Tại sao chúng tôi CÓ CÁC LINH MỤC

13

Tại sao chúng tôi CÓ CÁC LINH MỤC


Bạn có bao giờ để ý thấy trong phim ảnh (Âu Mỹ) khi người anh hùng phải đối mặt với một điều gì có chút huyền bí hay ma quỷ, hầu như họ luôn gọi một linh mục Công giáo đến để giúp đỡ? Ngay cả người không theo tôn giáo cũng nhận thấy một năng lực siêu việt huyền bí phát ra từ các linh mục; nhưng những gì họ cảm nhận được không phải là một loại mê tín của ma thuật. Đúng hơn, chính ân sủng của Thiên Chúa đã mãi mãi thay đổi tâm hồn và trang bị cho các linh mục để họ chiến đấu với tội lỗi và thậm chí còn chống lại biết bao thế lực của ma quỷ tấn công Giáo hội Chúa Kitô.

Thánh Phaolô dạy rằng Giáo hội của Chúa Kitô có một phẩm trật bao gồm các phó tế (1Tm 3:8-13); các kỳ mục, ngày nay chúng ta gọi là “linh mục” (1Tm 5:17); và các giám mục (1Tm 3:1-7). Khi lần đầu tiên đọc đến mấy đoạn này tôi tự hỏi mình: “Giáo hội nào ngày nay vẫn còn có các phó tế, linh mục, và giám mục?” Giáo hội đó phải là một trong các giáo hội đang có hôm nay, tôi cho là thế, và nơi giáo hội đó tôi sẽ tìm thấy giáo hội đầu tiên Chúa Kitô đã thiết lập trên Phêrô và các tông đồ khác.

CÁC LINH MỤC Ở ĐÂU TRONG KINH THÁNH?

Trong Cựu Ước, dân Chúa có ba cấp tư tế được ứng nghiệm trong Giáo Hội của Đức Kitô. Đầu tiên, tất cả mọi người được gọi là dân tế, việc làm thánh thiện của họ cho phép họ làm trung gian thay mặt cho một thế giới vô tín ngưỡng (Xh 19:6). Trong dân có một số người, như người Lê-vi, dự phần vào chức tư tế thừa tác và thay mặt cho dân chúng mà dâng của lễ (Xh. 28:41). Cuối cùng là thầy thượng phẩm, là người được phép bước vào nơi thánh của Thiên Chúa mỗi năm một lần để dâng của lễ đền bù cho tội lỗi của toàn thể dân chúng (Xh 28:1, Lv 21:10).

Kể từ khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên, chức tư tế của người Do Thái không còn nữa; giờ đây thay vào đó là chức tư tế của Kitô giáo.

Đúng như trong thời Cựu Ước, Thánh Phêrô nói rằng mọi Kitô hữu đều thuộc về một chức tư tế thánh thiện (1Pr 2:5), và thư gửi cho người Do Thái nói rằng Chúa Giêsu Kitô là thầy thượng phẩm mới của chúng ta (Dt 4:14). Không như tất cả các thầy thượng phẩm khác, Đức Kitô là thần linh và vô tội, vì vậy lễ hy sinh của Ngài trên thập giá có thể cất đi tội lỗi của thế giới. Đây là hy tế duy nhất mà các linh mục Công giáo tái hiện khi cử hành Thánh Lễ (xem chương 14). Qua việc cử hành thánh lễ, các linh mục hoàn tất chức tư tế thừa tác của Cựu Ước. Thư Giacôbê cũng đề cập đến các linh mục phục vụ cộng đồng bằng cách cử hành các bí tích có sức chữa lành bệnh tật và tha thứ tội lỗi:

"Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực." (Gc 5:14-16).

Ngày nay bí tích này được gọi là xức dầu bệnh nhân và cũng là một phần của các nghi thức sau hết, hay những lời cầu nguyện và các bí tích được ban cho những người nguy tử; một trong các bí tích các linh mục ban, nếu người đó còn ý thức và tỉnh táo, là cơ hội cuối cùng để xưng tội mình. Hãy chú ý câu Gc 5:16 nói rằng chúng ta nên thú tội của mình “với nhau”, thì trong bối cảnh này sẽ là thú tội với các trưởng lão hay kỳ mục của Hội thánh Chúa.

TẠI SAO TÔI PHẢI XƯNG TỘI VỚI MỘT LINH MỤC?

Tại sao tôi không thể xưng tội trực tiếp với Chúa? Tại sao tôi cần phải đi xưng tội (hay còn gọi là bí tích hòa giải)? Đây là câu trả lời của tôi: Bởi vì Chúa yêu chúng ta và đã ban cho chúng ta một cách thế tuyệt vời để cảm nghiệm lòng bao dung của Chúa.

