Suy niệm hạnh thánh _ 08/11

Chân phước JOHN DUNS SCOTUS
 (1266-1308)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.
Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns
Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).
John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291.
Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).
Vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308. Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.
Suy niệm 1: Khiêm tốn
Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.
Lòng khiêm tốn có thể được coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật. Điều quan trọng của khiêm tốn là chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội. Khiêm tốn là biểu hiện của con người đứng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người khiêm tốn bao giờ cũng là người thường thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người. Vậy khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi. Hoài bão lớn nhất của con người là tiến mãi không ngừng, nhưng không nhằm mục đích tự khoe khoang, tự đề cao cá nhân mình trước người khác. Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều hơn nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.
Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi mãi. Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với con người. Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên con đường đời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sống và rèn luyện đức khiêm tốn.
Suy niệm 2: Tư tưởng
Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.
Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Điều đó được chứng tỏ khi Hoàng Đế Philip, trong một tranh chấp với Đức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Đại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.
Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tương hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân để biết dùng tư tương hay nhất của mình để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.
Suy niệm 3: Tự do
Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người.
Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism). Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!
Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Đặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thẩm định và sử dụng đúng ơn huệ tự do mà Chúa thương ban cho loài người.
Suy niệm 4: Chủ thuyết tất định
Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).
Trước Einstein, Pierre Simon de Laplace, một Nhà Khoa học quý tộc, đã đưa ra một học thuyết có tên là Chủ nghĩa Tất định. Nếu biết trước trật tự của Vũ trụ tại một thời điểm nhất định, khoa học có thể tiên đoán được một cách chính xác trật tự của Vũ Trụ tại bất kỳ một thời điểm xác định khác. Học thuyết này, đương nhiên dựa trên các định luật của Cơ học Newton; đồng thời dựa trên giả thiết cơ bản: Vũ trụ là bất biến, Vũ trụ bị ràng buộc bởi những định luật xác định. Chủ nghĩa Tất định Laplace là sự phát triển tư tưởng, xác định khoa học có thể vươn tới những đỉnh cao. Thuyết Tương đối của Einstein, vứt bỏ khái niệm tuyệt đối của Không Thời gian, một khái niệm Tĩnh. Ý nghĩa Tương đối của nó không nằm trong việc phủ định sự Tất định của Vũ trụ. Thuyết Tương đối của Einstein, là tuyệt đối thừa nhận sự Tất định của Tự nhiên; là một lý thuyết xác định cho phép tiên đoán một cách chính xác các hiện tượng thiên văn, vũ trụ. Trong thực tế, sự chính xác trong các tiên đoán đã đạt tới mức kinh ngạc. Điển hình là tiên đoán vị trí của các ngôi sao ở gần Mặt trời trên bản đồ thiên văn trong các kỳ nhật thực, để từ đó xác định được chính xác độ lệch của tia sáng khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời. Đương nhiên đó là Tất định. Einstein thừa nhận Laplace.
Nguyên lý Bất định, hay còn gọi là Ngẫu nhiên, được phát biểu sau thí nghiệm điển hình bắn các chùm hạt electron qua hai khe hở, để tìm thấy sự Giao thoa. Nguyên lý khẳng định không thể xác định cùng lúc chính xác cả vị trí và tốc độ của các hạt thí nghiệm. Vị trí và tốc độ là hai yếu tố cơ bản nhất. Chỉ cần xác định hai yếu tố này là biết được về hạt đó. Nếu biết được hai yếu tố này, tại một thời đỉểm bất kỳ, là có thể xác định được vị trí và vận tốc, cho bất kỳ một thời điểm nào khác. Nhưng không thể xác định được hai yếu tố này! Không xác định được, không phải vì những phương trình toán học quá phức tạp, chưa có lời giải. Không xác định được, vì không thể mô tả được trạng thái của chúng. Trong thực nghiêm không xác định được, không phải vì trình độ công nghệ. Để đưa một chút ánh sáng, để làm rõ hơn vị trí và tốc độ của hạt electron, thì chính các hạt photon lại tác động vào vị trí và vận tốc của hạt electron. Đó là nghịch lý. Hai yếu tố này là không thể xác định được! Hai yếu tố này là Bất định, không thể là Tất định. Ngẫu nhiên đã được đưa vào trong Cơ học Lượng tử!
Lâu đài Tất định xụp đổ. Laplace thoái vi. Những tiên đoán thiên tài của Einstein dù đã rất đúng, nhưng đã trở thành không phổ quát. Khoa học được xác định lại, có Tất định và có Bất định, có Tiền định và có Ngẫu nhiên (Minh Đạt).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà tư tưởng có thành tâm thiện chí đi tìm chân lý thì gặp được Chân Lý đích thực là chính Chúa.
Suy niệm 5: Vô Nhiễm Nguyên Tội
 Chân Phước John Duns Scotus đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Ngài tiếp tục dạy ở Paris và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 08-12-1854. Do quyền năng của Thiên Chúa, Đức Mẹ được ban một ân sủng đặc biệt: Vô Nhiễm Nguyên Tội để làm Mẹ Thiên Chúa, nghĩa là Mẹ được ơn Vô Nhiễm ngay từ giây phút Mẹ đậu thai trong cung lòng Mẹ mình là Thánh Anna. Mẹ được gìn giữ cách đặc biệt đến nỗi không bao giờ phạm một tội nào dù rầt nhỏ nhặt. Dục vọng của thân xác không quấy rầy được Mẹ. (Bởi vậy chúng ta không ngạc nhiên khi Mẹ được đồng trinh trọn đời và lên trời cả hồn lẫn xác.)
Đây là một đặc ân của Đức Mẹ đã gây tranh cãi lâu dài và sôi nổi nhất trong tất cả các đặc ân của Mẹ Maria. Theo các Thánh Giáo Phụ, Mẹ là người "Phụ nữ" sinh ra Đấng Cứu Thế trong sách Sáng Thế 3,15. Mẹ là Evà mới đem đến sự sống cho nhân loại, thay cho Evà cũ đã đem đến cái chết cho chính mình và cho nhân loại. Thiên Thần Garbriel chào Mẹ :"Đấng Đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc 1,28). Bà  Elizabet được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ..." (Lc 1,42).
* Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin giúp chúng con luôn giữ gìn tâm hồn được trong sạch.
Suy niệm 6: Tiến Sĩ
John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.
Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Sau một thời gian ở Oxford, bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây.
Ngài quả là một con người ham học hỏi. Dạy đã là một cách học, nhưng ngài không dừng lại đó mà còn sống tròn tư cách của một vị vừa làm thầy dạy vừa làm học sinh mãi đến khi hoàn tất luận án tiến sĩ, để rồi tiếp tục học bằng việc dạy học.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ham mê học hỏi với lòng khiêm tốn chân nhận rằng càng học càng thấy bể kiến thức thật mênh mông.