CHA SỞ HỌ ARS
THÁNH GIOAN MARIA VIANNÊ
“Hạnh
phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì giúp việc Chúa và các linh hồn.”
(Thánh Gioan Maria Viannê)
Hôm ấy mồng 9 tháng 2 năm 1818, trời tờ mờ sáng, một bóng
người tiến lên, với vẻ ngập ngừng bỡ ngỡ của một kẻ mới đặt chân lên xứ này lần
đầu tiên. Một chiếc xe “ba gác” rít lên từng tiếng kẽo kẹt nặng nề chuyển bánh
trên con đường làng gồ ghề và khúc khuỷu. Trên xe chất đầy đồ đạc nghèo nàn của
người lạ ấy: một chiếc giường cũ kỹ, một rương đầy sách và vài thứ vặt vãnh
khác.
Người khách lạ vóc người nhỏ bé, nhưng trên khuôn mặt
xương xương kia nổi bật lên đôi mắt xanh và sáng lạ thường.
Người khách gợi chuyện hỏi các em bé mục đồng đang lùa bầy
chiên ra đồng. Các em nhìn nhau ý chừng không hiểu, vì tiếng khác lạ kia không
phải thứ tiếng địa phương các em thường nói. Nhưng rồi một em đoán ra được câu
hỏi của ông khách, đưa tay chỉ về phía những túp nhà chìm trong sương mờ và
nói: “Ông đi về phía này, làng nằm kia,
ngay sau quả đồi.”
Người khách lạ hỏi đường đó chính là cha Gioan Maria
Viannê. Người được lệnh Đức Giám mục về quản nhiệm giáo xứ Ars.
Gioan Maria sinh ngày mồng 08 tháng 5 năm 1786. Cha mẹ
ngài là ông Mathêu và bà Maria Viannê, là những người dân quê chất phác ở
Đardili, gần thành phố Lyon. Hai ông bà được sáu người con, mà Gioan Maria là
con thứ tư.
Gioan được chịu phép rửa tội chính ngày vừa chào đời. Từ
ngày còn bé, sống giữa cảnh loạn ly thời cách mạng, Gioan Maria đã được chứng
kiến biết bao gương tích anh hùng vì đức tin.
Trên lãnh thổ Pháp, tiếng chuông nhà thờ im bặt, không
còn giờ xem lễ, cầu kinh. Ngày Chúa nhật được đổi sang tên khác, các linh mục bị
lùng bắt. Tuy nhiên, bất chấp mọi nguy hiểm cho tính mạng, một số linh mục cải
trang làm thường dân, lén lút đi về các miền quê để cho xưng tội, rước lễ và
ban các phép bí tích.
Giữa bóng đêm dày đặc, cùng với bao nhiêu người khác. Gia
đình Viannê thường đến dự lễ trong một lẫm lúa, vì hoàn cảnh đã biến thành ngôi
nhà thờ.
Thời gian thấm thoát qua, Gioan Maria lên 11 tuổi. Bỗng một
hôm có một vị linh mục, cha Grôboz, lén lút tạt vào nhà ông Viannê. Nhìn thấy cậu
bé có lòng đạo, cha đã cho cậu xưng tội lần đầu, và tháng 5 năm 1798 bà mẹ
Gioan dẫn cậu sang nhà bà dì ở làng Ecully bên cạnh. Ở đây Gioan được hai bà
phước đang ẩn trốn trong làng dạy sách phần để dọn mình rước lễ lần đầu.
Mùa xuân năm 1799, Gioan được chịu lễ lần đầu. Hôm ấy, 16
em tề tựu trong một căn phòng cửa đóng kín như bưng. Bên ngoài người ta còn cẩn
thận đặt những cỗ xe chất đầy rơm. Trong lúc vị linh mục cử hành thánh lễ, một
số người làm ra vẻ bận rộn với công việc hạ những bó rơm xuống. Gioan Maria rước
lễ một cách rất sốt sắng. Về sau, hồi tưởng lại giây phút gặp gỡ lần đầu tiên với
Chúa Giêsu, ngài đã phải kêu lên trong một bài giảng: “Khi người ta rước lễ, người ta cảm thấy một cái gì lạ thường… một vui
sướng… một mùi hương… một sinh lực chuyển vận trong cả con người…” Và thánh
nhân đã giữ cho đến chết tràng chuỗi kỷ niệm ngày chịu lễ lần đầu.