Giáo Hội dạy rằng Thiên Chúa đã ban các bí tích cho chúng ta để chúng ta có những khoảnh khắc tự nhiên cảm nghiệm được ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta. Hãy nghĩ về ân sủng như món quà sự sống Chúa ban cách nhưng không nhằm cất đi tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên tốt hơn và giống Chúa hơn. Đúng là Chúa có thể ban ân sủng cách thiêng liêng cho chúng ta sau khi chúng ta thốt lên một lời cầu nguyện, nhưng Chúa biết chúng ta được tạo nên có thể chất, và thể chất, ồ, lại rất quan trọng!

Tại sao một lá thư cảm ơn nhận được qua đường bưu điện lại đặc biệt hơn một tin nhắn cảm ơn qua email? Tại sao một cái ôm lại là cách nói “Anh yêu em" mạnh mẽ hơn? Đó là vì trong các hành động này, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và lòng biết ơn với cả giác quan lẫn tâm hồn. Chúa biết điều này và đây là lý do tại sao Chúa đã ban cho Giáo hội các tích, hay các dấu hiệu thể chất bên ngoài về việc lãnh nhận ơn Chúa ban bên trong.

BẢY BÍ TÍCH

Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể (Bữa Tiệc Ly của Chúa), Hòa giải, Xức dầu bệnh nhân, Hôn Nhân và Truyền Chức Thánh.

Có bảy bí tích, mỗi bí tích cử hành theo một công thức riêng (mô thể), và một chất liệu riêng (chất thể). Công thức (mô thể) của bí tích thánh tẩy là lời nói: “Tôi làm phép rửa cho anh nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Chất thể là nước bao bọc con người và là chất liệu qua đó tội lỗi của họ được tẩy sạch (Cv 22:16).

MỘT LINH MỤC CỨU CÁC LINH HỒN TRÊN TÀU TITANIC

Năm 1912, một linh mục người Anh, Cha Thomas Byles, đã đặt vé tàu Titanic đi New York để cử hành nghi thức hôn phối cho em trai mình. Ngài đang ở trên boong khi con tàu va phải một tảng băng trôi và ngài đã ở lại trên tàu để giải tội càng nhiều càng tốt trước khi tàu chìm.

Một nhân chứng cho biết, “Cha Byles có thể được cứu, nhưng cha sẽ không rời đi nếu còn một [hành khách] nào bị bỏ lại... Sau khi tôi lên thuyền, chiếc thuyền cuối cùng rời đi, và chúng tôi từ từ lìa xa con tàu, tôi còn nghe được rõ ràng giọng nói của cha và những lời thưa kinh với ngài.”[1]

Em trai và gia đình của cha Byles đã miệt mài tìm kiếm ngài trong số những người còn sống, nhưng người ta tin rằng ngài đã chết trên biển; không hề tìm lại được thi thể của ngài. Linh mục hiện đang phục vụ tại giáo xứ nơi Cha Byles phục vụ gần một thế kỷ trước đã bắt đầu tiến trình xin Giáo Hội phong thánh cho cha Byles.[2]

Đối với bí tích của lòng sám hối (bí tích hòa giải), chất thể là các tội chúng ta xưng thú và mô thể là lời nguyện xá giải của linh mục.
Qua sự hiện diện và lời nguyện xá giải của linh mục, ân sủng của Thiên Chúa đi vào tâm hồn tội nhân và giao hòa họ với Thiên Chúa. Chính thánh Phaolô đã nói: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải.” (2Cr. 5:18).

Một linh mục không thể tha tội mà không có Chúa cũng như một mục sư Tin lành không thể rửa tội làm cho một ai trở thành Kitô hữu mà không có Chúa. Các linh mục được ban cùng một quyền tha tội như các tông đồ, những người được nghe Chúa Giêsu nói, “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:23).

Để biết tội của ai cần phải cầm giữ lại, giả như người đó không thực sự buồn tiếc về tội đã phạm, các tông đồ phải biết được các tội đó là gì. Trừ khi được Chúa mặc khải, họ chỉ biết được các tội đó khi tội nhân xưng thú rõ ràng tội của mình; như thánh Cyprianô thành Carthage viết vào năm 251 AD, “một lòng đau đớn và đơn sơ thú nhận tội lỗi với các linh mục của Chúa, họ thực sự dốc lòng, trút bỏ gánh nặng của tâm trí, và đi tìm phương thuốc hữu ích cả cho các vết thương nhẹ và trung bình.”[3]

TẠI SAO CÁC LINH MỤC LÀ ĐÀN ÔNG ĐỘC THÂN?

