10 LÝ
DO NÊN ĐỌC
NIỀM VUI
TIN MỪNG
Marcel Lejeune nêu
lên mười lý do khiến bất cứ người Công Giáo nào cũng nên đọc Niềm Vui Tin Mừng
là tài liệu huấn quyền ông ưa thích hơn cả.
Thứ nhất, ngôn
ngữ của Đức Phanxicô rất đơn giản và dễ hiểu, khiến người Công Giáo trung bình nào cũng
đọc được và hiểu nó. Như câu này chẳng hạn đâu có chi là nặng nề? “Nếu ta đã tiếp nhận thứ tình yêu phục hồi
được ý nghĩa cho đời ta, làm sao ta lại không biết chia sẻ tình yêu ấy cho người
khác?”
Thứ hai, Đức Giáo Hoàng rất tếu! Thật thế, quý vị thử thì biết. “Họ (giáo dân) và các thừa tác viên thụ
phong của họ cùng khổ vì các bài giảng: giáo dân khổ vì phải lắng nghe chúng
còn giáo sĩ thì khổ vì phải giảng chúng!”
Thứ ba, ngài
luôn tràn trề hy vọng và thách thức Giáo Hội sống và hành động với
hy vọng: “Một trong các cám dỗ trầm trọng hơn cả vốn
làm tê liệt mọi mạnh dạn và hăng hái là chủ nghĩa đầu hàng; nó biến ta thành những
người yếm thế, ưa càu nhàu và vỡ mộng, mặt mày cau có khó thương (sourpusses).
Không một ai có thể lên đường ra trận trừ phi tin chắc ở chiến thắng trước mặt.
Khởi diễn mà thiếu niềm tin, ta đã thua nửa cuộc chiến rồi và do đó, chôn vùi mọi
tài năng của ta.”
Thứ bốn, Đức
Phanxicô không muốn ta dừng lại ở hiện trạng, ngài muốn điều Chúa
Giêsu muốn nơi ta: thánh
thiện và truyền giáo. “Ta phải nhìn nhận
rằng nếu một phần những người đã chịu phép rửa của ta thiếu cảm thức thuộc về
Giáo Hội, thì điều này cũng tại vì một số cơ cấu nào đó và bầu khí đôi lúc bất
thân thiện của một số giáo xứ và cộng đoàn, hay tại cung cách bàn giấy khi giải
quyết các vấn đề trong cuộc sống người ta, bất kể là đơn giản hay phức tạp. Tại
nhiều nơi, phương thức bàn giấy đang trổi vượt hơn phương thức mục vụ, cả sự tập
trung vào việc ban các bí tích nữa cũng đang tách biệt khỏi các hình thức phúc
âm hóa khác.”
Thứ năm, ngài
muốn hoạt náo mọi việc và không muốn ta làm một việc gì đó chỉ vì
trong quá khứ nó đã được làm như thế: “thừa
tác mục vụ trong bí quyết truyền giáo tìm cách từ bỏ thái độ tự mãn, là thái độ
nói rằng: ‘chúng tôi đã làm như thế rồi’. Tôi mời gọi mọi người hãy mạnh dạn và
có óc sáng tạo trong trách vụ suy nghĩ lại các mục tiêu, các cơ cấu, cung cách
và phương pháp phúc âm hóa trong các cộng đồng liên hệ của mình.”
Thứ sáu, Ngài
nhìn nhận rằng một số cơ cấu và thực hành trong sinh hoạt Giáo Hội không giúp
ích gì cho việc truyền bá Tin Mừng. Do đó, việc cải tổ nghiêm
chỉnh những điều này rất có thể gay cấn nhưng thật cần thiết: “Ta
phải nhìn nhận rằng nếu một phần những người đã chịu phép rửa của ta thiếu cảm
thức thuộc về Giáo Hội, thì điều này cũng tại vì một số cơ cấu nào đó và bầu
khí đôi lúc bất than thiện của một số giáo xứ và cộng đoàn, hay tại cung cách
bàn giấy khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống người ta, bất kể là đơn giản
hay phức tạp. Tại nhiều nơi, phương thức bàn giấy đang trổi vượt hơn phương thức
mục vụ, cả sự tập trung vào việc ban các bí tích nữa cũng đang tách biệt khỏi
các hình thức phúc âm hóa khác.”
Thứ bẩy, ngài biết cách làm cho bạn hăng hái với công việc trước mắt! “Các thách thức có đó để ta thắng vượt! Ta
hãy là những người thực tiễn, nhưng không được đánh mất niềm vui, sự mạnh dạn
và dấn thân đầy hy vọng của ta. Ta đừng để mình bị tước mất niềm hăng say truyền
giáo!”
Thứ tám, ngài
hiểu rằng sứ điệp cần bám vào những
điều căn bản. Tin Mừng được
Chúa Giêsu công bố không hề phức tạp và cả sứ điệp được Giáo Hội công bố cũng
thế không bao giờ nên quên các điều căn bản: “Trên môi miệng giáo lý viên, công bố đầu tiên phải là hô tới hô lui lời
này: ‘Chúa Giêsu Kitô yêu thương bạn; Người hiến mạng sống Người để cứu rỗi bạn;
và giờ đây, Người đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, củng cố và giải
thoát bạn’.”
Thứ chín, đọc
tông huấn này sẽ có ích cho bạn! Đây là một suy tư có tính
hết sức bản thân về những điều quan trọng nhất; Đức Phanxicô mời gọi bạn hồi tâm! “Chúa không làm thất vọng những ai tiếp nhận
sự rủi ro này; bất cứ lúc nào ta dám bước một bước về phía Chúa Giêsu, ta đều
khám phá ra: Người đã ở đó rồi, đang chờ đợi ta với đôi tay rộng mở. Nay là lúc
ta nói với Người: ‘Lạy Chúa, con đã để mình bị lừa dối; con đã chạy trốn tình
yêu của Chúa hàng trăm nghìn cách, ấy thế nhưng, này con đây, con có mặt lần nữa
để đổi mới giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Lạy Chúa, xin cứu vớt con một
lần nữa, hãy ôm con một lần nữa trong vòng tay cứu chuộc của Chúa’. Tốt lành xiết
bao được trở về với Người mỗi lần ta sa ngã!”
Thứ mười, ngài
rao bán niềm vui, ai mà không muốn! Tin Mừng giả thiết phải là điều biến đổi ta và đem lại niềm vui cho ta, ngay cả lúc mọi việc đều khó khan. Đây là
dấu chỉ dứt khoát một điều gì đó đã thay đổi đời ta! “Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận đề xuất cứu rỗi của Người đều được giải thoát khỏi tội
lỗi, buồn sầu, trống rỗng và cô đơn nội tâm. Với Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn
trổ sinh như mới.”
Vũ Văn An