PHÉP LẠ CỦA NIỀM TIN
Chỉ cần được đụng chạm tới Ngài, cuộc đời
ta sẽ hoàn toàn đổi mới.
Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Đức
Giáo Hoàng Sixto IV cho xây cất vào cuối thế kỷ 15. Không những đây là nơi các
vị hồng y tụ họp để bầu giáo hoàng, nơi tổ chức những buổi họp quan trọng, nguyện
đường Sixtina còn là một bảo tàng viện có những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất
là những bức bích họa của Michelangelo, nhà danh họa và điêu khắc lừng danh.
Một trong những bích họa nổi tiếng trên trần nguyện đường
Sixtina là bức “Thiên Chúa Tạo Dựng.” Bức họa vẽ tả Thiên Chúa như một ông cụ
già uy nghi đang giơ bàn tay hướng về Adam tượng trưng cho con người. Adam
trong hình ảnh người đàn ông trần trụi, cũng đang giơ bàn tay hướng về Thiên
Chúa.
Hình ảnh hai bàn tay, một của Thiên Chúa, một của con người
đang cố vươn tới nhau để chạm vào nhau là một hình ảnh thật đẹp đẽ và đầy ý
nghĩa. Đang lúc con người không thể vươn lên tới Thiên Chúa, thì Người đã cúi
xuống để chạm đến thân phận hư vô và thấp hèn của con người, để nâng con người
đứng dậy trong sự hiện hữu của mình.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, chúng ta
cũng bắt gặp những “cái chạm tay” đầy ý nghĩa giữa con người với Thiên Chúa và
giữa Thiên Chúa với con người. Những “cái chạm tay” ấy được mô tả qua hai phép
lạ Chúa Giêsu đã thực hiện để chữa lành người đàn bà bị bệnh loạn huyết và cứu
sống con gái ông trưởng hội đường tên Giairô.
Cái chạm tay của người đàn bà loạn huyết
Khi Chúa Giêsu đang trên đường đi đến nhà ông trưởng hội
đường để cứu chữa con gái ông ta, thì một người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đã 12
năm, trà trộn trong đám đông và chạm đến áo của Chúa vì bà tin rằng chỉ cần chạm
đến áo Ngài thôi cũng đủ để bà được khỏi bệnh. Quả thật, bà đã được chữa lành
và được Chúa khen ngợi: “Hỡi con, đức tin
con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh.”
Đối với người Do Thái, loạn huyết là một căn bệnh bị coi
là ô uế. Không những ô uế về phương diện thể xác, nhưng còn ô uế về phương diện
luân lý. Vì thế, người phụ nữ nào bị bệnh loạn huyết sẽ không được chạm đến người
khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền Thờ. Còn những người khác cũng không được
đụng chạm đến người bị bệnh. Nếu ai đụng chạm đến người bệnh, cũng bị coi là ô
uế.
Người phụ nữ ở đây bị bệnh đã lâu, phải sống trong đau khổ,
cô đơn và buồn tủi. Vì thế, gặp được Chúa là một cơ hội may mắn đối với bà. Bà
đã khiêm nhường chỉ dám chạm đến áo Chúa. Bà đã có lòng tin mạnh mẽ, nên bà đã
được chữa khỏi. Bà chạm đến áo Chúa không phải chỉ bằng tay mà còn bằng
cả lòng tin nữa, một lòng tin đơn sơ mà mãnh liệt, một lòng tin sâu
xa đến nỗi đã đụng chạm cả vào trái tim đầy lòng thương xót của Chúa.
Về phía Chúa Giêsu, Ngài đã cảm nhận được sự đụng chạm của
niềm tin ấy, khiến từ nơi Ngài phát xuất sức mạnh chữa lành người phụ nữ khốn
khổ kia. Chính tình thương của Chúa đã nâng dậy một con người thấp hèn. Tình
thương của Chúa cũng xóa bỏ ranh giới ngăn cách người phụ nữ với cộng đồng, với
phụng vụ và lề luật. Chúa đã tháo cởi dây trói thành kiến và nghi kỵ của xã hội
đối với người phụ nữ đáng thương. Chúa đem lại cho bà bình an và lòng tự tin.
Cái chạm tay của Chúa Giêsu
Khi Chúa Giêsu đang ở bờ biển, có đám đông dân chúng đi
theo Chúa. Chợt ông Giairô, trưởng Hội Đường Do Thái bước đến và quỳ xuống trước
mặt Chúa để nài xin Chúa đến cứu chữa con gái ông đang hấp hối. Chúa Giêsu chấp
nhận lời cầu xin của ông vì thấy ông thật khiêm tốn và có lòng tin.