Giáo hội Công giáo chọn đàn ông làm linh mục vì Giáo hội luôn cố gắng noi gương Chúa Giêsu Kitô. Mặc dù có nhiều phụ nữ phục vụ Chúa Giêsu trong sứ vụ của Ngài, nhưng Chúa đã không gọi một ai trong họ làm tông đồ. Thay vào đó, Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội một giáo lý, hay một phần không thay đổi của sự mặc khải thiêng liêng, rằng chỉ các người đàn ông mới có thể được gọi để “thay cho Chúa Kitô” (tiếng Latinh, alter Christus) và phục vụ cho cô dâu của Chúa Kitô là Giáo hội (Ep 5:22-33).[4]

Yêu cầu các linh mục không lập gia đình, hay sống độc thân, là một kỷ luật hơn là một giáo điều không thay đổi. Thánh Phêrô đã kết hôn (Mt 8:14), mặc dù chúng ta không biết liệu vợ của ngài có còn sống hay không khi ngài trở thành người lãnh đạo của Giáo hội, vì chẳng hề thấy Kinh Thánh đề cập đến bà.[5] Chúa Kitô không ban cho Giáo hội một lời dạy nào về câu hỏi này, vì vậy Giáo hội được tự do đề xuất các quy tắc kỷ luật phục vụ tốt nhất cho Thân Thể Chúa Kitô.

Trong Giáo hội Công giáo Đông phương, những người đàn ông đã kết hôn có thể trở thành linh mục nhưng các linh mục chưa kết hôn không thể kết hôn sau này. Trong Giáo hội phương Tây có những trường hợp ngoại lệ cho các linh mục đã kết hôn, các linh mục cải đạo từ các tôn giáo khác, như Anh giáo, nhưng hầu hết các linh mục đều độc thân.

Các linh mục này tuân theo một truyền thống bởi lời thánh Phaolô nói rằng người độc thân có thể hoàn toàn tập trung vào việc làm hài lòng Chúa mà không bị cản trở bởi trách nhiệm chăm sóc gia đình (1Cr 7:32). Phaolô đã nói về sự tốt đẹp của hôn nhân, nhưng ngài cũng ước mong là tất cả đều có thể sống độc thân như ngài. Thậm chí ngài còn mô tả một số góa phụ trong Giáo hội sơ khai đã thề sống độc thân như thế nào. (1Cr 7:7, 1Tm 5:12).

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO GỌI LINH MỤC LÀ “CHA"?

Nếu trong Mt 23:9, Chúa Giêsu nói “đừng gọi ai là cha,” thì tại sao người Công giáo lại gọi linh mục là "cha?" Vì đó là một danh hiệu thích hợp cho các mục tử chăn đàn chiên của Đức Kitô; cũng vì lý do đó mà Thánh Phaolô tự gọi mình là cha của các Kitô hữu ở Côrintô (1Cr 4:15).

Chúa Giêsu cũng nói trong Mt 23:8–10 rằng không được gọi một người nào là thầy hay “ông chủ”, tuy nhiên những người theo đạo Tin lành thường gọi các mục sư và nhà thần học được đào tạo tại chủng viện của họ là “tiến sĩ”, một từ có nghĩa đen là “ông chủ” hay “thầy."

Khi nói thế, Chúa Giêsu chỉ cảnh báo các môn đồ đừng tự mãn với lòng kiêu ngạo của các nhà lãnh đạo Do Thái và đừng nâng uy quyền của mình lên cao hơn uy quyền của Thiên Chúa. Chúa không ngăn cản sự hiện diện của một người cha hay người thầy tinh thần mà Chúa mời gọi họ khiêm tốn phục vụ cho Giáo hội của Chúa.

Các mẫu gương khác trong Kinh Thánh về việc sống một đời độc thân có thể được thấy nơi các tiên tri Ê-li và Giê-rê-mia, cũng như nơi Chúa của chúng ta, Đấng đã nói, “Có những người yêm hoạn [những người không thể giao hợp] bởi mình làm cho mình thành yêm hoạn vì Nước Trời.” (Mt 19:12). Chú giải Kinh Thánh Công giáo nói rằng trong câu này, Chúa Giêsu khuyến khích sự kiêng khem tự nguyện, khỏi quan hệ tình dục, “không phải bằng cách tự cắt xén cơ thể mà bằng cách từ bỏ chính mình.”[6]

Một số người nói rằng nếu các linh mục được phép kết hôn thì sẽ giảm bớt lạm dụng tình dục trong Giáo hội và có thêm nhiều người muốn làm linh mục; nhưng có nhiều kẻ ấu dâm là đàn ông đã có gia đình, và tình trạng độc thân đâu có làm cho ai đó trở nên hấp dẫn hơn với trẻ em; hơn nữa, chức linh mục đâu có phải là một nghề nghiệp có thể thay đổi điều kiện để thu hút người làm. Kinh Thánh nói rằng khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông theo Ngài

Ngài thương xót họ, vì họ ưu phiền và bất lực, như bầy chiên không người chăn. Rồi Người nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:36-38).