Năm 1800, thanh bình trở lại trên đất Pháp. Napôlêon nhận
thấy: không có tôn giáo, không một tổ chức nào có thể đứng vững và trường tồn
được. Ông ký một hiệp ước với Toà Thánh Rôma, và ngày 18-4-1802, chuông nhà thờ
Đức Bà, sau 10 năm im lặng đã reo vang để báo tin ngày thanh bình trở lại.
Từ ngày còn thơ bé, Gioan Maria nghe trong thâm tâm vang
lên lời hằng sống của Thiên Chúa: “Hãy
theo Ta.” Lời ấy năm xưa trên biển hồ Tibêria đã làm cho Phêrô, Anrê,
Giacôbê và Gioan bỏ mọi sự để theo Thầy.
Gioan Maria muốn
làm linh mục, muốn bỏ mọi sự để theo Thầy Chí Thánh. Thiện chí đối với
cậu không thiếu, nhưng cậu thiếu hết mọi hoàn cảnh thuận tiện để đạt đến mục
đích ấy.
Cậu đã lên 17 tuổi. Vào cái tuổi đáng lý ra phải học hết
ban trung học, thì cậu mới học sơ qua ban tiểu học và mới bắt đầu học La ngữ.
Thân mẫu cậu rất tán thành chí nguyện của con, nhất là từ
khi nghe con đưa ra lý do thúc đẩy mình đeo đuổi ơn kêu gọi: Thưa mẹ, nếu con
được làm linh mục, con sẽ cứu rất nhiều linh hồn. Nhưng còn người cha? Ông
Matthêu là một người nông dân rất có óc thực tế. Lòng đạo đức không dẹp tan được
những băn khoăn ông cảm thấy trước: Làm linh mục nghĩa là gì? Những khoản chi
phí lớn lao của những năm học tập, nghĩa là gia đình mất một bàn tay cứng rắn
có thể thay thế ông trong lúc tuổi già sức yếu, là cái ảo mộng không thành người,
dở dang nếu ngày kia lâm vào cảnh nửa đường đứt gánh… Ông nhất quyết không chịu.
Trong hai năm ông vẫn giữ vững lập trường, cũng như Gioan vẫn bền lòng ôm ấp
chí nguyện.
Chúa quan phòng
không bỏ người trông cậy.
Năm 1805, Gioan Maria xin được phép cha mẹ sang ở với cha
xứ Ecully, một người quen của gia đình. Cha Balley là một linh mục rất sốt sắng.
Việc đầu tiên của ngài khi đến nhậm xứ Ecully là lập nên một trường nhà xứ để dọn
một số con em dọn mình vào chủng viện. Gioan Maria hăng hái bước chân vào lớp học.
Nhưng cậu không khỏi tự thẹn khi nhìn thấy bao con mắt tinh nghịch nhìn vào.
Trong lớp học, cậu là người lớn hơn cả. Các bạn chỉ là những thằng bé 13 tuổi
mà cậu đã là một thanh niên hai mươi tuổi. Các bạn tí hon ấy không thể nhịn cười
khi thấy ông bạn cao ngất nghểu kia cứ lạc lõng trong những cách chia, xướng động
từ La ngữ. Ròng rã mấy tháng học La ngữ, Gioan Maria vẫn không thấy tấn tới, mặc
dầu cậu hết sức học tập và hãm mình cầu nguyện. Năm 1806, Gioan xin phép cha sở
đi kính viếng mồ thánh Phanxicô Rêgis ở La Louvesc. Tay chống gậy, tay cầm
tràng chuỗi, cậu vượt khoảng đường dài một trăm cây số, vừa đi vừa xin ăn. Quỳ
trước mồ thánh, cậu chỉ xin một ơn “ơn học được Latinh
vừa đủ để có thể học
thần học.”
Sau cuộc kính viếng mồ thánh, cậu cảm thấy can đảm để tiếp
tục học cho bằng được những căn bản của La ngữ. Năm 1809, Napôlêon hạ lệnh tổng
động viên để chinh phục Âu châu. Gioan Maria bị gọi nhập ngũ. Nhưng sau một
thời gian, nhờ thời cuộc đổi thay, Gioan lại được may mắn trở về nhà.