Thế nhưng, Chúa vẫn còn muốn thử thách niềm tin ấy. Giữa
đường, người nhà của ông trưởng Hội Đường đến báo tin con gái ông đã chết! Chúa
Giêsu đã an ủi và củng cố đức tin của ông khi nói với ông: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin.”
Cuối cùng, khi đến nhà ông, Chúa Giêsu đã cầm
tay bé gái và truyền cho em chỗi dậy. Có thể nói, còn hơn cả “cái chạm tay”, Chúa
Giêsu đã cầm lấy tay em bé, truyền sức sống cho em để em chỗi dậy từ cõi chết.
Qua cử chỉ vừa yêu thương vừa đầy uy quyền, Chúa Giêsu đã đem lại sự hồi sinh
cho em bé. Quả thật, khi con người không thể vươn lên cao được, thì Chúa đã cúi
xuống để vực con người lên. Bàn tay Thiên Chúa khi nắm lấy bàn tay con người,
đã xóa nhòa khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Bàn tay Thiên Chúa nắm lấy
bàn tay con người đã nối liền vô biên với giới hạn. Bàn tay Thiên Chúa nắm lấy
bàn tay con người đã truyền sinh khí và sự sống cho con người. Còn về phía con
người, tất cả những gì chúng ta có thể làm được, là đặt bàn tay chúng ta vào
bàn tay Thiên Chúa với lòng cậy trông.
Chúa vẫn chạm đến ta mỗi ngày
Ngày hôm nay, trong đời sống kitô hữu, đã nhiều lần chúng
ta được đụng chạm đến Chúa. Dù chúng ta là những con người phàm tục, Chúa vẫn để
cho chúng ta đụng chạm đến Ngài là Đấng rất thánh. Dù đôi môi chúng ta bất xứng,
chúng ta vẫn được đụng chạm đến lời Chúa. Dù miệng lưỡi chúng ta thô tục, chúng
ta vẫn được đụng chạm đến Mình Máu Thánh Ngài.
Như người phụ nữ bệnh hoạn, đôi tay run rẩy chạm đến áo
Chúa, Chúa vẫn sẵn sàng để truyền hơi ấm và sức mạnh đến cho bà. Như người trưởng
Hội Đường chỉ xin Chúa đặt tay trên con gái mình, Chúa đã nắm lấy cả bàn tay em
và ban cho em cả cuộc sống. Mỗi ngày, chúng ta cần chạm đến Chúa và chúng ta
cũng cần được Ngài chạm tới.
Sự đụng chạm sâu xa nhất là sự đụng chạm của lòng tin. Sự đụng chạm
đem đến sự biến đổi, chính là sự đụng chạm giữa trái tim với trái tim.
Chúng ta cần có lòng tin để chạm đến Chúa. Và chúng ta
cũng cần có sự nhạy cảm để nhận ra những “cái đụng nhẹ” của Ngài trong cuộc sống,
khi Ngài muốn nhắc nhở chúng ta điều gì.
Hơn lúc nào hết, khi rước Chúa vào lòng, Chúa không chỉ đụng
chạm đến lòng ta, nhưng Ngài còn hòa tan trong thể xác ta, để Ngài có thể hòa
nhập vào cuộc sống ta. Những lúc ấy, ta cũng được mời gọi để cũng đụng chạm và
hòa trộn vào những số phận hẩm hiu và bất hạnh chung quanh ta.
Vào tháng 12 năm 1986, khi Đức Tổng Giám Mục Canterbury,
Robert Runcie đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta, ngài đã quỳ gối xuống để
hôn chân Mẹ Têrêxa. Đức Tổng Giám Mục không phải là kẻ độc nhất diễn tả tâm
tình đó. Khi Mẹ Têrêxa đi đến đâu, đám đông thường vây quanh Mẹ để hy vọng được
chạm đến Mẹ hoặc sờ chân Mẹ mà thôi.
Sở dĩ Mẹ Têrêsa được vinh dự đó, vì Mẹ đã để ra cả cuộc đời
mình để chạm đến những thân phận đau khổ và bệnh tật, những người cùi hủi và
nghèo khó nhất. Qua những con người bất hạnh đó, Mẹ đã đụng chạm đến chính Chúa
Giêsu.