Tại sao chúng tôi CÓ MỘT GIÁO HOÀNG

12

Tại sao chúng tôi CÓ MỘT GIÁO HOÀNG


Hãy du hành ngược thời gian vào khoảng mười năm sau khi tôi trở lại với niềm tin Công giáo; lúc đó là 4g45 sáng, vợ chồng tôi đứng ở ga tàu điện ngầm bên ngoài Rôma chờ tàu đến. Một ít người trên sân ga không thể không đăm đăm nhìn vào vợ tôi đi đi lại lại trong bộ áo cưới dài, bồng bềnh. Cả hai chúng tôi đều mặc trang phục lễ cưới vì các cặp vợ chồng mới cưới được phép ngồi trong một khu vực đặc biệt của Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô, nơi chúng tôi có cơ hội gặp đức giáo hoàng.

Chúng tôi được biết rằng đức giáo hoàng thường chỉ vẫy tay chào các cặp vợ chồng mới cưới sau bài diễn văn buổi sáng, chính vì thế mà chúng tôi đã giật mình khi một viên sĩ quan vệ binh chỉ vào giữa diễn đàn, trước 50.000 cử tọa, và nói với chúng tôi, "Anh chị hãy đến đàng kia để gặp đức giáo hoàng."

Bụng tôi nôn nao, bồn chồn, và cuối cùng khi gặp đức giáo hoàng, tôi không nói nên lời; vợ tôi thì bỏ qua các nghi lễ và đã ôm lấy ngài, một điều làm cho các anh vệ binh không hài lòng (cho dù đức thánh cha đã vui cười với điều đó).

Ngay cả những người bạn không Công giáo của chúng tôi cũng xúc động khi nghe tin chúng tôi đã gặp đức giáo hoàng, nhưng vì sao giáo hoàng lại có chỗ đứng quan trọng như thế đối với người Công giáo? Câu trả lời là vì Chúa Kitô đã đã ủy thác cho đức giáo hoàng, giám mục của Rôma, sứ vụ mà Chúa đã ủy thác trước hết cho thánh Phêrô – sứ vụ là mục tử cho toàn thể Giáo hội của Chúa.

Đức giáo hoàng còn được gọi là “đức thánh cha” (pope) bởi vì từ đó bắt nguồn từ một chữ Latinh có nghĩa là “cha” (papa). Đúng như thánh Phaolô đã nói ngài trở thành người cha của các Kitô hữu trong thành phố Corintô của Hy Lạp (1 Cr 4:15), đức giáo hoàng là người cha tinh thần cho hết mọi tín hữu; ngài được giao phó những trách nhiệm Đức Kitô đã trao cho Phêrô, trách nhiệm đó bao gồm việc nuôi dưỡng đàn chiên của Đức Kitô trong đời sống thiêng liêng (Ga 21:15-19) và quyết định những điều phải tin và phải giữ cho Giáo Hội của Đức Kitô (Mt 16:18-19).

PHÊRÔ NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Vai trò “tông đồ cả” của Phêrô được thể hiện rất rõ qua việc ngài được nhắc đến nhiều hơn bất kỳ một tông đồ nào khác, thường phát biểu thay mặt cho cả nhóm, và được đặt lên hàng đầu trong hầu hết mọi danh sách các tông đồ (Mt 10:2). Chúng ta biết các danh sách này được sắp đặt theo tầm mức quan trọng vì Giuđa luôn được xếp vào hàng cuối cùng.

Sách Công vụ cũng mô tả khả năng lãnh đạo vô song của Phêrô trong Giáo hội thuở ban đầu, kể cả khi Phêrô dùng đến thẩm quyền của ngài mà đưa ra một công bố có tính bó buộc tại Công đồng Giêrusalem (Cv 15); như J.N.D. Kelly, một học giả ngoài Công giáo, đã nói, “Phêrô là nhà lãnh đạo không thể bác bỏ được của giáo hội non trẻ.”[1]

PHÊRÔ LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI

* Tông đồ đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh (Lc 24:34, 1Cr 15:5)

* Rao giảng bài giảng đầu tiên và đón nhận những người cải đạo đầu tiên (Cv 2:14-41)

