Tại sao chúng tôi TIN BẤT CHẤP GƯƠNG XẤU

 Phần 4. CÁC THÁNH VÀ TỘI NHÂN

16

Tại sao chúng tôi TIN BẤT CHẤP GƯƠNG XẤU


Ngay sau khi trở thành người Công giáo, tôi đã đến dự một bữa tiệc với một số bạn không tôn giáo đang xem tin tức về vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Dường như trong một vài giáo phận lớn, các linh mục bị cáo buộc phạm tội lạm dụng trẻ em chẳng những không bị báo cho cảnh sát; mà lại còn được chuyển đến một giáo xứ (hay giáo điểm) khác, có thể gây nguy hiểm cho vô số trẻ em.

Khi tôi bước vào phòng, một trong những người bạn quay về tôi, nhếch mép cười và nói, “Chúc mừng Trent đã vớ được một tôn giáo mới.”

NHÌN GƯƠNG XẤU THEO LUẬT PHỐI CẢNH

Cứ như là bị đấm vào bụng khi một việc hay một người được bạn quan tâm đến lại mắc phải xì căng đan. Thậm chí bạn có thể bị cám dỗ cắt đứt mọi liên hệ với một nhóm hoặc một người mắc tai tiếng để cố gắng làm lại từ đầu; nhưng đúng như Thánh Augustinô đã nói, “Giáo hội không phải là một khách sạn cho các vị thánh, mà là một bệnh viện cho các tội nhân.” Vấn đề không ở chỗ bệnh nhân, hay thậm chí là nhân viên bệnh viện có phải là tội nhân hay không; nhưng vấn đề là liệu bệnh viện (hay Giáo hội) có thuốc chữa được tội lỗi đã lây nhiễm cho mọi người hay không. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày như sau:

Vì thế mà Hội Thánh thì “thánh thiện, dù mang trong lòng mình những con người tội lỗi; bởi vì Hội Thánh không có sự sống nào khác ngoài sự sống của ân sủng; quả thật, nếu các chi thể của Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng sự sống này, thì họ được thánh hoá, nếu họ tách mình khỏi sự sống này, thì họ rơi vào tội lỗi và sự rối loạn của tâm hồn, những điều đó ngăn cản không cho sự thánh thiện rạng ngời của Hội Thánh được lan toả.[1]

Chuyện các giáo sĩ bê bối lạm dụng tính dục đâu có chứng tỏ là không có Thiên Chúa hay Giáo hội Công giáo không phải là do Chúa Kitô thành lập. Nếu ta dựa vào đó mà cho là không có Thiên Chúa thì việc ta nổi dậy chống lại sự lạm dụng trẻ em cho thấy một số hành vi luôn bị coi là sai trái. Vì luật luân lý phổ quát phải đến từ một đấng ban luật luân lý phổ quát, hay là Thiên Chúa; điều này cho thấy chuyện giáo sĩ bê bối lạm dụng tính dục lại đẩy người ta ra khỏi thuyết vô thần chứ không phải là đẩy về đó.

Chuyện bê bối cũng không biện minh cho việc bỏ đạo Công giáo để theo đạo Tin lành, vì lạm dụng tình dục không phải là vấn đề của riêng “Công giáo." Theo John Jay, trường Cao đẳng Tư pháp Hình sự, khoảng 4 phần trăm linh mục phục vụ từ năm 1950 và 2002 đã bị buộc tội lạm dụng tình dục (lưu ý rằng các cáo buộc không có nghĩa là tội phạm đã được thực hiện).[2] Phí bảo hiểm của công ty đề nghị thừa nhận rằng tỷ lệ lạm dụng cũng tương tự như trong các giáo phái Tin lành. Theo một phát ngôn viên của ngành bảo hiểm, “Kinh nghiệm yêu cầu bồi thường của chúng tôi cho thấy điều này xảy ra đồng đều giữa các giáo phái.”[3]

Nói thế không phải để bào chữa cho các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, nhưng nó thực sự giúp chúng ta ứng phó với các sự cố đó. Cũng như chúng ta sẽ không nói rằng các trường công lập “đầy giáo viên ấu dâm”, chúng ta chớ nên phỉ báng hay từ bỏ Giáo hội vì hành vi tội lỗi của một thiểu số nhỏ các giáo sĩ.