Về đến làng cũ, Gioan Maria đau đớn vì mẹ đã qua đời. Thầy
xin được phép ông thân sinh cho tiếp tục học hành. Cha Balley sung sướng tiếp
nhận lại người học trò cũ nay đã ngoài 26 tuổi.
Năm 1818, Gioan được vào tiểu chủng viện Verrières, và
sau hai năm vất vả cố gắng, thầy cũng chỉ là một chủng sinh học hành rất kém. Dầu vậy, hai
năm sau Gioan cũng được gọi vào đại chủng viện. Ở đây chuyển ngữ lại là tiếng
Latinh, mà về môn này thầy lại rất kém. Sau sáu tháng ở đại chủng viện, ban
giám đốc nhận thấy không hy vọng nên đã bảo thầy rút lui.
Nhưng cha Balley, người đỡ đầu cho Gioan không thất vọng.
Cha nhất quyết là Chúa gọi thầy làm linh mục. Hai thầy trò lại chăm chú vào
sách vở. Đến mùa thi, cha lên toà Giám mục xin cho thầy được thi riêng ở ngay
nhà xứ Ecully. Trong khung cảnh quen thuộc ấy, thầy Gioan đã trả lời đúng các
câu hỏi và ban giám khảo cũng được hài lòng.
Ngày 13-8-1815, trong nhà thờ Đại chủng viện Grenoble, thầy
Gioan Maria Viannê được thụ phong linh mục. Ít ngày sau, cha được bổ nhiệm làm
phó tại Ecully giúp cha Balley. Cha sung sướng gặp lại vị ân nhân đã đưa mình đến
bàn thờ Chúa.
Ngày đêm cha hăng hái lao mình vào công việc cứu các linh hồn, vì đó chính là
động lực thúc đẩy cha đến chức linh mục.
Tháng 12 năm 1817, cha Balley qua đời. Trái với sự mong ước
của giáo hữu Ecully, Cha Gioan không được bổ nhiệm chính xứ Ecully, nhưng lại đổi
về làm chính xứ giáo xứ Ars, một xứ nhỏ ở Dombes. Ngày 9 tháng 02 năm 1818, cha
lên đường đi nhận họ mới. Trên chiếc xe nặng nề chuyển bánh đi trước, cha chất
đầy đồ đạc nghèo nàn của cha: chiếc giường cha Balley để lại, một rương sách,
và vài đồ vặt vãnh.
Khi cha Gioan đến nhậm chức, Ars là một giáo xứ không tiếng
tăm và nhỏ bé vào bậc nhất trong địa phận. Người du khách không bao giờ có can
đảm đặt chân đến nơi xa lạ ấy. Nhưng Thiên Chúa đã muốn dùng một linh mục rốt
hèn, và cái làng nhỏ bé tối tăm kia để làm những công việc cho cả thế giới phải
kinh ngạc.
Về xứ không bao lâu, Cha Gioan khám phá được ba cái tệ
đoan trong họ Ars, cần phải bài trừ cho bằng được: đó là sự thờ ơ việc đạo;
thói quen làm việc ngày Chúa nhật; và nạn khiêu vũ.
Sau khi đã nhận định tình trạng con chiên, cha Gioan bắt
đầu một cuộc phục hưng toàn diện. Cuộc phục hưng ngài phải trả giá bằng mồ hôi,
nước mắt và máu.
Trong khi cả họ Ars còn đang triền miên trong giấc ngủ,
thì xuyên qua nghĩa địa giáo xứ nằm sát nách nhà thờ, một ánh đèn lập loè tiến
lên. Cha Gioan xách đèn từ nhà xứ ra nhà thờ. Mỗi đêm ngài chỉ dành cho thể xác
mà ngài gọi là cái thây ma của ngài một giờ ngủ, nằm dài trên sàn ván. Đến trước
cung thánh, ngài sấp mình xuống nền gạch và than thở lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin ban cho xứ con ơn trở lại,
con tình nguyện chịu tất cả những gì Chúa muốn trong cả đời con!… chịu đau đớn
trong một trăm năm nữa, miễn là đoàn chiên con ăn năn trở lại.”
Nước măt thấm dần nền gạch, cha sở nằm phục như vậy cho đến
sáng.
Trong ngày, ngoài những lúc đi kẻ liệt hoặc thăm viếng
giáo hữu, cha Gioan ở lại trong nhà thờ. Có những ngày
ngài chỉ bước chân ra khỏi sau giờ kinh nguyện truyền tin buổi tối.
