Tại sao chúng tôi CẦU NGUYỆN VỚI CÁC THÁNH

19

Tại sao chúng tôi CẦU NGUYỆN VỚI CÁC THÁNH


Trong mấy tuần trước khi được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo, tôi đã chuẩn bị không chỉ để được rửa tội, mà còn được thêm sức nữa. Bí tích rửa tội dùng nước để ban ân sủng xóa bỏ tội lỗi; còn bí tích thêm sức thì xức dầu trên trán để ghi dấu ấn trong lòng mỗi người với các ơn Chúa Thánh Thần giúp họ sống đức tin Công giáo. Thư Do Thái (6:2) ám chỉ đến bí tích này khi nói rằng sau khi chịu phép rửa, chúng ta nhận “nghi thức đặt tay.”

Ở một vài nơi, người lãnh bí tích thêm sức chọn một tên thánh mới cho nghi thức thêm sức, thường là tên của một vị thánh cầu bầu cho người đó. Nhiều người chọn một vị thánh mà họ có thể đồng cảm, thế nên tôi chọn thánh Phaolô vì tôi đã từng nhạo báng đức tin Kitô giáo mà bây giờ lại thích đứng ra bảo vệ đức tin ấy. Dĩ nhiên ngài là một nhà lãnh đạo Do Thái đã từng giết các Kitô hữu, nhưng sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh, ngài trở nên một trong những người bảo vệ Đức tin vĩ đại nhất (Pl 3:3-11).

Sau lớp chuẩn bị của chúng tôi, một trong những tình nguyện viên nói với tôi: “Anh đã chọn Phaolô là thánh quan thầy thêm sức của anh? Đó là một kỳ vọng khá lớn." Tôi đã muốn nói “Tôi có một kỳ vọng lớn!” nhưng thay vào đó tôi đã thừa nhận, “Đúng thế, đó là lý do tại sao tôi cần đến lời cầu nguyện của ngài.”

CHỈ CÓ MỘT ĐẤNG TRUNG GIAN?

Nhiều người không Công giáo chống lại khái niệm cầu nguyện với các thánh vì họ cho rằng cầu nguyện và tôn thờ cũng như nhau. Đối với họ, Kinh Thánh nói rằng chúng ta phải tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, thì chẳng phải chúng ta cũng phải cầu xin với một Thiên Chúa mà thôi sao? Nhưng từ “tôn sùng” (worship) nói đến việc trao một giá trị hay một vinh dự xứng đáng (worth-ship) cho một ai. Chẳng hạn chúng ta gọi các thẩm phán là "your honor" (vinh dự của ngài/thưa quý tòa), như một cách bày tỏ lòng tôn trọng dành cho họ, nhưng chúng ta không đối đãi với họ như các vị thần.

 “Cầu nguyện” xuất phát từ tiếng Latinh precarius và có ý nói đến việc đưa ra lời yêu cầu một điều chi đó. Trong tiếng Anh cổ, một người có thể đã nói với một người bạn, “Tôi mời (pray/cầu xin) anh ăn tối với chúng tôi vào tối mai.” Họ không tôn sùng bạn của họ như một vị thần, nhưng chỉ đơn giản đưa ra lời mời. Người Công giáo làm điều tương tự khi cầu nguyện với các thánh; họ không tôn sùng các thánh như các vị thần mà xin các ngài cầu nguyện cho họ.

XÁC ĐỊNH CHO RÕ

 Giáo Hội sử dụng ba thuật ngữ Hy Lạp để định cho rõ loại “tôn sùng – worth-ship” mà chúng ta trao cho các đấng trên thiên đường.

* Latria (tôn thờ): Sự thờ phượng và ngợi khen dành riêng cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

* Hyperdulia (biệt kính): Vinh dự được trao cho Đức Maria, người được Chúa chúc phúc nhất trong các thụ tạo.

* Dulia (tôn kính): Vinh dự được trao cho các thánh và thiên thần trên thiên đường.

Tại sao chúng ta phải xin các thánh trên trời cầu nguyện cho chúng ta đang khi chúng ta hoàn toàn có thể cầu nguyện với Chúa? Bất chấp mọi lý lẽ, 1Tm 2:5 nói, “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu.” Người Công giáo đồng ý rằng thật là tuyệt khi cầu nguyện trực tiếp với Chúa, nhưng nếu lập luận này đi đến kết luận có logic của nó, thì nó sẽ cấm việc hỏi xin bất cứ một ai trên mặt đất này cầu nguyện cho chúng ta.

