Suy tư về giáo dục _ tại sao giới trẻ khó dạy?

TẠI SAO GIỚI TRẺ BỖNG DƯNG KHÓ DẠY?
Vì sao nạn bạo lực trong nhà trường – Nơi dạy chữ, dạy người vẫn ngang nhiên tồn tại mỗi ngày tính chất lại man rợ hơn?
Thời gian gần đây, dư luận đang dậy sóng vì nạn bạo lực học đường liên tục xảy ra trong các trường học khắp trong Nam ngoài Bắc. Hết cảnh học trò cấu xé, giật tóc, ném ghế, lên gối… đến những cái chết thương tâm của hai em học sinh ở Bình Thuận và Tiền Giang mà xuất phát từ những lý do “trời ơi đất hỡi.”
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao nạn bạo lực trong nhà trường – Nơi dạy chữ, dạy người vẫn ngang nhiên tồn tại mỗi ngày tính chất lại man rợ hơn? Nguyên nhân nào làm cho con người càng trở nên hung hãn?
Có một số ý kiến cho rằng, giáo dục đạo đức trong trường học đang xuống cấp và bất lực, nhiều người đổ trách nhiệm trực tiếp cho giáo viên vì công tác giáo dục học sinh ở nhà trường chưa đạt hiệu quả…
Nạn bạo lực học đường liên tục xảy ra trong các trường học khắp trong Nam ngoài Bắc. (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Vai trò của nhà trường
Không phủ nhận điều này, nhưng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, cho thầy cô giáo là không công bằng. Bất kì thầy cô nào lên lớp cũng dạy dỗ học sinh những điều tốt, dạy những chuẩn mực hành vi đạo đức mà học sinh cần đạt được. Nhưng công tâm nhìn lại, phải thừa nhận một điều học sinh ngày càng hư, khó dạy bảo và ít nghe lời.
Học sinh không còn kính trọng, nể thầy cô như những thế hệ trước, ngay cả thầy cô giáo đang trực tiếp dạy mình, các em cũng có thể chửi lại khi không vừa lòng điều gì đó, ngang nhiên thách thức khi bị thầy cô nhắc nhở nhiều, rủ nhau đánh hội đồng đến mức thầy cô phải nhập viện. Hung hãn hơn, có em còn hùng hổ xông thẳng lên bục giảng đấm đá lại thầy cô…
Đây chính là điều đáng buồn, đáng lo sợ và đáng báo động về việc xuống cấp trầm trọng của đạo đức và cả trong nhận thức của các em học sinh. Khách quan mà nói, một phần lỗi cũng do chúng ta luôn đề cao quá mức “quyền và bổn phận của trẻ em.”
Trước đây, học sinh luôn nghe lời thầy cô giáo, nếu bị vi phạm lỗi, thầy cô có quyền dùng bất kỳ hình phạt nào cũng không bị lên án. Còn nay thì sao? Vài roi vào mông, thậm chí là vài lời la mắng khi trẻ mắc lỗi cũng bị dư luận phản ứng rầm rầm, bị xem là “vi phạm đạo đức nghề nghiệp.”
Có nhiều thầy cô bị phụ huynh đánh dằn mặt trên lớp vì tội “dám đánh con ông hả”? Vì lẽ đó, nhiều thầy cô sống nép mình cho an toàn. Đến giờ lên lớp, hết giờ đi ra. Em nào học được thì học, chán học thì thôi, không la mắng, không đòn roi…
Ở trường học hiện nay những biện pháp dùng giáo dục học sinh chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Vì thế, các em cứ ngang nhiên vi phạm mà không sợ gì cả. Ngày nay, lại có chuyện ngược đời, thầy cô sợ học sinh chứ làm gì có điều ngược lại.
Trong tiết học, sợ học sinh quậy làm ảnh hưởng đến giờ học chung của cả lớp, sợ các em nghỉ học thầy cô bị hạ bậc thi đua, sợ học sinh lười học, vi phạm nội quy lớp chủ nhiệm bị tụt hạng nhưng điều mà phần lớn các thầy cô sợ nhất là các em vô lễ, lỡ không kìm nén được, cha mẹ chúng đến trường nhục mạ, kiện thưa thì mệt… Vì vô vàn điều sợ như thế nên cũng ít nhiều kìm hãm sự nhiệt tình hết lòng dạy dỗ của thầy cô với trò.
