15
Tại sao chúng tôi RỬA TỘI CHO TRẺ SƠ SINH
Tôi vẫn còn nhớ đêm tôi chịu phép rửa. Khi được gọi tên, tôi bước
lên trước nhà thờ và nhúng chân vào hồ nước rửa tội mát lạnh. Khi nước xoáy
quanh mắt cá chân, tôi nâng lòng bàn tay lên và nhắm mắt lại.
Tôi không nhớ một điều gì
khác ngoài giọng nói của vị linh mục, “Tôi rửa tội cho anh nhân danh Chúa
Cha...” Khi ngài đổ nước lên đầu tôi, tôi mở mắt ra và thấy như có một bức màn
lung linh ngăn cách tôi với phần còn lại của nhà thờ. Ngài tiếp tục... "và
Chúa Con, và Chúa Thánh Thần."
Tôi lau nước khỏi mắt và thấy
hàng trăm người vỗ tay như sấm dậy, kể cả cha mẹ tôi không phải là người Công
giáo. Khi bước ra khỏi hồ nước, tôi nghĩ về cuộc trở lại của Thánh Phaolô, người
đã trở thành người hùng của tôi khi tôi chuẩn bị theo đạo.
Theo Kinh Thánh, sau khi gặp
Chúa Giêsu phục sinh, thánh Phaolô bị mù cho đến khi sứ giả của Chúa là Ananias
đến thăm ông. Ananias nói với Phaolô, “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn
anh để anh được biết ý muốn của Người… anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước
mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ
gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng
kêu cầu danh Người.” (Cv 22:14-16).
BÍ TÍCH RỬA TỘI HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO
Chúa Giêsu không nói phép rửa chỉ là để cho người khác biết
chúng ta là Kitô hữu; mà Chúa công bố, “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu
không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5). Thánh Phêrô nói với một đám đông
ở Giêrusalem, “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa… để được ơn
tha tội.” (Cv 2:38), và trong lá thư gửi toàn thể Giáo hội, Phêrô đã nói “phép
rửa nay cứu thoát anh em.” (1Pr 3:21).
RỬA TỘI BẰNG LỬA?
Trong
Kinh Thánh, lửa thường được dùng để tượng trưng cho sự thanh tẩy, cũng như cách
Thiên Chúa làm cho chúng ta nên thánh được so sánh với cách người thợ rèn dùng
lửa để đốt cháy đi các phần hư hỏng của kim loại. Đúng như ngọn lửa của thợ rèn
đã cho ra lò kim loại không han rỉ và hết sức tinh khiết, ngọn lửa của tình yêu
Thiên Chúa làm cho một tín hữu trở nên trong sạch không vết nhơ tội lỗi (Cn
17:3, Hc 2:4-6). Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa là ngọn lửa thiêu đốt (Dt
12:29), nghĩa là Thiên Chúa có thể thanh tẩy và “đốt sạch” tội lỗi của chúng ta
để chúng ta được sạch tội hầu đứng vững trước mặt Ngài trong ngày chung thẩm
(1Cr 3:15).
Trước khi Chúa Giêsu thực hiện
sứ vụ trên trần gian, một tiên tri tên là Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta từ
bỏ tội lỗi và trung thành thờ phượng Thiên Chúa chân thật và duy nhất. Phép rửa
của Gioan không xóa bỏ tội lỗi, nhưng là để cho người ta bày tỏ lòng sám hối về
tội của mình.[1]
Tuy nhiên, khi làm phép rửa bằng nước, Gioan đã nói, có người đến sau và cao trọng
hơn ông (Chúa Giêsu) sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần và lửa (Mt 3:11).
Phép rửa của Chúa Giêsu không chỉ tượng trưng cho việc một người từ bỏ tội lỗi;
mà còn thực sự xóa bỏ tội lỗi của người đó.