Để lời cầu xin thêm hiệu lực, cha còn hãm mình rất nghiêm nhặt.
Ngài trả lại cho bá tước Ars những bàn ghế ông dâng cúng,
bố thí cho kẻ nghèo tấm nệm giường. Cả chiếc giường nhiều khi ngài cũng không
dùng tới. Ngài bày ra nhiều dụng cụ để hãm mình phạt xác. Đêm nào ngài cũng
đánh tội lâu giờ, trên tường còn loang lổ những vết máu. Cha có một bà già giúp
việc bếp núc, nhưng rồi cha cảm thấy không cần đến sự giúp đỡ của bà, ngài cho
bà nghỉ dài hạn. Chính cha tự nấu lấy một nồi khoai rồi treo lên tường, lúc nào
đói quá ngài lấy ra ăn một củ. Củ thứ ba, theo ngài “chỉ để vui miệng.” Có khi ngài nhịn ăn hai ba ngày. Ngài để khoai
lâu đến nỗi những củ cuối cùng đều mốc meo. Ngài hãm mình như vậy cho đến năm
1827, khi mà các chị ở Nhà Chúa Quan Phòng bắt đầu dọn bữa cho cha.
Cha hãm mình cầu nguyện xin cho đoàn chiên ăn năn trở lại,
vì cha cho rằng: nếu trong họ thiếu tình yêu Chúa Giêsu, trách nhiệm đổ cả về mình.
Cha cũng nhận định rằng: cầu nguyện, hãm mình phải đi trước,
những lời nói và việc làm phải theo sau.
Để chống lại nạn thiếu học hỏi về đạo, cha tổ chức dạy giáo lý cho trẻ em. Trong 27 năm, ngày nào cha
cũng dạy giáo lý, khiến cho các trẻ em được Đức cha địa phận ban khen là thông
thạo giáo lý nhất trong vùng.
Đối với người lớn, cha dùng bài giảng ngày chúa
nhật để dạy dỗ. Cha dọn bài giảng rất kỹ lưỡng. Ngồi trong
phòng áo bên cạnh Mình Thánh, cha viết bài giảng. Và trong đêm thứ bảy, rạng
sáng Chúa nhật cha thức để học và đọc to cả bài giảng hôm sau. Lên toà giảng, với
một giọng cao và mạnh, cha giảng dài đến ngót một giờ. Có người hỏi sao khi cầu
nguyện cha nói nhỏ mà lên toà giảng cha nói to thế! Thánh nhân trả lời hóm hỉnh:
“Vì khi tôi giảng, tôi phải nói cho những
người điếc, người hay ngủ gật, nhưng khi cầu nguyện, tôi nói với Chúa, Chúa
không điếc.”
Để chống lại nạn làm việc xác ngày Chúa nhật, cha Gioan
nói trên toà giảng: “Ngày Chúa nhật là
ngày của Chúa. Chúa dựng nên các ngày trong tuần, Người có quyền giữ tất cả,
Người ban cho anh em sáu ngày, Người giữ lại ngày thứ bảy. Anh em có quyền nào
để dùng đến ngày không thuộc của anh em. Anh em biết của ăn trộm không bao giờ
sinh lợi. Ngày mà anh em ăn trộm của Chúa cũng không sinh lợi cho anh em. Tôi
biết có hai phương thế chắc chắn để trở nên nghèo khó: là làm việc xác ngày
Chúa nhật và lấy của kẻ khác.”
Nhất là thánh nhân thẳng tay, đả phá tệ đoan khiêu vũ.
Một hôm cuộc khiêu vũ sắp bắt đầu… Cha Gioan nghiêm nghị
bước ra… tất cả ùa chạy như một đàn chim câu tán loạn. Lần khác cha mua chuộc
anh chàng đánh đàn bằng năm đồng bạc để anh rút lui. Ngài còn lập nên hội Môi Khôi, tập họp các
thiếu nữ đạo đức với mục đích chống lại các cuộc khiêu vũ.
Cha cũng chúc dữ cho các quán rượu: ai mở quán trong giáo
xứ này sẽ sạt nghiệp. Đúng như lời tiên tri, bảy quán rượu đều lần lượt phải
đóng cửa giải nghệ.
Cha phải chiến đấu trong 10 năm mới triệt hẳn nạn khiêu
vũ.