CÓ PHẢI LẠM DỤNG TÍNH DỤC LÀ
VẤN ĐỀ CỦA RIÊNG CÔNG GIÁO HAY KHÔNG?

Ernie Allen, giám đốc Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí News-week, có cho biết, “Chúng tôi không thấy Giáo hội Công giáo là điểm nóng về điều này hay là một nơi có vấn đề lớn hơn các nơi khác. Tôi có thể nói với bạn mà không do dự rằng chúng tôi đã thấy chuyện đó trong nhiều môi trường tôn giáo, từ các nhà truyền giáo lưu động đến các mục sư chính thống, đến các giáo sĩ Do Thái và nhiều người khác.”[4]

NẮM BẮT SỰ VIỆC CHO ĐÚNG

Hầu hết các cáo buộc lạm dụng tình dục trong hàng linh mục đến từ các vụ việc xảy ra giữa năm 1950 và 1980. Vào thời đó, người ta cho rằng sự thôi thúc phạm tội lạm dụng tình dục có thể được điều trị bằng liệu pháp, và do đó không nhất thiết phải đưa ra cơ quan thực thi pháp luật. Theo Tiến sĩ Monica Applewhite, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về chuyện lạm dụng và cách ngăn chặn nó, “Các biện pháp can thiệp để điều trị dành cho các tội phạm tình dục [thay vì giam giữ] không chỉ hết sức thịnh hành ở Hoa Kỳ, mà những cuộc khảo sát công dân bình thường còn cho thấy các biện pháp đó lại hết sức phổ biến.”[5]

Tuy nhiên, tâm lý học hiện đại đã chỉ ra rằng có nhiều khả năng những kẻ phạm tội tình dục sẽ phạm tội nhiều hơn trong tương lai. Đó là lý do tại sao Giáo hội Công giáo đã làm những việc cần thiết để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực báo cáo lạm dụng tình dục. Giáo hội đã thành lập các văn phòng về môi trường an toàn và bảo vệ trẻ em với việc đào tạo hàng triệu người trưởng thành có thể nhận ra các dấu hiệu lạm dụng. Các giáo phận trên khắp thế giới đã thiết lập các chính sách không khoan nhượng đòi hỏi báo cáo ngay lập tức và bắt buộc về hành vi lạm dụng cho cơ quan thực thi pháp luật. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một tòa án đặc biệt để trừng trị các giám mục đã hững hờ trong phản ứng đối với các cáo buộc lạm dụng.[6]

Theo nhà báo David Gibson, “Giáo hội Công giáo có thể là nơi an toàn nhất cho trẻ em. Bất kể thành tích quá khứ của nó là gì, Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ đã có những bước tiến vô song trong việc giáo dục đàn chiên của họ về lạm dụng tình dục trẻ em và bảo đảm trẻ em phải được an toàn trong môi trường Công giáo.”[7]

LỊCH SỬ ĐẦY GƯƠNG XẤU?

Chuyện bê bối giáo sĩ lạm dụng không phải là sự kiện bị hiểu lầm duy nhất trong lịch sử Giáo hội. Hãy xét đến các cuộc Thập tự chinh, vốn không phải là chuyện Giáo hội cố gắng cưỡng bức cải đạo dân chúng hay cướp đất của họ. Theo Thomas Madden, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chủ đề này, “Các cuộc thập tự chinh ngày nay vẫn là một trong những sự kiện thường bị hiểu lầm nhiều nhất trong lịch sử phương Tây.”[8]

Thay vì muốn giàu có và chinh phục, quân Thập tự chinh đã liều mất mạng sống và chi thể mình để giải cứu các Kitô hữu mà đất đai và nhà cửa đã bị tàn phá bởi quân xâm lược Hồi giáo. Ngay cả khách hành hương Kitô giáo đến thăm vùng này cũng liều mạng sống để thờ phượng trong Đất Thánh. Ví như, ba mươi năm trước cuộc Thập tự chinh đầu tiên, một nhóm 7.000 người Đức hành hương ôn hòa đã bị tàn sát dã man.[9] Sự kiện này, cùng với các sự kiện khác, đã khiến Giáo hoàng Urban II kêu gọi cuộc Thập tự chinh đầu tiên. Trong một bài phát biểu vào năm 1095, ngài đã nói:

Hãy cho những kẻ trước giờ là trộm cướp nay trở thành hiệp sĩ. Hãy cho những người chống phá anh em và người thân của họ nay chiến đấu một cách chính đáng để chống phá những kẻ man rợ. Hãy cho những người đã và đang phục vụ như những người lính đánh thuê với mức lương thấp nay được nhận phần thưởng đời đời.[10]

Điều này không có nghĩa là Thập tự quân luôn sống đức độ. Một số thập tự quân đã lợi dụng “sự hỗn loạn của chiến tranh” và phạm những tội tàn bạo khôn xiết đối với dân thường và thậm chí cả với các thập tự quân khác. Nhưng điều này không làm cho các cuộc Thập tự chinh trở thành một cuộc chiến phi nghĩa hơn vụ ném bom lửa vào thành phố Dresden, giết chết hàng ngàn cư dân Đức, và biến quân Đồng minh thành những kẻ xâm lược bất chính trong đệ nhị Thế Chiến.

MỘT RABBI BẢO VỆ GIÁO HOÀNG

Một huyền thoại lịch sử khác về Đức Giáo hoàng Piô XII của Giáo hội, ngài bị cáo buộc đã phớt lờ hay thậm chí còn tích cực giúp đỡ Đức quốc xã. Tuy nhiên, khẳng định đó ban đầu xuất phát từ một vở kịch tuyên truyền năm 1963 của Liên Xô mang tên Đại Biểu. Theo Rabbi David Dalin, tác giả cuốn sách The Myth of Hitler’s Pope:

“Eugenio Pacelli [sau này là giáo hoàng Piô XII] là một trong những người chỉ trích Hitler sớm nhất và nhất quán nhất. Rồi... với tư cách là Quốc vụ khanh Vatican và sau đó là giáo hoàng, trên thực tế là một người bạn của người Do Thái, đã có công trong việc giải cứu và che chở cho rất nhiều người Do Thái thoát khỏi nanh vuốt của Đức quốc xã.”[11]

Cuối cùng, khi chỉ tập trung vào các vụ bê bối, mọi người quên rằng Giáo hội Công giáo đã là một lực lượng cho điều thiện trên toàn thế giới. Giáo hội xây các trường đại học, các bệnh viện, trại mồ côi và các nhà dành cho người hấp hối đầu tiên của thế giới phương Tây. Các nhà truyền giáo của Giáo Hội rao giảng phúc âm ở các vùng đất xa xôi, nơi họ phải chiến đấu với các tập tục man rợ như thiêu vợ, bó chân và tảo hôn. Vào thế kỷ thứ tư, hoàng đế La Mã phàn nàn rằng các Kitô hữu “không chỉ chăm sóc cho người nghèo của họ mà còn cho cả người nghèo của chúng ta, ai cũng thấy rằng người dân của chúng ta thiếu sự giúp đỡ từ chúng ta.”[12]

Trong lịch sử y học của mình, nhà sử học Roy Porter nói, “Kitô giáo đã thiết lập bệnh viện” và việc làm đó được coi là một dấu hiệu của sự thánh thiện khi đặt mình vào nguy cơ bị nhiễm trùng để chăm sóc người bệnh.[13] Di sản này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay trong Giáo hội Công giáo, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất trên toàn thế giới.[14]

MỘT LINH MỤC ĐƯA NGƯỜI PHONG CÙI
ĐẾN VỚI CHÚA KITÔ

Trong suốt lịch sử nhân loại, nhiều nạn nhân của bệnh phong (một căn bệnh gây tê chân tay và tổn thương da) đã bị trục xuất đến “các trại phong."[15] Một trại phong lớn đã có trên đảo Molokai ở Hawaii; từ năm 1873, có một linh mục là Cha Damien tình nguyện làm linh mục đầu tiên của trại phong.