* Thực hiện cuộc chữa bệnh đầu tiên trong kỷ nguyên Giáo hội (Cv 3:6-10)

* Rút phép thông công kẻ dị giáo đầu tiên (Cv 8:18-24)

* Nhận được mặc khải đầu tiên về dân ngoại (Cv 10:44-48)

* Khẳng định tín điều buộc phải tin đầu tiên cho toàn thể Giáo hội (Cv 15:7-11)

Chúa Giêsu còn đặt cho ông tên Phêrô, trước đây là Simon. Đó là việc quan trọng, vì trong Kinh Thánh khi thay đổi tên của một ai, Chúa cũng thay đổi cả vận mệnh của người đó. Ví như, định mệnh của Ápram là làm cha của người Do Thái nên Chúa đổi tên ông thành Abraham, nghĩa là “cha của nhiều dân tộc.” Cái tên "Phêrô" có nghĩa là "đá", cho biết định mệnh của Phêrô sẽ là một loại đá hay một nền tảng. Chúa Giêsu chỉ tỏ cho biết ông là đá sau khi ông khẳng định cách chính xác Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con của Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu nói:

"Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16:17-19).

Trong thế giới cổ đại, các thành phố được bao quanh bởi những bức tường khổng lồ và chỉ có thể bước vào qua một cánh cổng đồ sộ. Người cai trị thành phố được trao cho một chiếc chìa khóa lớn của cánh cổng, cũng là biểu tượng quyền lực của ông đối với thành phố. Khi Chúa Giêsu trao cho Phêrô “chìa khóa nước trời”, Ngài ám chỉ đến một đoạn trong Sách Isaia của Cựu ước mô tả cách Khít-ki-gia, vua Israel, đã ban cho En-gia-kim quyền giám sát toàn bộ vương quốc của mình. Theo Is 22:22, En-gia-kim là người mà “Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được."

Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ, “Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy” (Lc 22:29). Giống như một vị vua Do Thái có trách nhiệm, Chúa Giêsu đã chọn một người, tông đồ Phêrô, để trông nom vương quốc này với tư cách là thầy cả thượng phẩm của Ngài.[2] Như học giả Tin lành Craig Keener đã viết trong bài chú giải của ông về Matthêu, “[Chúa Giêsu] chơi chữ với biệt danh của Simon là ‘Thạch' (đá), gần giống như ‘rau câu' trong tiếng Việt: Thạch là ‘rau câu,’ và trên rau câu này Chúa Giêsu sẽ xây dựng Hội thánh của Ngài.”[3] (phỏng dịch từ nguyên bản: “[Jesus] plays on Simon’s nickname, ‘Peter,’ which is roughly the English ‘Rocky’: Peter is ‘rocky,’ and on this rock Jesus would build his Church.”)

CÓ PHẢI GIÁO HOÀNG LÀ TÊN PHẢN KITÔ KHÔNG?

Những cuộc tấn công kỳ lạ và dai dẳng nhất vào chức giáo hoàng là những lời khẳng định giáo hoàng là Tên Phản Kitô hay là con thú trong sách Khải huyền; nhưng các khẳng định này dễ dàng bị bác bỏ.

1Ga 2:22 cho biết Tên Phản Kitô “chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô,” nhưng chưa hề có giáo hoàng nào làm điều này.[4] Cũng thế, đoạn 17 sách Khải Huyền nói về một con thú ngồi trên bảy ngọn núi và bắt bớ các thánh của Chúa, nhưng Giáo hội Công giáo không bức hại các Kitô hữu và không ngồi trên “bảy ngọn núi.” Thành Vatican nằm trên Đồi Vatican, vắt ngang qua con sông từ bảy ngọn đồi của Thành Rôma cổ, nơi các Kitô hữu bị đóng đinh và làm thức ăn cho sư tử.

Các học giả đồng ý rằng “con thú” trong sách Khải huyền có lẽ tượng trưng cho một hoàng đế La Mã như Nero, hay cho đế chế La Mã nói chung vì cuộc đàn áp khắc nghiệt của nó đối với Giáo hội trong suốt thế kỷ đầu tiên.

