CÁC CON BẢO THẦY LÀ AI?
Tại sao tôi còn sợ hãi, tại sao tôi còn đau
khổ? Hãy tự hỏi mình xem Chúa là ai đối với tôi, và Chúa ở đâu trong đời tôi.
Trước khi trở lại đạo, Genesius, vị thánh quan thầy của
giới tài tử sân khấu, là một kịch sĩ nổi tiếng có nhiều ác cảm với đạo. Một phần
ghét đạo, một phần lại sống trong thời của vị hoàng đế bắt đạo Diocletianus,
nên anh định viết một vở hài kịch chế diễu các nghi lễ Kitô giáo. Để viết kịch,
anh phải giả làm dự tòng đến một giáo đoàn ở Rôma để xin học đạo, định bụng là
sau khi biết đủ những gì cần biết, anh sẽ viết một vở kịch chế diễu phép rửa tội.
Nhưng khi nói với các diễn viên về phép rửa trong lúc tập
kịch, tự nhiên Genesius lại thấy mình muốn tin và ước ao chịu phép rửa. Lòng ao
ước đó cứ lớn dần lên trong anh, cho đến hôm lần đầu diễn vở kịch cho hoàng đế
và quần thần xem, thì Thánh Thần tác động lên anh, anh không đóng kịch nữa mà
kêu lên từ đáy lòng: “Hỡi các bạn hề của
tôi, tôi ao ước được trở nên một Kitô hữu.”
Các bạn diễn hỏi tại sao thì anh nói: “Suốt đời tôi chỉ là phù du, nay tôi đã tìm
thấy Thiên Chúa.” Mọi người, kể cả hoàng đế rũ ra mà cười, nghĩ rằng
Genesius nhập vai rất hay. Hai kịch sĩ bước vào, một đóng vai linh mục, một phù
thủy. Khi họ hỏi anh muốn gì, anh lập lại ước muốn được rửa tội. Hai kịch sĩ đó
rửa tội cho anh đúng như anh chỉ cho họ.
Rồi Genesius nói với hoàng đế, binh lính và dân chúng: “Tôi viết và đóng kịch để chế diễu (…) nhưng nay tôi đã tin và khi tôi nói những lời
này, tôi thấy thiên thần của Chúa ở quanh tôi. Các thiên thần cho tôi biết nước
rửa tội đã rửa tôi sạch hết mọi tội lỗi cũng như các sự dữ tôi đã làm. (…)
“Hỡi hoàng đế,
hãy tin vào những mầu nhiệm này! Tôi sẽ dạy cho ngài và ngài sẽ biết Chúa Giêsu
Kitô là Thiên Chúa thật.”
Lời Genesius làm đám đông nhốn nháo cả lên, hoàng đế cho
trói anh lại mà đánh đòn và xẻo thịt anh. Dù phải đau đớn, anh vẫn tuyên xưng
Giêsu là Thiên Chúa. Khi hoàng đế ra lệnh chém đầu, anh kêu to: “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và chúng ta sẽ
có sự sống nhờ danh Ngài.”
Chúa hỏi các tông đồ: “Các
con bảo Thầy là ai?” vì nhận biết Chúa là điều cốt yếu trong niềm
tin Kitô, để được sự sống đời đời.
Có rất nhiều điều cần biết trong cuộc sống, nhưng trên hết
vẫn là nhận biết Thiên Chúa. Từ đáy lòng mình, ai cũng mong ước sự sống đời đời,
nhưng ai sẽ mang sự sống đó đến cho chúng ta nếu không phải là Thiên Chúa – Đấng
là chính sự sống.
Tin Mừng cho chúng ta là sự sống đó đã được ban cho chúng
ta nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chính nhờ Người, với Người và trong
Người mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa, “ngoài
Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh
nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu
độ." (Cv 4,12)
Nhận biết Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống
không phải là cái biết của trí thức, mà là cái biết của niềm tin, của ơn cứu
độ. Sự nhận biết đó trước hết là một ân sủng, như Chúa Giêsu đã nói: “chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải
cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Sự nhận biết đó là điểm bắt đầu cho sự sống đời đời, làm cho người
ta được hoà hợp nên một với Thiên Chúa trong những chọn lựa của mình: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời. Sự
gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, sự gì con cởi mở dưới đất,
trên trời cũng cởi mở.” (Mt 16,17.19)
Tuy là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng sự nhận biết đó cũng
đòi hỏi một chọn lựa lớn lao, như Chúa Giêsu đã cho Phêrô biết: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn
trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải
dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."
Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế
rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."
(Ga 21,18-19)
Phần thánh Phaolô, ngài đã được tiếng từ trời tỏ cho biết
Chúa Giêsu, và ngài cũng dành cả cuộc đời để sống theo sự nhận biết đó, như lời
ngài tâm sự: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ
máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.” (2Tm 4,6-7)
Ngài đã vươn lên khỏi chính mình mà hoà
hợp nên một với Thiên Chúa trong tình yêu cứu độ: “Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn
ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi
ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu
đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm
thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,27-29)
Dù phải chịu bao gian khổ, nhưng sự nhận biết Thiên Chúa
làm cho hai ngài không hề sờn lòng, mà vững tin vào chiến thắng sau cùng cho sự
chọn lựa của mình: “Tôi đã tìm kiếm Chúa,
và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ
vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.” (Tv 33,5-6)
Tại sao tôi còn sợ hãi, tại sao tôi còn đau khổ? Hãy tự hỏi mình xem Chúa là
ai đối với tôi, và Chúa ở đâu trong đời tôi.