Rốt cuộc, tại sao lại nhờ một người bạn trên trái đất cầu nguyện cho bạn khi bạn có thể trực tiếp đến với Chúa? Đúng thế, thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu cầu nguyện cho mọi người (1Tm 2:1-4), vì vậy 1Tm 2:5 phải có nghĩa là Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất cho ơn cứu độ của chúng ta. Chúa Giêsu Kitô là Đấng duy nhất loại bỏ rào cản bởi tội lỗi và nối kết con người với Thiên Chúa; nhưng vai trò duy nhất của Đức Kitô như là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta không ngăn cản chúng ta làm trung gian hay can thiệp cho nhau - cả trong đời này lẫn đời sau.

Tất cả các Kitô hữu được hiệp nhất với nhau bởi vì tất cả chúng ta đều là chi thể của thân thể duy nhất của Chúa Kitô. Rm 12:5 nói, “chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác." Nếu các thánh trên trời là Kitô hữu, thì họ phải thuộc về cùng một thân thể của Chúa Kitô mà tất cả các Kitô hữu khác đều phải thuộc về. Điều này có nghĩa là các Kitô hữu trên thiên đường được hiệp nhất trong mối dây yêu thương với các Kitô hữu trên trái đất, và vì thế mà không có gì là sai trái khi xin các ngài cầu nguyện cho chúng ta.[1]

TẤT CẢ CÁC THÁNH CÒN SỐNG HAY ĐÃ CHẾT?

Thật là vô lý khi nói các Kitô hữu ở trên trời là mấy chi thể “bị cắt cụt” của thân thể Đức Kitô - không thể cầu nguyện cho bất kỳ bộ phận nào khác. Chúa Giêsu tự gọi mình là cây nho và nói chúng ta là cành (Ga 15:5). Nếu Chúa Giêsu giữ “chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:18), thì làm sao sự chết có thể hoàn toàn tách biệt các nhánh ra khỏi nhau chừng nào tất cả họ đều còn kết nối trong tinh thần với cùng một cây nho?[2]

Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống,” và nhắc các thính giả Do Thái của Ngài rằng Chúa Cha đã phán: “Ta là [không phải “Ta đã là”] Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp.” (Mc 12:26-27). Trong thời Chúa Kitô (cũng như thời Môsê), Chúa Cha vẫn là Thiên Chúa của các anh hùng Do Thái như Abraham, người đã chết từ nhiều thế kỷ trước. Việc coi các thánh như “đã chết” là bỏ qua sự thật rằng, nhờ sự kết hợp trên trời với Chúa Kitô, họ còn sống động hơn những ngày còn ở trần gian.

Thực ra, Dt 12:1 cung cấp một tài liệu tham khảo rõ ràng rằng các thánh trên trời có biết đến những gì xảy ra trên mặt đất. Thư Do thái chương 11 ca ngợi các nhân vật Cựu Ước như Abraham, Môsê và Đavít, nhưng rồi, trong câu đầu tiên của chương 12 (mà trong tác phẩm gốc không được chia thành các chương), tác giả nói, “Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta.”

Học giả Kinh Thánh Tin Lành William Barclay nói về đoạn này: “Các Kitô hữu giống như các vận động viên chạy trong một sân vận động đông đúc. Khi họ chạy tiếp, đám đông nhìn xuống; và đám đông nhìn xuống là những người đã giành được vương miện.”[3] Các nhân vật vĩ đại của Cựu Ước, mà Giáo hội sẽ luôn tôn vinh như các thánh (GLCG 61), như là các thành viên của một sân vận động vũ trụ cổ vũ chúng ta hoàn thành cuộc đua và “giữ vững niềm tin” (2Tm 4:7) kẻo bị loại vì tội lỗi (1Cr 9:27).

