Phần 3. GIÁO HỘI VÀ CÁC BÍ TÍCH
11
Tại sao chúng tôi THUỘC VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Khi cân nhắc việc gia nhập Giáo hội Công giáo, tôi đã ngồi lại với
một số bạn bè không theo Công giáo để xem họ có can ngăn quyết định của tôi
hay không. Họ là các Kitô hữu, nhưng không tự nhận mình là “tín hữu Tin
lành." Thay vào đó, họ tự gọi mình là những người theo phái Phúc âm
hay chỉ là những người "theo Chúa Kitô." Dầu sao đi nữa, phản ứng
của họ đối với quyết định trở thành người Công giáo của tôi đã làm tôi ngạc
nhiên.
Một cô gái nói, “Chừng nào
người Công giáo còn tin vào Chúa Giêsu thì tôi không nghĩ đây là một chuyện
quan trọng." Một người khác phụ họa, “Ý của tôi là, chúng ta không bao
giờ biết được đâu là giáo hội cho đúng giáo hội, hay thậm chí không biết là
có được một giáo hội như vậy hay không. Vậy thì lo lắng làm chi?”
Câu trả lời đó không làm cho
tôi hài lòng nên tôi hỏi: “Sao các bạn không tự hỏi giáo hội nào ngày nay
vẫn còn có thể truy nguyên cho đến Giáo hội được Chúa Giêsu thành lập? Sao
các bạn không tự hỏi đâu là giáo hội Chúa Giêsu muốn chúng ta gia
nhập?”
CÁC KITÔ HỮU ĐẦU TIÊN
Câu hỏi của tôi đã nhận được một cái nhún vai tập thể và một
lời khuyên đơn giản rằng tôi chỉ cần “tin vào Chúa Giêsu,” nhưng đối với tôi,
như thế thì không đủ tốt. Làm sao mà các bạn Tin Lành của tôi biết được chỉ cần
tin vào Chúa Giêsu là được cứu? Tin vào Chúa Giêsu nghĩa là gì? Có phải chịu
phép rửa là tin vào Chúa Giêsu không? hay là rước lễ? Nếu tôi không tin vào
Chúa Giêsu nữa, tôi có đánh mất ơn cứu độ không?
Tôi muốn có câu trả lời cho
các câu hỏi này nên tôi quyết định nghiên cứu cho biết các Kitô hữu đầu tiên
đã tin những gì. Họ là các tín hữu sống liền sau các tông đồ; nếu có một
giáo hội nào mà tôi muốn gia nhập, thì đó là giáo hội của họ.
Vào thời các tông đồ, các
tín hữu được gọi là “Kitô hữu”, nhưng Giáo hội không được gọi là “Giáo hội
Kitô giáo;" mà được gọi cách đơn giản là “Hội thánh,” như được thấy rõ
trong phần mô tả của Luca về những gì Phaolô và Banaba đã làm trong thành
Antiôkia. Ông nói: “Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng
dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi
là Kitô hữu.” (Cv 11:26).
Vài thập kỷ sau, Thánh
Inhaxiô Antiôkia đã viết một lá thư cho các Kitô hữu sống cách đó 600 dặm, tại
thành phố ven biển Smyrna (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ngài nói: “Ở đâu có
giám mục, hãy để cho đám đông [dân chúng] cũng ở đó; cũng như ở đâu có Chúa
Giêsu Kitô, ở đó có Giáo Hội Công giáo.”[1]
AI ĐÃ KHỞI SỰ CHO GIÁO HỘI CỦA BẠN?