Những lời giảng, lời dạy của cô thầy cũng chỉ là lý thuyết nhưng sự hình thành và phát triển tính cách của các em phụ thuộc nhiều vào môi trường giáo dục gia đình là chính. Ở nơi đó có những tấm gương “sống” của ba mẹ, của người thân, của mọi người xung quanh đã tác động vào các em rất nhiều.
Vai trò gia đình thì sao?
Việc dạy dỗ của cha mẹ luôn là quan trọng nhất. Cứ nhìn vào đứa bé 3 tuổi ứng xử từ những hành vi nhỏ nhất như biết đưa hai tay nhận vật gì từ người lớn, biết nói lời cám ơn khi được ai đó cho cái gì, biết dạ thưa khi nói chuyện… ta cũng cảm nhận được ba mẹ chúng đã rất chu đáo trong việc dạy dỗ con cái như thế nào.
Ngược lại, có những đứa trẻ dù còn rất nhỏ nhưng đã biết văng tục sau mỗi câu trả lời, đòi gì được nấy, nếu không vừa lòng ai điều gì đó sẵn sàng nổi nóng la hét hay đập phá đồ…
Cách sống của ba mẹ, của mọi người xung quanh cũng ảnh hưởng đến nhân cách của các em rất nhiều. Sống trong gia đình ba mẹ suốt ngày mày tao chí tớ, nóng giận là cầm gậy gộc thậm chí dao rựa để đánh nhau… trẻ cũng dễ bắt chước tính hung hăng từ đó.
Chưa nói đến việc một số phụ huynh dạy dỗ con bằng cách tiêm nhiễm vào đầu chúng những thói hung hãn côn đồ ngay từ nhỏ: “Lần sau nó còn đánh em mày, mày cứ đánh chết nó cho tao, tội vạ đâu tao chịu...”
Sự hung hãn của lớp trẻ ngày nay trách nhiệm thuộc về ba môi trường giáo dục nhưng gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng nhất.
Để những đứa trẻ lớn lên thật sự là những người tốt, những con người lương thiện thì trước hết, mỗi người lớn cần phải làm gương, sống gương mẫu từ lời nói đến mọi hành vi.
PHAN TUYẾT
Thực tế trước mắt về tính hung hãn của học sinh Việt Nam được tác giả trình bày cũng là mối lo và quan tâm của các bậc phụ huynh. Nhưng điều đáng lo hơn cả là sự lảng tránh vấn đề, qui trách nhiệm cho người khác, không bắt đầu từ chính mình, và không đưa ra được một hướng đi khả thi và có sức thuyết phục.
Bắt mạch tâm lý sẽ thấy được tính hung hãn, côn đồ, cũng như mọi xung đột, thưa kiện... đều phát xuất từ nhu cầu tự vệ của người vị kỷ, sợ thua người khác...
Tình yêu vị tha là cốt lõi của mọi phép lịch sự, của hòa bình và phát triển con người toàn diện. Đó là phương thuốc có hiệu lực chữa trị cho thói sống hung hãn, côn đồ, nhưng lại chưa được coi trọng trong việc giáo dục... Thế nên đi vào ngõ cụt!
Cũng như hòa bình đích thực không nằm trong sự cân bằng lực lượng mà trong tình yêu tương thân tương trợ lẫn nhau, sự thành công của giáo dục không nằm trong các biện pháp giáo dục đủ mạnh và đủ sức răn đe mà trong một lý tưởng sống tốt đẹp, vị tha được gieo vào tâm hồn học sinh.
Cuốn ”Tâm hồn cao thượng” của Edmond de Amicis chỉ đơn giản kể lại những tấm gương vị tha, quên mình, thế nhưng lại được coi là một tác phẩm sáng giá trong các sách giáo dục. Bao nhiêu tâm hồn đã trở nên cao thượng nhờ cuốn sách đó. (bản dịch đầu tiên)
Cuốn sách đó khởi đi từ giáo lý của Chúa Kitô, giáo lý được tóm lược trong mấy chữ ”luật yêu thương”, yêu đến cùng: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Tôi hãy bắt đầu xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự, hòa bình và phát triển từ chính mình, từ gia đình mình, bằng cách sống cho đẹp giáo lý yêu thương.