CÁC THÁNH NGHE LỜI CẦU NGUYỆN
CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

Có thể khó hiểu làm sao các thánh trên trời có thể tự mình nghe được lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng đối với Chúa thì không có gì là không thể (Mt 19:26). Vào Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa ban cho các tông đồ khả năng nói và hiểu các ngôn ngữ khác nhau, vì vậy không có lý do gì để nghĩ rằng Ngài sẽ không ban một khả năng như thế cho các thánh (Cv 2:4-6). Hơn nữa, nếu Chúa ban cho chúng ta thân xác vinh hiển vào ngày tận thế, thì sao Ngài lại không ban cho chúng ta trí tuệ vinh hiển hiểu biết được nhiều hơn trí óc con người bình thường?

1Pr 5:8 cũng nói, “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” Hãy nhớ rằng lời cảnh báo của Phêrô được đưa ra cho tất cả các Kitô hữu trong mọi lúc và mọi nơi. Điều này có nghĩa là ma quỷ, chỉ là một tạo vật, mà lại có khả năng gài bẫy đồng thời hàng tỷ Kitô hữu với những cám dỗ dị thường nó tạo ra cho mỗi người trong số họ.[4] Nếu kẻ thù của Chúa có thể biết được những gì hàng tỷ con người làm để cám dỗ họ, thì tại sao những người bạn của Chúa, các thánh, lại không biết được như thế và không sử dụng cái biết đó để cầu nguyện cho chúng ta?

CẦN ĐẾN ƠN TRỢ GIÚP TỪ TRỜI

Nếu các thánh trên thiên đường biết được những gì ảnh hưởng đến các tín hữu trên trái đất, tự nhiên dẫn đến câu hỏi liệu chúng ta có nên xin các ngài cầu nguyện cho chúng ta hay không. Một số người nói rằng việc cầu nguyện với các thánh không có trong Kinh Thánh nên các Kitô hữu đừng làm điều đó; nhưng đâu có gì là sai trái khi đọc “lời nguyện của tội nhân” (“Lạy Chúa Giêsu, con là một kẻ tội lỗi. Xin cứu con.”) cho dù Kinh Thánh không ghi lại việc có một ai đọc lời nguyện đó.

Kinh Thánh dạy rằng lời cầu nguyện của người thánh thiện hữu hiệu hơn lời cầu nguyện của người kém thánh thiện; chẳng hạn, sau khi bạn của Gióp phạm tội, Thiên Chúa dạy họ nhờ Gióp cầu nguyện cho họ; đó là vì Gióp là một người rất tốt và Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của ông ấy (G 42:8-9). Gc 5:16 nói, “Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” - và ai có thể công chính hơn các thánh ở trên trời, những người đã được tẩy sạch mọi tội lỗi? Dt 12:23 đã nói về những người này như “linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện,” và Kh 5:8 mô tả việc họ dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa.

Cuối cùng, cũng như người Tin lành không tôn thờ cây thánh giá bằng gỗ mà họ đứng trước đó để cầu nguyện nhưng dùng chúng như một lời nhắc nhở về cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, người Công giáo không tôn thờ tượng thánh mà họ cúi đầu hay quỳ gối trước mặt; mà họ dùng các ảnh tượng này như một sự trợ giúp cho lời cầu nguyện, và tư thế họ thực hiện để kính trọng đấng có hình ảnh đại diện không phải là một hành động thờ phượng thần thánh. Cúi chào một ai không phải là Chúa thì không phải lúc nào cũng sai, vì như Chúa Giêsu đã hứa với Giáo hội rằng, vào ngày tận thế, Ngài sẽ chiếm giữ các kẻ thù của Giáo hội và “bắt chúng đến phủ phục dưới chân ngươi và nhận biết rằng Ta đã yêu mến ngươi.” (Kh 3:9).

Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Clement thành Alexandria nói rằng khi một Kitô hữu cầu nguyện, “dù anh cầu nguyện một mình, nhưng có ca đoàn các thánh ngay bên.”[5] Thực ra, những lời cầu nguyện được tìm thấy trong các hang toại đạo vào thế kỷ thứ tư mô tả cách mọi người xin những người thân yêu đã khuất của họ cầu nguyện cho họ. Một dòng chữ gần mộ thánh Sabina ở Rôma viết, “Atticus, hãy nghỉ ngơi bình an, thảnh thơi trong cảnh an lành, và hãy sốt sắng cầu xin ơn chữa lành cho bao dục vọng tội lỗi của chúng tôi.”[6]

Người Công giáo chỉ đơn giản tiếp tục truyền thống Kitô giáo cổ xưa mà tôn trọng các thánh nam nữ đang đồng trị với Thiên Chúa trên thiên đường và xin được các ngài chuyển cầu.