* Nhà nguyện Calvary, 1965: Chuck Smith
* Giáo hội Mormon, 1830: Giuse Smith
* Môn đệ của Chúa Kitô, 1809: Thomas Campbell
* Giáo hội Baptist, 1609: John Smyth
* Giáo hội Trưởng lão, 1560: John Knox
* Giáo hội Calvinist, 1536: John Calvin
* Giáo hội Lutheran, 1517: Martin Luther
* Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, 1054: Các giáo
trưởng Đông phương
* Giáo hội Công giáo, 33: Chúa Giêsu Kitô
Từ Công giáo (catholic) xuất
phát từ tiếng Hy Lạp kataholos, có nghĩa là “theo” (kata)
“toàn bộ” (holos). Giáo hội của Chúa Kitô được gọi là Giáo hội Công giáo bởi
vì bất kể ở đâu và khi nào ta cũng gặp một Giáo hội đó; Giáo Hội lúc nào hay ở
đâu cũng là một là vì trong Giáo Hội chứa đựng trọn vẹn kế hoạch cứu độ đời đời
của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
GIÁO HỘI LÀ GÌ?
Thánh Phaolô nói rằng Giáo Hội được xây dựng trên “nền móng là
các Tông Đồ” (Ep 2:20), các tông đồ là “cột trụ và điểm tựa của chân lý.” (1Tm
3:15). Chúa Giêsu đã nói cửa hỏa ngục sẽ không thắng được Giáo hội; và các tông
đồ, đặc biệt là Phêrô, sẽ có thẩm quyền trên Giáo hội (Mt 16:18-19, 18:17). Nếu
chỉ có các tông đồ mới có thẩm quyền nói thay cho Đức Kitô (Lc 10:16), thì
quyền lực đó sẽ không còn nữa sau khi tất cả họ chết đi; may thay, Chúa đã
ban cho các tông đồ khả năng truyền lại thẩm quyền linh thiêng của họ cho những
người kế vị xứng đáng.
Sau cái chết của Giuđa (tông
đồ đã phản bội Chúa Giêsu), Phêrô tuyên bố rằng vị trí của Giuđa trong số các
tông đồ sẽ được chuyển sang một người kế vị xứng đáng (Cv 1:20). Thánh Phaolô
thậm chí đã cảnh báo Timôthê, “đừng vội đặt tay trên ai” khi bổ nhiệm các người
lãnh đạo mới trong Giáo hội (1Tm 5:22). Các tông đồ làm tất cả những điều này để
bảo đảm thẩm quyền “buộc và mở” của họ (Mt 18:18), quyền định rõ lời dạy và
việc làm của Giáo hội, sẽ được chuyển giao cho những người kế vị của họ.
Năm 110 sau Công nguyên,
Thánh Ignatius thành Antiokia nói với độc giả của mình, “Hãy vâng theo các
giám mục, đúng như Chúa Giêsu Kitô đối với Chúa Cha, và các trưởng lão
[hay linh mục] đối với các tông đồ; và hãy tôn kính các phó tế, như người
thuộc phẩm trật thánh của Thiên Chúa. Đừng có một ai làm bất cứ điều gì
liên quan đến Giáo hội mà không có giám mục.”[2]
HUẤN TỪ CỦA GIÁO
HOÀNG THỨ TƯ
Vào
cuối thế kỷ thứ nhất, giáo hoàng thứ tư, Clêmentê, đã nhắc nhở các Kitô hữu ở
thành phố Côrintô về tính chất của sự kế vị tông đồ, rằng:
Qua
Chúa Giêsu Kitô, các tông đồ của chúng ta biết là sẽ có sự tranh giành chức
giám mục. Vì lý do này, sau khi đã biết trước cách hoàn hảo, họ bổ nhiệm những
người được đề cử và sau đó bổ sung thêm điều khoản rằng, nếu họ chết, những người
được chấp thuận khác sẽ kế nhiệm chức vụ của họ.[3]
MỘT TẤM ẢNH THỜI THƠ ẤU
“Làm sao Giáo hội Công giáo ngày nay với tất cả các truyền thống
và nghi lễ của mình lại có thể là một với Giáo hội khiêm tốn chúng ta đọc thấy
trong Tân Ước?” Đó là một câu hỏi tốt, nhưng hỏi như thế cũng như là hỏi, “Làm
thế nào người đàn ông trưởng thành đầy đủ đó lại có thể là cậu bé phải thay tã
hàng chục năm trước?” Trong cả hai trường hợp thể chất được mô tả lớn lên và
phát triển theo thời gian mà không trở thành một loại hữu thể khác.
