Gia vị cho Lời Chúa Thứ Hai tuần 4 thường niên
THỨ HAI – ĐÓN NHẬN VÀ TỪ CHỐI
TÌNH THƯƠNG
Lời Chúa:
Mc 5, 1-20
Khi ấy,
Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu
vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người
đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích,
vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã
bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày
đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy
Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng:
"Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì
danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi." Nhưng Chúa Giêsu bảo
nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này." Và Người hỏi nó:
"Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi
đông lắm." Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
Gần đó, có
một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng:
"Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo." Và Chúa Giêsu liền cho
phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn
con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin
đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới
bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí
khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ
nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền
xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị
quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với
thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã
thương con." Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh,
tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
TRUYỆN KỂ
1. Mắt đức tin bị khoét
Bị cám dỗ,
Samson vào bẫy của Philitin khi bị cạo trọc đầu, ông mất sức, không còn được sức
mạnh như trước đó, nên bị quân Philitin bắt trói, khoét mắt, xiềng lại, bỏ tù
và bắt xay cối xay (x. Tph 16,19-21).
Ma quỷ
cũng vậy, chúng cám dỗ chúng ta theo chúng, rồi chúng khoét mắt đức tin của
chúng ta. Và khi chúng ta không còn ánh sáng đức tin chiếu soi nữa, ma quỷ dẫn
chúng ta dễ dàng đi trên con đường tội lỗi để sa xuống hỏa ngục với chúng.
2. Ai lớn hơn.
Một bé
trai hỏi bố:
- Quỷ lớn
hơn con không?
- Lớn hơn.
- Quỷ lớn
hơn bố không?
- Lớn hơn.
- Quỷ lớn
hơn Chúa Giêsu không?
- Không
con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỷ.
Chú bé
thinh lặng, rồi mỉm cười:
- Vậy con
không sợ quỷ.
3. Muốn làm lớn
Trong
Thánh Kinh, heo là hình ảnh của ô uế và của thế lực gian tà. Làng Ghêrasa này đầy
heo nhưng lại tiếc rẻ khi đàn heo ấy chết đuối. Họ lại còn xin Chúa Giêsu rời
khỏi làng họ. Khi ta bám vào của cải vật chất thì ma quỷ cũng theo đó mà bám
víu ta.
Có lần
Napoleon cầm tấm bản đồ thế giới, chỉ vào nước Anh, tức tối nhận xét "Nếu
không có cái chấm đỏ này thì Ta đã là bá chủ thế giới.
Ma quỉ
cũng chỉ vào thánh giá Đức Kitô nói "Nếu không có chấm đỏ này thì ta đã bá
chủ thế giới."
4. Ma quỷ đối nghịch với thập giá
Có một người
đàn ông ở Scotland. Người này bị ngã gãy lưng vào năm 15 tuổi. Suốt 40 nằm trên
giường bịnh, nỗi đau của ông không thề nào tả xiết. Nhưng ơn Chúa đã giúp ông
luôn bình tâm chấp nhận. Có lần ông được hỏi:
- Có bao
giờ ma quỉ cám dỗ ông không, chẳng hạn nó bảo ông Thiên Chúa là quan án nghiêm
khắc để ông nghi ngờ tình Ngài.
Ông đáp:
“Có chứ, nhiều lần lắm. Khi thấy người khác giàu có, Satan bảo: nếu Chúa tốt
lành, hẳn Ngài đã cho anh khỏe mạnh giàu sang, chứ đâu anh phải khốn khổ như vậy.
- Thế ông
làm gì khi Satan cám dỗ?
- À, tôi dẫn
Satan đến núi Calvê, chỉ cho nó thấy Đức Giêsu với các dấu đinh và nói: “Ngài
không yêu tôi đó sao? Thế là nó cút, để tôi yên."
5. Thua để được
Nhạc sĩ
hòa tấu Itahak Perlman nói đến hai sự kiện xảy ra khi ông chưa đầy 4 tuổi, đã định
hướng tương lai của ông: Ông bị bại liệt và được nghe vở kịch Jascha Heifetz.
Căn bệnh bại liệt tước đi đôi chân của ông, nhưng âm nhạc của Heifetz chắp cánh
cho ông. Nó cho ông ước mơ và thúc đẩy ông theo đuổi những gì lớn lao. Perlman
là một phản ánh hiện đại mờ nhạt về những vị anh hùng trong Kinh thánh. Những vị
này cũng đã đau khổ nhiều, nhưng các vị đã có một ước mơ thúc đẩy các vị theo
đuổi những gì lớn lao.
Đâu là ước
mơ thúc đẩy tôi tiến bước, ngay cả những lúc gặp thử thách đau thương?
Những đau
khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải
nơi chúng ta (Rm 8,18).
6. Một sự nhịn là chín sự lành
Trên một
chuyến tàu lửa có một người cha và đứa con trai của ông. Khi nhân viên kiểm
soát đến soát vé, ông ta nói với người cha một cách giận dữ và nhục mạ. Nhưng
người cha đã không nổi giận. Ông giữ bình tĩnh và yên lặng. Sau chuyện này, đứa
con trai hỏi: “Bố ơi, tại sao bố không chửi lại ông ấy?" Người cha trả lời:
“Tại sao à? Con người đáng thương đó có chuyện rắc rối và phải chịu đựng bản
thân mỗi ngày, còn bố chỉ phải chịu đựng ông ta một phút thôi."