XIN PHÉP LẠ TỪ MỘT VỊ THÁNH

Trong Cuộc chiến tranh Triều Tiên, Cha Emil Kapaun là một tuyên úy và thường lấy mui chiếc xe jeep làm bàn thờ cử hành Thánh lễ. Ngài cũng chăm sóc cho những người lính đang hấp hối dưới làn đạn của địch thù. Khi đơn vị của cha bị bắt và phải vào trại tù, Cha Kapaun đào hố xí, phân phát thức ăn của mình và có nhiều hành động anh dũng khác để giúp đỡ những người lính dưới quyền của mình. Năm 1951, cha Kapaun chết trong Trại tù binh chiến tranh Sombakol, nhưng hơn năm mươi năm sau người ta vẫn nói rằng ngài không ngừng giúp đỡ các thanh niên trẻ túng quẫn.

Chase Kear, một thành viên của đội điền kinh Đại học Cộng đồng Kansas, khi nhảy sào phải chịu đựng một triệu chứng như là chấn thương đầu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì Cha Kapaun luôn giúp đỡ các thanh niên trẻ trong mấy hoàn cảnh khó khăn, nên dì của Chase đã yêu cầu mọi người trong giáo xứ của bà cầu xin lời chuyển cầu của ngài (Cha Kapaun cũng lớn lên ở một thị trấn Kansas gần đó). Bảy tuần sau, Chase bước ra khỏi bệnh viện và kể lại câu chuyện của mình với các phóng viên, mặc dù một phần lớn bộ não của anh đã thực sự bị cắt bỏ.[7]

Chase và gia đình của anh tin nhận lời cầu nguyện của cha Kapaun đã mang đến cho anh sự phục hồi, và Vatican hiện đang điều tra vụ việc như một bằng chứng để tuyên thánh cho cha Kapaun.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

CÁC THÁNH

* Kinh Thánh dạy rằng có một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và các thánh trên trời thuộc về thân thể đó.

* Mỗi chi thể trong thân thể của Đức Kitô phải cầu nguyện cho các chi thể khác.

* Các thánh trên thiên đường có thể nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta và lời cầu nguyện của các ngài có thế lực mạnh mẽ vì các ngài là những người thánh thiện.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Một số người nói rằng việc cầu nguyện với các vị thánh là vi phạm Đệ Nhị Luật 18:11, điều này ngăn cấm tội gọi hồn. Nhưng điều đó ám chỉ việc sử dụng phép thuật để triệu hồi linh hồn của người chết (như khi Saolê triệu hồi linh hồn của Sa-mu-ên từ cõi chết với sự giúp đỡ của phù thủy Endor trong 1Sm 28:3-19). Nói chuyện với người chết không phải lúc nào cũng sai, vì Chúa Giêsu đã nói chuyện với Môsê trên Núi Biến Hình mà Môsê đã chết hàng thế kỷ (Mt 17:3).

[2] Phaolô cũng nói rằng sự chết không phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Kitô (Rm 8:39), vì vậy nếu tất cả chúng ta hiệp một với Chúa Kitô, thì chúng ta được liên kết với nhau trong mối dây đức tin và tình yêu.

[3] William Barclay, Thư Do Thái (Louisville, Ky.: Westminster Gioan Knox Press, 1976), 202.

[4] Ngay cả khi ma quỷ không đích thân cám dỗ chúng ta, và chỉ có những con quỷ của nó làm, thì chính Sa-tan đang tổ chức tất cả chuyện này. Nghĩa là, để lãnh đạo vương quốc ma quỷ của mình, nó có khả năng tinh thần vượt xa những gì con người trong cuộc đời này có được.

[5] St. Clement of Alexandria, Miscellanies, 7:12.

[6] Robert Milburn, Nghệ thuật và Kiến trúc thời kỳ đầu Cơ đốc giáo (Oakland, Calif.: Nhà xuất bản Đại học California, 1991), 38.

[7] Elizabeth Vargas và Donna Hunter, “Phép lạ bởi đức tin: việc làm của một vị thánh?” ABC News, 2 tháng 4, 2010, abcnews.go.com/2020/miracle-faith-chase-kear-recovers-fatal-accident-prayers/story?id=10239513.