CÓ PHẢI GIÁO HOÀNG THÌ VÔ NGỘ KHÔNG?

Học thuyết về sự không thể sai lầm của giáo hoàng dạy rằng có một ân sủng đặc biệt Chúa ban để giữ cho giáo hoàng khỏi dẫn dắt Giáo hội của Đức Kitô đi vào sai lầm. Hầu hết những người theo đạo Tin lành thừa nhận rằng ít nhất là thánh Phêrô không thể sai lầm khi viết thư thứ nhất và thư thứ hai, bởi vì các thư đó nằm trong Kinh Thánh. Người Công giáo đơn giản tin rằng ơn bảo vệ này đã được trao cho Phêrô và cho từng đấng kế vị của ngài, để không một ai trong các giáo hoàng dẫn đưa Giáo hội đi vào sai lầm.

Nhưng tại sao chúng ta phải tin là giáo hoàng không thể sai lầm?

Phúc âm Matthêu 16:18 đã nói “quyền lực tử thần" (một số bản dịch gọi là “cổng hỏa ngục”) sẽ không bao giờ thắng được Giáo hội, nói như thế có nghĩa là vị mục tử của Giáo hội Chúa Kitô sẽ không bao giờ cầm lái đưa Giáo hội vào hỏa ngục bằng cách giảng dạy dị giáo. Lc 22:31-32 ghi lại lời Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.” Bản gốc Tiếng Hy Lạp trong đoạn văn này cho biết rằng Satan đã yêu cầu sàng lọc “tất cả các ngươi,” hay tất cả các tông đồ, nhưng Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho “anh” theo nghĩa số ít, chỉ cho một mình Phêrô, rằng ngài sẽ không mất lòng tin.[5]

Đúng là Chúa Kitô đã từng gọi Phêrô là "Satan" vì ông đã cố ngăn chặn cuộc khổ hình thập giá (Mt 16:23). Chúa cũng biết Phêrô sau này sẽ chối Chúa tại phiên tòa xét xử Ngài, nhưng Chúa không gọi người hoàn thiện – mà hoàn thiện hóa người được gọi. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô đã cầu nguyện cho Phêrô một khi “trở lại” từ tội lỗi của mình, sẽ dẫn dắt và củng cố các tông đồ khác (Lc 22:32).

Ơn không thể sai lầm không giữ cho giáo hoàng khỏi phạm tội (kể cả tội trọng). Chẳng hạn, thánh Phaolô đã quở trách Phêrô vì ông từ chối dùng bữa với dân ngoại để khỏi làm mất lòng người Do Thái đồng hương của mình (Gal 2:14), nhưng Phaolô không phủ nhận thẩm quyền của Phêrô hay cho rằng ông đã dạy sai.[6] Phaolô chỉ nhắc Phêrô cần phải sống theo lời giảng dạy của chính mình; như thần học gia Tin lành Thomas Schreiner đã nói, “Phêrô và Phaolô vẫn đồng ý với nhau về mặt thần học. Phaolô quở trách Phêrô vì ông đã hành xử trái ngược với niềm tin của mình.”[7]

Ơn không thể sai lầm không có nghĩa là giáo hoàng sẽ có câu trả lời đúng cho mọi vấn đề mà Giáo hội phải đối mặt; món quà không thể sai lầm chỉ nhằm giữ cho giáo hoàng khỏi chính thức dẫn đưa Giáo hội vào tà giáo. Một số Giáo phụ, như thánh Cypriano thành Carthage, đã chỉ trích các quyết định của giáo hoàng; nhưng dù thế thánh Cypriano cũng tin rằng giáo hoàng không thể dẫn đưa Giáo hội đi vào sai lầm.

“Từ ngai tòa của Phêrô... không thể xảy ra một sai lỗi nào.” - Th. Cypriano thành Carthage, AD 256 [8]

NGƯỜI KẾ VỊ CỦA PHÊRÔ, CÁC GIÁM MỤC RÔMA

Cho dù là Phêrô có thẩm quyền không thể sai lầm đối với Giáo hội sơ khai, nhưng làm sao chúng ta biết được thẩm quyền này có thể truyền lại cho những người kế vị của ngài?