Chúa biết rằng chúng ta nhận
biết thế giới qua suy nghĩ và cảm xúc. Để giúp chúng ta thực sự
hiểu rằng Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi, Chúa đã chọn một công cụ mà mọi
nền văn hóa trên trái đất đều liên kết nó với sự sống và sức khỏe, đó là nước.
Vì thế mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ làm phép rửa với nước cho muôn dân nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28:19).
TỘI CÁ NHÂN SO VỚI TỘI NGUYÊN TỔ
Tôi được rửa tội ở tuổi thanh niên, nghĩa là mọi tội lỗi tôi đã
phạm trước đó đều được tha thứ; nhưng nếu phép rửa là để xóa sạch hết mọi tội lỗi,
thì trẻ sơ sinh nào có phạm tội gì, tại sao người Công giáo lại bận tâm rửa tội
cho trẻ sơ sinh làm chi? Đó là vì cùng với tội riêng của mỗi người, hay các việc
làm sai trái đã vi phạm đến luật của Thiên Chúa, có một loại tội khác mà tất cả
chúng ta đều mắc phải, đó là tội nguyên tổ.
TỘI LÀ GÌ?
* Tội nguyên tổ là tình trạng "thiếu vắng ân sủng Thiên Chúa bởi
thừa kế làm cho chúng ta dễ phạm tội và phải chết" (GLCG 403-404).
* Tội cá nhân là "sự
chọn làm điều ác vi phạm luật vĩnh cửu của Thiên Chúa, hay không làm điều tốt"
(GLCG 1849-1850).
Không giống như tội cá nhân,
tội nguyên tổ không phải là một điều ác chúng ta đã thực hiện mà là một tình trạng
thiếu vắng ơn Chúa trong linh hồn chúng ta. Phép Rửa “xóa bỏ” tội nguyên tổ bằng
cách đổ đầy tâm hồn chúng ta với tình yêu và sự sống của Thiên Chúa, hay ân sủng.
Vì vậy, khi tôi được rửa tội, Chúa không chỉ tha thứ mọi tội tôi đã phạm, nhưng
còn lấp đầy tâm hồn tôi bằng sự sống của Ngài và tẩy sạch tì vết của tội nguyên
tổ. Trong khoảnh khắc đó, Ngài ban cho tôi, như lời của Phaolô, “Thần Khí làm
cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!’
Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên
Chúa.” (Rm 8:15-16).
Tình trạng thiếu vắng ân sủng
được gọi là tội nguyên tổ này có căn cớ nằm ở tội đầu tiên loài người đã phạm
mà đó là hậu quả. Khi cha mẹ đầu tiên của chúng ta, Adam và Êva, không vâng lời
Thiên Chúa, họ đánh mất món quà bởi lòng ưu ái của Thiên Chúa là được Chúa bảo
vệ cho khỏi sự chết và đau khổ. Sau khi đánh mất ân sủng này, họ không thể trao
nó cho hậu duệ của họ, để truyền lại cho chúng ta. Sự không vâng lời của Adam
và Êva đã làm cho bản chất con người của chúng ta ra hư hỏng và bởi đó mà phải
đau khổ và phải chết. Phép rửa không thể ngăn chặn cái chết thể xác của chúng
ta, bởi vì nó không thay đổi bản chất tự nhiên của chúng ta; dù thế, nó làm
thay đổi bản chất tinh thần của chúng ta, vì vậy qua phép rửa, chúng ta được cứu
khỏi sự chết trong tâm hồn nhờ được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô.
CUỘC SA NGÃ TIỀN ĐỊNH
Một số người cho là Chúa chẳng công bằng một chút nào khi trừng
phạt chúng ta vì những gì Adam và Êva đã làm, nhưng nguyên tội đâu có phải là một
hình phạt.
Nói cho đúng, đó là hậu quả theo sau những gì Adam và Êva đã làm mà chúng ta phải chịu
đựng.[2]
Để hiểu được chuyện này, hãy
tưởng tượng có một người được quyền thừa hưởng một tài sản có thể làm cho anh nên
giàu có, nhưng vì lòng tham, anh lấy trộm của người đã cho anh thừa kế nhiều
hơn phần tài sản anh được thừa kế. Vợ con của anh đâu có biết việc đã anh làm,
rất vui mừng về việc không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc nữa - cho đến khi cảnh
sát đến, bắt giữ người đàn ông, và tòa án lấy đi hết tất cả số tiền mà anh được
thừa kế.