Tôi có thường
phản ứng cách giận dữ khi có ai đó xử tệ với tôi không? Cái gì đã làm cho tôi
phản ứng theo cách đó?
Nếu chỉ có
một điều nhỏ nhặt cũng làm bạn nổi giận, thì chính điều đó cũng nói lên bạn là
người thế nào? (Sydney J.Harris).
7. Loan báo Tin Mừng trong cuộc đời
cụ thể
Chàng
thanh niên Rudell Norris nhận ra rằng qua bí tích rửa tội, mọi tín hữu được mời
gọi đi loan báo Tin mừng. Trở ngại của anh là quá nhút nhát: Làm sao có thể rao
giảng Tin mừng được? Giaỉ pháp của Rudell thật khôn khéo: Anh ta dành một phần
tiền trợ cấp của mình để mua sách báo về đạo và đặt chúng ở hành lang bệnh viện
và ở những nơi thích hợp. Một ngày kia, anh nghe người ta nói: “Tôi bắt đầu tiếp
xúc với Giaó hội qua một cuốn giáo lý mà tôi thấy được nơi hành lang bệnh viện.
Tôi sẽ làm
gì cụ thể để góp phần loan báo Lời Chúa?
Khi Chúa dạy
tôi hát bài ca của Ngài, làm sao tôi có thể ngừng cất tiếng ngợi ca?
8. Làm chứng cho lòng thương xót
“Kẻ trước
kia bị quỷ ám” được Chúa sai đi về với thân quyến để rao truyền những việc Chúa
làm cho anh. Anh không che dấu sự kiện trước đây mình bị quỷ ám. Bị thống trị bởi
cả một đạo binh quỷ có sức xô trọn một đàn heo trên hai ngàn con xuống Biển Hồ
Galilê chỉ trong nháy mắt, tình cảnh của anh thật khốn cực: anh sống mà như chết,
đi lang thang trong đám mồ mả; anh bị quỷ đày đoạ đến độ mất cả tính người: suốt
ngày anh “tru tréo và lấy đá đập vào mình."
Trước tình
cảnh đáng thương của anh, Chúa đã chạnh lòng thương ra tay cứu giúp và việc
Chúa làm cho anh thật lạ lùng: quỷ bị trục xuất khỏi con người anh, anh được phục
hồi trọn vẹn phẩm giá con người. Hơn nữa anh được Chúa đặt làm tông đồ (=được
sai đi) để loan báo việc Chúa làm: Anh trở thành chứng nhân cho lòng thương xót
của Chúa.
Chúa không
sai anh ta đi đâu xa mà đơn giản sai anh trở về với thân quyến để làm chứng cho
lòng thương xót của Chúa. Cũng thế, Chúa không “cất” chúng ta khỏi thế gian;
Ngài muốn ta loan truyền quyền năng và lòng thương xót của Ngài ngay tại nơi
mình đang sống. Chỉ những ai cảm nghiệm sâu sắc ơn giải thoát, chữa lành của
Chúa đối với bản thân, mới có thể “làm chứng” sống động cho Chúa và góp sức thu
hẹp ảnh hưởng của sự dữ và tội lỗi.
9. Mời Chúa bước vào đời mình
Sau năm
1975, đã có một số tín hữu lặng lẽ đem ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ đến nhà thờ trả
lại. Họ xin thôi đi đạo vì sợ quấy rầy. Cũng như người dân Ghêrasa trong bài
Tin Mừng, họ đã nài xin Chúa rời khỏi vùng đất, gia đình, cuộc đời của họ. Ít
ra họ đã can đảm và thẳng thắn cho thấy sự chọn lựa của mình. Cho đến muôn đời,
Đức Kitô vẫn đứng ngoài cửa, gõ cửa và chấp nhận chờ đợi sự đáp ứng mang tính
may-rủi, tùy hứng của con người. Đang khi ấy, tự cho mình là người Kitô hữu
100%, ta lại không dành cho Ngài đúng 100% mặt bằng cuộc sống của mình. Xem ra
Đức Kitô chỉ thật sự là Chúa trong giờ phụng vụ ở nhà thờ hay giờ kinh nguyện ở
gia đình. Ngoài ra, ta lặng lẽ khoanh vùng hạn chế, xin Chúa đừng vào, để cuộc
sống ta không bị xáo trộn, và ta có thể yên thân với lối sống mòn của mình.
Có lẽ bạn
đã nhanh chóng nhận ra một số khu vực hạn chế với Đức Giêsu trong cuộc đời
mình. Bạn đừng sợ mời Ngài vào căn nhà cuộc đời, cũng đừng sợ Ngài sẽ làm rối
tung cuộc sống an nhàn, hưởng thụ thoải mái của mình. Quả thật, với Ngài, bạn
phải đổi mới lối nghĩ nếp sống, nhưng tâm hồn bạn sẽ được an bình hạnh phúc thật
sự.
Bạn thường
nài xin Chúa đừng vào những khu vực hạn chế nào trong cuộc sống hằng ngày của
mình?
Tôi sẽ nỗ
lực mời Chúa làm chủ tể cuộc sống mình, không chỉ trong giờ thờ phượng, nhưng
trong mọi khoảnh khắc cuộc đời mình.
Lời Chúa Tuần 4 Thường
Niên
Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch