Đi tới mục vụ của tình thương
Xót thương mà
không vác thập giá, cũng là một sai lầm tai hại. Tai hại lớn hiện nay là nói
thì rất hay, nhưng thực tế thì trống rỗng.
1. Phụng
vụ tháng 11 hằng năm kêu gọi tôi tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua
đời.
Thời sự tháng 11 năm nay bùng nổ tin về những
cái chết thê thảm. Chết do tai nạn giao thông đường bộ, chết do tai nạn máy
bay, chết do chém giết nhau, chết do khủng bố lan rộng.
2.
Cái chết trở thành một thời sự khủng khiếp. Mới rồi, trong lúc nửa tỉnh nửa thức,
tôi thấy mình chết. Ra trước toà Chúa, Chúa hỏi tôi: “Con đang làm gì?.” Tôi
thưa: “Con đang làm mục vụ.” Chúa hỏi thêm: “Mục vụ gì?.” Tôi thưa: “Mục vụ của
tình thương.”
Tôi tỉnh lại, Đức Mẹ ở bên tôi. Mẹ nhắc nhủ
cho tôi nhớ: “Dù trong tình trạng nào, con hãy làm mục vụ của tình thương với
những cách thích hợp.”
3. Hôm
nay, tôi xin chia sẻ về mục vụ của tình thương, mà tôi, vâng lời Chúa và Đức Mẹ,
đang thực hiện từng bước nhỏ.
Mục vụ của tình thương được khởi đi và được nuôi dưỡng bởi giáo lý tình yêu. Giáo lý đó vắn gọn như sau:
“Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu
bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì sẽ được Thiên Chúa sinh ra, và
người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa. Tình
yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ thế này: Thiên Chúa đã sai Con
Một Người đến thế gian, để nhờ Con Một của Người, mà chúng ta được sống. Tình
yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước. Nhưng
chính Người đã yêu thương chúng ta trước. Và sai Con Một Người đến, làm của lễ
đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta
cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,1-11).
4.
Trên đây là Tin Mừng, là giáo lý của sự cứu độ.
Mục vụ của tôi là thực hiện giáo lý đó.
Giáo lý tình thương đó tóm tắt là: Chúa yêu
thương tôi, Chúa thương xót tôi. Tôi hãy đáp lại tình yêu ấy.
Mục vụ của tình thương cũng tóm tắt là: Kêu mời mọi người hãy đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Người thương chúng ta. Người cứu chúng
ta. Chúng ta hãy ra khỏi chính mình, và nhìn Chúa trong những người khác, và cố
gắng tìm lợi ích chung cho mọi người.
5. Tất
cả mọi nhân đức đều phục vụ cho việc trả lời cho tình yêu Chúa. Tất cả phải sáng tỏ và cụ thể. Nếu không thế, thì điều mà chúng ta gọi
là Tin Mừng sẽ trở thành một thứ lâu đài bằng giấy.
6. Mục
vụ như thế của tôi là gặp gỡ Chúa Giêsu. Người hiện diện trong mọi người và
trong mọi lịch sử.
Tôi tin chính Người sẽ làm cho Lời Chúa được
nhập thế trong những lịch sử cụ thể, và cho sinh hoa trái, cho dù mọi con người
đều bất toàn.
7. Mục
vụ như thế của tôi là rất đòi hỏi. Đòi hỏi quan trọng nhất là chính tôi luôn phải trở về với Chúa, và với Tin Mừng.
8. Mục
vụ như thế của tôi đòi hỏi tôi phải có một cái nhìn khiêm tốn về Hội Thánh của
Đức Kitô. Một Hội Thánh gồm những người tội lỗi cần được cứu do lòng thương xót
Chúa. Một Hội Thánh không ngại gần gũi với những người tội lỗi. Một Hội Thánh
không dám và không thích đứng trên lầu cao nhìn xuống, để vô cảm và để phán
xét.
9. Xơ
cứng trong lý thuyết trên giấy, cũng như thương xót chỉ ở vỏ bề ngoài, mà không
biết phân định, đều là những cơn cám dỗ tôi phải coi chừng.
10. Đặc
biệt là xót thương mà không vác thập giá, cũng là một sai lầm tai hại. Tai hại lớn
hiện nay là nói thì rất hay, nhưng thực tế thì trống rỗng. Do đó mà nhiều người
đang bị cám dỗ không còn muốn tin vào các đấng bậc của Hội Thánh nữa.
11.
Xót thương như vậy đòi phải có chân lý.
Chân lý là tôi phải biết mình tội lỗi, bé mọn,
yếu đuối, cần được Chúa cứu. Chân lý là biết đón nhận, biết thinh lặng, biết lắng
nghe lời Chúa, vâng phục đấng có quyền quyết định trong Hội Thánh là Đức Giáo
Hoàng.
12.
Như vậy, mục vụ của tình thương là một hành trình cần có sự sáng suốt của lý
trí, của kinh nghiệm, chứ không chỉ gồm những tư tưởng trừu tượng. Đặc biệt
hành trình đó chính là sự gặp gỡ với Chúa. Chính Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta có được
những ủi an, những đỡ nâng trong lúc khó khăn, căng thẳng và bị cám dỗ.
13. Mục vụ của tình thương như vừa tả luôn là
ơn gọi của người môn đệ Chúa. Dù về hưu, dù nằm bệnh, dù đi thăm, dù viết lách, dù tiếp xúc, dù
thinh lặng, đâu cũng là sống mục vụ của tình thương, với những hình thức khác
nhau.
14. Mục
vụ của tình thương, như vừa phác hoạ, rất cần được đào
tạo. Đào tạo
hằng ngày. Đào tạo suốt đời. Chính Chúa đào tạo chúng ta. Nhưng chúng ta phải cộng
tác với ơn Chúa một cách khiêm tốn. Nếu không, chúng ta sẽ phải gánh chịu những
hậu quả khôn lường.
Tôi nhớ lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh
Luca: “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà
nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.
Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy,
sẽ tới ngày quân thù đắp lũy chung quanh và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp
ngươi và con cái ngươi đang ở giữa ngươi. Và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá
nào. Vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm’”
(Lc 19,4-44).
Nếu đó là toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam,
hoặc chỉ là một giáo phận, thì đau đớn biết bao!
Thời giờ Chúa viếng thăm đã khá dài. Nhưng
chúng ta có biết đón nhận Chúa, có biết cộng tác với ơn Chúa mà hoán cải bản
thân không? Thời sự lúc này đang là một lời mời gọi về đào tạo theo hướng “Sống nghèo và xót thương lo cho người nghèo”, như Đức Phanxicô đã vạch ra.
Xin Chúa cứu chúng ta khỏi tính vô cảm xơ cứng
và chủ quan tự mãn, nhưng biết sửa mình theo thánh ý Chúa.
ĐGM.
GB Bùi Tuần