QUA THẬP GIÁ ĐẾN HẠNH PHÚC
Thánh Phanxicô xin
Chúa cho ngài biết “tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người
hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”
Bài Tin Mừng ta
vừa nghe thánh Marcô tuần tự thuật lại:
* Chúa
hỏi các môn đệ: “Người ta bảo thầy là
ai?” Các ông trả lời: “Là một vị tiên
tri.”
* Chúa
lại hỏi môn đệ: “Còn các con, các con bảo
thầy là ai?” Thánh Phêrô đáp: “Thầy
là Đấng Kitô.”
* Nhưng
để môn đệ khỏi lầm tưởng, Ngài đã nói ngay, đến cuộc tử nạn Ngài sẽ phải chịu để
cứu chuộc chúng ta.
* Quả
thực thánh Phêrô, đã nghĩ tới một vị Kitô, theo quan niệm phàm trần, đầy uy quyền
thế tục, không thể nào lại bị tử nạn, nên đã bị Chúa quở trách nặng lời.
* Nhân
cơ hội này, Chúa nói rõ, ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng
ngày, biết hy sinh chịu đựng, mới theo Chúa được.
Việc biết từ bỏ mình là quan trọng cho mỗi người. Có biết nhẫn nhục chịu đựng, có biết quên
mình, thì cuộc sống gia đình, làng xóm, xã hội, mới đưa lại hạnh phúc thực sự.
Đời nhà Đường,
gia đình Trương Công Nghệ, được tiếng trong cả nước là gia đình sống chung thuận
hòa, chín đời con cháu vẫn chung sống với nhau. Vua Cao Tông, nghe đồn cho là
truyện lạ, đến tận gia đình Trương Công Nghệ, để xem sự việc có đúng không. Và
rồi, vua thấy một gia đình rất đông đảo, mà sống hòa thuận với nhau, vua liền hỏi
Trương Công Nghệ có bí quyết gì, mà giữ được bầu không khí thuận hòa như vậy?
Trương Công Nghệ xin bút giấy để viết, dâng vua bí quyết sống chung thuận hòa
đó. Viết xong Trương Công Nghệ gấp mảnh giấy lại và đưa dâng vua. Vua mở ra
coi, thì đầu tới cuối trang Trương Công Nghệ viết tất cả một trăm chữ “nhẫn”,
(và cũng chỉ viết có chữ “nhẫn”)
Trong một gia
đình, vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em muốn sống thuận hòa, phải biết, nhẫn
nhục, chịu đựng nhau.
Muốn theo Chúa,
muốn làm môn đệ Chúa, ngoài việc biết sống kiên nhẫn, từ bỏ chính mình, chúng
ta còn phải vác thánh giá hằng ngày. Thánh giá hằng ngày đây, chính là những
đau khổ con người phải gánh chịu.
Đau khổ là vấn
đề được con người nhắc tới ở mọi nơi và trong mọi thời đại. Điều này dễ hiểu là
vì từ lúc nhỏ cho tới tuổi già, ai cũng gặp đau khổ.
Nếu ta có dịp
xem bộ phim dài rất hấp dẫn, “Tây Du Ký”, ta thấy tập sau cùng của bộ phim tả
việc thầy trò Đường Tăng khi đã đạt tới mục đích: gặp Phật, xin được đầy đủ bộ
kinh của phái Đại Thừa,… và cả bốn thầy trò (Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chư Bát
Giới, Sa Tăng) đã được thụ phong thành Phật. Thế mà Đức Phật còn hỏi Quan Âm Bồ
Tát: trên đường thỉnh kinh họ đã gặp bao nhiêu tai nạn. Quan Âm nhẩm tính: và
trả lời là qua 80 tai nạn, thì Đức Phật còn bắt họ phải chịu thêm một tai nạn nữa,
cho đủ 9 lần 9 là 81. Mục đích sự kiện này nhằm bảo chúng ta: Đau khổ coi như
là “nghĩa vụ” con người phải chu toàn trong kiếp sống.
Đau khổ có thể
chia thành hai loại: Đau khổ thân xác và đau khổ tâm hồn. Đau khổ thân xác như
bị bệnh tật, giam cầm, tra tấn, đói, khát, rét v.v. Đau khổ tâm hồn như bị thất
bại, vu oan, trì trích, bị những điều xẩy đến trái lòng mong muốn v.v.
Trong nhà giam,
thánh Lê Bảo Tịnh viết thư cho chủng sinh Kẻ Vĩnh năm 1843: “Nhà tù này quả thực là hình ảnh hỏa ngục đời
đời: cùng với mọi thứ hình khổ như gông cùm, xiềng xích, lại còn thêm vào đó những
vụ ghen ghét, thù hằn, nói hành, văng tục, cãi cọ, làm bậy, thề gian, lăng mạ
và sau hết là sự chật chội và buồn chán. Nhưng Thiên Chúa là Đấng ngày xưa đã cứu
ba thanh niên khỏi lò lửa, hằng ở với tôi và đã cứu tôi khỏi các khổ cực này và
đã làm cho chúng trở nên êm dịu đối với tôi.”
Chúng ta coi là
đau khổ, khi không được an ủi, khi bị hiểu lầm, khi bị người bỏ rơi… nhưng
chính thánh Phanxicô Assisiô thì lại cầu xin Chúa cho mình biết: “tìm an ủi người, hơn được người ủi an; tìm
hiểu biết người, hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người, hơn được người mến
yêu.”
Eve Lavallière,
một nữ diễn viên duyên dáng, tài năng, thành công, giầu có, đã nổi danh một thời,
khắp thế giới. Tuy nhiên đang lúc sang trọng giầu có vào bậc nhất, thì bà lại cảm
thấy không có hạnh phúc. Sau này bà đã thú nhận: “Đang lúc tôi thành công nhất, thì mỗi lần diễn xuất xong, tôi lại cảm
thấy nỗi buồn man mác; đôi khi tôi còn khóc nức nở… Luôn luôn có một tiếng thì
thầm đeo đuổi tôi: “Eve, mục đích của đời mày không phải thế!” Bà cũng đã thú
nhận với một nữ tu, bạn thân của bà: “Luôn luôn tôi bị dằn vặt đau khổ. Một đêm
nọ, tôi trình diễn ở Luân Đôn, và có lẽ buổi trình diễn đó, tôi được hoan
nghênh hơn bao giờ hết. Sau buổi trình diễn, tôi thả bộ trong công viên nhà
hát, công viên kề liên với sông Thamise, tôi cảm thấy chán đời tới nỗi tôi ra
bờ sông, nghiêng mình trên dòng nước, tự hỏi: có nên kết thúc cuộc đời trên
dòng nước này không?”
Rồi được Chúa
soi sáng, bà đã tới sống ẩn dật tại một ngôi làng nhỏ miền Vosges. Bà sống cuộc
đời cầu nguyện, thống hối, hãm mình để sửa đổi cuộc đời không mấy tốt đẹp trước.
Bà đã qua đời tại Vosges ngày 10 tháng 7 năm 1929.
Hai năm trước
khi chết, bà phải đau đớn nhiều! Một trong những người bạn của bà là văn sĩ
Robert de Flers, từ Balê tới thăm bà đang sống ở chốn hẻo lánh. Bỡ ngỡ vì cuộc
sống đau khổ và thiếu thốn của bà lúc đó, văn sĩ Robert hỏi bà:
-
Chị có cảm thấy
hạnh phúc không?
Bà đáp:
-
Có.
-
Chị đau khổ vậy
mà lại cảm thấy hạnh phúc ư?
-
Vì chính những đau khổ đó, mà tôi cảm thấy hạnh
phúc.
Rồi Eve Lavallière tiếp:
-
Khi anh trở về
Balê, xin anh nói với các bạn hữu là anh vừa đi thăm một người hạnh phúc nhất đời.
Quả thực, đã có
những người khi còn duyên dáng, giầu sang, đầy tài năng, đang thành công, thì lại
không thấy hạnh phúc, như Eve Lavallière; tới lúc bệnh tật, đau khổ, thiếu thốn,
bị bỏ rơi, thì lại cảm thấy hạnh phúc.
Chúng ta đã thấy
biết bao người đã biết biến đau khổ thành
hạnh phúc, chẳng những
không xa tránh mà còn ước ao chịu những đau khổ đó, và như thế, cái mà ta gọi
là đau khổ, lại chính là hạnh phúc của họ.
Như vậy chúng
ta cần học hỏi, noi gương sáng của những người đã qua đau khổ, hiểu rõ cách xử
sự, ước nguyện của họ, và cố tập luyện, một phần nào, để khi gặp đau khổ (mà
thường ngày nào ta cũng gặp), ta biết áp dụng thái độ và tâm tình những con người
đó.