Tòa án không trừng phạt gia
đình anh vì họ không làm gì sai. Tuy nhiên, gia đình anh vẫn đau khổ vì lẽ ra họ
sẽ được hưởng sự giàu có nếu anh không ăn cắp nhiều thêm. Cũng thế, chúng ta sẽ
được hưởng những món quà ân sủng siêu nhiên nếu Adam và Êva đang được trọng đãi
đã không sa ngã và nổi loạn chống lại Chúa. Thánh Phaolô nói rằng “vì một người
duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế,
sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5:12).
Dù là sự bất tuân của một
người làm cho cả nhân loại đau khổ, sự vâng phục của một người đã cứu nhân loại
(Rm 5:19). Thánh Phaolô nói rằng hy tế của Đức Kitô đã chuộc tội hay đền bù
không chỉ cho tội lỗi của Adam mà còn cho tội lỗi của cả thế gian (1Ga 2:2).
Ngài cũng nói rằng chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi bởi cùng chết và cùng
sống lại với Chúa Kitô, nhưng chính xác thế nào là “chết và sống lại” với Chúa
Kitô? Thánh Phaolô giải thích:
"Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước
thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết
của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được
mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ
quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới."
(Rm 6:3-4).
“Ôi tội A-dong, thật là cần thiết
tội đã được tẩy xóa nhờ sự chết của Chúa Kitô.
Ôi tội hồng phúc
vì đã đáng được Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!”
(trích trong bài Exultet, được hát hàng năm
vào Lễ Vọng
Phục Sinh của Giáo Hội)
VIỆC ĐƯA TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA KITÔ
Kinh Thánh nói phép thánh tẩy rửa sạch tội lỗi (Cv 22:16) và làm
cho chúng ta trở nên chi thể của Thân thể Đức Kitô (1Cr 12:13). Chúng ta có nên
loại trừ trẻ sơ sinh khỏi Thân thể của Chúa chỉ vì trẻ sơ sinh không thể quyết
định việc chịu phép rửa của mình hay không? Dĩ nhiên là không! Đứa trẻ không
bao giờ chọn phải chịu đau khổ vì tội nguyên tổ, nhưng chúng ta có thể chọn để
giải thoát các em khỏi tình trạng này nhờ phép rửa. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã
nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những
ai giống như chúng.” (Mt 19:14).
Đúng là Kinh Thánh không bao
giờ mô tả rõ ràng việc rửa tội cho trẻ sơ sinh, nhưng có mô tả việc toàn bộ người
trong nhà được rửa tội, có thể có cả trẻ em (Cv 16:15, 16:33; 1Cr 1:16). Mặc dù
Kinh Thánh không hề mô tả cách thức rửa tội cho một ai đó, nhưng điều đó đâu có
ngăn cản chúng ta rửa tội cho người khác.
Có nên đổ nước lên đầu
không? Hay là dìm hết mình trong nước? Có thể vẩy nước lên người không, đặc biệt
khi họ sống ở những nơi như sa mạc, rất hiếm nước? Lời được viết ra của Chúa
không bảo cho chúng ta biết phải rửa làm sao, còn lời được nói ra của Chúa, được
gìn giữ trong Thánh Truyền, thì có. Sách Didache ghi lại cách Giáo Hội vào thế
kỷ thứ nhất thực hành phép rửa:
Về
phép rửa, hãy làm phép rửa theo cách này: Sau khi đã nói hết những điều này trước,
thì hãy rửa tội nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong nước
đang chảy [nghĩa là trong nước chảy, như trong một dòng sông]. Nếu không có nước
đang chảy, hãy rửa tội trong nước khác; và, nếu không thể sử dụng nước lạnh,
thì dùng nước ấm. Nếu không có, dội nước ba lần lên đầu nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[3]
Kinh Thánh cũng dạy rằng
Giao ước mới trong Đức Kitô trọng hơn Giao ước cũ Thiên Chúa đã lập với Israel
(Dt 8:6). Vì Giao ước Cũ bao gồm cả trẻ sơ sinh qua phép cắt bì (St 17:12),
nghĩa là Giao ước Mới phải cũng bao gồm cả trẻ sơ sinh nếu không thì sẽ thua
kém Giao ước cũ; thực ra, thánh Phaolô cũng gọi phép rửa là “phép cắt bì của Đức
Kitô” (Cl 2:11).