Vào thế kỷ thứ nhất, người kế vị thứ ba của Phêrô, Clêmentê, đã can thiệp vào một cuộc tranh chấp ở giáo hội Côrintô, Ngài cảnh báo người Côrintô rằng họ sẽ gặp “nguy hiểm không nhỏ” nếu họ không vâng lời ngài, qua đó ngài chứng tỏ uy quyền của ngài đối với các Kitô hữu không phải là dân La Mã. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia gọi Giáo hội Rôma là giáo hội giảng dạy và “chủ trì trong tình yêu” trên các giáo hội khác. Trên thực tế, các bài viết của Giáo hoàng Clement (92-99 BC) và Giáo hoàng Soter (167-174 BC) thực sự được phổ biến rộng rãi đến nỗi chúng đã được đọc trong Giáo hội cùng với Sách Thánh.[9]

Vào năm 190, Giáo hoàng Victor I đã ra vạ tuyệt thông cho cả một miền đã từ chối cử hành lễ Phục sinh cho đúng ngày. Một giám mục người Pháp, thánh Irênê nghĩ rằng đây không phải là một ý tưởng hay, nhưng cả ngài cũng như bất kỳ một ai khác đều không phủ nhận rằng Victor có thẩm quyền để làm điều này. Thật vậy, thánh Irênê đã nói về Giáo hội tại Rôma, “Điều cần thiết là mọi Giáo hội phải đồng thuận với Giáo hội này vì thẩm quyền ưu việt của nó.”[10] Công đồng Chalcedon vào thế kỷ thứ năm đã đọc to bức thư của Giáo hoàng Lêô I bảo vệ giáo thuyết truyền thống về thiên tính của Chúa Kitô. Sau khi đọc xong, các giám mục tham dự đồng thanh reo lên, "Phêrô đã nói qua Lêô!"

Đức Kitô sẽ luôn là đức vua trong vương quốc của Ngài, nhưng cũng như bất kỳ vị vua tốt lành nào, Ngài bổ nhiệm một thủ tướng để giám sát vương quốc đó. Giống như đại nội thị thần En-gia-kim của Israel được coi là “cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa.” (Is 22:21), giám mục Rôma là cha, hay giáo hoàng, đối với những ai thuộc về Giáo Hội của Đức Kitô. Ngài được thừa kế chìa khóa của vương quốc và trung thành trông coi nó cho đến khi đức vua trở lại trong vinh quang.

MỘT GIÁO HOÀNG
DŨNG CẢM ĐỐI ĐẦU VỚI DÂN MAN DI

Các giáo hoàng không chỉ bảo vệ Giáo hội khỏi các mối đe dọa tinh thần, mà cả các mối đe dọa vật chất nữa. Khi Đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ tư, dân man di xâm chiếm từ phía bắc, đốt làng mạc cháy trơ mặt đất và tàn sát những người họ không bán làm nô lệ. Đáng sợ nhất trong số man rợ này là Attila người Hung nô, người có tiếng là bạo lực man rợ đến nỗi dân La Mã gọi ông ta là "Cái roi của Chúa."

Vào năm 452 sau Công nguyên, quân đội của Attila tập hợp lại để tấn công thành phố Rôma, nhưng Giáo hoàng Leo I đã cưỡi ngựa ra ngoài mà đến với Attila, cũng cưỡi ngựa. Vài năm sau, một sử gia khi viết về cuộc gặp gỡ của họ đã nói rằng Attila “rất ấn tượng trước sự hiện diện của thầy thượng phẩm đến nỗi ông đã ra lệnh cho quân đội của mình từ bỏ chiến tranh và, sau lời hứa hẹn hòa bình, ông ta đã rời khỏi [sông] Danube.”[11]

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

GIÁO HOÀNG

* Chúa Giêsu đã ban cho Phêrô quyền bính đặc biệt với tư cách là người lãnh đạo của các tông đồ và cả Giáo hội sơ khai.

* Quyền bính này được truyền lại cho những người kế vị thánh Phêrô, tức là các giám mục Rôma.