Cha tu bổ lại ngôi nhà thờ xứ, mua sắm những lễ phục tốt đẹp để làm tăng vẻ
long trọng của nghi lễ. Cha lập nhiều hội đoàn như hội Thánh
Thể để nuôi lòng sốt sắng củ giáo hữu. Cha còn lập ra hai nhà dục anh, dành cho
các trẻ mồ côi nam nữ. Không bao lâu cha chiếm được lòng của toàn thể con
chiên. Cả họ sung sướng và hân hạnh vì được một cha sở thánh.
Cha Gioan đã hoán cải họ Ars trở nên một họ đạo sốt sắng.
Ảnh hưởng của thánh nhân vượt ra khỏi ngôi làng bé nhỏ ấy và lan tràn khắp nơi.
Không bao lâu, từng đoàn người kéo đến họ Ars, và ai ai cũng muốn được quỳ dưới
chân thánh nhân để lãnh ơn giải tội. Tuy nhiên, cha không bao giờ phàn nàn. Để
làm vui lòng mọi người, cha phải ngồi toà 11-12 tiếng mỗi ngày trong mùa đông,
và 16-18 giờ trong mùa hè, giữa tiết đông lạnh lẽo cũng như trong ngày oi bức…
Giáo dân chờ chực trước toà nhiều lần phải ra ngoài để đổi
khí, duy chỉ có thánh nhân là đành giam mình trong toà giải tội liên tiếp đến
11 giờ trưa, và buổi chiều từ 01 giờ đến 8 giờ tối, và như vậy trong vòng 20
năm ròng rã. Với hết mọi người, cha tỏ ra rất nhã nhặn, chỉ nói những gì cần phải
nói và ban phép giải tội. Ai cũng cảm động khi nghe ngài nói: “Hỡi con, hãy yêu mến, hãy yêu mến Chúa cho
nhiều.” Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh nhân nhận ra giữa đám đông ai
là người cần phải vào toà cáo giải hơn cả.
Một hôm, cha gặp một du khách đến Ars để bắn chim hơn là
để xưng tội. Ông đem theo một con chó săn rất đẹp. Thánh nhân nhìn ông và nói: “Ông có một con chó đẹp thật, nhưng linh hồn
thì không đẹp chút nào.” Người du khách cúi mặt xuống, vào nhà thờ và xưng
tội.
Với thời gian, ngài cảm thấy đứng đầu một giáo xứ là một
trách nhiệm nặng nề trước mặt Chúa, nên đã hai lần ngài nhất quyết bỏ họ trốn đi. Lần kia, trong
lúc cả xứ đang đắm chìm trong giấc ngủ, thánh nhân tay cầm sách nguyện, tay
xách một gói đồ, dấn mình vào trong đêm tối với ý định vào ẩn thân trong một khổ
tu viện. Nhưng chẳng may có người biết được. Chuông nhà thờ đổ hồi như có đám
cháy… cả xứ ra chặn đường. Bắt cha sở phải trở về với đoàn chiên.
Đối với thánh nhân, chỉ có các linh hồn là đáng kể: mọi
danh vọng bên ngoài, ngài không bao giờ chú ý đến. Trái lại, suốt đời thánh
nhân, chỉ một niềm yêu mến đức khó
nghèo và quý chuộng những người nghèo khó. Đồ dùng của ngài rất
đơn sơ. Để dùng bữa, ngài chỉ cần một cái đĩa và một cái muỗm. Người ta biếu
thánh nhân một bộ tách khá đẹp. Người giúp việc rất lấy làm ngạc nhiên, khi thấy
những mảnh sành nằm la liệt dưới đất. Thánh nhân chỉ mỉm cười và nói: “Trong nhà tôi, tôi có quyền ăn ở nghèo
khó.”
Lúc còn làm phó ở Ecully, một hôm cha Balley nhờ cha
Gioan đi thăm một vị ân nhân ở Lyon. Trước khi ra đi, cha xứ còn bảo cha Gioan
phải mặc cái quần mới người ta vừa biếu cho lịch sự. Đến chiều, cha Gioan trở về
mặc cái quần cũ rích. Cha sở hỏi chiếc quần mới đâu? Cha Gioan cho biết là qua
đường, cha gặp một người nghèo khó, cha thương hại và đã đổi cho y chiếc quần mới.