Ví dụ, người đàn ông có những
thứ mà anh ta không có khi còn nhỏ (như râu ria), nhưng anh cũng có nhiều thứ
đã có từ nhỏ, bao gồm cả một chuỗi DNA điều khiển sự tăng triển của anh và mang
lại cho anh mấy nét đặc biệt như “cái mũi của cha anh,” có thể thấy được từ những
tấm ảnh thời thơ ấu của anh. Cũng vậy, Giáo Hội Công giáo, mà Thánh Phaolô gọi
là Thân Thể Chúa Kitô (Ep 5:23), có cùng một “chuỗi DNA” với Giáo hội của thế kỷ
thứ nhất, là Lời Chúa. Lời Chúa này được truyền qua cả Kinh Thánh và Thánh Truyền,
và bạn có thể thấy ảnh hưởng của nó nơi một trong những “tấm ảnh hồi còn nhỏ” của
Giáo Hội.
Một “tấm ảnh” đặc biệt đến từ
thế kỷ thứ hai, khi Thánh Justin Tử đạo viết về việc các Kitô hữu tụ họp lại để
thờ phượng, khi đó họ “dâng những lời cầu nguyện chung cho chính chúng ta và
cho người đã được rửa tội, và cho hết mọi người khác ở khắp mọi nơi.” Sau đó, họ
“chào nhau bằng một nụ hôn,” người chủ sự trong thánh lễ cầm lấy bánh và rượu
và làm như sau:
[Ngài] dâng lời chúc tụng và
tôn vinh lên Cha của vạn vật, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dâng lời
tạ ơn rất dài vì chúng ta được kể là xứng đáng để lãnh nhận những điều này từ
tay Chúa. Và khi ngài kết thúc các lời cầu nguyện và tạ ơn, hết mọi người có mặt
bày tỏ sự đồng ý của họ bằng cách thưa Amen.[4]
Mô tả của Justin đúng với những
lời cầu nguyện của các tín hữu, lời chúc bình an, việc dâng của lễ bánh và rượu,
và lời thưa “amen tuyệt vời” vẫn được xướng lên trong thánh lễ Công giáo ngày
nay. Justin nói tiếp rằng bánh và rượu trong Thánh Lễ không chỉ là các biểu tượng
về thân thể và máu của Chúa Kitô, mà thay vào đó là “thịt và máu của Chúa Giêsu
Đấng đã làm người.” Giáo thuyết này, Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong
Bí tích Thánh Thể, là một điểm giáo lý mà Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục dạy
và bảo vệ (xem chương 14 để biết thêm).
Dưới đây là một số ví dụ
khác về những gì các Kitô hữu đầu tiên đã tin. Bạn có thấy được sự tương đồng với
những gì người Công giáo ngày nay vẫn tin trong các “bức ảnh thơ ấu” này
không?"
* Hãy phục tùng giám mục như anh phục tùng Chúa Giêsu Kitô. - St. Ignatius, AD 110,[5]
* Hạnh phúc thay bí tích thanh tẩy của chúng ta, bởi đó, tội lỗi
mù lòa thuở ban đầu được rửa sạch, chúng ta được giải thoát và được nhận vào cuộc
sống vĩnh cửu. Tertullian, AD 203,[6]
* Giáo hội đã nhận từ các tông đồ truyền thống rửa tội cả cho trẻ
sơ sinh. - Origen, AD 248,[7]
* Thật biết bao vĩ đại cho đức tin và lòng kính sợ tốt đẹp của
những ai... thú nhận tội lỗi của mình với các linh mục của Thiên Chúa một cách
chân thành. - St Cyprian, AD 251,[8]
PHẢI CHĂNG CÔNG GIÁO LÀ TÀ GIÁO?