* Phêrô và những người kế vị của ngài được hưởng đặc ân vô ngộ (không thể sai lầm), đặc ân giữ gìn không để cho họ dẫn đưa Giáo hội đi vào dị giáo.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo


[1] J.N.D. Kelly, The Oxford Dictionary of the Popes (Oxford: Oxford University Press, 1996), 1

[2] Chẳng phải Phêrô tự gọi mình là “kỳ mục” chứ không phải “giáo hoàng” trong 1Pr 5:1 sao? Có, nhưng trong đoạn văn này Phêrô bày tỏ sự khiêm tốn, mà ngài đang khuyến khích các mục tử khác thực hành. Ngài viết, “anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau” (5:5), việc đề cao địa vị của mình sẽ mâu thuẫn với thông điệp của mình. Vậy thì việc nói với người nghe rằng mình cũng là “hàng kỳ mục” không còn làm mất hiệu lực khả năng lãnh đạo của Phêrô như khi một tổng thống gọi cả nước là “đồng bào của tôi." Còn thánh Phaolô thường nhắc đến mình chỉ là một tôi tớ (1Cr 3:5, 2Cr 11:23) và thậm chí còn nói rằng mình là “kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh” (Ep 3:8) - nhưng điều đó không làm mất đi uy quyền sứ đồ của ngài.

[3] Craig Keener, Tin Mừng Mátthêu: Một chú giải mang tính tu từ xã hội (Grand Rapids, Mich.: Wm. B. Eerdmans, 2009), 426.

[4] Một số người trích dẫn câu nói của Giáo hoàng Leo X (1513-1521) khi ngài nói, “Truyện dụ ngôn về Chúa Giêsu hữu ích biết bao cho chúng ta và hội đoàn chúng ta,” để chỉ ra rằng một giáo hoàng thời trung cổ là Tên Phản Kitô vì ông ta cho rằng Chúa Giêsu là một huyền thoại được tạo ra để biện minh cho sự hiện hữu của một Giáo hội thèm khát quyền lực. Nhưng có vấn đề với trích dẫn này là mặc dù nó có từ thế kỷ 16 nhưng Giáo hoàng Leo X chưa bao giờ nói điều đó; trích dẫn này thực sự đến từ cuốn sách trào phúng Cuộc thi của các Giáo hoàng (The Pageant of Popes) của nhà bất đồng chính kiến Tin lành John Bale, và là một nỗ lực nghiệp dư nhằm bôi nhọ tính cách của giáo hoàng La Mã.

[5] Chúa Giêsu nói về “hết thảy anh em” bằng từ hymas trong tiếng Hy Lạp trong câu 31, nhưng trong câu tiếp theo, Chúa Giêsu dùng từ Hy Lạp sou, là từ “anh” số ít ám chỉ Phêrô.

[6] Trong tình huống này, Phêrô cùng lắm là mắc lỗi trong cư xử chứ không trong giáo huấn. Phêrô sợ sự chống đối từ những Kitô hữu cho rằng việc cắt bao quy đầu là cần thiết để được cứu rỗi; vì vậy, khi có mặt họ, Phêrô từ chối dùng bữa với những người không chịu cắt bì. Phaolô chỉ trích Phêrô vì đã làm điều này, nhưng chính Phaolô đã thích nghi với nhóm này khi ông cho môn đồ Timôthê chịu phép cắt bì. Phaolô làm điều này để giúp cho việc rao giảng cho người Do Thái được dễ dàng hơn (Cv 16:1-3), nhưng ông gọi phép cắt bì là tội trọng trong thư Galat 5:2. Do đó, nếu sự thận trọng nhường nhịn những người chỉ trích không làm mất hiệu lực thẩm quyền của Thánh Phaolô, thì điều đó cũng không làm mất hiệu lực thẩm quyền của Thánh Phêrô.

[7] Thomas R. Schreiner, Galatians (Grand Rapids, Mich.: Zondervan, 2010), 145.

[8] St. Cyrpian, Epistle, 54.14

[9] Eusebius, Lịch sử Giáo hội, 4:23:9

[10] Thánh Irênê, Chống Dị Giáo, 3.3.2

[11] Prosper, Account I, sourcebooks.fordham.edu/source/attila2.asp.