Trong 11 năm, Cha Damien đã làm những gì mà bao người phong yếu ớt không làm được: ngài xây nhà, nhà thờ, và các tiện ích công cộng. Ngài chữa bệnh, chăm sóc trẻ mồ côi và góa phụ, và cử hành các bí tích. Năm 1884, ngài mắc bệnh phong và 5 năm sau thì được an táng dưới gốc cây mà ngài đã ngủ giấc đầu tiên dưới cây đó khi mới đến đảo.

Năm 2009, Giáo hội tuyên phong ngài là Thánh Damien đảo Molokai. Cuộc đời của ngài có thể được tóm lại trong mấy lời ngài đã chia sẻ với anh trai của ngài: “Em làm cho mình trở nên một người phong cùi với những người phong cùi để thu lượm tất cả cho Chúa Giêsu Kitô.”[16]

ỨNG XỬ VỚI “SỰ BẤT LƯƠNG TÂM LINH”

Sau một bài thuyết trình trước công chúng của tôi, một phụ nữ đến gặp tôi và hỏi: “Làm thế nào người Công giáo có thể có được một Giáo hội cho đúng là Giáo hội khi mà các linh mục của họ có nhiều hành vi khủng khiếp đến thế?” Tôi trả lời bằng một câu hỏi, "Chị có ý nói rằng tất cả các linh mục đều lạm dụng trẻ em?"

“Ồ, tất nhiên là không,” cô ta nhấn mạnh, “nhưng có quá nhiều linh mục đã làm như vậy.”

“Đối với chị, bao nhiêu phần trăm là quá nhiều? Đối với riêng tôi thì một cũng là quá nhiều, nhưng điều đó có chứng minh rằng đức tin Công giáo là không đúng không?

Cô ấy hỏi: “Nếu họ thực sự là người của Thiên Chúa trong Giáo hội của Đức Kitô, thì làm sao họ có thể làm điều đó?”

Tôi trả lời: “Cho tôi hỏi chị, ma quỷ có ghét Giáo Hội của Đức Kitô không?”

"Ghét, trăm phần trăm!"

“Vậy thì trong hết mọi tín hữu của Giáo hội, nó sẽ tấn công ai nhiều nhất?”

Cô ấy suy nghĩ một lúc rồi nói, “Các linh mục!”

Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục cũng như cho nhiều người khác đang chiến đấu chống lại tội lỗi và tuyệt vọng trong thế giới của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải bào chữa hay bỏ qua cho bao tội lỗi mà bất kỳ một người Công giáo nào cũng có thể phạm phải, kể cả khi người đó là một linh mục. Nếu bạn hay người bạn yêu có bị tổn thương bởi một tín hữu Công giáo, hãy biết là tôi rất tiếc về các điều ấy. Người chịu trách nhiệm về các tội ác này, bất kể họ là ai, đều phải đưa ra công lý; cho dù có là giáo hoàng phạm tội lạm dụng một đứa trẻ, tôi phải thật lòng nói rằng ngài cần phải bị cầm tù; cũng như một nạn nhân bị lạm dụng không nên bị kết tội vì tội ác phạm đến người ấy, Giáo hội nói chung không nên bị kết án vì những tội ác của các linh mục hoặc những người Công giáo vi phạm giáo huấn của Giáo hội.

Rời bỏ Giáo hội vì một linh mục hay một giáo dân phạm tội trọng thì cũng như quyết định bỏ một bệnh viện vì sự sơ suất của một bác sĩ. Việc bác sĩ đó đã làm là sai, nhưng điều đó không thay đổi được sự thật rằng bệnh viện vẫn là nơi tốt nhất bạn cần đến khi mắc bệnh. Cũng thế, Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội của Người bao phương thuốc để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vì vậy chúng ta sẽ chẳng được lợi gì nếu từ chối phương thuốc đó vì một số người Công giáo sa vào gương xấu đã từ chối dùng nó.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

SỰ VƯỢT QUA GƯƠNG XẤU

* Chúa Giêsu không bao giờ hứa rằng Giáo hội của Ngài sẽ không có tội nhân, mà chỉ hứa rằng Giáo hội sẽ cung cấp các phương thế để cứu giúp cho tội nhân.