Thánh nhân cũng được ơn biết các việc ngoại
lai cũng như quá khứ. Một hôm, cha Guillaumet đi viếng xứ Ars.
Trong toa xe lửa, hành khách bàn tán về những việc lạ xảy ra ở làng bé nhỏ ấy.
Trước mắt cha có một bà ăn mặc màu đen đang ngồi chăm chú nghe. Đến ga Vifrance
cha Guillaumet sửa soạn bước xuống thì bà khách xin cha cho mình được theo cha
đến Ars. Bà nói: “Con đi giải trí.”
Cha Guillaumet đồng ý dẫn bà đến Ars. Lúc ấy là 11 giờ trưa, thánh nhân vừa dạy
giáo lý xong. Cùng với đoàn giáo lữ, cha và bà kia đứng chờ giữa đường vào nhà
xứ. Thánh nhân ở nhà thờ bước ra. Đoàn giáo lữ quỳ xuống, thánh nhân từ từ tiến
lên, đứng trước bà kia, cha cúi xuống nói vào tai bà: “Ông ấy được rỗi.” Bà kia tỏ vẻ ngạc nhiên không muốn tin. Thánh
nhân nhấn mạnh: “Tôi đã bảo bà là ông ấy
được rỗi. Ông hiện đang ở trong luyện ngục, phải cầu nguyện cho ông. Giữa thành
cầu và giòng nước, ông đã ăn năn tội kịp. Đức Mẹ đã ban ơn ấy cho ông. Bà không
nhớ bàn thờ tháng Đức Mẹ, bà dọn trong phòng bà sao? Một hai khi, chồng bà mặc
dầu không giữ đạo, cũng đã hiệp ý cầu nguyện với bà. Việc ấy đã đáng Đức Mẹ
thương ban cho ông ơn ăn năn trong giây phút cuối cùng.”
Cha Guillaumet nghe rõ, nhưng không hiểu chuyện gì. Sau
khi đã cầu nguyện lâu giờ trước bàn thờ Đức Mẹ, bà kia mới kể cho cha nghe câu
chuyện về cái chết của chồng bà.
Ngoài ra, thánh nhân cũng đã làm nhiều phép lạ, nhưng vì khiêm
tốn, ngài thường bảo là nhờ quyền phép thánh Philômêna. Trong nhà thờ Ars, có một
bàn thờ dâng kính thánh nữ, và theo lời cha xứ, nhiều bệnh nhân đến cầu nguyện
và được khỏi.
Đời sống cha Gioan Maria Viannê như thế quả là một tấm gương tận tụy vì Chúa và các
linh hồn, đúng như lời thánh nhân vẫn thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì giúp việc Chúa và
các linh hồn.”
Hạnh phúc ấy đã đến với thánh nhân tháng 8 năm 1859. Ngày
02 tháng 8 thánh nhân đã chịu các phép cuối cùng. Ngài than thở: “Thật Chúa tốt lành quá, khi tôi không đến với
Chúa được, thì Chúa đến với tôi.”
Sáu giờ sáng ngày 04 tháng 8 năm 1859, lúc vị linh mục đọc
kinh cầu cho kẻ hấp hối đến câu: “Xin các
thiên thần Chúa đến rước linh hồn vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân
trút linh hồn một cách rất êm ái. Thánh nhân hưởng thọ 73 tuổi, 02 tháng 27
ngày. Làm chính xứ giáo Ars được 41 năm, 5 tháng, và 23 ngày.
Tin thánh nhân qua đời do điện tín truyền đi đã lôi kéo cả
một biển người đổ xô về Ars. Đoàn giáo lữ đã diễn qua trước xác thánh trong 48
tiếng đồng hồ.
Chính Đức Giám mục địa phận đã đến dự lễ an táng và đọc
bài điếu văn, trong đó ngài nhấn mạnh rằng: hằng bao thế kỷ mới được thấy một
cuộc đời linh mục như vậy. Thánh nhân được chôn cất trong nhà nguyện thánh
Gioan Tiền hô, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “Phép lạ lớn nhất ở Ars.”
Từ ngày ấy, bao nhiêu linh mục, Giám mục, Hồng Y đã đến
quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mồ.
Ngày 31.5.1925, thánh nhân được phong hiển thánh, và năm
1929, thánh Gioan Viannê được đặt làm thánh bổn mạng của toàn thể các cha xứ
trên hoàn cầu.