Một số người vào cuối thế kỷ thứ tư nói như thế khi Kitô giáo trở
nên tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, nhiều người không phải là Kitô hữu đã
cải đạo chỉ vì tiện ích; những người mới cải đạo này đã mang theo “các nghi lễ
phàm tục” làm hỏng Giáo Hội của Chúa Kitô. Nhưng như chúng ta đã thấy, các giáo
thuyết về chức linh mục, về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích
Thánh Thể, và về bí tích giải tội đã được tin từ lâu trước thế kỷ thứ tư và thậm
chí có thể được truy nguyên đến những gì Chúa Giêsu và các tông đồ giảng dạy.
Đúng là Giáo hội Công giáo
đã lấy những điều tốt đẹp trong các tôn giáo ngoài Công giáo và dùng chúng để
tôn vinh Thiên Chúa, mà tất cả các Kitô hữu đều làm như thế; ví như tục lệ trao
đổi nhẫn cưới trước tiên được cử hành ở Ai Cập cổ đại và không được mô tả trong
Kinh Thánh. Tất nhiên, ý nghĩa của nghi lễ không mâu thuẫn với những gì Giáo hội
dạy về hôn nhân; thực ra vòng tròn vô tận của nhẫn tượng trưng cho sự vĩnh viễn
của hôn nhân, đó là lý do tại sao ngay cả các anh em Tin lành cũng thường sử dụng
phong tục “ngoại giáo” này trong lễ cưới của họ.
Nếu coi phong tục Công giáo
như đốt hương, thắp nến và hát thánh ca là chứa đựng sự pha trộn không thể tha
thứ của “tà giáo” vào Giáo hội, thì việc các nhà thờ Tin lành sử dụng máy tạo
sương mù, đèn sân khấu và âm nhạc đại chúng trong các lễ của họ lại đúng y như
ngoại giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng việc sử dụng các yếu tố
văn hóa để rao giảng Tin Mừng không có gì sai trái miễn là những yếu tố đó
“không có gì làm tổn hại đến tính đặc trưng và tính toàn vẹn của đức tin Kitô
giáo.”[9]
AI SẼ CHỈ CHO TÔI?
Sách Công vụ mô tả một đầy tớ của nữ hoàng Ethiopia đã hết sức bối
rối khi đọc những lời tiên tri trong Cựu Ước.[10] May mắn
thay, tông đồ Philipphê đồng hành đã hỏi người đầy tớ, “Ngài có hiểu điều ngài
đọc không?" Người đầy tớ đáp, “Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn
giải?” Philipphê sau đó đã giúp cho người đầy tớ nhìn ra Đấng Mêsia được hứa
trong Cựu Ước chính là Chúa Giêsu Kitô như thế nào. Rồi vị tông đồ làm phép rửa
cho người đầy tớ trong một hồ nước gần đó (Cv 8:26-40).
Nhiều người cũng cảm thấy bối
rối như người đầy tớ Ethiopia khi đọc Kinh Thánh. Thánh Phêrô thậm chí còn cảnh
báo trong thư của ngài rằng có mấy đoạn khó hiểu trong Kinh Thánh, mà ý nghĩa của
nó bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt
vong (2Pr 3:16). Nếu đúng là thế, thì sao Chúa Giêsu không đảm bảo cho đến ngày
nay vẫn còn có một người như Philipphê để giúp cho mọi người hiểu những gì họ
đang đọc trong lời Chúa? Kinh Thánh không bảo phải có hàng trăm giáo phái cạnh
tranh để mỗi giáo phái có một cách giải thích khác nhau về Kinh Thánh. Thay vào
đó, Kinh Thánh nói, “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí,… một Chúa, một niềm
tin, một phép rửa.” (Ep 4:4-5).
Sách Giáo lý dạy rằng qua bí
tích rửa tội, tất cả các Kitô hữu được “hiệp thông một cách nào đó với Hội
Thánh công giáo, mặc dầu là sự hiệp thông không trọn vẹn” (GLCG 838). Điều mà
người Công giáo mong muốn là những người bạn ngoài Công giáo của họ có một cuộc
sống hiệp thông hoàn hảo với Giáo hội của Chúa Kitô. Bằng cách đó, mọi Kitô hữu
có thể làm cho lời nguyện của Chúa Giêsu được nên trọn, lời nguyện xin cho hết
những ai theo Ngài “có thể nên một”, giống như Ngài và Chúa Cha là một (Ga
17:11).