Linh mục là những người đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để bước vào thế giới và dẫn dắt các linh hồn lầm lạc trở lại với vị Mục Tử Nhân Lành, là Chúa Giêsu Kitô.

LÝ DO CHO NIỀM TIN CỦA CHÚNG TÔI:

CÁC LINH MỤC

* Các linh mục Công giáo là sự thành toàn trong thời Tân Ước cho chức tư tế thừa tác Cựu Ước.

* Chúa Kitô chỉ kêu gọi nam giới làm tông đồ, nên chức linh mục Công giáo chỉ thuộc về nam giới mà thôi.

* Theo truyền thống, các linh mục trong Giáo hội phương Tây không lập gia đình để họ có thể noi gương Chúa Kitô và phục vụ hiền thê của Người là Giáo hội một cách hoàn hảo.

* Các linh mục Công giáo đã được Chúa Kitô trao ban quyền bính để có thể tha thứ và cầm giữ tội lỗi, quyền bính này được thấy trong bí tích hòa giải.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] Lời tường thuật này đến từ hành khách hạng ba Helen Mary Mocklare và được đăng trên tờ New York Thế giới ngày 22/4/1912.

[2] Joseph Pronechen, “Cha Thomas Byles: Người Tôi Tớ Trung Tín Của Chúa Trên Tàu Titanic,” National Catholic, ngày 15 tháng 4 năm 2015, www.ncregister.com/daily-news/father-thomas-byles-gods-faithful-servant-onthe-titanic.

[3] St. Cyprian, The Lapsed, 28.

[4] Giáo hội không dạy rằng phụ nữ thấp kém hơn nam giới và coi đó là lý do tại sao họ không thể làm linh mục. Sự khôn ngoan vĩnh cửu của Chúa được nhân cách hóa thành một phụ nữ (Cn 8) và trong Gl 3:28, Phaolô nói rằng trong Đức Kitô không có gì khác biệt về giá trị giữa nam và nữ. Ở cuối thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đề cập đến nhiều phụ nữ đóng vai trò là đồng nghiệp với ngài trong lĩnh vực truyền giáo (Rm 16). Giáo hội thậm chí còn thừa nhận một thụ tạo xứng đáng được ca ngợi hơn bất kỳ mọi thụ tạo khác là một phụ nữ - Maria, Mẹ Thiên Chúa. Nhưng điều này không mâu thuẫn với tập tục noi gương Chúa Kitô của Giáo hội, Đấng chỉ chọn đàn ông làm tông đồ mặc dù nhiều phụ nữ ủng hộ sứ vụ của Ngài. Một số người nói rằng Chúa Giêsu chỉ chọn những người đàn ông trở thành tông đồ bởi vì đó là điều được mong đợi trong nền văn hóa của thời đại của Ngài, nhưng Chúa Giêsu thường mâu thuẫn với những điểm nhạy cảm văn hóa trong thời của Ngài. Các nữ tư tế rất phổ biến trong các tôn giáo huyền bí cổ xưa, nhưng thánh Phaolô đã kiên quyết đã dạy rằng phụ nữ không thể có các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội như nam giới (1Cr 11:35). Đàn ông và phụ nữ bình đẳng về phẩm giá nhưng họ không đồng nhất, vì vậy thật hợp lý khi Chúa kêu gọi mỗi người theo những ơn gọi khác nhau.

[5] Một số người tranh luận rằng 1Cr 9:5 chứng minh rằng Phêrô đã có một người vợ trong suốt hành trình truyền giáo của Phaolô. Karl Keating trả lời theo cách này: “Từ khóa Hy Lạp trong 1Cr 9:5 là 'adelphaen gunaika'. có nghĩa đầu tiên là 'chị gái' và nghĩa thứ hai có thể được hiểu hoặc là 'người phụ nữ' hoặc là 'vợ'. Điều này có nghĩa là cụm từ đó được dịch là 'chị gái' hay 'chị vợ', từ 'chị gái' không chỉ về mối quan hệ ruột thịt mà là về mối quan hệ tinh thần." Xin xem Karl Keating, “Did Peter Have a Wife,” Catholic Answers Magazine 18, no. 5, tháng 5 2007, www.catholic.com/magazine/articles/did-peter-have-a- wife.

[6] A. Jones, “The Gospel of Jesus Christ According to St Matthew,” in B. Orchard and E. F. Sutcliffe, eds., A Catholic Commentary on Holy Scripture (New York: Thomas Nelson, 1953), 885.