* Một số cáo buộc cụ thể về các vụ bê bối dựa trên mấy lời nói dối hay mấy lời xuyên tạc về lịch sử Giáo hội.

* Không được bỏ qua gương xấu nhưng cũng không được lấy đó làm lý do để lìa bỏ Giáo hội, vì tội lỗi của một số ít không bác bỏ sự thật về những gì mà toàn thể Giáo hội giảng dạy.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Solemni Hac Liturgia, 19. Được trích dẫn trong GLCG 827.

[2] “Bản chất và phạm vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của các linh mục và phó tế Công giáo ở Hoa Kỳ 1950-2002,” nghiên cứu được thực hiện bởi John Jay, trường College of Criminal Justice, City University of New York, cho Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, tháng 2 năm 2004, www.usccb.org/issues-andaction/child-and-youth-protection/upload/The-Nature-and-Scope-of-Sexual-Abuse-of- Minors-by-CatholicPriests-and-Deacons-in-the-United-States-1950-2002.pdf.

[3] Electa Draper, “Các vụ bê bối tạo ra sự khinh miệt đối với hàng giáo sĩ Công giáo” Denver Post, 25 tháng 5 năm 2010, http://blogs.denverpost.com/hark/2010/05/25/scandal-creates-contempt-for-catholic-clergy/39/

[4] Pat Wingert, “Các linh mục không lạm dụng nhiều hơn những người đàn ông khác,” Newsweek, ngày 7 tháng 4 năm 2010, www.newsweek.com/priests-commit-no-more-abuse-other-males-70625.

[5] “Diễn văn của Tiến sĩ Monica Applewhite với các Giám mục Ireland,” 10/3/2009, www.themediareport.com/wp-content/uploads/2012/11/Applewhite-Ireland-Address-Bishops-2009.pdf.

[6] Elisabetta Povoledo và Laurie Goodstein, “Đức Giáo Hoàng thành lập tòa án cho giám mục sơ suất trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em,” ngày 10 tháng 6 năm 2015, www.nytimes.com/2015/06/11/world/europe/pope-creates-tribunalfor-bishop-negligence-in-child-sexual-abuse-cases.html?_r= 0.

[7] David Gibson. “10 năm sau những cải cách về lạm dụng tình dục của Công giáo, điều gì đã thay đổi?”, Washington Post, ngày 6 tháng 6, 2012, www.washingtonpost.com/national/on-faith/10-years-after-catholic-sex-abuse-reforms- whatschanged/2012/06/06/gJQAQMjOJV_story.html.

[8] Thomas F. Madden, Lịch sử Toát lược mới về các cuộc thập tự chinh (Lanham, Md.: Rowman & Littlefield NXB, 2005), vii.

[9] Peter Lock, Bạn đồng hành của Routledge cho các cuộc thập tự chinh (New York: Routledge, 2006), 412.

[10] Cited in S.J. Allen and Emilie Amt, eds., The Crusades: A Reader, 2nd. ed., (Toronto: University of Toronto Press, 2014), 35.

[11] Thomas E. Woods Jr., “Huyền thoại về Giáo hoàng của Hitler: Một cuộc phỏng vấn với Rabbi David G. Dalin,” Catholic Exchange, July 29, 2005, catholicexchange.com/the-myth-of-hitlers-pope-an-interview-with-rabbi-david-gdalin.

[12] Julian the Apostate, Thư gửi Arsacius.

[13] Roy Porter, Lợi ích lớn nhất cho nhân loại: Lịch sử y học của nhân loại (New York: HarperCollins, 1997), 88.

[14] Anthony Fisher, Đạo đức sinh học Công giáo cho một thiên niên kỷ mới (Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2012), 279-80.

[15] Bệnh phong hủi ngày nay được gọi là bệnh Hansen.

[16] Butler, Cuộc đời của các vị thánh, tập. 4, 106.