THÁNH AUGUSTINE NÓI VỀ VIỆC
LÀ KITÔ HỮU CÔNG GIÁO
Thánh
Augustine là giám mục Hippo vào thế kỷ thứ tư, người đã trở thành một trong những
nhà thần học nổi tiếng nhất trong lịch sử Kitô giáo. Thậm chí nhiều người Tin
lành rõ ràng đã học hỏi từ lời dạy của ngài, như trong nhận xét của John
Calvin: “Augustine hoàn toàn hợp với tôi, đến nỗi nếu tôi muốn viết một lời
tuyên xưng đức tin của mình, tôi có thể dùng các bài viết của ngài mà áp dụng
cho mình một cách trọn vẹn và hài lòng.”[11] Tuy
nhiên, trong lá thư gửi cho người dị giáo Manikê, thánh Augustine đã tiết lộ
cho biết điều gì đã giữ ngài ở lại với Giáo hội Công giáo.
“Việc
kế thừa của các linh mục, từ ngai tòa của tông đồ Phêrô, người được Chúa, sau
khi sống lại, giao cho nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên (Ga 21:15-17), cho đến hàng
giám mục hiện nay, đã giữ tôi ở đây. Và sau hết, cái tên Công giáo, không phải
vô cớ, chỉ thuộc về Giáo hội này, khi đối mặt với rất nhiều kẻ dị giáo, nhiều đến
mức, mặc dù tất cả những kẻ dị giáo đều muốn được gọi là 'Công giáo', khi một
người lạ hỏi Giáo hội Công giáo tập họp ở đâu, không một tín hữu tôn giáo nào
khác dám chỉ vào đền thánh hay nhà của mình.”[12]
LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
* Chúa Giêsu thiết lập một Giáo hội được xây dựng trên nền tảng các
tông đồ bao gồm một hệ thống cấp bậc, hay trật tự thiêng liêng, gồm có phó tế,
linh mục và giám mục.
* Chỉ có Giáo hội Công giáo mới có thể truy nguyên thẩm quyền của
mình cho đến các tông đồ và những đấng kế vị liền sau.
* Giáo hội Công giáo bảo trì các giáo thuyết cổ xưa của Chúa
Kitô, của các tông đồ và Giáo hội sơ khai trong các giáo huấn hiện tại của
mình.
Tại sao chúng tôi theo
đạo Công Giáo
[1] Thánh Inhaxiô thành Antioch,
Thư gửi tín hữu Smyrnaea, 8.
[2] Sđd.
[3] Thánh Giáo Hoàng Clêmentê,
Thư Gửi Tín Hữu Côrintô, 44:1-3.
[4] Thánh Justin Tử đạo, Lời xin
lỗi đầu tiên, 65.
[5] Thánh Inhaxiô thành Antiôkia,
Thư gửi tín hữu Trallian, 2:1.
[6] Tertullian, Phép Rửa, 1.
[7] Origen, Commentaries on Romans 5:9.
[8] St.
Cyprian, The Lapsed, 28.
[9] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II, Sứ vụ Chúa Cứu Thế, 52.
[10] Đoạn văn miêu tả người hầu là
một hoạn quan. Hoạn quan là một người đàn ông đã bị thiến để là người đáng tin
trong việc bảo vệ các thành viên nữ của hoàng gia và không có quan hệ tình dục
với họ. Trong thế giới cổ đại từ này cũng hàm ý những người đàn ông bất lực hay
không có khả năng giao hợp.
[11] John
Calvin, Chuyên luận về sự tiền định vĩnh cửu của Thiên Chúa, 38.
[12] St.
Augustine, Against the Fundamental Epistle of Manichaeus, 5.