban cho chúng ta một cách để đền bù bao hậu quả bởi tội lỗi chúng ta đã phạm và sống thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng thánh (1Pr 1:16). Món quà này được gọi là ân xá.

Ân xá không phải là “tấm vé” đặc biệt giúp người Công giáo lên thiên đường hay thoát khỏi hỏa ngục. Ân xá không tha tội và Giáo hội không bao giờ bán ân xá.[5] Thay vào đó, thông qua các việc làm của lòng tin và lòng mến chân thành và được quy định cụ thể (như đọc một số lời cầu nguyện hay thậm chí đọc Kinh Thánh), Giáo hội áp dụng công nghiệp của Chúa Kitô và các thánh cho chúng ta, để chúng ta được thanh tẩy khỏi hậu quả của tội lỗi trước khi chết, thay vì thanh tẩy sau khi chết. Những công nghiệp này cũng có thể được áp dụng cho các linh hồn trong luyện ngục bằng cách cầu nguyện và nhận được ân xá cho họ, cũng như chúng ta cầu nguyện cho bất kỳ một Kitô hữu nào đang cố gắng nên thánh.

Trong thư Côlôsê (1:24), Phaolô nói rằng trong sự đau khổ của mình, ông đã đền bù cho những “gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu.” Vì hy tế của Đức Kitô là hoàn hảo, điều Đức Kitô còn phải chịu mà Phaolô muốn nói là sự hy sinh của chúng ta. Thiên Chúa muốn tất cả những hy sinh của chúng ta trong cuộc sống này được hiệp nhất với Chúa Kitô để, với tư cách là một gia đình, chúng ta có thể giúp cho nhau được tràn đầy ân sủng và thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói nếu chúng ta là con Thiên Chúa thì chúng ta đều là người thừa kế của Thiên Chúa, “và đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8:17).

LUYỆN NGỤC THAY THẾ CHO CHÚA KITÔ SAO?

Nếu sự hy sinh của Đức Kitô là hoàn hảo và có sức chuộc tội vô hạn, thì tại sao lại cần đến luyện ngục? Luyện ngục vẫn được cần đến vì hy tế hoàn hảo của Đức Kitô phải được áp dụng cho mỗi cá nhân theo nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn những ai từ chối lời mời ban ơn cứu độ của Đức Kitô sẽ không nhận được kết quả hy tế cứu độ của Chúa Kitô cho mình. Các tín hữu dính bết vào tội lỗi trong cuộc sống này thì sau khi chết sẽ nhận được kết quả hy tế cứu độ của Chúa Kitô cho mình trong luyện ngục. Các nhà thần học như Giáo hoàng Benedict XVI còn suy đoán rằng ngọn lửa luyện ngục thanh tẩy không là gì khác hơn là chính Chúa Kitô. ĐTC đã viết:

Một vài thần học gia mới đây có ý kiến cho rằng lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc chính là Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ với Người là hành động phán xét chung cuộc. Trước ánh mắt người tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ với Người vừa thiêu đốt vừa cải biến chúng ta, và giải thoát chúng ta, khiến cho chúng ta trở nên con người đúng thật của mình.[6]

Luyện ngục không lấy đi công việc của Chúa Kitô mà, nói cho đúng, đó là công việc của Chúa Kitô. Luyện ngục không phải là một thứ Giáo hội tạo ra để buộc mọi người làm việc theo cách của Giáo hội dạy để vào thiên đường. Thay vào đó, luyện ngục là do Chúa tạo ra để ân sủng của Con Chúa giành được cho chúng ta trên thập giá có thể làm cho chúng ta “trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1:22), cho chúng ta thoát khỏi đau đớn và hình phạt bởi tội lỗi, và sẵn sàng bước vào vinh quang vĩnh cửu với Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

LUYỆN NGỤC

* Tội lỗi gây ra sự dữ luân lý cả tạm thời lẫn vĩnh cửu cho linh hồn chúng ta và các sự dữ đó phải được tẩy sạch trước khi chúng ta vào thiên đường.

* Chúa Kitô cất bỏ hình phạt đời đời của tội lỗi, và chính nhờ ân sủng của Người mà các hình phạt tạm thời của tội lỗi được xóa bỏ trong luyện ngục.

* Ân xá là cách thế nhờ đó chúng ta có thể xóa bỏ hình phạt tạm thời bởi tội lỗi cho chính chúng ta và cho các linh hồn trong luyện ngục mà chúng ta cầu nguyện cho.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] C.S. Lewis, Letters to Malcolm: Chiefly on Prayer (New York: Mariner Books, 2002), 108-109. Mặc dù Lewis chỉ trích một số quan niệm thời trung cổ về luyện ngục, nhưng ông xác nhận lời mô tả tội nhân trong bài thơ “Giấc mơ của Gerontius” của Hồng y Newman, đang tìm kiếm sự thanh tẩy trước ngai Thiên Chúa.

[2] Xem thêm GLCG 1855-59.

[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 47. Về việc xử lý tên trộm lành trên thập giá cho đến nơi đến chốn và mối liên hệ của nó đến luyện ngục, xin xem Jim Blackburn, “Dismissing the Dismas Case,” Catholic Answers Magazine, 23, số. 2, Tháng 3 năm 2012.

[4] Martin Luther, Defense and Explanations of All the Articles, Article 37.

[5] Vào thời Trung cổ, một trong những hành động bác ái có thể được thực hiện để được ân xá là đưa tiền cho người nghèo, hay bố thí. Mặc dù đây là một hành vi đạo đức và tốt đẹp, nhưng một số người coi đó chỉ là một giao dịch và không đưa tiền trong tinh thần khiêm tốn ăn năn tội lỗi. Vì thế mà Giáo hội đã loại trừ việc bố thí như một công việc gắn liền với việc ban ân xá.

[6] Spe Salvi, 47.