“KHÔNG AI BỊ CẢN TRỞ”
Vào
thế kỷ thứ ba, Thánh Cyprianô đã nói: “Không được từ chối lòng thương xót và ân
sủng của Thiên Chúa cho một ai sinh ra đời... không ai bị cản trở khỏi phép rửa
và ân sủng, huống chi là một trẻ sơ sinh thì càng không bị cản trở.”[4]
Một số người trong Giáo hội
sơ khai tin điều này có nghĩa là cha mẹ phải đợi tám ngày để rửa tội cho con
cái của họ, bởi vì đó là khoảng thời gian mà mọi người chờ đợi để cắt bì cho trẻ
sơ sinh trong Giao Ước Cũ. Nhưng các giáo phụ của Giáo hội nói rằng trẻ sơ sinh
nên được rửa tội càng sớm càng tốt, đặc biệt là vì trẻ em thời đó dễ có nguy cơ
tử vong ngay sau khi sinh.
Từ chối không cho các em bé
nhận ơn Chúa qua phép rửa tội và để chúng chọn lựa sau này khi trưởng thành
cũng giống như từ chối một loại thuốc trẻ em để nó có thể chọn dùng "cho
mình" khi nó lớn lên. Tội lỗi là chuyện hết sức đáng sợ cho bất cứ một ai,
đặc biệt là nơi trẻ em. Đó là lý do tại sao mặc dù tôi được rửa tội vào tuổi
trưởng thành, tôi đã trao cho tất cả các con tôi ngay sau khi sinh một món quà
mà tôi đã không có được vào tuổi chúng - ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ vào
lòng chúng qua bí tích rửa tội.
LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:
PHÉP RỬA TỘI
* Phép Rửa xóa sạch tội lỗi, kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và
làm cho chúng ta trở thành chi thể của thân thể Người, là Giáo Hội.
* Trẻ sơ sinh phải được rửa tội vì chúng sinh ra với tội nguyên
tổ; phép Rửa là phương thế bình thường qua đó Thiên Chúa xóa tội nguyên tổ và
nhận chúng ta làm nghĩa tử của Người.
Tại sao chúng tôi theo
đạo Công Giáo
[1] “Đối với
ngài, việc dìm mình trong nước không thể được dùng để tha tội, mà là sự thánh
hóa thể xác, và tâm hồn chỉ được thanh tẩy hoàn toàn bằng những hành động chính
đáng,” Josephus, Phong tục xưa của người Do Thái, 18.5.2.
[2] “Khi
nghe theo Tên Cám Dỗ, ông Ađam và bà Evà đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh
hưởng đến bản tính nhân loại, một bản tính mà họ sẽ lưu truyền trong tình trạng
đã sa ngã[38]. Đó là một tội được lưu truyền cho toàn thể nhân loại qua việc
sinh sản, nghĩa là qua việc lưu truyền một bản tính nhân loại đã mất đi sự
thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Vì thế mà tội tổ tông được gọi là “tội” theo nghĩa
loại suy: đó là một thứ tội con người bị “nhiễm” chứ không phải là đã “phạm”; một tình trạng, chứ
không phải một hành vi.” (GLCG 404).
[3]
Didache, 7.
[4] Thánh
Cyprianô, Các bức thư, 64.5.